Chuyện lạ giữa ‘bão’ dịch tả lợn

AN TOÀN TRONG TÂM DỊCH

Câu chuyện này đến với chúng tôi bên lề buổi gặp mặt của Thường trực Tỉnh ủy với các cơ quan báo chí đầu Xuân Canh Tý (ngày 18/2/2020). Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đưa ra một thông tin “hot”: Năm 2019, dịp dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ở Hưng Yên Bắc có một gia đình giữ an toàn được cho đàn lợn, dù xã ấy là điểm dịch, nhiều hộ dân trong xóm và kể cả gia đình kế bên đều phải tiêu hủy…

Ngày 26/2/2020, theo con đường mang tên Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ, chúng tôi tìm về xã Hưng Yên Bắc, vùng khó nhiều năm của huyện Hưng Nguyên, để đến với gia đình đã giữ an toàn cho đàn lợn trong cơn lốc dịch tả lợn châu Phi. Đấy là anh gia đình Nguyễn Đình Huấn, một hộ chuyên tâm với nghề chăn nuôi. Có vóc dáng hơi thấp, mập và khuôn mặt tròn, luôn vui vẻ, anh Huấn bắt đầu câu chuyện khá ngộ: “Tôi rất tiếc là gia đình mình không được Nhà nước hỗ trợ vì cả đàn lợn chẳng có con nào mắc bệnh phải tiêu hủy…”.

Anh Nguyễn Đình Huấn bên đàn lợn mới của gia đình.
Anh Nguyễn Đình Huấn bên đàn lợn mới của gia đình.

Dịp tháng 6/2019, vợ chồng anh Nguyễn Đình Huấn có trong chuồng 38 con lợn thịt các loại. Giai đoạn này, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã nóng với nạn dịch tả lợn châu Phi. Xã Hưng Yên Bắc không ngoại lệ, nên vợ chồng anh rất lo lắng.

Thế rồi, một hôm có cán bộ thú y xã đưa mấy người lạ đến nhà, giới thiệu là cán bộ Sở KH&CN, đang tìm một gia đình chăn nuôi lợn để thử nghiệm chế phẩm sinh học có khả năng giúp cho lợn chống chịu được bệnh tả lợn châu Phi. Ban đầu anh cũng bán tính, bán nghi, nhưng rồi cả hai vợ chồng thống nhất quyết định tham gia thử nghiệm.

Cách thức sử dụng chế phẩm cho lợn khá đơn giản. Đó là một thứ bột trộn lẫn theo tỷ lệ với thức ăn của lợn. Rồi cứ thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng, anh Huấn và vợ cho lợn sử dụng chế phẩm theo đúng như những gì đã được cán bộ hướng dẫn. “Thứ bột ấy hiệu nghiệm đấy. Cả đàn lợn 38 con không con nào mắc bệnh. Mà cũng không chỉ vậy, có vẻ như chế phẩm còn giúp cho lợn nhanh lớn, chất lượng thịt cũng tốt. Gia đình tôi có giữ lại để sử dụng, thịt đỏ au…”, anh Huấn cho biết.

Nhà ở của hai gia đình anh Nguyễn Đình Huấn và ông Nguyễn Văn Vĩnh tại xóm 5, xã Hưng Yên Bắc.
Nhà ở của hai gia đình anh Nguyễn Đình Huấn và ông Nguyễn Văn Vĩnh tại xóm 5, xã Hưng Yên Bắc.

Có thể xảy ra tình huống khu vực này không bị nhiễm dịch hay không? Anh Huấn khẳng định khó xảy ra tình huống này. Vì cả xóm có khoảng 10 hộ chăn nuôi đều phải tiêu hủy lợn. Trong đó, gia đình kế bên phải tiêu hủy hơn 10 con. “12 con, tiêu hủy tại chỗ, chôn ngay sát chuồng trại của gia đinh nhà tôi đấy…”, chị Nguyễn Thị Thu đính chính về số lợn của gia đình kế bên phải tiêu hủy và cho biết thêm thông tin.

“CẢ LÀNG NGẠC NHIÊN...”

Quá băn khoăn trước thông tin gia đình kế bên đào hố, tiêu hủy đến 12 con lợn trong vườn, sát với chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Huấn, vậy nên tôi đã hỏi: Có thật về sự việc này hay sao? Đưa ra khu chuồng trại thăm đàn lợn hơn chục con, anh Huấn chỉ sang vườn nhà hàng xóm vừa nói, vừa cười: “Đấy, nơi họ đào hố tiêu hủy lợn ở ngay đấy. Nhưng đàn lợn bên nhà tôi không sao cả”. Có thể sang thăm gia đình này không? “Được, để tôi dẫn anh sang. Là nhà ông Vĩnh…”, anh Huấn quả quyết.

