P.V: Ông có thể cho biết về quá trình hình thành Trung tâm Khuyến nông Nghệ An?
Ông Tạ Quang Sáng: Ngày 2/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP quy định về công tác khuyến nông, Cục Khuyến nông được thành lập.
Ngày 11/9/1993, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1862/QĐ.UB thành lập Trung tâm Khoa học, kỹ thuật và Khuyến nông Nghệ An, tiền thân của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An hiện nay. Như vậy, tính đến thời điểm này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An vừa tròn 30 năm xây dựng, trưởng thành.
Quá trình hoạt động, hệ thống khuyến nông tỉnh Nghệ An không ngừng được củng cố, hoàn thiện và điều chỉnh. Đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông ngày càng được nâng cao cả về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, luôn đáp ứng tốt những yêu cầu nhiệm vụ mà công tác khuyến nông đặt ra cho từng giai đoạn và trong thời gian tới.
P.V: Như ông đã nói, trong 30 năm hình thành, phát triển, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; vậy ông có thể cho biết cụ thể về những kết quả đạt được của trung tâm?
Ông Tạ Quang Sáng: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến nông xuyên suốt 30 năm qua là xây dựng các mô hình trình diễn và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Trong đó, về hoạt động xây dựng mô hình, trung bình mỗi năm trung tâm xây dựng từ 25-30 dạng mô hình trình diễn (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản) để chuyển giao cho bà con nông dân các tiến bộ kỹ thuật mới; các giống cây trồng, vật nuôi mới; công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… với quy mô trên 6.000 ha đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; hơn 180.000 con gia súc, gia cầm, giống thủy sản các loại,… cho 33.600 hộ dân tham gia. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình đã góp phần làm tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Về thông tin tuyên truyền, đã xây dựng và phát sóng 813 trang phóng sự, chuyên đề trên Đài Truyền hình, Truyền thanh tỉnh, 31 trang nhịp cầu nhà nông, 366 trang khuyến nông và 102 trang điện tử trên báo Nghệ An, in ấn 143.615 tập san Thông tin khuyến nông, 66 vạn tờ gấp kỹ thuật, tổ chức hàng chục cuộc diễn đàn, hàng trăm cuộc hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm để chuyển giao chủ trương, chính sách về nông nghiệp, các tiến bộ kỹ thuật mới, các điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp ở khắp mọi miền đến với người nông dân.
Về tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và nông dân, đã tổ chức 14.251 lớp, với 806.113 lượt cán bộ khuyến nông các cấp và nông dân tham gia. Đặc biệt, từ năm 2020 – 2022, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông thôn, bản được thay bằng cán bộ chủ chốt thôn, xóm, bản với 329 lớp, với 13.840 lượt người tham gia. Trung tâm cũng phối hợp với Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Kinh tế trang trại, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, các Tổng đội Thanh niên xung phong,… tổ chức 268 lớp, với 13.400 lượt hội viên, đoàn viên thanh niên tham gia. Ngoài ra, còn thu hút sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác (nguồn từ huyện, các chương trình, dự án, doanh nghiệp, Nghị định 35/CP,…) tổ chức 862 lớp tập huấn cho 39.652 nông dân.
Về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong cả nước thuộc hệ thống khuyến nông cấp tỉnh được giao nhiệm vụ và cấp phép đủ điều kiện dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, với 19 nghề đào tạo thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp, theo Quyết định 1956/CP của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011. Khoảng 70 – 80% học viên sau học nghề đã áp dụng ngay chính nghề được học vào sản xuất và cho hiệu quả kinh tế.
Về tư vấn dịch vụ nông nghiệp: Bằng hình thức trực tiếp hoặc điện thoại, trung tâm đã tư vấn cho hàng ngàn lượt nông dân về xây dựng dự án, tư vấn kỹ thuật, phương pháp triển khai xây dựng mô hình, giới thiệu các địa chỉ cung ứng sản phẩm đầu vào và đầu ra… Đặc biệt, tư vấn cho các xã, ban chỉ đạo nông thôn mới cấp huyện, xã trong xây dựng mô hình phát triển sản xuất, với 494 mô hình thuộc nguồn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với dịch vụ khuyến nông, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, các công ty thực hiện 45 mô hình, tổ chức 26 cuộc hội thảo về chuyển giao nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật.
