Dấu hỏi lớn về thủy điện nhỏ trong khu sinh quyển ở Nghệ An…

“Ngoài khu vực trên suối Nguyên, thuộc xã Yên Thắng, Yên Hòa (Tương Dương), trên địa bàn tỉnh còn có thêm 3 khu vực đang được khảo sát, đề nghị bổ sung vào quy hoạch dự án thủy điện. Trên dòng sông Chu, địa bàn xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong là một khu vực như vậy…” – nguồn tin cho biết.

Đã vài lần lên xã biên giới Thông Thụ, đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Hủa Na ngược sông Chu, nên chúng tôi biết khu vực này hầu hết là vùng rừng tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt – thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đây là địa chỉ được yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi tác động, thế nên tỏ ý nghi ngờ. Chỉ ít thời gian sau, nguồn tin chuyển đến một văn bản “để xác thực về tin đã báo”.

Xem xét, đây là Văn bản số 1263/SCT-QLNL ngày 16/8/2018 của Sở Công Thương, thông báo kết luận của Giám đốc Sở về việc kiểm tra, khảo sát, xem xét đề xuất bổ sung Dự án thủy điện Thông Thụ, huyện Quế Phong vào Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Nghệ An. Văn bản 1263/SCT-QLNL thể hiện, Công ty CP Điện lực Trung Sơn là đơn vị đề xuất bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Thông Thụ; trong hai ngày 10 – 11/8/2018, Sở Công Thương chủ trì với các sở, ngành, đơn vị liên quan cùng đại diện chính quyền huyện Quế Phong, xã Thông Thụ, Công ty CP thủy điện Hủa Na, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đi thực địa vùng dự kiến quy hoạch thủy điện Thông Thụ.

Cũng tại đây nêu rõ vị trí đề xuất lập quy hoạch dự án thủy điện Thông Thụ có tọa độ 104’54’,32,57” kinh độ Đông, 19’53’55,28” vĩ độ Bắc; nằm trên sông Chu, thuộc địa bàn xã Thông Thụ. Vị trí đặt nhà máy cách biên giới Việt – Lào khoảng 9,3km; diện tích lưu vực là 4.950 km2, mực nước dâng bình thường là 253m, mực nước chết 252m, mực nước hạ lưu nhỏ nhất 231,7m, công suất lắp máy là 28MW… Tổng diện tích chiếm đất được xác định là 82,88 ha, trong đó, diện tích thuộc lòng hồ thủy điện Hủa Na 19,63ha; đất rừng phòng hộ 18,28ha; đất rừng sản xuất 18,86ha; đất sông suối 26,11ha. Khu vực nghiên cứu khảo sát được mô tả là đoạn sông tính từ khu vực đuôi hồ công trình thủy điện Hủa Na đến khu vực cách biên giới Việt – Lào 300m, nơi sông Chu chảy vào địa phận Việt Nam có tổng chiều dài lòng hồ 9km, hai bên lòng hồ là vách đá, cây rừng, độ dốc sườn núi lớn, không có di dân tái định cư…

Những cánh rừng tái sinh tuyệt đẹp trên lòng hồ thủy điện Hủa Na.
Những cánh rừng tái sinh tuyệt đẹp trên lòng hồ thủy điện Hủa Na.

Tại Văn bản số 1263/SCT-QLNL thông tin, dự án thủy điện Thông Thụ do Công ty CP Điện lực Trung Sơn và đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu lập đề án đã theo đúng quy định tại Thông tư số 43/2012/TT-BCT của Bộ Công thương; Hồ sơ đề xuất bổ sung dự án thủy điện Thông Thụ vào Quy hoạch đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ. Các đại biểu tham gia đoàn công tác đánh giá dự án mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thống nhất đề nghị bổ sung dự án thủy điện Thông Thụ vào Quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Nghệ An… Đồng thời tại đây có một nội dung rất đáng lưu ý như sau: “Đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, chuẩn xác lại các loại đất rừng thuộc dự án…”.

Liên lạc với một lãnh đạo xã Thông Thụ để hỏi thêm thông tin, câu trả lời là: “Cách đây 2 – 3 năm, chủ đầu tư cùng đoàn công tác gồm các sở, ngành lên khảo sát thực địa một lần. Huyện và xã có tham gia. Tuy nhiên ở xã không có hồ sơ dự án, và cũng chưa có văn bản gì về nội dung này…”.

Với chút ít kiến thức về rừng núi Thông Thụ, chúng tôi thực sự băn khoăn trước mô tả “tổng chiều dài lòng hồ 9km, hai bên lòng hồ là vách đá, cây rừng, độ dốc sườn núi lớn”, và nhất là việc đề nghị chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn: “tiếp thu ý kiến của các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, chuẩn xác lại các loại đất rừng thuộc dự án…”. Thế nên, đã có chuyến ngược lòng hồ thủy điện Hủa Na để lên vùng khảo sát quy hoạch thủy điện Thông Thụ.

