Đến thời điểm này, Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau do Cienco4 làm chủ đầu tư thực sự là một dự án chậm tiến độ. Nhưng hẳn không mấy người biết vì sao vào năm 2017, UBND tỉnh lại lựa chọn Cienco4 – một doanh nghiệp lớn chuyên đầu tư xây dựng công trình giao thông – làm nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau. Cố công tìm đáp án, thế rồi đã “vỡ” ra, vào năm 2016, Cienco4 thể hiện là nhà đầu tư ngùn ngụt tâm huyết với phát triển kinh tế – xã hội của Nghệ An, mong muốn tạo được dấu ấn riêng thông qua việc đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.
Đánh giá đó có thể khẳng định được qua Tờ trình số 11628/TTr-ĐTXD của Cienco4 về việc “Khảo sát lập dự án đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An” do Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Huỳnh ký, đóng dấu ngày 8/6/2016 gửi đến UBND tỉnh và UBND huyện Thanh Chương.
Mở đầu Tờ trình số 11628/TTr-ĐTXD, Cienco4 nhấn mạnh về năng lực, sự gắn kết với địa phương Thanh Chương và tỉnh Nghệ An rằng: “Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 – CTCP (Cienco4) là một đơn vị được thành lập và hiện đặt trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội, nhưng suốt chặng đường gần 54 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty luôn gắn liền với các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Tổng Công ty qua các thời kỳ, các cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của Tổng Công ty là con em xứ Nghệ. Mảnh đất này đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, ghi dấu từng bước phát triển thăng trầm của Cienco4 để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành GTVT ngày nay.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua Tổng Công ty đã đầu tư nhiều dự án, riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Cienco4 đã đầu tư một số dự án như: Dự án tổ hợp trung tâm thương mại và dịch vụ 215 Lê Lợi, các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT như: Dự án Tuyến tránh thành phố Vinh; Dự án Nghi Sơn – Cầu Giát; Dự án cầu Vượt 46; Dự án cầu Yên Xuân… Việc đầu tư các dự án góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà”.
Tờ trình của Cienco4 bày tỏ: “Trong những năm gần đây, Cienco4 đã liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để đầu tư thêm các ngành nghề như: Bất động sản, xây dựng hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp. Quá trình hoạt động đầu tư được đánh giá khá hiệu quả và sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Do vậy, các đối tác và Cienco4 rất có nhu cầu mở rộng đầu tư và khai thác về các lĩnh vực tiềm năng như: Du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, đặc biệt ưu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau khi tìm hiểu trên địa bàn, Cienco4 và các đối tác được biết tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có đập nước Cầu Cau với diện tích mặt hồ khoảng 85ha, diện tích lưu vực khoảng 150ha. Đập nước Cầu Cau có vị trí phía Bắc và phía Đông giáp đường Hồ Chí Minh, phía Nam giáp Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Ngọc Lâm, phía Tây giáp thôn Kinh Tế, xã Thanh An. Đây là công trình có vị trí thuận lợi về giao thông, cảnh quan thiên nhiên đẹp, rất có tiềm năng để khai thác du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng mang tính bền vững. Dự án hoạt động sẽ tạo điều kiện gắn phát triển du lịch với thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là phát triển thương hiệu chè của địa phương. Khu vực tổ hợp này cũng là địa điểm rất phù hợp để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ các đối tác của Cienco4 cũng như du khách đến địa phương.
Với mong muốn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An và từ những yếu tố trên, Cienco4 và các đối tác kính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thanh Chương cho phép Tổng Công ty được khảo sát địa điểm và lập quy hoạch đầu tư xây dựng dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An”.
Và dù chỉ mới là bước đặt vấn đề, nhưng Cienco4 cam kết: “Nếu được phép đầu tư khai thác dự án trên, Cienco4 và các đối tác cam kết sẽ huy động đủ nguồn vốn, đầu tư đồng bộ, khai thác chuyên nghiệp, phát huy thế mạnh nổi bật về tài nguyên thiên nhiên, góp phần thay đổi diện mạo du lịch tỉnh nhà, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng lấy môi trường sinh thái để phát triển bền vững…”.
Nói về vùng Đảo Chè các xã Thanh An, Thanh Thịnh, từ khi có đường Hồ Chí Minh vắt ngang thì đã trở thành điểm đến của không ít du khách trong và ngoài tỉnh, được huyện Thanh Chương xếp vị trí số một trong các danh thắng trên địa bàn để hướng đến phát triển du lịch. Khát vọng của huyện Thanh Chương cũng là mong muốn của tỉnh Nghệ An, nhằm tìm phương án hiện thực hóa tiềm năng du lịch vùng Đảo Chè trở thành những giá trị đích thực, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về phía Cienco4, thực sự là một trong những cánh chim đầu đàn trong cả nước về lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông, có mối quan hệ gắn bó nhiều năm và đã thực hiện nhiều công trình lớn trên địa bàn Nghệ An. Bởi vậy, trước tâm huyết “ngút trời” của Cienco4, vào ngày 16/12/2016, UBND tỉnh Nghệ An cho phép doanh nghiệp này triển khai các bước khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và phương án đầu tư dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau. Tròn 1 năm sau, vào ngày 5/12/2017, quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2000 dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau chính thức được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 6868/QĐ-UBND.
