Cách đây khoảng 10 năm miền Tây Nghệ An vẫn là một khu vực kém phát triển, có sự chênh lệch rất lớn so với phần còn lại của tỉnh. Ngoại trừ các huyện miền núi thấp và trung du có điều kiện kinh tế khá hơn như: Nghĩa Đàn, Thái Hoà, Anh Sơn, Thanh Chương… các địa phương còn lại của khu vực vẫn là vùng trũng của Nghệ An và cả nước. Trong đó, có những huyện nghèo nhất nước như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… Tuy nhiên, hiện nay nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo nên cuộc sống người dân miền Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc.
Cho đến bây giờ ông Và Khua Đớ vẫn không thôi nói lời cảm ơn Đảng và Nhà nước khi được hỏi về những đổi thay trên quê hương ông. Và Khua Đớ là Trưởng bản Huồi Cọ – cộng đồng người Mông ở xã biên giới Nhôn Mai (Tương Dương). Trưởng bản Và Khua Đớ là một trong những thành viên cốt cán của bản Huồi Cọ có đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa ở cộng đồng.
Ông cho biết, trước đây từ bản Huồi Cọ muốn lên trung tâm xã Nhôn Mai phải mất nửa ngày, đi trung tâm huyện Tương Dương mấy 2 ngày trèo đèo, lội suối, vượt sông. Nhưng từ khi Nhà nước xây dựng tuyến đường Tây Nghệ An (sau trở thành Quốc lộ 16) thì người dân bản Huồi Cọ “hạ sơn” xuống xã chỉ mất chưa đầy nửa tiếng, còn ra đến thị trấn Thạch Giám – huyện lỵ Tương Dương chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông được đầu tư, cuộc sống của người Mông ở bản Huồi Cọ đã có sự đổi thay lớn. Các loại nông sản do bà con sản xuất được đã trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Đặc biệt, với sự định hướng, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện, từ năm 2017 bản Huồi Cọ đã phát triển hàng chục ha chanh leo nâng cao thu nhập cho người dân. Và bản Huồi Cọ đã xây dựng để trở thành bản nông thôn mới trên khu vực biên giới.
Còn ở xã Tri Lễ (Quế Phong), từ khi cộng đồng người Mông ở bản Minh Châu (D1, D2) được Nhà nước thực hiện chủ trương hỗ trợ “hạ sơn”, tái định cư trên vùng đất mới, thuận lợi hơn, gần trung tâm xã hơn thì đời sống của người dân khởi sắc rõ nét. Từng quen với việc tra hạt, gieo lúa trên vách núi, người Mông ở bản Minh Châu đã thành thạo sản xuất lúa nước, làm vườn, trồng rau an toàn, phát triển đàn vật nuôi thành hàng hóa.
Thực tế cho thấy 5 năm qua, nhờ các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của tỉnh, sự năng động của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo của khu vực miền Tây đã có bước chuyển mình rõ nét. Hàng loạt chủ trương lớn, chính sách quan trọng khi triển khai đã mang lại hiệu quả, góp phần thay đổi căn bản đời sống nhân dân. Đó là các chương trình xoá đói, giảm nghèo của Chính phủ như 135, 30a, nông thôn mới hay các chính sách tạo việc làm, xóa nhà tranh tre, tạm bợ… Nổi bật trong đó phải kể đến Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12/2013 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế- xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây là sự cụ thể hóa một trong những nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Nổi bật nhất trong bức tranh đổi thay ở miền Tây có lẽ là hệ thống hạ tầng giao thông. Nếu như trước đây, có những địa bàn miền núi phải mất hàng ngày trời, thậm chí nhiều ngày mới lên đến nơi thì hiện nay chỉ cần một buổi. Những cung đường vào các xã như: Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Keng Đu, Đoọc Mạy, Mỹ Lý, Mường Ải, Mường Típ (Kỳ Sơn) hay Tri Lễ, Thông Thụ, Đồng Văn (Quế Phong)… từng là nỗi ám ảnh với nhiều người thì nay mọi thứ đã đổi khác. Hệ thống đường nhựa đã vào đến trung tâm các xã, kể cả các xã đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, kể từ khi tuyến đường Tây Nghệ An (Quốc lộ 16) hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo ra một vành đai giao thông nối từ Quốc lộ 48 sang Quốc lộ 7A, gắn kết cả một khu vực rộng lớn từ các huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn sang Quế Phong và nối với khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Các tuyến giao thông trọng điểm khác như: Tỉnh lộ 544, 544B; đường nối Quốc lộ 1 đi thị xã Thái Hòa; đường nối từ đường N5 Khu công nghiệp Nam Cấm – Đô Lương – Tân Long (Tân Kỳ)…
Đánh giá về sự phát triển của miền Tây Nghệ An, Đại tá Lê Như Cương – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Nghệ An cho biết: “Nghị quyết 33 – NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới Quốc gia nêu rõ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh bảo vệ biên giới Quốc gia trong tình hình mới. Trên tinh thần các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển miền Tây Nghệ An, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho các cấp, ngành, địa phương đầu tư nhiều chương trình dự án phát triển kinh tế ở các địa bàn khu vực biên giới, giúp đỡ các xã nghèo theo phân công của UBND tỉnh; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân làm ăn, sản xuất, ổn định cuộc sống, giúp dân chuyển đổi phương pháp truyền thống phát nương làm rẫy sang khai hoang làm ruộng nước, áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
“Đến nay, các xã biên giới đã có đường ô tô vào đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, hơn 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; các trường học ở các xã hầu hết đã được xây dựng cơ bản, trạm xá xã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết và lực lượng làm công tác chuyên môn, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh của nhân dân. Có thể nói, bằng các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã giúp cho diện mạo, đời sống đồng bào khu vực miền Tây Nghệ An ngày càng đổi mới, khởi sắc. Công tác phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực biên giới cũng nhờ vậy ngày càng đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới” – Đại tá Lê Như Cương nhấn mạnh.