May mắn, bởi ở bản Lốc, xã Thông Thụ, chúng tôi gặp một người lái thuyền tên là Hải, từng đã đưa đoàn công tác đi thực địa vùng dự kiến quy hoạch thủy điện Thông Thụ năm 2018. Anh nói: “Tôi biết vị trí dự kiến xây dựng đập và nhà máy thủy điện Thông Thụ. Lên đến nơi đó hết một tiếng rưỡi, về thì nhanh hơn vì xuôi dòng nước chảy”. Đi trên lòng hồ thủy điện Hủa Na mùa này, tuyệt đẹp. Trên mặt nước của lòng hồ, in dấu nhiều những hòn đảo lớn nhỏ gắn với rừng tự nhiên tái sinh xanh tốt. Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, khi đến đoạn ngã ba nối hồ thủy điện với sông Chu và một đoạn sông được tạo bởi eo thắt của núi, Hải đề nghị mọi người xuống một nhà dân để đổi sang thuyền độc mộc. “Phải đổi từ thuyền sắt sang thuyền gỗ cho nhẹ vì ngược sông sẽ có thác, chạm đá ngầm rất nguy hiểm…” – Hải nói.

Bằng thuyền độc mộc, người thanh niên bản Lốc (Thông Thụ) đưa chúng tôi ngược dòng sông Chu; Vị trí được dự kiến xây dựng đập thủy điện Thông Thụ; Phóng viên Báo Nghệ An bên dòng sông Chu.
Bằng thuyền độc mộc, người thanh niên bản Lốc (Thông Thụ) đưa chúng tôi ngược dòng sông Chu; Vị trí được dự kiến xây dựng đập thủy điện Thông Thụ; Phóng viên Báo Nghệ An bên dòng sông Chu.

Trên chiếc thuyền độc mộc, chúng tôi ngược sông Chu khoảng 15 phút, đến đoạn sông có bề rộng chừng 30m, Hải dừng thuyền nói “vị trí này là nơi dự kiến xây đập đây”. Quan sát, hai bên đoạn sông này có hai sườn núi khá dốc, chĩa thẳng vào nhau, nếu xây dựng công trình đập thì quả là rất thuận lợi. Từ bờ sông lên đến đỉnh núi đều có rừng tự nhiên. Rừng ở đây dày đặc các tầng thực vật, có các loài tre, nứa, lùng… và cây gỗ. Được đề nghị tiếp tục đưa mọi người ngược sông Chu, Hải vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên, chỉ đi thêm được khoảng 30 phút thì Hải đề nghị dừng, vì vượt thác sẽ nguy hiểm cho người trên thuyền. Trên chặng sông Chu dài khoảng dăm km này, hai bên đều san sát là núi là rừng, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Liên lạc với một vài cán bộ lâm nghiệp để nắm thông tin, họ nói rằng nếu tính từ lòng hồ ngược lên, bên trái sông Chu là rừng tự nhiên sản xuất đã được giao cho cộng đồng và các hộ dân xã Thông Thụ bảo vệ; còn bên phải là rừng phòng hộ, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý. “Vùng rừng núi này nối liền với Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên của tỉnh Thanh Hóa. Là rừng phòng hộ nhưng có núi đá, liền vùng liền khoảnh với khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên có tính đa dạng sinh học rất cao, và có khá nhiều loài động vật sinh sống. Tính đa dạng còn cao hơn cả các khu rừng đặc dụng…” – một cán bộ ngành lâm nghiệp cho biết.

Theo Chi cục Kiểm lâm, ngày 4/10/2019, Sở NN&PTNT có Văn bản số 997/SNN.KL về việc kiểm tra hiện trạng đất, hiện trạng rừng khu vực khảo sát thực hiện Dự án thủy điện Thông Thụ tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Sở NN&PTNT giao Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Hạt Kiểm lâm Quế Phong phối hợp với nhà đầu tư để tổ chức kiểm tra hiện trạng đất, hiện trạng rừng khu vực khảo sát thực hiện Dự án thủy điện Thông Thụ theo đúng quy định pháp luật. Sở NN&PTNT nhấn mạnh: “Đặc biệt cần rà soát chặt chẽ hiện trạng rừng theo đúng tiêu chí được quy định tại Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 và Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT”. 3 cơ quan được Sở NN&PTNT giao việc đã có đánh giá như thế nào? “Chi cục chưa nhận được văn bản hồi đáp…” – một cán bộ Chi cục Kiểm lâm trả lời.

