P.V: Trong làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam, Nghệ An thực sự đã phải đối diện với hiểm nguy Covid-19 mang đến. Sau hơn nửa tháng dịch bùng phát mạnh, ở thời điểm này, Nghệ An đã thực sự khống chế được dịch bệnh hay chưa, thưa ông?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 của Việt Nam, Nghệ An đã có 1 ca mắc đầu tiên tại cộng đồng vào ngày 6/5. Tiếp sau đó một tháng, Nghệ An bình an trước dịch trong bối cảnh dịch hoành hành trong cả nước. Nhưng rồi, ngày 13/6, Nghệ An phát hiện ca nhiễm thứ 2 tại cộng đồng, ở thành phố Vinh và từ đây đồng loạt xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Tính đến sáng 4/7, Nghệ An đã có tới 121 ca nhiễm, không tính 2 bệnh nhân tái nhiễm từ Bắc Giang trở về. Phải nói rằng, trong hơn nửa tháng qua, Nghệ An đã thực sự vất vả và có những thời điểm rất căng thẳng để chống đỡ với dịch bệnh.
Tuy nhiên, đáng mừng là trong những ngày gần đây, xu thế ca mắc trong cộng đồng giảm, chỉ có những ca mắc mới là trường hợp ở trong khu cách ly. Nếu các ca nhiễm chỉ xuất hiện trong khu cách ly thì xem như đã khống chế được dịch và tạm thời yên tâm. Điều này cho thấy những giải pháp phòng, chống dịch của Nghệ An đều đúng và trúng. Theo nhận định của ngành y tế, vẫn còn đó nhưng ca lẩn khuất, “âm ỉ” trong cộng đồng song chúng ta chưa phát hiện triệt để. Song có thể nói rằng dịch Covid-19 đã bắt đầu theo chiều hướng mà chúng ta có thể làm chủ được.
P.V: Chúng ta tạm thời yên tâm nhưng không thể chủ quan bởi dịch còn diễn biến phức tạp. Ở thời điểm này, những mối nguy cơ dịch Covid-19 tại Nghệ An là gì, thưa ông?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Phải nói rằng, Nghệ An đã, đang và sẽ chống dịch từ hai chiều, đó là dịch “ngoại xâm” và dịch “nội tại”. Về “ngoại xâm”, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước hiện vẫn đang rất phức tạp. Trong khi đó, Nghệ An lại là một tỉnh có các tuyến giao thông quốc gia, liên quốc gia với cảng hàng không, đường biên giới, đường sắt, đường bộ…, rất khó để kiểm soát hết đường vào ra, qua lại. Hơn nửa tháng qua, chúng ta đã có những ca nhiễm là công dân từ Bắc Giang về, có công dân đã cách ly, điều trị, làm xét nghiệm âm tính rồi nhưng về Nghệ An lại dương tính như các trường hợp ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp và huyện Quế Phong. Có những chuyến xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua, từ Quảng Ngãi ra mang theo bệnh nhân. Rồi những địa phương cận kề như tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có dịch bùng phát…
Về “nội tại”, Nghệ An đã có những ổ dịch Covid-19. Song ở thời điểm này, nhiều ổ dịch đã không còn đáng lo khi về mặt dịch tễ, dịch ở nhưng ổ này đã trải qua chu kỳ lây nhiễm. Bây giờ đáng lo nhất chính là ổ dịch chợ đầu mối – trung tâm giao thương của tỉnh và vùng lân cận. Đây là một ổ dịch lớn khi mà có tới 42/121 ca nhiễm có liên quan đến. Những ngày qua, Nghệ An đã ra quân đồng loạt, tập trung rà soát, truy vết được 6.655 người từng đến/trở về từ chợ đầu mối và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, dẫu chúng ta đã cố gắng song vẫn còn có một số người dân vẫn chưa tự giác khai báo mình đến/trở về từ chợ đầu mối.
