Chuyện người “hồi sinh” rượu men lá Con Cuông

Rượu men lá theo tiếng đồng bào gọi là “láu xiêu xà, là thức uống được ủ bằng loại men làm từ 18 loại thảo dược khác nhau, được chưng chất thủ công với nhiều cung đoạn cầu kỳ, tốn nhiều thời gian theo những bí quyết riêng của người Thái.

Chúng tôi theo chân vợ chồng bà Hà Thị Tình và một số bà con trong “tổ nhóm làm men lá Môn Sơn” đi vào rẫy để tìm lá rừng, những thứ lá đặc trưng dùng để ủ men làm nên thức uống truyền thống của đồng bào Thái. Rẫy cách nhà bà Tình chừng 3 cây số, sau khi đi xe máy vào gần đến nơi thì bỏ xe lại bên đường để đi bộ. Đi qua quãng đường khá nhỏ, len lỏi bên những con suối, những sườn dốc thoai thoải của các quả đồi mới đến được khu vực rậm rạp có chứa 1 trong 18 loại lá bà Tình cần tìm.

Men lá được sản xuất hoàn toàn thủ công bằng công thức của người Thái được anh Lê Đông khôi phục lại; công đoạn quan trọng trong ủ men lá là gác bếp lửa; men lá được nguời dân sản xuất thủ công với bí quyết gia truyền lâu đời; người dân ở Môn Sơn ủ men lá.
Men lá được sản xuất hoàn toàn thủ công bằng công thức của người Thái được anh Lê Đông khôi phục lại; công đoạn quan trọng trong ủ men lá là gác bếp lửa; men lá được nguời dân sản xuất thủ công với bí quyết gia truyền lâu đời; người dân ở Môn Sơn ủ men lá.

Sau khi tập hợp đủ 18 loại lá rừng, các bà, các chị lại đem phơi. Để lá có thể khô khén phải chờ ngày đủ nắng, thường là vào mùa khô, mùa nắng nóng. Phơi chừng ba, bốn nắng đến khi lá khô cong, xào xạo thì cho vào bì cất dùng dần.

Lá đã “tập hợp” đủ vị, bà con lại mang gạo nếp và thêm một ít ngô kèm với lá rừng đã khô cũng mang đi xay thành bột mịn, rồi trộn lẫn với nhau, vắt thành viên, sắp ngay ngắn trên chiếc nong đã rải sẵn một lớp vỏ trấu rồi để nơi thoáng mát, nhiệt độ không được quá nóng hoặc quá lạnh, được ủ lên men trong vòng 30-45 ngày.

“Nhà làm mát” mà bà Tình cho biết chính là gian nhà tre lợp bằng mái rơm được dựng trên một ao nước có bắc các thanh tre. Các nong chứa men lá được gác trên thanh tre trên mặt nước để giảm nhiệt độ khi trời quá nóng. Sau khi lá lên men đạt yêu cầu thì được đem lên gác trên giàn bếp để bảo quản.

Mỗi một mẻ men lá hoàn thành trong thời gian từ 1-3 tháng. Men lá thành phẩm có mùi thơm đặc trưng, khô xốp. Loại men chế xuất từ lá rừng này chính là “chất dẫn” để ủ lên men cơm nếp đã nấu chín rồi rắc men lá, mang ủ 12 tháng đã có thể mang ra chưng cất rượu, song tùy từng mẻ nguyên liệu và tình hình thời tiết, mẻ men có thể ủ đến 14 tháng. “Gạo nếp được hông thật chín, sau đó rải cơm nếp ra nong, rắc men lá theo tỷ lệ nhất định, trộn đều rồi bỏ vào chum ủ khoảng 1 năm. Nhiệt độ của chum khi nào cũng phải đảm bảo không quá nóng hay quá lạnh. Trời nắng quá thì lại phải khiêng chum ra nhà mát để. Trời lạnh thì phải dùng rơm hoặc chăn để giữ ấm” – bà Tình cho biết.

Men lá đã thành phẩm.
Men lá đã thành phẩm.

Những mẻ cơm nếp với men lá sau khi ủ được mang ra đổ vào nồi chưng cất, cho ra sản phẩm rượu men lá chuẩn vị truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Song, để có được thành công, Lê Đông đã cùng các hộ dân thử nghiệm và làm hỏng hàng tấn nguyên liệu. Bà con dân bản đồng hành cùng anh đã có lúc nhiều người muốn bỏ việc, bởi thấy gã tiêu tốn quá nhiều tiền mà vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Những lúc ấy, “gã gàn” lại đến tận nhà từng người để thuyết phục, động viên người dân đừng bỏ cuộc. Quá trình này mất khoảng 2 năm, đã có lúc rơi vào bế tắc, khủng hoảng cả về tài chính và tinh thần, gã cho biết, nhiều lúc cũng chán nản. Ấy thế nhưng, chưa bao giờ gã nghĩ đến từ “bỏ cuộc”. Sau khi thuyết phục được bà con tiếp tục đồng hành, công thức chế biến được ghi chép tỉ mẩn sau mỗi mẻ rượu, mẻ men lá làm ra. Khi công thức đã ổn định, Lê Đông bắt tay vào đăng ký kiểm định chất lượng, đăng ký bảo hộ thương hiệu “Rượu men lá Lê Đông”. Quá trình này mất 4 năm trời, trải qua hàng chục cuộc thử nghiệm, kiểm định đánh giá của các cơ quan chức năng.