Tìm hiểu thì 3 đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ đã cùng nhà đầu tư đi thực địa. Qua đó xác định số liệu nhà đầu tư và đơn vị tư vấn đưa ra liên quan đến rừng phòng hộ có sai khác. Là ảnh hưởng tới hơn 29 ha đất, rừng phòng hộ do Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt quản lý, chứ không phải là 18,28ha. Đoàn công tác cũng xác định trên 29 ha rừng phòng hộ này gồm có các loại rừng lá rộng thường xanh trung bình, rừng lá rộng thường xanh phục hồi, rừng tre nứa, rừng hỗn giao tre nứa và gỗ, chỉ một số diện tích nhỏ là đất trống. Hỏi một số thành viên tham gia đoàn là tại sao không có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT? Câu trả lời là ngay sau chuyến đi thì đã xây dựng dự thảo báo cáo, nhưng phía đơn vị tư vấn chưa đồng ý với thông tin, số liệu của đoàn nên xin lùi thời hạn báo cáo Sở NN&PTNT…

Mất thêm khá nhiều thời gian, chúng tôi tiếp cận được một văn bản có thông tin khá rõ ràng, đánh giá cụ thể vị trí đề xuất quy hoạch dự án thủy điện Thông Thụ. Theo đó, khu vực này thuộc rừng phòng hộ xung yếu của BQL Khu BTTN Pù Hoạt quản lý, nằm trọn trong diện tích của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Nếu triển khai dự án sẽ có tác động đến công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, ảnh hưởng hệ sinh thái rừng (làm chia cắt hệ sinh thái rừng), ảnh hưởng đến bảo tồn cảnh quan trong khu vực rừng phòng hộ; đặc biệt là ảnh hưởng đến các quy định về quản lý của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Một nhà máy thủy điện đang xây dựng phát sinh những vấn đề liên quan đến đất và rừng tự nhiên.
Một nhà máy thủy điện đang xây dựng phát sinh những vấn đề liên quan đến đất và rừng tự nhiên.

Về diện tích chiếm rừng, đất rừng, số liệu khảo sát tại hồ sơ đề xuất bổ sung Quy hoạch của nhà đầu tư đưa ra (như đã nêu tại Văn bản số 1263/SCT-QLNL ngày 16/8/2018 của Sở Công Thương) được xác định là chưa áp dụng đúng theo quy định của Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ NN&PTNT về quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng. Diện tích chiếm rừng, đất rừng chưa được xác minh, đối chiếu với số liệu hiện trạng rừng mới nhất của UBND tỉnh công bố; trong quá trình khảo sát chưa làm việc và đối chiếu số liệu về rừng, đất lâm nghiệp với các chủ rừng. Vì vậy, có thể diện tích chiếm rừng, đất rừng thực tế có thể tăng lên.

Ở văn bản này cũng khẳng định, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch của dự án nằm trọn trong diện tích của Khu dữ trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Nên vì vậy, tất cả các hoạt động có ảnh hưởng, tác động đến rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực phải có ý kiến đồng ý của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Toàn bộ diện tích chiếm rừng, đất rừng phòng hộ của dự án (tạm tính là 18,28ha) là rừng tự nhiên “Phòng hộ xung yếu”. Căn cứ các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban bí thư Trung ương Đảng…, thì diện tích này khi chuyển đổi mục đích sử dụng phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ!

Với thông tin trên, cùng thực tế chuyến ngược sông Chu, và những điều được nghe từ một số thành viên đoàn công tác kiểm tra hiện trạng đất, hiện trạng rừng theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT trao đổi lại, thấy băn khoăn. Hiểu rằng, vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, việc thực hiện kiểm tra, khảo sát, xem xét đề xuất quy hoạch, thực hiện dự án là điều hết sức bình thường. Nhưng với những loại dự án, bên cạnh hiệu quả kinh tế có phát sinh những ảnh hưởng, tác động tiêu cực thì cần thận trọng. Dự án thủy điện Thông Thụ được đề xuất trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; thông tin về đất, về rừng phòng hộ mà nhà đầu tư đưa ra là chưa chính xác; đó là chưa tính đến việc mở đường xây dựng đập, nhà máy… dù xác định là trên đất, rừng sản xuất, nhưng thực tế cũng là rừng tự nhiên, đa tầng thực vật, có liên quan mật thiết tới Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Vì vậy, cần cân nhắc để có quyết định đúng!

Tình trạng sạt lở đất đã diễn ra trên địa bàn miền núi của tỉnh, gây nên những thiệt hại lớn về tài sản, trong khi các hộ dân liên quan hết sức khó khăn, vất vả.
Tình trạng sạt lở đất đã diễn ra trên địa bàn miền núi của tỉnh, gây nên những thiệt hại lớn về tài sản, trong khi các hộ dân liên quan hết sức khó khăn, vất vả.