Một điểm cần lưu ý nữa đó là chu kỳ lây nhiễm dịch Covid-19 lần này ngắn hơn rất nhiều so với những lần trước, cứ 2-3 ngày là một chu kỳ lây nhiễm mới nên tốc độ lây lan rất nhanh. Chính vì vậy, từ chợ đầu mối Vinh có thể dịch Covid-19 chuyển dời sang những vị trí, địa phương khác và phát triển thành ổ dịch mới. Thời gian tới, chúng ta phải cố gắng thêm rất nhiều để hoàn toàn khống chế được làn sóng thứ 4 dịch Covid-19 ở Nghệ An.
P.V: Nghệ An hiện đang nằm ở cấp độ dịch nào? Ở cấp độ đó thì chúng ta sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp chống dịch tiếp theo ra sao?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Khi chưa có dịch Covid-19 xảy ra (cấp độ 1) thì Nghệ An đã xây dựng kịch bản chống dịch ở các cấp độ tiếp theo. Và phải nói rằng, dịch Covid-19 ở Nghệ An tăng cấp độ rất nhanh. Bây giờ, chúng ta đã chuyển sang cấp độ 5 (trên 100 người mắc) và đây đã là cấp độ cao nhất trong phòng chống dịch.
Thực ra, phòng chống dịch Covid-19 ở Nghệ An, khi ở cấp độ 3 (dưới 50 ca mắc) thì chúng ta đã tăng cấp độ chống dịch lên mức cao nhất (cấp độ 5) với việc kích hoạt tối đa cả hệ thống chính trị, xã hội và toàn thể cộng đồng cùng vào cuộc. Bây giờ, ở cấp độ 5, Nghệ An cần phải làm tốt hơn các giải pháp đã triển khai.
Trong chống dịch, có 3 phương án đã triển khai thực hiện. Về phương án nhân lực, Nghệ An đã thành lập các tổ điều tra truy vết cộng đồng; tổ chức các đội lấy mẫu. Về phương án xét nghiệm, Nghệ An đã tăng năng lực lấy mẫu và xét nghiệm với việc hiện đã có thể lấy 200.000 mẫu/ngày, xét nghiệm PCR 40.000 mẫu/ngày. Về phương án điều trị, Nghệ An đã thành lập bệnh viện dã chiến số 1 với quy mô tối đa có thể điều trị 130 bệnh nhân cùng lúc và hiện đang thành lập bệnh viện dã chiến thứ 2.
Hiện nay, khi đã ở cấp độ chống dịch cao nhất, Nghệ An sẽ căn cứ tình hình, điều kiện thực tế để ban hành thêm các giải pháp chống dịch hữu hiệu và phù hợp.
P.V: Trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể lan rộng hơn nữa. Lúc này 1 trường hợp F0 sẽ tạo nên hàng trăm, hàng ngàn trường hợp F1. Vậy Nghệ An có tính toán đến việc thực hiện điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà hay không, thưa ông?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Hiện nay, đang có sự tranh luận là nên hay không nên cách ly, điều trị F0, F1 ở ngay tại gia đình. Qua phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã biết có những quốc gia, địa phương đã thực hiện điều trị, cách ly F0, F1 tại nhà. Ở trong nước, có địa phương cũng đã đề xuất cho phép thực hiện điều này… Còn theo quan điểm của ngành Y tế Nghệ An thì: Ở các nước châu Âu, nước phát triển thì có thể thực hiện cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà vì ở đó người dân gần như đều đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Với những người đã tiêm vaccine, việc bị nhiễm Covid-19 cũng giống như người lành mang bệnh, không có xuất hiện triệu chứng gì. Và ở đó, việc cách ly tại nhà thực tế là nhằm chống lây lan dịch và không cần đến bệnh viện điều trị. Ở các nước này, việc điều trị, cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà có thể thực hiện được.
