Trưa ngày 21/01/2020, chị Thò Y X. (SN 1993), cư trú tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong do mâu thuẫn gia đình đã ăn lá ngón tự tử. Chị X. được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã Tri Lễ trong tình trạng bị nhiễm độc nặng, toàn thân tím tái, khó thở, mạch đập yếu, nguy hiểm đến tính mạng. Các y, bác sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ và Trạm Y tế xã đã khẩn trương cứu chữa cho nạn nhân. Sau 3 giờ tích cực cấp cứu, hồi sức đến chiều cùng ngày bệnh nhân đã hết tím tái, đỡ khó thở, có thể nói chuyện.
Sau trường hợp chị X , tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã có hàng loạt vụ tự tử bằng lá ngón liên tiếp xảy ra: Chiều 10/2/2020, chị Lỳ Y B (sinh năm 1997, cư trú tại bản Pà Khốm) do mâu thuẫn gia đình đã ăn lá ngón tự tử. Chiều tối 23/2/2020, anh Hà Văn C (sinh năm 1996, bản Yên Sơn) do cãi nhau với vợ đã ăn lá ngón tự tử. Ngày 22/3/2020, chị Vừ Y M (sinh năm 1990, bản Pà Khốm) vào rừng hái lá ngón ăn tự tử. Chiều 9/4/2020, em Thò Y Nh. và em Và Y N. (13 tuổi, học sinh lớp 7, bản Mường Lống, xã Tri Lễ) bực tức khi bị bạn bè trêu chọc hái lá ngón ăn tự tử, Nh tử vong trước khi tới cơ sở y tế. Chiều 10/5/2020, chị Và Y Dìa (sinh năm 2001, bản Na Niếng) sau khi xảy ra tranh cãi với chồng đã ăn lá ngón quyên sinh, để lại con thơ 8 tháng tuổi. Mới đây, tối 2/6/2020, chị Lỳ Y M (sinh năm 1995, bản Huồi Mới) do mâu thuẫn trong gia đình đã ăn lá ngón tự tử. Tối ngày 14/6, em Vừ Y A (15 tuổi, học sinh THCS, bản Huồi Xái) buồn chán việc gia đình đã ăn lá ngón tự tử…
Ở huyện Kỳ Sơn, từ đầu năm đến nay hầu như ở các xã vùng cao huyện Kỳ Sơn đều có 1-2 vụ quyên sinh bằng loại cây độc dược này. Sáng 23/01/2020, tại xã Bắc Lý, do mâu thuẫn gia đình anh Moong Văn S (sinh năm 1994) và anh Lương Văn C (sinh năm 1988) đã ăn lá ngón tự tử, khi được phát hiện, cứu chữa thì đã quá muộn. Ngày 25/3/2020, tại xã Na Ngoi, anh Thò Bá K (sinh năm 1994, đã có vợ con) và chị Xồng Y T (sinh năm 2002, hiện đang là học sinh) do bế tắc trong quan hệ yêu đương đã cùng ăn lá ngón tự tử, hậu quả anh K chết tại chỗ, còn chị T nhiễm độc nặng. Ngày 04/6/2020, do mâu thuẫn với chồng, chị Xeo Mẹ H (sinh năm 1982, bản Quyết Thắng, xã Keng Đu) đã rủ con gái là Xeo Thị B đang học trường Trung học cơ sở dân tộc bán trú xã Keng Đu ăn lá ngón tự tử. Ngày 07/6/2020, anh Lương Văn P (sinh năm 1995, bản Pụng, xã Mường Ải) do mâu thuẫn trong gia đình đã ăn lá ngón tự tử.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn: 6 tháng đầu năm 2020, Khoa Cấp cứu của đơn vị đã tiếp nhận và cứu được 5 trường hợp tự tử do ăn lá ngón. Con số này chưa bao quát tình hình toàn huyện mà chỉ tính những xã xung quanh khu vực thị trấn, không tính ở những xã vùng sâu (chỉ tính riêng xã Na Ngoi từ đầu năm đến nay đã có 3 vụ tự tử bằng lá ngón)…
Trước đó, năm 2019, Trung tâm tiếp nhận cấp cứu điều trị 10 trường hợp ăn lá ngón và có 1 trường hợp tử vong. Ít hơn so với huyện Kỳ Sơn song 6 tháng qua, Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cũng đã kịp cứu sống 3 trường hợp tự tử bằng lá ngón trên địa bàn. Bác sĩ Vi Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cũng cho hay: “Tình trạng ăn lá ngón tự tử ở Tương Dương không nhiều song năm nào cũng vài ba vụ, có người tử vong do phát hiện muộn, không thể cứu trị”. Còn thống kê của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, riêng trung tuần tháng 6, toàn tỉnh đã có 7 vụ ngộ độc lá ngón tại các xã vùng biên.