Khi đã đạt được “cú hích” bằng sự đánh đổi gần chục năm trời lao tâm, khổ tứ, gã bắt tay vào sản xuất men lá và loại rượu hạ thổ được ủ từ men lá. Gần 1 năm trời cặm cụi nấu rượu rồi đi sưu tầm, mua lại những chiếc chum sành cổ trong nhân dân để về đựng rượu, đem chôn chum rượu ấy xuống đất đủ thời gian 1 năm mới đưa ra sử dụng. Để có rượu men lá thành phẩm bán ra thị trường, mỗi mẻ rượu mà “gã gàn” yêu mến gọi “vị xưa, tình nồng” từ khâu làm men lá đến ủ, nấu và hạ thổ phải mất hàng năm trời.

Rượu men lá hạ thổ mang tên Lê Đông đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Rượu men lá hạ thổ mang tên Lê Đông đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Tết năm 2016, lượng rượu nấu được đã lên đến con số hàng nghìn lít, song khi người dân đến hỏi mua thì gã lại nhất định không bán. Thay vào đó, gã đi nhặt nhạnh từng chiếc bình rượu cũ, chai đựng nước… Rồi hễ có đoàn khách du lịch nào đến với huyện Con Cuông, hay đến làm việc tại huyện gã lại mang rượu của mình sản xuất được đến tặng. Gã chỉ xin họ một lời nhận xét sau khi uống sản phẩm, và nếu có nhu cầu dùng tiếp thì liên hệ theo số điện thoại để gã giao sản phẩm đến tận tay khách hàng.

Quả nhiên, một thời gian sau đó, rất nhiều người được gã tặng “vị xưa, tình nồng” đã chủ động liên lạc để đặt hàng. Những vị khách ấy từng sử dụng thức uống được chưng cất từ loại men làm bằng lá rừng, được hạ thổ trong chum sành, ai cũng tấm tắc khen về độ êm dịu, để uống và không bị đau đầu. Và cho đến nay những vị khách ấy đã trở thành khách hàng thân thiết, duy trì lượng đặt hàng đều đặn hàng năm. Có những khách hàng là doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn mỗi năm đặt hàng trăm lít rượu men lá hạ thổ mang tên Lê Đông.

Công việc thuận lợi, sau 5 năm chuyển về bản Thanh Đào, năm 2017, gã mua thêm được một mảnh đất để xây dựng cơ sở kinh doanh. Và cũng từ đây, cái tên “gã gàn” dần đi vào quên lãng.

Trên con đường đã chọn, bước đầu đã có những thành công, Lê Đông không chỉ muốn xây đắp ước mơ của bản thân, mà còn muốn cùng chia sẻ với bà con dân bản những thành quả đã và đang hình thành. Anh muốn trên con đường ấy, không chỉ có mình được vui vẻ, ấm no. Mảnh đất Con Cuông không chỉ là địa chỉ cách mạng của miền Tây xứ Nghệ, mà nơi đây còn là địa phương giàu tiềm năng về du lịch cộng đồng. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2020-2025, huyện Con Cuông xây dựng mục tiêu trở thành đô thị du lịch sinh thái. Trong đó, khuyến khích những doanh nghiệp đầu tư xây dựng, phát huy vốn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. “Gã gàn” Lê Đông rất hiểu và tâm đắc với hướng phát triển này.

Anh Lê Đông trao đổi với các hộ dân hợp tác cùng anh sản xuất rượu men lá; nhiều hộ dân được anh tạo việc làm cho thu nhập cao hàng tháng; một sản phẩm từ tre mét tự tay anh Lê Đông làm nên.
Anh Lê Đông trao đổi với các hộ dân hợp tác cùng anh sản xuất rượu men lá; nhiều hộ dân được anh tạo việc làm cho thu nhập cao hàng tháng; một sản phẩm từ tre mét tự tay anh Lê Đông làm nên.

Anh thừa nhận, mình cũng được ảnh hưởng từ người thân, từ bà con dân bản và các lãnh đạo huyện, đặc biệt là anh Vi Văn Sơn (nay là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An) về tâm huyết xây dựng quê hương Con Cuông phát triển xanh, sạch, đẹp và không ngừng giàu có, trù phú, đồng thời giữ được bản sắc truyền thống lâu đời. “Trong sự phát triển của cái chung sẽ đem lại lợi ích cho từng cá nhân, và từng cá nhân cũng phải nỗ lực thì mới có thể xây dựng cái chung thành công” – anh Lê Đông bộc bạch. Và với anh, việc khôi phục dòng rượu men lá cũng vậy. Anh mong muốn sản phẩm truyền thống của đồng bào sẽ nuôi sống được đồng bào, gắn kết cả cộng đồng, cùng nhau làm giàu bền vững.