Ở Nghệ An, các trường hợp F0 đều có triệu chứng nên chúng ta không thể thực hiện được việc cho F0 cách ly, điều trị tại nhà. Riêng với trường hợp F1 thì lại cần phải xem xét việc xác định F1 đã chính xác hay chưa. Lâu nay, chúng ta vẫn chống dịch theo phương châm “thà thừa chứ không bỏ sót” vậy nên số lượng F1 được phát hiện rất nhiều, dẫu trong đó có những trường hợp F1 có nguy cơ dương tính rất thấp.
Trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, số lượng trường hợp F1 lớn, địa phương gặp khó khăn, không đủ điều kiện cơ sở vật chất để cách ly tập trung phòng bệnh thì Nghệ An sẽ xem xét việc cho các trường hợp F1 nguy cơ thấp được cách ly tại nhà. Thực tế thì hiện nay, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc cách ly tập trung phòng bệnh. Các cơ sở cách ly hiện tại đều là tận dụng như trường học, khách sạn. Ở những cơ sở cách ly không đảm bảo như hiện nay thì việc cách ly ở nhà còn tốt hơn khi người cách ly có đủ điều kiện sinh hoạt và cũng đỡ tốn kém nguồn lực cho xã hội.
Vừa qua, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương nếu cần thì thực hiện thí điểm cách ly các trường hợp F1 và người liên quan tại nhà. Và Nghệ An cũng đã áp dụng tại huyện Diễn Châu tương đối hiệu quả. Tuy nhiên cần phải nhắc thêm: Để được cách ly tại nhà thì địa phương và các ngành chức năng phải thực hiện quản lý thật tốt và bản thân người thực hiện cách ly phải nghiêm túc chấp hành.
P.V: Chúng ta thấy rõ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là yếu tố tiên quyết để chống dịch thành công, ông có thể cho biết sắp tới Nghệ An sẽ tiếp tục thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 ra sao?
PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Để chống dịch Covid-19 thì “5K + vaccine” chính là điều kiện lý tưởng nhất để thành công. Đặc biệt vaccine chính là lá chắn thép để phòng ngừa dịch bệnh. Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 có những điểm lợi là khi đã được tiêm khả năng người nhiễm phát tán, làm lây lan Covid-19 là rất thấp. Lúc này người đã tiêm có bị lây nhiễm thì rất ít triệu chứng lâm sàng do độc lực của virus SARS-CoV-2 bị giảm thiểu, tải lượng virus cũng rất ít nên khả năng, mức độ lây nhiễm sang người khác thấp.
Như đã nói “5K +vaccine” là điều kiện lý tưởng, song phải nói rằng ở Việt Nam việc thực hiện triệt để 5K là rất khó do ý thức người dân, do môi trường sống, điều kiện công việc. Vấn đề đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn thì dễ nhưng để giữ khoảng cách là khó… Vậy nên không gì hơn là tiêm vaccine phòng Covid-19. Nghệ An đã nhiều lần đề nghị trong các cuộc họp, bằng văn bản lên Chính phủ, Bộ Y tế để người dân trong tỉnh sớm được tiếp cận vaccine, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bùng phát như hiện nay.
Tiêm vaccine phòng Covid-19, thời gian qua UBND tỉnh đã có kế hoạch chung và ngành y tế cũng đã có những kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Nghệ An đã tổ chức được 2 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lực lượng chống dịch tuyến đầu rất thành công. Song phải nói rằng số lượng người được tiêm là rất ít; toàn tỉnh mới chỉ tiêm được cho 45.000 người trên tổng số 3,5 triệu người. Trong quá trình triển khai, vẫn có những địa phương khó khăn, lúng túng, chưa đảm bảo tiến độ thời gian.
Nghệ An đang chuẩn bị cho việc vaccine về với số lượng lớn trong thời gian tới. Ngành y tế sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và giao cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các địa phương triển khai tiêm vaccine với kịch bản cụ thể, làm sao cho người dân sớm tiếp cận vaccine, càng nhiều người được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì càng tốt.
P.V: Xin cảm ơn ông!