Có an cư mới lạc nghiệp, thấu cảm được mong mỏi đó của hàng ngàn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tiến hành rà soát và khởi động “chiến dịch” xóa hơn 8.100 căn nhà tạm bợ, dột nát. Hàng ngàn mái ấm “Đại đoàn kết” sâu nặng nghĩa tình đã được xây dựng, nhân lên tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào cao đẹp của người dân xứ Nghệ.
Đón nhận căn nhà kiên cố, vững chãi vừa mới được xây dựng với sự chung tay, góp sức của Ủy ban MTTQ huyện, xã và bà con thôn bản, chị Vi Thị Thìn, ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông rưng rưng nước mắt, nắm chặt bàn tay từng cán bộ Mặt trận, thốt lên: “Cảm ơn Mặt trận!”. Chứng kiến giây phút đó ai cũng xúc động, chung niềm vui khôn tả với mẹ con người phụ nữ có hoàn cảnh thuộc diện khốn khó nhất bản đồng bào Thái vùng cao này.
Chồng bị tai nạn mất nhiều năm trước, bản thân chị Thìn sức khỏe yếu nên cuộc sống của hai mẹ con vô cùng chật vật. Cái ăn, cái mặc đang phải chạy từng bữa, lo từng ngày, chị đâu dám mơ có ngày sẽ được ở trong ngôi nhà “kín trên, bền dưới”.
Đồng cảm với hoàn cảnh của chị Thìn, sau khi khảo sát thực tế, Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông trích 40 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” và đứng ra kêu gọi Hội Đồng hương Con Cuông tại Hà Tĩnh hỗ trợ thêm 40 triệu đồng; cùng nguồn Quỹ “Vì người nghèo” xã, cộng đồng dân cư đóng góp 6 triệu đồng để xây ngôi nhà 2 gian trị giá 86 triệu đồng, hoàn thành trong tháng 8/2022. Ngoài hỗ trợ tiền và đôn đốc, giám sát việc làm nhà đảm bảo có chất lượng, cán bộ Mặt trận huyện Con Cuông còn đứng ra kết nối với gia đình bên nhà chồng chị Thìn tổ chức họp họ tộc thống nhất cắt đất, đồng thời, giao Mặt trận xã hướng dẫn chị hoàn thiện hồ sơ để tách và cấp đất ở “chính chủ” cho hai mẹ con.
Tương tự là trường hợp ông Vi Văn Học ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, sức khoẻ yếu, một mình côi cút trong ngôi nhà tranh trống huơ, trống hoác, Ủy ban MTTQ huyện và xã đã hỗ trợ, cũng như kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây dựng ngôi nhà trị giá 80 triệu đồng tặng ông. Hôm nhận bàn giao nhà, ông Vi Văn Học không giấu nổi xúc động nói: “Ngôi nhà của tình nghĩa, tình người đoàn kết mà nên. Cảm ơn Mặt trận, cảm ơn những cán bộ áo vàng”. Để có được kết quả đó, dẫu trong điều kiện là một huyện vùng cao còn bộn bề khó khăn, nhiều việc phải lo toan, song mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận ở địa phương này nặng cái tình, cái nghĩa, thấu hoàn cảnh của đồng bào để rồi luôn trăn trở, nỗ lực trong công việc.
Đồng chí Phạm Trọng Bình – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông cho biết: Trên cơ sở trực tiếp thẩm định hiện trạng nhà ở của các hộ nghèo, Ủy ban MTTQ huyện tổ chức thông tin, chia sẻ các hình ảnh cũng như hoàn cảnh các hộ trên các nhóm Facebook, Zalo; từ những hình ảnh “người thật, việc thật, nhà thật” đó kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ. Đặc biệt, đích thân lãnh đạo huyện đã kêu gọi sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm vào hoạt động này. “Đầu năm 2020 đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng mới được 57 nhà với số tiền 1,8 tỷ đồng và sửa chữa 17 nhà với số tiền gần 400 triệu đồng cho các hộ nghèo”.
Thị xã Hoàng Mai ở địa đầu phía Bắc tỉnh Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả tỉnh khởi động chiến dịch xây dựng và sửa chữa nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Chính xác là từ tháng 6/2019, trên cơ sở rà soát và tham mưu của Ủy ban MTTQ, Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Toàn dân chung tay ủng hộ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 126/126 hộ nghèo trên địa bàn thị xã”.
