Công ty CP Thương mại Miền núi Nghệ An: “Ôm đất vàng” rồi… bỏ hoang

Dù được UBND tỉnh tạo điều kiện cho thuê nhiều khu “đất vàng” nằm rải rác tại các huyện, thế nhưng đến nay tại nhiều địa điểm, Công ty CP Thương mại Miền núi Nghệ An (Công ty CP TMMN Nghệ An) vẫn không xây dựng, nơi thì để lại những tài sản xập xệ nhếch nhác, nơi thì xây dựng sai quy hoạch…

Công ty CP TMMN Nghệ An tiền thân là Công ty Thương nghiệp miền núi Nghệ An được thành lập năm 1992 theo Quyết định 1486/QĐ của UBND tỉnh. Ngày 29/12/2005, UBND tỉnh đã cho phép công ty này tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ là 2.209.930.000 đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 71% vốn, người lao động nắm giữ 29% cổ phần. Chưa đầy 10 năm sau, ngày 13/11/2014, UBND tỉnh đã quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước cho cổ đông khác, năm 2016 việc bán 71% cổ phần của Nhà nước đã hoàn tất với số tiền thu về 2.353.560.000 đồng.

Sau nhiều lần đổi tên và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, hiện nay công ty này mang tên Công ty CP TMMN Nghệ An, với 7 cơ sở tại các huyện: Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, cùng trụ sở tại thành phố Vinh.

Dù Công ty CP TMMN Nghệ An được cho thuê nhiều khu đất nằm ở các huyện nói trên, trong đó đa phần đều là những khu “đất vàng”, thế nhưng hiện nay hầu hết chưa được xây dựng, nơi thì để lại những tài sản cũ xập xệ, nhếch nhác, nơi thì xây dựng sai quy hoạch.

Khu đất của công ty tại xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) trong tình trạng nhếch nhác. Ảnh: Tiến Đông
Khu đất của công ty tại xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) trong tình trạng nhếch nhác. Ảnh: Tiến Đông

Tại huyện Thanh Chương, công ty này quản lý 5 khu đất, bao gồm: 351,8 m2 tại xã Thanh Giang; 569 m2 tại xã Võ Liệt; 900 m2 tại xã Thanh Thịnh và tại thị trấn Thanh Chương có 2 địa điểm (khu đất văn phòng của Trung tâm thương mại Thanh Chương cũ có diện tích 1.537 m2, và 961 m2 đất đối diện chợ Trung tâm thương mại Thanh Chương cùng có địa chỉ tại khối 2A).

Thực tế tại các địa điểm mà công ty này được thuê tại huyện Thanh Chương, chúng tôi nhận thấy, hầu hết đều trong tình trạng nhếch nhác. Nhất là tại khu đất đối diện chợ Trung tâm thương mại Thanh Chương, dù ở vị trí đẹp của huyện nhưng đang để hoang nhiều năm nay. Trên đất còn mấy dãy ki ốt cũ kỹ, có tuổi thọ hàng chục năm đang trong tình trạng chực chờ đổ sập. Chưa kể hiện nay khu đất này đang xảy ra tranh chấp với một gia đình nguyên là cán bộ Trung tâm thương mại Thanh Chương.

Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi có được, phía Công ty CP TMMN Nghệ An đã thông báo dừng hoạt động Trung tâm thương mại Thanh Chương, hiện tại khu nhà văn phòng của Trung tâm thương mại Thanh Chương cũng đang trong tình trạng để hoang, xập xệ.

Khu đất văn phòng của Trung tâm thương mại Thanh Chương cũ và khu đất vàng nằm đối diện Chợ trung tâm thương mại Thanh Chương đang bỏ trống, trên đất có mấy căn nhà lụp xụp được xây dựng từ hàng chục năm trước. Ảnh: Tiến Đông
Khu đất văn phòng của Trung tâm thương mại Thanh Chương cũ và khu đất vàng nằm đối diện Chợ trung tâm thương mại Thanh Chương đang bỏ trống, trên đất có mấy căn nhà lụp xụp được xây dựng từ hàng chục năm trước. Ảnh: Tiến Đông

Tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), công ty này cũng được UBND tỉnh cho thuê 1.316,7 m2 đất nằm ngay mặt đường QL7A để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà làm việc, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và kho hàng dự trữ, thời hạn cho thuê là 40 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực này cũng chỉ có một cây xăng là mang tên Trung tâm thương mại tổng hợp Kỳ Sơn, còn dãy nhà văn phòng cũ thì hiện trở thành ki ốt cho thuê. Phía sau cây xăng là một diện tích rộng đang bỏ không.

Từ Thanh Chương, chúng tôi ngược lên Tân Kỳ, tại đây Công ty CP TMMN Nghệ An đã được UBND tỉnh cho thuê khu đất nguyên là Cửa hàng bách hóa của Công ty Thương mại Tân Kỳ. Khu đất này có diện tích 1.232,6 m2, nằm ngay góc của ngã tư công viên, một trong những vị trí đẹp nhất tại thị trấn Tân Kỳ. Sau khi được cho thuê đất, công ty này đã lập dự án xây dựng khu Trung tâm thương mại, đồng thời vận động số cán bộ, nhân viên đang kinh doanh tại đây di chuyển, kèm lời hứa khi xây dựng xong sẽ bố trí quầy ốt để cho họ quay trở lại buôn bán.

