Dấu lặng buồn dưới chân núi Thiên Nhẫn

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, từ thành phố Vinh tôi có chuyến “xuất hành” về phía Nam, qua vùng hữu ngạn sông Lam, nơi còn được gọi là “năm Nam” (gồm: Khánh Sơn, Nam Kim, Nam Phúc, Nam Cường và Nam Trung) trước đây. Chuyến đi này cũng là dịp để khám phá thêm những dấu tích mà các bậc tiền nhân đã để lại tròn 600 năm trước. Nơi từng là căn cứ địa quan trọng của nghĩa quân Lê Lợi trong những ngày đầu dấy binh khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược.

Từ thành phố Vinh qua cầu Yên Xuân, tôi hướng dãy Thiên Nhẫn thẳng tiến. Dưới làn mưa Xuân, con sông Lam mờ sương, dãy Thiên Nhẫn ẩn hiện nằm cách thành phố Vinh chưa đầy 25 km. Ghé qua trụ sở UBND xã Nam Kim, tôi được anh Từ Hồng Quang – cán bộ văn hóa xã đích thân dẫn đến thành cổ. Đến chân núi Thiên Nhẫn, hết đường lên, chúng tôi đành bỏ xe lại rồi cuốc bộ. Từ tấm biển dẫn tích đã cũ màu đặt dưới chân núi, đi thêm khoảng 1 cây số vào sâu trong núi hướng ngọn Động Chủ, qua lớp rừng keo dày đặc được người dân trồng lên, những dấu tích của thành cổ Lục Niên cũng dần hiện ra. Trước sự bào mòn của thời gian, thành cổ chỉ còn lại đôi đoạn nằm phủ mình dưới những lớp rong rêu, cỏ mục.

Tấm bia dẫn tích dẫn vào thành Lục Niên đã bị phai màu. Ảnh: Tiến Đông
Tấm bia dẫn tích dẫn vào thành Lục Niên đã bị phai màu. Ảnh: Tiến Đông

Theo sử cũ ghi lại, thành Lục Niên có hình chữ nhật, được xây dựng theo lối ghép đá vào cuối năm 1424, khi nghĩa quân Lê Lợi phải rút quân vào xây dựng căn cứ ở phía Nam (thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Về tên gọi, ngoài Lục Niên, thì thành còn được gọi là Lục Hoa, nằm ở lưng chừng ngọn Động Chủ thuộc dãy Thiên Nhẫn. Nhưng tên gọi Lục Niên vẫn được xướng danh nhiều nhất, bởi theo giải thích thì tòa thành này xây dựng đúng thời điểm đánh dấu 6 năm kể từ khi Bình định Vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đến khi phải rút quân vào Nam (1418-1424).

Với vị trí xây dựng lưng chừng núi, thành Lục Niên được xem là tiền đồn của nghĩa quân Lê Lợi sau khi kéo vào Nam, án ngữ mặt phía Bắc của đạo quân chủ lực, lúc này đang đóng ở huyện Đỗ Gia (Hương Sơn – Hà Tĩnh ngày nay). Từ đây, bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn có thể bao quát và khống chế cả một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông La và theo dõi hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An (đóng tại núi Thành, huyện Hưng Nguyên ngày nay).

Những khối đá xếp chồng lên nhau còn sót lại trong thành Lục Niên. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Những khối đá xếp chồng lên nhau còn sót lại trong thành Lục Niên. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, đoạn nói về núi Thiên Nhẫn (Chữ dùng của Bùi Dương Lịch là Thiên Nhận), có viết: “Núi Thiên Nhẫn ở huyện Thanh Chương là núi đứng trấn trong huyện. Từ núi Kim Nhan chạy xuống phía Đông, hết tầng này đến lớp kia, ở giữa nổi lên 3 ngọn núi lớn, gọi là Tam Thai. Dãy núi này chạy liền lũ có 999 ngọn. Ngọn nào cũng có dáng hoạt động như muôn ngựa rong ruổi, khí thế hùng vĩ, gọi chung là núi Thiên Nhẫn. Ngọn Động Chủ thì ở về phía Nam, có thành cổ dài hơn 10 dặm (ngọn Động Chủ còn có tên là núi Động Trú; thành cổ có tên là thành Bình Ngô), đá dưới chân thành có dạng như người, ngựa, giáo, mác. Phía Bắc núi có suối reo, ở sườn chảy xuống gọi là suối Bò Đái. Ngọn Hoàng Tâm thì dưới chân núi có hành dinh (nơi vua ở tạm khi đi kinh lý ở ngoài), của Vua Lê Thái Tổ, gọi là thành Lục Niên. Sử ký chép: Vua từ cửa quan Khả Lưu đem quân đến hương Đa Lôi, huyện Thổ Du (Thanh Chương thời thuộc Minh), thì già trẻ ở đó tranh nhau đem trầu, rượu ra đón mời và nói rằng “không ngờ ngày nay lại thấy được uy nghi nước cũ”…

