Công tác Mặt trận ở Nghệ An – Bài 3: Chung tay xây dựng những “miền quê đáng sống”

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở Nghệ An đã phát huy vai trò hạt nhân, hướng các hoạt động đi vào cụ thể để khơi dậy ý thức, sức dân trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đến xóm Yên Sơn, xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương), thật ấn tượng với con đường ngập sắc hoa giấy dẫn vào cổng làng có khắc dòng chữ “Lấy dân làm gốc”. Ông Thái Đình Thành – Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Yên Sơn nhiệt tình giới thiệu những thành quả bước đầu khi thực hiện mô hình khu dân cư “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” và “Nhà sạch – Vườn đẹp – Ngõ văn minh” gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Xóm Yên Sơn có hơn 400 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu, trong đó có 51 hộ giáo dân với hơn 250 nhân khẩu. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Sơn Thái Thị Nam Hoa cho biết: Để thực hiện mô hình, Ủy ban MTTQ xã cùng Chi ủy, Ban Cán sự, Ban Công tác Mặt trận xóm Yên Sơn lựa chọn 31 hộ liền kề để bước đầu xây dựng đường hoa có bồn hoa, điện đường chiếu sáng gắn với đường cờ Tổ quốc; tổng kinh phí thực hiện hơn 230 triệu đồng do bà con và con em xa quê đóng góp và Ủy ban MTTQ xã vận động ủng hộ thêm được 42,5 triệu đồng. Linh mục Giáo họ Xuân Sơn trên địa bàn còn ủng hộ thêm 2.000 viên gạch để xây dựng mô hình.

Cổng làng xóm Yên Sơn, xã Hòa Sơn (Đô Lương); Cán bộ và người dân xóm Yên Sơn chăm sóc đường hoa; Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương thăm mô hình khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn tại xóm Yên Sơn.
Cổng làng xóm Yên Sơn, xã Hòa Sơn (Đô Lương); Cán bộ và người dân xóm Yên Sơn chăm sóc đường hoa; Lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương thăm mô hình khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn tại xóm Yên Sơn.

Nhiều người không chỉ góp tiền, góp công mà còn góp cả giống hoa để trồng, hàng ngày không quên qua lại chăm sóc chu đáo; như chị Thái Thị Hương đã ủng hộ hàng chục cây giống hoa giấy chỉ vì một suy nghĩ mộc mạc “trồng hoa sẽ làm đẹp làng, đẹp xóm, đẹp gia đình”. Đồng hành cùng bà con khu dân cư, cán bộ Ủy ban MTTQ xã Hòa Sơn không chỉ phát động phong trào mà cứ hết giờ làm việc hành chính, rồi còn dành cả thứ Bảy, Chủ nhật để xuống xóm xắn tay cùng làm với bà con. Bằng sự chân thành, gần gũi, miệng nói tay làm, đồng hành cùng với dân, đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở Hòa Sơn đã trở thành những hạt nhân xây dựng khối đoàn kết vững chắc, huy động được sức dân để lo cho dân, cho việc cộng đồng, làng xóm.

Đó cũng là câu chuyện của những người cán bộ Mặt trận ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc), nơi có 72% dân số là đồng bào theo đạo Thiên chúa và cũng địa phương đặt trụ sở Tòa Giám mục Giáo phận Vinh. Giáo dân Nguyễn Văn Nguyên đã có 6 năm đảm nhận vị trí Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên. Trước khi làm công tác Mặt trận, ông Nguyên từng có thâm niên 16 năm làm xóm trưởng. Bởi vậy, với 320 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó 99,7% theo đạo Thiên chúa, ông Nguyên cứ như người nhà. Bà con cảm cái tính hiền lành, say sưa việc đạo, việc đời, mà việc nào ông cũng hoàn thành tốt. Còn với ông, triết lý sống, làm việc cũng chỉ đơn giản là muốn đóng góp một phần công sức để xây dựng xóm làng, họ đạo vươn lên.