Nhờ mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ đã tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông, giao thương hàng hoá, thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi trong nhân dân, thu hút các dự án đầu tư cho khu vực miền núi. Cũng từ đây việc quy hoạch phát triển kinh tế theo từng vùng, từng địa phương đã trở nên phù hợp với điều kiện và tính chất của địa bàn hơn. Có thể kể đến việc phát triển trang trại bò sữa, chế biến các thực phẩm từ sữa hay đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; phát triển cây ăn quả, cây trồng có múi, nhất là cam Vinh tại các huyện: Quỳ Hợp, Con Cuông; Tân Kỳ; mở rộng quy mô cây dược liệu và các sản phẩm dược liệu tại các huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông; chú trọng phát triển cả về quy mô và chất lượng của cây chè ở các địa phương như: Thanh Chương, Anh Sơn.
Bên cạnh đó, những năm gần đây nhiều huyện miền Tây đã xây dựng các đề án phát triển du lịch dịch vụ, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng. Tiêu biểu có các huyện như: Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương… Thực tế này cũng góp phần tạo nên bước đột phá trên khu vực miền Tây Nghệ An.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014-2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,5%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh (toàn tỉnh 7,59%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 26,5 triệu đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2013. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân 11%/năm. Thu hút vốn đầu tư trên địa bàn đạt khá.
Miền Tây Nghệ An đã thu hút 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký. Một số dự án sản xuất quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực cho khu vực như: Trang trại nuôi bò sữa với hơn 40.000 con và Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm TH; Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Anh Sơn; các nhà máy chế biến đá trắng, đá xẻ, đá ốp lát ở Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; 7 nhà máy thủy điện với tổng công suất 638,5 MW đã phát điện. Một số dự án đang tiếp tục được đầu tư như: Dự án Bảo tồn và Phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững của Công ty cổ phần Dược liệu TH; Dự án trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri – Farm Nghệ An ở huyện Quỳ Hợp của Tập đoàn Masan; Dự án sản xuất gỗ MDF tại huyện Anh Sơn; chế biến hoa quả ở Nghĩa Đàn; 11 dự án thủy điện với tổng công suất 174,4 MW;….
Không những thế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khác như: điện lưới, bệnh viện, trường học, công trình và thiết chế văn hóa phục vụ đời sống dân sinh ngày càng được quan tâm đầu tư cả chiều sâu và chiều rộng, nhờ vậy, đời sống dân sinh ngày một nâng cao. Có thể đưa một phép so sánh để thấy rõ hơn điều này: Cuối năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền Tây Nghệ An chiếm hơn 26,7% thì đến năm 2015 giảm xuống còn 16,5%. Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực giảm từ 24,04% năm 2016 xuống còn 15% vào năm 2018 và đến đầu năm 2020 giảm xuống còn 11,22%.
Theo ông Nguyễn Trọng Xuân – Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Kinh tế Việt Nam, để tạo bước đột phá trong giai đoạn tới cần phải đặt miền Tây Nghệ An trong tổng thể phát triển của tỉnh, của khu vực, của quốc gia và quốc tế, trong điều kiện, bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Xác định những lĩnh vực có lợi thế so sánh của miền Tây Nghệ An với các địa phương khác, tỉnh khác để đầu tư. Về tư duy cần chuyển sang tư duy phát triển một nền kinh tế trên lợi thế so sánh theo tín hiệu thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình phát triển dài hạn cho miền Tây Nghệ An với mô hình mới phát triển nền kinh tế xanh, trong đó, chú trọng phát triển kinh tế di sản nhằm khai thác, phát huy giá trị các di tích, danh thắng, các di vật, cổ vật tạo ra kinh tế bằng nhiều hình thức.
(Còn nữa)