Tiến sĩ Bùi Dương Lịch trong cuốn “Ốc lậu thoại” (câu chuyện ở nơi nhà dột) – tuyển tập thơ văn trên 50 bài, gồm đề vịnh, cảm tác theo kiểu “ngôn chí”, cũng đã viết về ngọn núi Thiên Nhẫn rằng: Địa tiếp Tam Giang hiểm/Sơn như vạn mã tri/Chương, Hương phân lưỡng lộ/Lam, Phố hội tam kỳ/Hoan, Đức khoa hùng trấn/Trà, Cao khống viễn thùy/Bình Ngô đương nhật sự/Phá địch dĩ khai hi. (Dịch nghĩa: Đất tiếp giáp ba con sông hiểm trở/Núi như muôn ngựa chạy/Chia huyện Thanh Chương và huyện Hương Sơn làm hai đường/Là ngã ba hợp hai con sông Lam, sông Phố/Khoe đức mạnh trấn giữ ở Hoan Châu và Cửu Đức/ Núi Trà và Núi Cao khống chế biên thùy xa xôi/Ngày ấy có việc bình Ngô/Phá giặc để xây dựng cơ đồ).

Hồ Hào Thành dưới chân núi Thiên Nhẫn. Ảnh: Tiến Đông
Hồ Hào Thành dưới chân núi Thiên Nhẫn. Ảnh: Tiến Đông

Đây cũng là một trong những di tích tại Nghệ An được xếp hạng đầu tiên ở khu vực miền Bắc. Theo Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962 của Bộ Văn hóa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, về việc xếp hạng những di tích, danh thắng toàn miền Bắc, núi Thiên Nhẫn và thành Lục Niên là 1 trong 3 di tích (cùng với núi Dũng Quyết – khu vực Phượng Hoàng Trung Đô và núi Lam Thành), tại Nghệ An được công nhận là di tích, danh thắng và cần bảo vệ theo pháp luật của Nhà nước. Những di tích, danh thắng được xếp hạng đều do các ty, sở văn hóa địa phương (qua các thời kỳ) quản lý và trách nhiệm bảo vệ là của chung các cấp chính quyền…

Điều đó cho thấy rằng, trong thời kỳ mà đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn, cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước đang bước vào thời kỳ ác liệt, núi Thiên Nhẫn và thành Lục Niên vẫn giữ một vai trò quan trọng, được ghi nhận, đánh giá cao. Tiếc rằng, sau hơn 60 năm được xếp hạng và tròn 600 năm kể từ khi thành Lục Niên được các bậc tiền nhân xây dựng, nơi đây vẫn hoang lạnh và có nguy cơ chìm dần vào quên lãng.

Cách chân thành Lục Niên không xa, ngay dưới chân núi là khu mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) và chính thất của ông – bà Đặng Thị Nghi (1730-1785). Mộ Nguyễn Thiếp đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 921-QĐ/BT ngày 20/7/1994.

Khu mộ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và chính thất Đặng Thị Nghi. Ảnh: Tiến Đông
Khu mộ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và chính thất Đặng Thị Nghi. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ngôi mộ vẫn được chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc, thì điều tiếc nuối nhất là ngôi nhà của bậc danh sĩ này đã bị dỡ bỏ, nay chỉ còn mỗi tấm bình phong và nền gạch cũ nằm quay về hướng Bắc, nhìn thẳng xuống hồ Thành. Dẫn chúng tôi lên thăm mộ của bậc tiền nhân, ông Lê Ngọc Châu – trú tại xóm 6, xã Nam Kim, người được giao trông coi mộ từ năm 1994 – sau khi vừa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, không giấu được nỗi buồn kể lại rằng, ngay từ khi ông còn nhỏ vẫn thấy ngôi nhà của Nguyễn Thiếp thấp thoáng trên núi, nằm bên cạnh mộ. Thế nhưng, sau đó căn nhà với 3 gian và mái đao cong vút đã bị dỡ bỏ đem về làm trụ sở của hợp tác xã trước đây, đến nay vẫn chưa khôi phục được.