Bởi vậy, cùng với sản phẩm rượu men lá hạ thổ, anh đặt mục tiêu tiếp theo sẽ phát triển chuỗi du lịch sinh thái theo hướng sản xuất cung ứng các dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường và không ngừng tạo việc làm cho nhiều hộ dân địa phương. Trong dự định về tương lai, người phục dựng dòng rượu trứ danh ở huyện Con Cuông Lê Đông còn mơ ước không chỉ xây dựng công ty dịch vụ du lịch, khu du lịch sinh thái mang bản sắc đặc trưng của địa phương, mà còn thường xuyên tạo việc làm cho người dân trong quá trình sản xuất men lá, nấu rượu hạ thổ và phục vụ các dịch vụ ăn uống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm bản sắc dân tộc. Anh còn mong muốn sẽ được hợp tác với người dân trong sản xuất, nuôi trồng nguyên liệu thực phẩm xanh, sạch, an toàn… Tận dụng tiềm năng, lợi thế về các sản vật địa phương để xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ bền vững.

Một góc khu du lịch sinh thái Lê Đông.
Một góc khu du lịch sinh thái Lê Đông.

Ngoài liên kết sản xuất men lá và chưng cất rượu men lá với các hộ dân ở xã Đôn Phục, “gã gàn” còn hợp tác với các hộ dân ở xã Môn Sơn. Mỗi tuần dăm lần gã đều đặn lái chiếc xe quen thuộc đến tận các bản, làng để gặp các “đối tác”, nắm bắt tình hình sản xuất. “Mỗi lần chú Đông đến là bà con lại có việc để làm. Khi thì chuyển “hàng”, khi thì cải tiến không gian làm việc. Chú quan tâm các bà, các chị trong tổ liên kết lắm” – bà Hà Thị Cam ở bản Thái Sơn 1, xã Môn Sơn vừa thoăn thoát băm mẻ lá rừng đã phơi khô vừa chia sẻ. Từ lúc hợp tác cùng sản xuất men lá với anh Lê Đông, không chỉ hai vợ chồng bà Tình có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định mà các hộ dân cận kề cũng có thêm kế sinh nhai. “Việc hái lá rừng chuẩn bị nguyên liệu và quá trình ủ men, chưng cất rượu đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cả sức khoẻ nữa, nên chị em phải hỗ trợ nhau. Một mình làm không xuể” – bà Hà Thị Cam cho biết.

Người dân Môn Sơn (Con Cuông) ủ men lá và chưng cất rượu theo công thức truyền thống anh Lê Đông phổ biến; nhiều hộ dân ở Con Cuông trở thành đối tác kinh doanh góp phần bảo tồn dòng rượu truyền thống của đồng bào Thái.
Người dân Môn Sơn (Con Cuông) ủ men lá và chưng cất rượu theo công thức truyền thống anh Lê Đông phổ biến; nhiều hộ dân ở Con Cuông trở thành đối tác kinh doanh góp phần bảo tồn dòng rượu truyền thống của đồng bào Thái.

Hiện tại, việc kinh doanh dòng rượu truyền thống của “gã gàn” đã thường xuyên tạo việc làm cho 10 hộ gia đình tham gia sản xuất men lá và nấu rượu từ men lá với hình thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm họ làm ra. Ước tính thu nhập mỗi hộ tùy theo sản phẩm làm ra đạt mức từ 8-10 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập từ tiền công, các hộ này còn tận dụng phụ phẩm của quá trình nấu rượu để chăn nuôi lợn, gà, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Bên cạnh đó, anh thuê 3 lao động cố định với mức lương 6-8 triệu đồng tháng/người để phục vụ tại cơ sở du lịch, cung ứng rượu; thuê theo thời vụ 7-10 lao động địa phương với thu nhập 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày.

Du khách khi đến với huyện Con Cuông, ngang qua thị trấn, qua cây cầu treo của bản Thanh Đào nằm dọc bên bờ sông Lam là có thể nhìn thấy được vườn rượu men lá của “gã gàn” Lê Đông, nơi đó có ngót nghét 1.000 chiếc chum chứa thức uống. chưng cất từ gạo và lá rừng được “hạ thổ” và quần thể cảnh quan đậm nét thôn quê, gần gũi với bản sắc văn hóa địa phương.

Ngồi trong ngôi nhà sàn bằng tre, mét do tự tay anh cùng các lao động địa phương xây dựng nên, nhìn ra xa xa khu vườn nơi anh sẽ sắp đặt “cánh đồng rượu” làm điểm nhấn cho khu du lịch sinh thái Lê Đông, nhớ lại quãng đường thăng trầm đã qua, anh càng thêm tự tin rằng, chỉ cần mình không từ bỏ hy vọng và nỗ lực thì nhất định sẽ thành công. Hơn thế nữa, bên anh còn có gia đình và bà con dân bản, có sự đồng hành hỗ trợ của địa phương, nhất định dòng rượu men lá “vị xưa, tình nồng” sẽ khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, giữ lại một nét văn hóa của đồng bào, làm phong phú thêm cho dòng chảy văn hóa ngày nay và mai sau trên mảnh đất Trà Lân xưa.