Lá ngón là loại được coi là 1 trong 4 loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuốc độc bảng A). Một người khỏe mạnh chỉ cần ăn 3 lá dẫn đến tử vong. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Nói về tình trạng ăn lá ngón trong lứa tuổi học sinh ở vùng cao, thầy giáo Nguyễn Đình Hùng – Hiệu phó Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi đau xót kể: “Ở Kỳ Sơn, tình trạng học sinh ăn lá ngón nhiều nhất vẫn là khu vực các xã Huồi Tụ và Mường Lống. Khi tôi còn làm hiệu phó ở Trường THCS Huồi Tụ thì tuần nào cũng phải vác học sinh học nội trú đi xóc ruột do ăn lá ngón. Đêm vừa mới chợp mắt thì học sinh chạy ào lên “Thầy ơi, hắn lại ăn rồi thầy ơi” rứa là choàng dậy đưa học trò chạy lên Trạm Y tế để rửa ruột. Quen dần, thành thử mình cũng có kỹ năng cấp cứu ngộ độc lá ngón…”.
Theo một nghiên cứu của Đồn Biên phòng Tri Lễ: Ngộ độc lá ngón hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 14 – 35, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ăn lá ngón tự tử là do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình dẫn đến bức xúc không kiềm chế được cộng với sự kém hiểu biết… Thượng tá Hồ Quốc Hải – Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Tình trạng ngộ độc lá ngón xảy ra từ lâu nhưng năm 2020 này thì nóng hơn cả. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đồng bào vùng cao thường mượn lá ngón để giải quyết bế tắc, mâu thuẫn, đó là: Dân trí chưa cao; nhận thức cuộc sống chưa đầy đủ; thiếu kỹ năng sống; quan hệ yêu đương bị cấm cản; tác động tiêu cực của lối sống hiện đại, mạng xã hội; đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn…”.
Thượng tá Nguyễn Văn Đại – Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi cho rằng: “Đồng bào các dân tộc vùng cao với bản tính thật thà chất phác, ít tiếp xúc xã hội nên bản thân họ thiếu những kỹ năng sống đặc biệt là cách thức, ý chí, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Họ gặp trắc trở thì tìm lá ngón như một phương thức giải quyết”.
Ông Sồng Vả Dềnh – Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi kể về 1 trường hợp tử vong do ăn lá ngón vào năm 2016 tại địa phương: Có bé gái mới 14 tuổi được người yêu “bắt vợ”. Về nhà chồng chưa được ba ngày thì nghe hàng xóm, họ hàng bảo người chồng mới 18-19 tuổi này có rất nhiều tật xấu. Cô bé này nghiệm lại thì thấy chồng có những tật xấu như vậy nên nghĩ thế là mình khổ rồi, hết đời rồi và tìm đến lá ngón… Trên địa bàn trước giờ khá nhiều vụ tự tử như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về cuộc sống, xã hội và pháp luật. Có trường hợp yêu đương, tảo hôn khi chính quyền, các ban ngành địa phương đến tuyên truyền vận động; gia đình cấm cản thì cũng tìm đến lá ngón.
Tiến sĩ Lã Thị Thanh Huyền, giáo viên ngữ văn Trường PTDT Bán trú THCS Na Ngoi (người có 20 năm dạy học ở các xã Mường Lống và Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn) cho rằng: “Một nguyên nhân cần phải nhắc đến đó là nét văn hóa gia đình, tập quán của người dân vùng cao. Trong gia đình, bố mẹ rất ít khi quát mắng trẻ, rất ít khi chia sẻ cùng con. Từ đó, đứa trẻ phát triển rất tự nhiên, hình thành nhân cách với một cái tôi rất lớn. Khi cái tôi bị gò ép thì người vùng cao xuất hiện trạng thái tự ái, tự ti, tâm lý tiêu cực tức thời nổi lên”.
Ông Phan Văn Thiết – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn nêu quan điểm: “Để xảy ra tình trạng người dân tìm đến lá ngón để giải quyết vấn đề mâu thuẫn, bế tắc đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, xã hội địa phương, của nhà trường, chính bản thân nạn nhân và gia đình. Trước giờ, chúng ta vẫn chưa quan tâm vấn đề này đúng mức nên công tác tuyên truyền chưa đúng mức… Rõ ràng những người tìm đến lá ngón còn đều rất trẻ. Họ đang trong độ tuổi sung sức nhất; là “tài sản”, tương lai đưa các địa phương miền núi thoát nghèo. Mất họ chính là một tổn thất vô cùng to lớn”.