Lãnh đạo MTTQ huyện Nghi Lộc và xã Nghi Diên tìm hiểu sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM; Xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa.
Lãnh đạo MTTQ huyện Nghi Lộc và xã Nghi Diên tìm hiểu sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM; Xóm Quyết Thắng, xã Nghi Diên huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Nguyên đã tiên phong trong nhiều việc, như xây dựng nông thôn mới, để vận động người dân, bản thân đã bàn với con hiến đất gia đình nằm dọc đường liên xã mà theo giá thị trường khoảng 500 triệu đồng. “Muốn tạo được niềm tin cho bà con, mình phải thông qua từng việc làm cụ thể”, ông Nguyên chia sẻ. Ngoài thông báo lên loa phát thanh của xóm, ông còn cùng Ban Công tác Mặt trận xóm phối hợp với các chức sắc, chức việc triển khai, vận động… huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng, diện mạo xóm khang trang. Năm 2019, Trưởng ban Công tác Mặt trận Nguyễn Văn Nguyên cũng như bà con trong xã hoà chung niềm vui xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần đưa huyện Nghi Lộc là 1 trong 5 đơn vị cấp huyện đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới sau đó một năm. Hiện nay, đồng bào giáo – lương ở xã Nghi Diên và hệ thống chính trị đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Để có những thành quả đó, một trong những yếu tố quan trọng là cán bộ làm công tác Mặt trận đã thể hiện rõ nét vai trò hạt nhân đoàn kết, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các chức sắc, chức việc trong các cơ sở tôn giáo cùng đồng hành, “chung một tiếng nói” cùng lãnh đạo xã, cán bộ xóm khơi dậy nội lực nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nghi Diên Nguyễn Đức Sơn nói: Quá trình xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ xã đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền xã chọn điểm để tập trung dồn lực chỉ đạo rút kinh nghiệm, nhân rộng và lan tỏa, tạo sự bền vững trong từng tiêu chí. Cán bộ Mặt trận từ xã đến xóm là người trực tiếp đi tuyên truyền, vận động và bằng tinh thần tận tụy, lăn lộn với phong trào đã truyền lửa, lan tỏa trong người dân. Thực tiễn vừa qua cho thấy kết quả mang lại rất cao, ở Nghi Diên nhiều hộ sẵn sàng đóng góp từ 10 – 50 triệu đồng, cá biệt có hộ ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng hạ tầng.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp tại Nghệ An cũng đã lựa chọn mô hình, nội dung cụ thể để vận động hoặc kêu gọi, tranh thủ sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện. Về huyện Thanh Chương thời gian này, một dấu ấn rõ nét của Mặt trận chính là chủ trì xây dựng các “Tổ tự quản kiểu mẫu”. Đơn cử như ở xã Thanh Liên, không khí thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao và tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu đang được đẩy mạnh rộng khắp. Trên cơ sở chủ trương của Đảng ủy xã, mỗi tổ chức chính trị – xã hội “gánh” một “mũi”, Ủy ban MTTQ xã và Ban công tác Mặt trận các xóm chủ trì xây dựng các “Tổ tự quản kiểu mẫu” để xây dựng xóm làng: “Xanh – Sạch – Đẹp”, “Vườn đẹp – Nhà sạch”.

Người dân trong Tổ tự quản chung sức làm đường giao thông ở xã Phong Thịnh (Thanh Chương).
Người dân trong Tổ tự quản chung sức làm đường giao thông ở xã Phong Thịnh (Thanh Chương).

Đồng chí Lê Thiết Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương cho biết: Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 301 “tổ tự quản kiểu mẫu”/2.249 tổ tự quản. Các tổ tự quản kiểu mẫu tập trung phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đặc biệt là hướng đến gìn giữ, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và lan tỏa các nét văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng cuộc sống, cũng như nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng, xã hội.

Đối với huyện Nam Đàn, Đảng bộ và Nhân dân địa phương này đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Phát huy vai trò của mình, Ủy ban MTTQ các cấp trong huyện đã phối hợp các thành viên tập trung vận động người dân xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới; xây dựng mô hình khu dân cư: “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”; xây dựng khu dân cư và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Từ 5 mô hình làm điểm ở 5 xã, đến nay đã lan toả sâu rộng tại tất cả các khu dân cư trong toàn huyện.

Một góc huyện Nông thôn mới Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Hải Vương
Một góc huyện Nông thôn mới Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Hải Vương

Năm 2022, huyện Đô Lương phấn đấu các xã Tràng Sơn, Đông Sơn, Hòa Sơn, Văn Sơn, Tân Sơn, Thịnh Sơn, Lam Sơn, Xuân Sơn, Trung Sơn và Đặng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã Yên Sơn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Đô Lương giữ vững, nâng cao tiêu chí đô thị văn minh. Đặc biệt, huyện Đô Lương quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đô Lương Vương Thị Quý cho biết: Mặt trận đã phát động đến tận 33 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ra quân cao điểm “Xây dựng huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện từ 18/3 đến ngày 18/12/2022”. Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch, nội dung, phần việc, có sản phẩm cụ thể và phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thực hiện hoàn thành 7 chỉ tiêu, 25 công trình cấp huyện, 320 công trình cấp cơ sở.

MTTQ huyện Đô Lương tổ chức
MTTQ huyện Đô Lương tổ chức "Ngày thứ 7, Chủ nhật nông thôn mới" tại xã Tân Sơn. Ảnh: CSCC

Đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An khẳng định: Thời gian qua, trên cơ sở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện cả 5 nội dung cuộc vận động; đặc biệt là đã chủ trì tổng hợp những ý kiến mà nhân dân còn băn khoăn hoặc hiến kế để kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành có kế hoạch, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt xây dựng nông thôn mới ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đang đặt ra nhiều khó khăn.