Trực tiếp Bí thư Thị ủy Hoàng Mai thời điểm đó đã viết Thư ngỏ gửi cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thị xã; con em quê hương Hoàng Mai sinh sống, làm việc trên mọi miền Tổ quốc và trên thế giới. Qua nhiều kênh, đặc biệt là mạng xã hội, bức thư hơn 700 từ chứa đựng ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đối với những hộ nghèo, cận nghèo để “không ai bị bỏ lại phía sau” đã lan tỏa, lay động nhiều người cùng chung tay, góp sức.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Hoàng Mai Hồ Thị Hằng chia sẻ: Từ việc huy động tinh thần ủng hộ của toàn dân và sự vào cuộc trách nhiệm của các ban, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã, địa phương đã huy động một nguồn lực lớn để làm nhà ở cho người nghèo. Đến thời điểm này, ngoài 126 hộ nghèo có nhu cầu làm nhà ở được khảo sát năm 2019 cơ bản được hỗ trợ làm nhà ở và đã có thêm hàng chục hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm nhà “Đại đoàn kết” đăng ký mới trong 3 năm (2020, 2021, 2022) cũng được hỗ trợ, bình quân 50 triệu đồng/nhà.
Còn tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, dẫu cuộc sống chưa phải là dư dả, song hàng năm mỗi cán bộ trong hệ thống MTTQ từ huyện đến cơ sở đều tự nguyện đóng góp 1 ngày lương để giúp đỡ hộ nghèo, trong đó, có xây dựng nhà “Đại đoàn kết”. Đặc biệt, theo như Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kỳ Sơn Hồ Đình Quế cho biết: Mặt trận các cấp đã đứng ra vận động doanh nghiệp và người dân tham gia hỗ trợ “Chuyến xe 0 đồng” để vận chuyển vật liệu làm nhà cho người nghèo; cũng như vận động người dân, ai có gỗ giúp gỗ, có xi măng giúp xi măng hoặc đóng góp ngày công làm nhà cho hộ nghèo…
Bắt đầu từ tháng 6/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp tổng rà soát thực trạng hộ nghèo có nhu cầu nhà ở để xây dựng lộ trình, kế hoạch kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ; đồng thời phân loại thứ tự ưu tiên đối với người có công, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người dân tộc thiểu số…
Tại thời điểm rà soát, toàn tỉnh có 8.160 hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhu cầu xây mới 6.020 nhà và sửa chữa 2.140 nhà. Để tạo sức thuyết phục đối với các nhà hảo tâm, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã công phu khảo sát, tổng điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo toàn tỉnh có nhu cầu cải thiện nhà ở và hỗ trợ sinh kế; lập kế hoạch tổng thể và thiết lập hồ sơ gồm hình ảnh hiện trạng từng ngôi nhà, thông tin cụ thể về hộ nghèo, đối tượng, địa chỉ… để kêu gọi vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cộng đồng; xây dựng hệ thống các tiêu chí ưu tiên hỗ trợ cải thiện nhà ở, hỗ trợ sinh kế nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng.
Trên kết quả rà soát, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ra lời kêu gọi, vận động xây dựng 1.200 nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020); sau đó tiếp tục mở rộng ra toàn bộ hộ nghèo trong danh sách rà soát.
Với vai trò tham mưu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, phong trào xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho người nghèo đã lay động mạnh mẽ cảm xúc, tình cảm và khơi dậy, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của cộng đồng, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; nâng lên thành một chương trình sâu rộng của cả hệ thống chính trị, thể hiện ý Đảng, lòng Dân hòa chung một nhịp, mà MTTQ các cấp là cầu nối. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành, các huyện, thành, thị ủy đã tranh thủ mọi cơ hội tăng cường kết nối, chủ động đặt vấn đề để vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nguồn lực làm nhà ở cho hộ nghèo.
Đồng hành cùng Nghệ An, các đồng chí lãnh đạo Trung ương cũng đã kêu gọi, chung tay góp sức để thực hiện chiến dịch xóa nhà tạm bợ, dột nát cho người nghèo. Mới đây nhất, trong chuyến công tác tại Nghệ An vào đầu tháng 9/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 100 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; trước đó, vào tháng 6/2022, đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn Nghệ An đã cùng Đoàn ĐBQH tỉnh vận động Tập đoàn Masterise trao hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An còn ký kết quy chế phối hợp với Tòa Giám mục Giáo phận Vinh về vận động, hỗ trợ cải thiện nhà ở và sinh kế cho hộ nghèo đồng bào công giáo giai đoạn 2020-2025. Qua 2 năm thực hiện, hai bên đã phối hợp hỗ trợ xây dựng 183 nhà ở cho hộ nghèo trong đồng bào công giáo, với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ: Từ việc thay đổi phương pháp, cách làm theo phương châm: “Rõ đối tượng, rõ địa chỉ, rõ hoàn cảnh” cần hỗ trợ gắn với đa dạng hình thức vận động, xác định cụ thể vai trò “đầu mối” đã tạo sức mạnh và lan tỏa sâu rộng của “chiến dịch”. Kết quả, sau 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã thực hiện được 4.419 căn nhà “Đại đoàn kết”. Trong thời gian tới, MTTQ các cấp của Nghệ An sẽ tiếp tục phân nhóm thứ tự ưu tiên và huy động mọi người lực tiếp tục giúp đỡ hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở có một mái ấm vững chãi.