Để ngành mía đường phát triển bền vững, bên cạnh tiếp cận các tiến bộ KHKT trong trồng và chăm sóc mía, thì phía doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp phù hợp để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đầu tư trở lại cho vùng nguyên liệu. Ngành mía đường cần phải tái cơ cấu một cách toàn diện, triệt để từ nguyên liệu, chế biến đến khâu phân phối, lưu thông mới có thể phát triển ổn định, bền vững.
Đảm bảo nguồn nguyên liệu mía ổn định cho nhà máy hoạt động là điều đầu tiên phải tính đến khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đường; do đó, thời gian qua, nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đồng hành, chia sẻ, gắn bó mật thiết và minh bạch về lợi ích với người nông dân trồng mía.
Chẳng hạn, NASU đã xây dựng chính sách hỗ trợ đầu vào sản xuất như: Khai hoang chuyển đổi từ các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng mía được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; xây dựng ruộng nhân giống cấp 1 và cấp 2 được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha và hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha khi nông dân mua và trồng các giống mía LK92-11, KK3 từ các ruộng nhân giống cấp 3. Công ty cho nông dân vay tiền với lãi suất ưu đãi, bằng lãi suất của ngân hàng chính sách áp dụng với các hộ nghèo để mua giống, cày đất, trồng mía…
Ông Ngô Vân Tú cho biết thêm: Vào vụ thu hoạch, tổng đài 7039 của công ty chủ động gửi tin nhắn đến nông dân về tình trạng cấp lệnh thu hoạch và điều xe vận chuyển mía; nông dân gửi tin nhắn đến tổng đài để biết thông tin có liên quan về các khoản nợ phải trả, sản lượng và chất lượng mía nhập về, tiền bán mía được nhận… Cùng với đó, công ty chia sẻ lợi ích với nông dân thông qua cơ chế khuyến khích thưởng hàng chục tỷ đồng/năm cho tất cả những chuyến mía có chữ đường (CCS) cao hơn trung bình 5 ngày 0,5CCS với mức thưởng là 60.000 đồng/1 CCS tăng thêm. Nhờ sự chính xác, khách quan và minh bạch nên gần như không có tranh chấp giữa công ty và người dân. Ngoài ra, nếu có sự gia tăng đáng kể về giá đường trên thị trường thì việc tăng giá thu mua mía tại NASU được hồi tố cho tất cả lượng mía đã nhập về, kể cả đầu vụ ép, trên cơ sở cân nhắc mức lợi nhuận hợp lý giữa công ty và nông dân.
Hiện nay, một số doanh nghiệp ngành mía đường của tỉnh cũng đã ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành được công ty quan tâm áp dụng, từ điện thoại thông minh có kết nối Internet, nông dân dễ dàng truy cập để biết thông tin về sản lượng mía, tình trạng lệnh thu hoạch và lệnh vận chuyển; truy cập công thức bón phân… qua đó, tạo kênh thông tin 2 chiều, minh bạch giữa nông dân và nhà máy, giảm phí sử dụng dịch vụ tin nhắn cho nông dân…
Các nhà máy cũng từng bước khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa vào sản xuất mía thông qua chính sách cho nông dân vay tiền không tính lãi suất, để mua các loại máy cày nhỏ, máy chăm sóc mía. Bên cạnh đó, duy trì các chương trình đào tạo, tập huấn, hội thảo đồng ruộng để chuyển giao, áp dụng nhanh các kiến thức KHKT mới vào sản xuất. Cùng với mở rộng diện tích các giống mía mới LK92-11, KK3 có năng suất cao, lưu gốc tốt, kháng các loại bệnh, đặc biệt là bệnh chồi cỏ đã giúp nông dân kéo dài số năm để mía lưu gốc, trong giai đoạn đầu của cây mía phát triển, nhiều nông dân còn trồng xen canh cây họ đậu, ngoài che phủ đất, tạo điều kiện để thiên địch phát triển, cải tạo đất trồng mía, tăng thêm thu nhập từ 20-25 triệu đồng/ha.
Việc cơ giới hóa vào sản xuất mía trên các cánh đồng lớn ngày càng được các nhà máy quan tâm và người dân hưởng ứng. Ví dụ, các mô hình cánh đồng mẫu lớn như: Đội 6 – Công ty NN Xuân Thành, bản Nhạ – Châu Cường, Nghĩa Mai, Nghĩa Khánh, Nghĩa Bình, Văn Lợi, Hạ Sơn, Công ty NN Xuân Thành với 160 ha trồng mía bằng máy, 502 ha bón phân bằng máy… Người trồng cũng sử dụng máy cày 4 chảo, bừa 7 chảo để cày sâu, cày ngầm giúp cây mía tăng khả năng chống hạn, chống đổ, tăng khả năng lưu gốc; sử dụng máy trồng mía để tăng khả năng nảy mầm, trồng mía đúng thời vụ, giảm công lao động.
