Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở Nghệ An thực sự đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, rốt ráo trong hoạt động mà không chủ quan, duy ý chí, nóng vội. Tất cả được thực hiện với một lộ trình bài bản, căn cơ bằng lối tư duy mới mẻ, đề ra giải pháp phù hợp với thực tiễn. Kết quả cụ thể trên một số lĩnh vực như đã đề cập cho thấy nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống Mặt trận ở Nghệ An đã chuyển từ trạng thái “hành chính” sang “hành động”; xứng đáng là “cầu nối” giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền.
Đứng trước những cuộc đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với một hệ thống Mặt trận ở một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước trải dài, rộng trên 21 huyện, thành, thị; 460 xã, phường, thị trấn; 3.804 khu dân cư như Nghệ An. Toàn tỉnh, chỉ tính riêng đội ngũ trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, xóm cũng đã 3.804 người, còn số cán bộ Mặt trận ở cấp xã là 1.380, ở cấp huyện là 120 người. Song từ những trăn trở, tâm tư đối với công tác, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Mặt trận các cấp ở Nghệ An, đặc biệt là người đứng đầu Ủy ban MTTQ tỉnh đã “truyền lửa” được khát vọng, nhiệt huyết thay đổi đến toàn hệ thống bằng những cách làm cụ thể.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh chia sẻ: Chúng tôi thay đổi bắt đầu từ bài học “đã cũ” nhưng làm kỹ đó là tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để “lắng nghe”: Lắng nghe các tồn tại, hạn chế trong công tác Mặt trận; lắng nghe tiếng nói từ Ban công tác Mặt trận; lắng nghe tiếng nói từ đồng bào các dân tộc thiểu số; lắng nghe phản ánh dư luận xã hội… Sau đó tập hợp tất cả tồn tại, hạn chế, yếu kém, nhược điểm và phân tích đánh giá theo từng lĩnh vực; thẳng thắn thừa nhận và công khai tồn tại hạn chế để tìm giải pháp.
Nổi bật nhất của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An là đã thành công bước đầu trong việc “xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong lòng dân” từ hình thức đến nội dung, từ trong ra ngoài thông qua nhiều giải pháp. Đặc biệt, MTTQ tỉnh đã phát động Cuộc thi hiến kế giải pháp về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh; đồng thời thông qua đây cũng nhằm chuyển tải thông điệp, cam kết, quyết tâm đổi mới của hệ thống MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh. Kết quả là thu hút được đông đảo các đối tượng tham gia với trên 2.400 ý tưởng, giải pháp dự thi và trao giải tại cấp huyện vào dịp Kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/2020) và 220 ý tưởng, giải pháp được lựa chọn dự thi cấp tỉnh, nhân Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/2020).
Có lẽ, Nghệ An cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức lấy ý kiến, lựa chọn và thống nhất đồng phục màu vàng trên nền phù hiệu của Mặt trận; xây dựng logo Mặt trận Nghệ An là sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng hoa sen (logo Nghệ An), bên trong là logo Mặt trận Việt Nam; tổ chức Cuộc thi thuyết trình ý tưởng slogan của Mặt trận tỉnh và đã thống nhất lựa chọn 8 chữ vàng: “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới” làm khẩu hiệu hành động.
Không chỉ thay đổi về hình thức mang tính chất “màu cờ, sắc áo”, MTTQ tỉnh Nghệ An còn tập trung thay đổi từ chiều sâu bên trong mỗi cán bộ thông qua mời chuyên gia giỏi về nói chuyện cho toàn bộ cán bộ Mặt trận các cấp nhằm định vị vị trí, vai trò của Mặt trận và cán bộ Mặt trận trong hệ thống chính trị; định hướng, bổ cứu tại chỗ và “truyền lửa” hoạt động, thay đổi tư duy, từ trạng thái “tự ti” sang “tự tin” cho một bộ phận đội ngũ.
Riêng ở cấp tỉnh, cơ quan MTTQ còn là một trong những đơn vị tiên phong tổ chức kiểm tra, sát hạch cán bộ, công chức hàng năm từ cấp Trưởng ban, Chánh văn phòng trở xuống gắn với công tác đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng, với phương châm: “Yếu mặt nào, sát hạch mặt đó, cần mặt nào kiểm tra mặt đó”. Đây cũng là nền tảng cho việc bồi dưỡng, sắp xếp và bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo khoa học và hiệu quả trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được xây dựng theo phương châm “3 rõ”: “Rõ người – Rõ việc – Rõ trách nhiệm” gắn với sản phẩm hoàn thành. Nhờ vậy, cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh dù đã giảm từ 5 đầu mối xuống còn 4, tinh giản biên chế đạt 10% song hiệu lực, hiệu quả hoạt động lại được nâng lên thông qua thay đổi lề lối làm việc, nhất là tập trung chuyển đổi số trong hoạt động.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, nên Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, trong đó nhấn mạnh: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội là nội dung cấp bách và quan trọng, phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản hoàn thành chương trình chuyển đổi số.