Theo đồ án quy hoạch, dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau nằm trên địa bàn hai xã Thanh An, xã Thanh Thịnh; ranh giới phía Bắc giáp Khu ao Đồng Mai, xã Thanh Thịnh; phía Nam giáp ranh giới xã Thanh Thủy; phía Đông giáp đường Hồ Chí Minh; phía Tây giáp thôn Kinh Tế, xã Thanh An. Tổng diện tích đất thực hiện dự án rộng 370,33ha, trong đó 258,03ha thuộc xã Thanh An, 112,30ha thuộc xã Thanh Thịnh.
Tại đồ án phân tích rõ cơ cấu phân khu chức năng và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan. Theo đó, các công trình xây dựng được nghiên cứu thực hiện trên cơ sở tôn trọng tối đa điều kiện địa hình đồi núi, hệ thống rừng tràm, đồi chè hiện hữu, hệ thống mặt nước hồ Cầu Cau và cảnh quan tự nhiên khu vực. Cụ thể Khu dịch vụ đón tiếp được bố trí phía Đông khu quy hoạch, tiếp giáp trục đường Hồ Chí Minh. Trong đó gồm có hệ thống các công trình nhà đón tiếp, khách sạn, nhà hàng, trung tâm hội thảo, bãi biển nhân tạo, câu lạc bộ thuyền buồm, hệ thống sân bãi đậu xe, đường dạo và các công trình phục vụ, phụ trợ khác trên diện tích đất 5,1455ha.
Với khu dịch vụ nghỉ dưỡng, được quy hoạch tổng diện tích 30,0696ha, bố trí tại khu vực trung tâm, phía Đông và phía Nam của toàn khu quy hoạch. Khu dịch vụ nghỉ dưỡng có 2 cụm chức năng; gồm cụm biệt thự nghỉ dưỡng bố trí về phía Đông và phía Nam khu quy hoạch (khoảng 120 biệt thự; trên diện tích đất 15,9522ha, mật độ xây dựng tối đa 14%, tầng cao công trình từ 1 đến 2 tầng); Cụm nhà nghỉ bố trí tại khu vực trung tâm khu quy hoạch, dự kiến khoảng 35 căn và 2 khối nhà dịch vụ tập trung (trên diện tích đất 14,1174ha, mật độ xây dựng tối đa 12%, tầng cao công trình từ 1 đến 3 tầng).
Còn khu dịch vụ, giải trí được bố trí phía Bắc, phía Tây, phía Tây Nam và phía Đông Nam phạm vi quy hoạch dự án. Trong đó gồm các công trình hệ thống sân thể dục thể thao (sân bóng đá, tennis, bắn cung, sân tập golf…), trò chơi máng trượt, cáp treo, nhà thể thao trong nhà, công viên nước, khu mê cung, câu lạc bộ đua ngựa, khu thảo cầm viên, khu cắm trại, khu bảo tồn động vật… và một số công trình phục vụ, phụ trợ khác (diện tích đất 47,2550ha, mật độ xây dựng tối đa 2%, tầng cao công trình từ 1 đến 3 tầng).
Còn khu cây xanh cảnh quan và mặt nước là phần diện tích còn lại trên cơ sở đất trồng rừng tràm, đồi chè và mặt nước hồ Cầu Cau hiện hữu kết hợp hệ thống cây xanh cảnh quan trong các khu chức năng tạo thành mảng xanh cho toàn khu du lịch, với tổng diện tích 265,9229ha. Trong khu cây xanh cảnh quan, xác định sẽ tổ chức hệ thống đường dạo, điểm dừng nghỉ và một số công trình tâm linh, lầu võng cảnh, đồng thời bố trí nhà máy chè phục vụ sản xuất.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau là vậy. Còn về nguồn vốn đầu tư và tiến độ thực hiện dự án này, được thống nhất xác định tại chấp thuận chủ trương đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp cho Cienco4 theo Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 14/2/2017. Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án được xác định khoảng 1.532 tỷ đồng; thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm; tiến độ xây dựng dự án được phân thành 5 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2017; giai đoạn 2 từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2019; giai đoạn 3 từ tháng 9/2019 đến tháng 6/2020; giai đoạn 4 từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2021; giai đoạn 5 từ tháng 12/2021 đến tháng 10/2022.
Thế nhưng, trong một chuyến vào vùng quy hoạch Khu du lịch Đảo Chè hồi cuối tháng 5/2023 để xác minh vụ việc xây dựng trái phép công trình homestay trên đồi Khe Trò, người lái thuyền tên là Nguyễn Văn Quang đã có một câu nói khiến chúng tôi không thể không suy nghĩ: “Tôi làm nghề này từ năm 2017, khi đó Cienco4 được xác định là chủ dự án du lịch Đảo Chè. Nhưng 6 năm rồi Cienco4 chưa có một hoạt động đầu tư gì. Ở đây, trước ra sao thì nay như vậy…”.