Ngày 11/9/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm thương mại Tân Kỳ tại khu đất nói trên. Tuy nhiên, sau khi xây xong, thay vì làm địa điểm kinh doanh, buôn bán cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Công ty Thương mại Tân Kỳ cũ, cũng là cán bộ, nhân viên của Công ty CP TMMN Nghệ An sau khi cổ phần hoá, thì Công ty CP TMMN Nghệ An lại đem cho Công ty CP Thế giới di động thuê để mở siêu thị điện máy.

Trung tâm thương mại Tân Kỳ sau khi xây dựng xong đã cho Công ty CP Thế giới di động thuê. Ảnh: Tiến Đông
Trung tâm thương mại Tân Kỳ sau khi xây dựng xong đã cho Công ty CP Thế giới di động thuê. Ảnh: Tiến Đông

Làm việc với một vị đại diện của Công ty CP Thế giới di động, chúng tôi được biết, không có ai là người của Công ty Thương mại Tân Kỳ cũ được tuyển dụng vào làm việc tại đây. Phía Công ty CP Thế giới di động chỉ thuê mặt bằng, còn con người đều được tuyển dụng theo hệ thống riêng.

Tại huyện Quế Phong, Công ty CP TMMN Nghệ An được cho thuê một khu đất vàng với diện tích 3.199,7 m2, nằm bên cạnh Công viên văn hoá của huyện tại thị trấn Kim Sơn. Năm 2018, công ty này đã lập bản vẽ quy hoạch xây dựng một Trung tâm thương mại hoành tráng trên diện tích 3.199,7m2 và đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Trong đó diện tích xây dựng công trình là 1.170m2, gồm các hạng mục như: cây xăng dầu, siêu thị, khách sạn, và hệ thống cổng vào, sân vườn, bãi đậu xe. Thế nhưng, công ty này lại xây dựng mấy dãy ki ốt trái phép rồi cho người dân thuê. Phía bên ngoài tiếp giáp với QL16 chỉ có một cây xăng dầu đang hoạt động cùng những dãy ki ốt thấp tè, ở giữa là bãi đất trống nhếch nhác cùng một số căn nhà cũ nát.

Liên quan đến việc xây dựng trái phép các ki ốt rồi đem cho thuê tại khu vực này, UBND thị trấn Kim Sơn đã nhiều lần kiểm tra, thậm chí cả Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong đã nhiều lần có kết luận, thông báo, yêu cầu Công ty CP TMMN Nghệ An ngừng kinh doanh các quầy, ốt để phục vụ cho công tác xóa bỏ chợ tạm tự phát tại khu vực này. Tuy nhiên đến thời điểm này, việc xử lý các dãy ki ốt trái phép và giải toả chợ tạm, chợ tự phát của huyện Quế Phong chưa thực hiện dứt điểm.

Hiện trạng khu đất và bản vẽ quy hoạch TTTM Quế Phong. Ảnh: Tiến Đông
Hiện trạng khu đất và bản vẽ quy hoạch TTTM Quế Phong. Ảnh: Tiến Đông

Ngày 6/4/2022, UBND huyện Quế Phong lại tiếp tục phải ban hành văn bản yêu cầu Công ty CP TMMN Nghệ An đóng các ki ốt đang hoạt động tại Trung tâm thương mại Quế Phong, chấm dứt việc cho thuê ki ốt trước ngày 15/4/2022 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trước việc những sai phạm của Công ty CP TMMN Nghệ An nhiều người cho rằng chính quyền địa phương huyện Quế Phong đã không quyết liệt trong việc xử lý dẫn đến việc tình trạng này bị kéo dài dây dưa.

Liên quan đến Công ty CP TMMN Nghệ An, trở lại thời điểm cách đây hơn 5 năm, vào năm 2016, UBND tỉnh cũng đã có Kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với công ty này. Theo đó, trong quá trình quản lý, sử dụng đất, công ty này còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất. Dù công ty này đang quản lý, sử dụng một số khu đất có giá trị sinh lợi cao nhưng chưa có phương án sử dụng đất để phát huy lợi thế, tương xứng với vị trí khu đất.

Khi đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Công ty CP TMMN Nghệ An có phương án đầu tư, sử dụng các khu đất có vị trí sinh lợi do mình đang quản lý, sử dụng để phát huy lợi thế của vị trí khu đất; yêu cầu công ty này khẩn trương rà soát, hoàn thành thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng để tiến hành xây dựng lại công trình, vừa để đảm bảo an toàn và phát huy lợi thế của vị trí khu đất, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn. Vậy nhưng nhiều vị trí đất vàng tại các huyện, đơn vị này vẫn chưa xây dựng, để nhếch nhác, thậm chí là xây dựng sai quy hoạch.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Công ty CP TMMN Nghệ An được thuê rất nhiều khu đất vàng, nằm rải rác khắp nhiều huyện, không đưa vào sử dụng, nhưng vẫn không bị xử lý dứt điểm?.