Vì chưa có tiền lệ nên với phương châm “ném đá dò sông”, vừa triển khai thực hiện, vừa học tập rút kinh nghiệm, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đúc kết, tập trung triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số tập trung vào 8 giải pháp chính: Hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống cổng/trang thông tin điện tử; hệ thống báo cáo trực tuyến; hệ thống chữ ký số điện tử; hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và Mặt trận, chính quyền; số hóa dữ liệu trên các lĩnh vực trong công tác Mặt trận; đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ; hỗ trợ công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu hoạt động Mặt trận.
Hiện nay, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã phủ từ cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh đến 21 huyện, thành, thị và 420/460 xã, phường, thị trấn. Từ khi vận hành đến hết tháng 5/2022, MTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hơn 86 hội nghị trực tuyến, bao gồm cả hội nghị Trung ương và hội nghị của tỉnh với hơn 43.000 lượt đại biểu tham dự hội nghị, bình quân 500 đại biểu/hội nghị. Một số hội nghị quan trọng, được sự đồng ý của Trung ương, MTTQ tỉnh Nghệ An đã kết nối liên hệ thống, tạo điều kiện nhiều đại biểu tham dự, đặc biệt là đại biểu cơ sở, có hội nghị hơn 19.000 người dự họp. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn Hồ Đình Quế nói: “Cách TP. Vinh gần 300km nên mỗi lần về tỉnh họp mất rất nhiều thời gian, công sức. Từ khi ứng dụng hệ thống họp trực tuyến đã giúp cán bộ Mặt trận cơ sở thuận lợi hơn trong công việc”.
Cùng với đó, từ tháng 7/2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã nâng cấp Cổng thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành Trang thông tin điện tử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vận hành trên hệ thống Website với tên miền: http://mattrannghean.org.vn). Trang này cho phép liên kết, chia sẻ thông tin trên hệ thống các trang mạng xã hội, qua đó góp phần tăng cường hiệu quả thông tin tuyên truyền, tạo môi trường tương tác với người dân và thêm kênh thông tin để Mặt trận nắm bắt tình hình nhân dân, định hướng dư luận xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tích cực hướng dẫn các địa phương tăng cường thiết lập các trang mạng xã hội để tuyên truyền các hoạt động Mặt trận. Riêng MTTQ tỉnh đã thiết lập tài khoản “Tiếng nói Mặt trận” và Fanpage: “Mặt trận Nghệ An” trên mạng xã hội Facebook; lập 14 nhóm Zalo để trao đổi thông tin phục vụ công tác, hướng tới thực hiện đề án “Hội nghị không giấy”. Đặc biệt, trang Fanpage: “Mặt trận Nghệ An” hoạt động hết sức sôi động và hiệu quả với gần 76.000 người theo dõi và thường xuyên tương tác, đây là kênh tuyên truyền rất hiệu quả trong nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội mà bấy lâu nay MTTQ tỉnh Nghệ An đang triển khai trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số như hiện nay.
Ngoài ra, 100% MTTQ các huyện, thành phố, thị xã và nhiều xã, phường, thị trấn đều thiết lập các trang trên các mạng xã hội: Zalo, Facebook để phục vụ công tác hướng dẫn, triển khai các hoạt động Mặt trận. Một số địa phương có nhiều cách làm sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền, như: MTTQ huyện Thanh Chương lập kênh Youtube để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của mặt trận và các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả,…
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An còn ưu tiên triển khai, vận hành hệ thống phần mềm quản lý văn bản (I-Office) từ MTTQ cấp tỉnh đến cấp huyện; phối hợp, đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ miễn phí 140 thiết bị chữ ký số điện tử cấp cho 100% lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện để triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường không gian số. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương Vương Thị Quý cho hay: Từ khi sử dụng hệ thống I-Office và chữ ký số, văn bản được xử lý mọi lúc, mọi nơi, không nhất thiết phải có mặt ở cơ quan nên có nhiều gian đi cơ sở hơn; đồng thời tiết kiệm được chi phí photo, in ấn văn bản.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An còn tiên phong trong xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và Mặt trận, chính quyền, trước mắt thực hiện ở 4 địa phương là thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Nghi Lộc, Con Cuông và đang triển khai các bước để số hóa dữ liệu các lĩnh vực hoạt động Mặt trận, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ được thiết lập và đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh; điều này sẽ mang lại nhiều hiệu quả, tiện ích; khắc phục được quy trình thủ công lâu nay là xã tổng hợp báo cáo huyện, huyện tổng hợp báo cáo tỉnh, tỉnh tổng hợp báo cáo Trung ương vừa mất nhiều thời gian lại dễ sai sót.
Có thể nói, với phương châm “Mặt trận hành động”, ngay sau Đại hội, MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động “hướng về cơ sở, sà vào lòng dân”; chọn những nơi, những việc khó khăn, phức tạp làm nội dung trọng tâm, trọng điểm để triển khai hành động, qua đó khắc phục được “bệnh” hành chính, phát huy vai trò, vị trí, nâng cao hiệu quả tập hợp, vận động quần chúng, đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu phát triển mạnh mẽ hiện nay./.