Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Nghệ An trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tỉnh luôn nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng việc ban hành và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và pháp lý để doanh nghiệp sớm giải ngân nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách để “trục lợi” đã và đang để lại nhiều hệ lụy. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại đang gặp khó để xử lý những dự án treo này.
Dự án Khu nghỉ dưỡng sông Hồng tại phường Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò) với diện tích sử dụng đất là 9.890 m2 được phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, với mục đích là xây dựng khách sạn, nhà hàng, biệt thự. Biên bản giao đất tại hiện trường cũng thực hiện từ tháng 12/2010. Thế nhưng, dự án nhiều năm chỉ triển khai cầm chừng. Thời gian gần đây, sau khi tỉnh có động thái kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, nhà đầu tư lại đưa “bài cũ” ra lòe: “nhúc nhắc” thực hiện một vài hạng mục. Đến nay, dự án này mới chỉ xây dựng thêm 5 biệt thự, 1 nhà sàn gỗ và đang hoàn thiện dãy nhà 5 tầng. Liên quan đến dự án này, UBND thị xã Cửa Lò đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh đến ngày 1/9/2019 nếu dự án chưa hoàn thành xây dựng công trình thì thu hồi.
Lý giải nguyên nhân Dự án Khu nghỉ dưỡng sông Hồng chậm tiến độ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng Nguyễn Lâm Hoan cho rằng: Dự án của công ty theo kế hoạch năm 2016 – 2017 hoàn thành các hạng mục đưa dự án đi vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, dự án triển khai chậm tiến độ do diễn biến phát triển kinh tế – xã hội, thị trường, nhu cầu về du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng ở thị xã Cửa Lò thời gian qua trầm lắng dẫn đến các nhà đầu tư chần chừ, kéo dài thời gian thực hiện. Đây là tình trạng chung của nhiều nhà đầu tư trên địa bàn thị xã Cửa Lò cũng như một số địa phương khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa Lê Thanh Giang khẳng định: Các dự án chậm tiến độ trên địa bàn phường không vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.
Điều tương tự cũng diễn ra tại xã Hưng Hòa, đất nuôi tôm, trồng lúa của người dân cả chục năm nay cũng chỉ dám đầu tư cầm chừng. Chính quyền, nhân dân đều ngóng nhà đầu tư trả lời dứt điểm triển khai hay không triển khai dự án để có hướng phát triển sản xuất, những nhà đầu tư thì vẫn “bặt vô âm tín”. Ông Lê Văn Thương – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã lấy dẫn chứng: Dự án xây dựng Khu đô thị và nhà ở xã hội do Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào làm chủ đầu tư có tổng diện tích quy hoạch ban đầu của dự án này là 156,3 ha, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 4626/QĐ.UBND-CNXD ngày 7/10/2010. Và sau nhiều lần điều chỉnh, mở rộng hiện nay dự án được quy hoạch với diện tích lên đến 200 ha. Thậm chí dự án này đã được UBND thành phố Vinh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng số tiền trên hồ sơ là gần 276,6 tỷ đồng. Thế nhưng, theo ông Lê Văn Thương cho đến thời điểm này làm gì đã có đồng nào. Chỉ lời hứa vẫn nguyên!
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Lê Tiến Trị cho biết, theo quy trình, dự án của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào tại xã Hưng Hòa được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, sau đó lập quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở quy hoạch, nhà đầu tư triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực tế doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc thỏa thuận với các hộ dân có đất nông nghiệp để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Công ty TNHH Hà Thành (Thanh Hóa) tại xã Hưng Hòa. Được biết nhà đầu tư này cũng “ôm” một số dự án bất động sản khác ở Nghệ An và cho đến thời điểm này chưa có bất cứ một dự án nào triển khai. Tại xã Nghi Thái (Nghi Lộc) và xã Hưng Hòa (TP.Vinh), Công ty TNHH Hà Thành cũng tự thỏa thuận với dân và thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng với một số hộ dân xã Nghi Thái, vậy nên rất khó để xử lý. Hai dự án nói trên đều không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất (theo Điều 62, Luật Đất đai). Với Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào đến thời điểm này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Nguyên nhân khiến một số dự án không thể thu hồi là do trong phê duyệt quy hoạch không ghi rõ thời hạn thực hiện nên Nhà nước không có cơ sở pháp lý để xử lý. Đây rất có thể là kẽ hở để nhà đầu tư “treo” dự án để chờ chuyển nhượng.
Phần lớn các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ chủ yếu nằm trong nhóm đầu tư bất động sản, khu đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ và các dự án này đều hình thành trước năm 2015. Có thể thấy, mặc dù được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức tạo điều kiện, tuy nhiên, nhiều dự án chủ đầu tư vẫn không triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ.
Nhiều lý do được chủ đầu tư đưa ra, nhưng với một dự án mà 7 – 8 năm, thậm chí 10 năm không triển khai thì rõ ràng cần phải xem xét nghiêm túc năng lực tài chính của chủ đầu tư để có giải pháp thu hồi quyết liệt, chứ không thể để tình trạng “hứa rồi lại thất hứa”. Đây cũng là quan điểm được Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Võ Văn Hùng đặt ra. Thực tế cũng cho thấy, không ít nhà đầu tư vẽ dự án để làm căn cứ thế chấp ngân hàng vay vốn xoay vòng.
Chia sẻ về việc vuột mất cơ hội thu hút đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Lê Tiến Trị cho hay, vừa qua có một doanh nghiệp của Pháp muốn đầu tư trung tâm thương mại ở Nghệ An nhưng không còn quỹ đất để thực hiện. “Khi chúng tôi tìm kiếm giới thiệu địa điểm thì đều mắc, có những nơi cứ tưởng là bãi đất trống nhưng thực ra có dự án cả rồi” – ông Lê Tiến Trị cho biết.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đô thị và thương mại dịch vụ lấy quỹ đất lớn nhưng ban đầu việc thẩm tra năng lực nhà đầu tư chưa kỹ, ràng buộc pháp lý chưa cao. Nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở của chính sách lấy dự án để chuyển nhượng. Thực tế, khi tiến hành kiểm tra một số dự án thì đã sang nhượng nhà đầu tư thứ hai, thứ ba nhưng cũng không có cơ sở để Nhà nước thu hồi. Nhiều trường hợp nhà đầu tư thứ hai, thứ ba trở lại làm thủ tục nhưng không có gốc ban đầu. Đây cũng là vấn đề khó xử lý.
Ngày 9/4/2019, UBND thành phố Vinh có Công văn số 2033/UBND-PTQĐ gửi xã Hưng Hòa về việc phối hợp trích lục, trích đo bản đồ địa chính.
Công văn viết: “Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố đang thực hiện công tác trích lục, trích đo bản đồ địa chính để thực hiện Dự án Khu đô thị và nhà ở xã hội; Mở rộng khu đô thị tại xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt – Lào làm chủ đầu tư trên cơ sở quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Để công tác trích lục, trích đo nói trên thực hiện thuận lợi, chính xác, phục vụ cho công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB, UBND thành phố đề nghị UBND xã Hưng Hòa phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các HTX có liên quan cùng với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố thực hiện công tác trích lục, trích đo nhanh chóng, chính xác…”.