Để cây mía nguyên liệu phát triển ổn định không chỉ là trăn trở của các doanh nghiệp mà ngay cả với người dân trồng mía. Ông Hà Xuân Niệm – đại diện người trồng mía ở xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho hay: Mong muốn lớn nhất của người trồng mía là nhà máy sớm cung ứng các giống mía có năng suất cao vào trồng; cùng đó, thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn phải cam kết đúng thời gian thu hoạch cho người dân, minh bạch với người trồng mía trong khâu đo độ đường của mía tại nhà máy.
Ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng: Nhà máy đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cây mía. Để làm tốt điều đó, trước hết phía nhà máy phải đầu tư nâng cao công suất dây chuyền sản xuất, rút ngắn thời gian ép từ 4 tháng như hiện nay, xuống 3 tháng, đẩy nhanh tiến độ thu mua mía cho người dân, nhằm tránh tình trạng mía trổ cờ, gặp nắng hạn, khiến chất lượng mía bị giảm. Ngoài ra, phía nhà máy cần đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi… từ ngọn mía, để thu mua hết phụ phẩm. Nếu không thì số lượng ngọn mía rất lớn sẽ bị bỏ lãng phí ngoài ruộng sau khi thu hoạch.
Mặc dù những năm qua, các địa phương đã tích cực chuyển đổi ruộng đất, nhưng diện tích mía trồng tập trung để cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch mới được khoảng 1.000 ha là thấp so với tổng diện tích đất trồng mía của cả huyện. Do vậy, chính quyền địa phương các xã, tiếp tục chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, tạo những cánh đồng mía lớn, chuyên canh, tăng năng suất và giảm sức lao động cho người dân.
Ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp thì cho rằng: Để vùng nguyên liệu mía phát triển ổn định về diện tích và năng suất, nhà máy cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người trồng mía để tạo chuỗi sản xuất từ khâu trồng đến thu hoạch, vận chuyển. Cùng với đó là đưa giống mới có hàm lượng đường cao, khả năng tái sinh tốt vào trồng, kết hợp đầu tư giao thông, thủy lợi… để vùng mía phát triển ổn định, hạn chế tình trạng bỏ cây mía sang trồng cây khác. Khi đó, người nông dân mới yên tâm sản xuất và doanh nghiệp mới có vùng nguyên liệu ổn định.
Đối với khâu sản xuất chế biến, cần đổi mới, cải tiến công nghệ các nhà máy chế biến mía đường hiện có nhằm đa dạng hóa sản phẩm ngoài đường và sau đường như bột nêm, cồn, xăng sinh học, giấy… để tạo chu trình khép kín, mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp cũng đã thực hiện giải pháp đa dạng hóa sản phẩm, như ở Công ty NASU, ngoài đường tinh luyện còn tận dụng phụ phẩm để chế biến các sản phẩm phục vụ sản xuất. Ông Ngô Vân Tú – Tổng Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình chế biến, tùy nhu cầu thị trường mà nhà máy sản xuất ra 3 loại đường. Đó là đường tinh luyện để cung cấp cho khách hàng công nghiệp cao cấp sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất sữa. Đường trắng đồn điền dành cung cấp cho khách hàng công nghiệp chung sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất bánh, kẹo… Đường vàng thì sử dụng trực tiếp hàng ngày, nấu ăn…
“Ngoài ra, bã mía tươi sạch dùng để cung cấp cho Trang trại TH để phối trộn làm thức ăn thô cho bò sữa; bã mía khô, cũ để phối trộn làm nền chuồng cho bò sữa. Đối với bã bùn: Cung cấp làm phân bón cho nông dân và cung cấp làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân hữu cơ kết hợp phân chuồng từ trang trại bò sữa. Sau khi đốt bã mía sẽ cho ra tro, tận dụng làm phân bón cho nông dân và cung cấp làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân hữu cơ kết hợp phân chuồng từ trang trại bò sữa” – ông Tú cho hay. Đặc biệt, các sản phẩm phụ như bã mía dùng để đốt lò hơi: Sản xuất trung bình 9-10MW, nhà máy sử dụng 6MW, còn lại bán lên lưới điện quốc gia – một giải pháp rất hữu ích mà chưa có nhiều doanh nghiệp làm được.
Lợi thế của Nghệ An là đã có 3 nhà máy sản xuất, chế biến mía đường hoạt động lâu năm, cùng đó, các địa phương đã có quy hoạch vùng mía nguyên liệu. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài của ngành mía đường không chỉ dừng lại ở sản phẩm đường kính mà từ mía có thể làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa khác được thị trường chấp nhận, tạo thu nhập ổn định cho người trồng mía. Các doanh nghiệp cần đổi mới máy móc, thiết bị, đa dạng sản phẩm, tận dụng hết nguyên phụ liệu tạo hiệu quả sản xuất cao nhất, đầu tư trở lại cho nguyên liệu.
Ngoài hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật thì việc dự báo thị trường cũng rất quan trọng, nhằm thúc đẩy các thị trường xuất khẩu, tận dụng được các ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do. Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là đối với nguồn đường nhập lậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành mía đường. Cần kiểm tra, giám sát, giải quyết dứt điểm tình trạng này trong tương lai. Sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và sự ủng hộ của người tiêu dùng chính là “chìa khóa” để ngành mía đường phát triển bền vững trong quá trình hội nhập.