Ông Lê Ngọc Châu (người trông coi mộ cụ Nguyễn Thiếp từ năm 1994 đến nay) trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông
Ông Lê Ngọc Châu (người trông coi mộ cụ Nguyễn Thiếp từ năm 1994 đến nay) trao đổi với PV Báo Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông

Đứng ngay trên nền nhà cũ của cụ, phóng tầm mắt ra xa, băng qua hồ Thành mênh mông nước, là dòng sông Lam và dãy núi Đại Huệ. Với một người như danh sĩ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, chọn nơi ẩn cư dựa lưng vào núi, thẳng hướng ra sông và có dãy Đại Huệ làm bình phong tự nhiên ắt hẳn không phải là điều đơn giản.

Tôi mường tượng, hàng trăm năm trước khi thành Nghệ An đang đóng ở dưới chân núi Lam Thành, để đi đến được chân núi Thiên Nhẫn phải băng qua con sông Lam rộng lớn, qua nhiều con suối sâu và rừng rậm. Kỳ lạ thay, đúng vào năm ông mất (1804), thành Nghệ An cũng được Vua Gia Long (mở đầu của triều Nguyễn), lúc này đã đánh bại anh em nhà Tây Sơn chọn dời về phía Tây Bắc núi Dũng Quyết, cách không xa nơi mà La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp từng tham mưu cho Vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô – Phượng Hoàng Trung Đô.

Bức bình phong cũ trước ngôi nhà của cụ Nguyễn Thiếp; Một chân đế bằng đá còn sót lại trên khu vực nền móng nhà cũ của cụ Nguyễn Thiếp. Ảnh: Tiến Đông
Bức bình phong cũ trước ngôi nhà của cụ Nguyễn Thiếp; Một chân đế bằng đá còn sót lại trên khu vực nền móng nhà cũ của cụ Nguyễn Thiếp. Ảnh: Tiến Đông

Về La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, các tư liệu lịch sử chép lại cho biết, ông là người làng Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), đậu Hương Giải năm 1743, từng giữ các chức như: Huấn đạo phủ Anh Đô; Tri huyện Thanh Giang. Năm 1768 ông đã xin cáo quan về ở ẩn. Dưới thời Tây Sơn, ông đã từng 3 lần được Hoàng đế Quang Trung gửi thư mời ra giúp việc nước (lần 1 năm 1786; lần 2 và 3 trong năm 1787). Được giao trọng trách quan trọng như chọn đất xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô; sau đó được giao giữ chức Viện trưởng Sùng Chính viện Nam Hoa – trung tâm Quốc gia dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Viện này đã tập trung nhiều học giả nổi tiếng xứ Nghệ như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, tiến sĩ Phan Bảo Định, Nguyễn Công, Nguyễn Thiên… có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc đặt nền móng cho công cuộc cải cách giáo dục dưới thời Tây Sơn. Thực hiện mục tiêu chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm thành văn tự chính thức và từng bước thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Kể từ năm 1792, khi Vua Quang Trung đột ngột băng hà, Nguyễn Thiếp có nhận lời mời của Vua Cảnh Thịnh vào kinh đô Phú Xuân (Huế), nhưng vì thời cuộc đổi thay nên đã một lần nữa quay về dưới chân núi Thiên Nhẫn mà ở ẩn, bốc thuốc cho nhân dân và dạy học cho con em quanh vùng làm niềm vui.

Miếu nhỏ được xây dựng ngay dưới chân thành Lục Niên nhưng không hề có một dòng ghi lại về di tích này. Ảnh: Tiến Đông
Miếu nhỏ được xây dựng ngay dưới chân thành Lục Niên nhưng không hề có một dòng ghi lại về di tích này. Ảnh: Tiến Đông

Tuy ở ẩn trên núi, sống cuộc đời thanh đạm, nhưng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp luôn được các vua, chúa và danh sĩ khắp đất nước trọng vọng, tôn kính. Bên cạnh một nhân cách thanh liêm, tài năng và những cống hiến về chính trị, học thuật địa lý, giáo dục, văn chương của La Sơn Phu Tử là di sản quý để lại cho muôn đời sau.

Dẫu có giá trị lịch sử, văn hóa và cả không gian cảnh quan, thế nhưng, thành cổ Lục Niên trên dãy Thiên Nhẫn và khu mộ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chưa được bảo tồn và khai thác đúng mức là điều hết sức đáng tiếc.

Mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cách chân thành Lục Niên chỉ tầm vài trăm mét. Ảnh: Tiến Đông
Mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cách chân thành Lục Niên chỉ tầm vài trăm mét. Ảnh: Tiến Đông