Về khuyến nông đô thị, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập Câu lạc bộ “Khuyến nông đô thị” với 23 thành viên, trong đó, có Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, hoạt động với nhiều chương trình, dự án, mô hình khuyến nông đô thị hiệu quả, vượt trội đóng góp vào thành tích chung của hoạt động Câu lạc “Khuyến nông đô thị” trên cả nước.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An còn tham gia quản lý nhà nước về khuyến nông, thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia do UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện và cơ sở giao phó. Phối hợp thực hiện và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế để phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông.
P.V: Với những kết quả cụ thể trong hoạt động như vậy, đóng góp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đối với sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhà là rất đáng ghi nhận. Ông có thể nói thêm về điều này?
Ông Tạ Quang Sáng: Có thể khẳng định rằng, đầu tư ngân sách Nhà nước cho khuyến nông gần 30 năm qua tuy không lớn, nhưng từ kết quả hoạt động khuyến nông đạt được đã tác động tích cực đến sản xuất, góp phần vào thành tích chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhà.
Đó là từng bước nâng cao năng lực, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp, đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực chất lượng, giàu kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, tiếp sức hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, góp phần tăng nhanh năng suất và sản lượng lương thực, đưa sản lượng lương thực của tỉnh từ 480.000 tấn năm 1993 lên 1.209.000 tấn năm 2022 (tăng gấp 2,52 lần). Thúc đẩy liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp với một số sản phẩm có lợi thế như lúa, lạc, ngô, chè, mía…
Chuyển giao nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa vào sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất cây công nghiệp hàng năm, lâu năm, cây ăn quả để cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp, chuyển biến mạnh về chất, đảm bảo môi trường sinh thái và kinh tế dân sinh, phát triển bền vững, hiệu quả, tăng nhanh độ che phủ rừng từ 43% năm 2002 lên 58,41% năm 2022.
Nâng cao năng lực, kiến thức và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi bò, lợn, dê, gà, ngan, vịt, dúi, .. cho người dân, góp phần duy trì tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt 4-5%/năm, thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất thủy, hải sản, nâng cao được năng lực, năng suất, sản lượng, hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản. Nhiều đối tượng nuôi thủy sản đã được đưa vào áp dụng như: tôm, cua, cá vược, cá bống bớp, ba ba, lươn, cá diêu hồng, cá rô phi, cá lóc… với đa dạng hình thức nuôi ở vùng mặn lợ, vùng nước ngọt, trong bể xi măng, bể lót bạt, trên ruộng,… đã giúp tác động tăng nhanh năng suất, sản lượng thủy sản. Nếu như năm 2010 mới chỉ đạt mức sản lượng 37.950 tấn, thì đến năm 2022 đạt 270.477 tấn, tăng 7,13 lần.
P.V: Để hệ thống khuyến nông Nghệ An đủ năng lực hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2020-2025, trung tâm đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Tạ Quang Sáng: Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống khuyến nông Nghệ An ngày càng năng động, đủ năng lực để làm tốt vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và liên kết dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân.
Đa dạng hóa các nội dung, phương pháp, chính sách khuyến nông nhằm thỏa mãn nhu cầu sản xuất cho nhiều đối tượng hưởng lợi, tạo ra nhiều loại hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn, nhằm tạo ra các vùng sản xuất tập trung, hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Những năm tới, nhất thiết sản xuất nông nghiệp phải gắn chặt với cơ chế thị trường, với điều kiện hội nhập quốc tế, với liên kết chuỗi giá trị theo quy mô lớn lấy hiệu quả giá trị gia tăng làm thước đo; vì vậy, nhiệm vụ của công tác khuyến nông phải được đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả hơn để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về công tác khuyến nông phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!