Cũng như gia đình anh Nguyễn Đình Huấn, gia đình hàng xóm, ông Nguyễn Văn Vĩnh và bà Nguyễn Thị Điểm cũng tập trung cho việc chăn nuôi.

“Đợt dịch tả lợn châu Phi, tôi được Nhà nước hỗ trợ hơn 18 triệu đồng…”, ông Vĩnh cởi mở. Dịp đó, gia đình ông Vĩnh, bà Điểm có trong chuồng 1 con lợn mẹ và 12 con lợn thịt. Tổng đàn chính xác là 13 con. Dù đã rất quan tâm giữ gìn vệ sinh chuồng trại để tránh bị lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, vậy nhưng đàn lợn vẫn mắc bệnh. Lo lắng vô cùng, ông Vĩnh đã nhờ thú y đến điều trị, tiêm thuốc thường xuyên, nhưng rốt cục vẫn không ăn thua, đành phải thực hiện tiêu hủy.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh và vợ, bà Nguyễn Thị Điểm nói rõ ra sự ngạc nhiên khi đàn lợn nhà anh Huấn như được “miễn dịch”; Ông Vĩnh và vợ bên đàn lợn mới gây dựng trở lại.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh và vợ, bà Nguyễn Thị Điểm nói rõ ra sự ngạc nhiên khi đàn lợn nhà anh Huấn như được “miễn dịch”; Ông Vĩnh và vợ bên đàn lợn mới gây dựng trở lại.

Dịp ấy, đoàn công tác của xã và gia đình đã quyết định đưa đi tiêu hủy ngoài đồng. Nhưng không được người dân đồng ý nên phải tiêu hủy trong vườn nhà. “Hôm tiêu hủy có xã, cán bộ thú y. Phải thuê máy xúc đào hố, thực hiện các biện pháp diệt khuẩn như phun thuốc, rắc vôi bột…”, ông Vĩnh xác nhận việc chôn lợn trong vườn, gần với trại chăn nuôi của  nhà anh Huấn.

Thế bác có biết chuyện đàn lợn nhà anh Huấn không bị ảnh hưởng trong đợt dịch không? Ông Vĩnh đáp: “Tôi rất ngạc nhiên. Mà chẳng phải chỉ mình tôi ngạc nhiên mà cả làng đều ngạc nhiên…”. Và bất kể sự có mặt của anh Huấn, ông Vĩnh vừa cười, vừa nói: “Ngạc nhiên nhưng tôi không hỏi. Hắn cũng không nói ra cách hắn làm, muốn giữ để làm một mình. Đợt đó, hắn trúng lắm…”. Bởi tập trung cho nghề chăn nuôi, nên cả ông Vĩnh và bà Điểm đều mong muốn biết được “bí quyết” giúp anh Huấn giữ an toàn cho đàn lợn. Ông Vĩnh thiết tha: “Sau đợt dịch, tôi đã tái đàn lần hai. Nếu các anh có thông tin thì cho chúng tôi biết để giữ an toàn cho lợn. Đó là loại chế phẩm gì, mua ở đâu…”.

Đành phải nói thật là chúng tôi lên xã Hưng Yên Bắc là để chứng thực việc đàn lợn của nhà anh Huấn được an toàn trong tâm dịch; và khi làm việc với Sở KH&CN sẽ thông tin nguyện vọng của gia đình nếu họ mở rộng chương trình…

TỪNG BƯỚC ĐI THẬN TRỌNG

Theo anh Hoàng Nghĩa Nhạc – Phó Giám đốc Sở KH&CN thì Sở đã báo cáo UBND tỉnh việc thử nghiệm bước đầu có hiệu quả chế phẩm sinh học cho đàn lợn của 2 gia đình (có thêm 1 hộ ở khu vực Eo Gió, xã Hưng Tây). Dù vậy, đây đang là kết quả thử nghiệm trong diện hẹp, chưa thể đưa ra kết luận vội vàng.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Hoàng Nghĩa Nhạc: “Sở chỉ đạo lần thử nghiệm lần này có quy mô lớn hơn, trên địa bàn 4 huyện…”.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hoàng Nghĩa Nhạc: “Sở chỉ đạo lần thử nghiệm lần này có quy mô lớn hơn, trên địa bàn 4 huyện…”.

Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, theo anh Nhạc thì hiểu nôm na là một căn bệnh về đường ruột. Chế phẩm sinh học đã thử nghiệm là một loại hoạt chất được chế biến từ một số loại thảo mộc thành dạng bột. Quá trình sử dụng, người chăn nuôi sẽ trộn lẫn cùng với thức ăn để cho lợn ăn thường xuyên. Loại chế phẩm sinh học này cũng áp dụng cả với một số gia súc, gia cầm khác. “Có thể hiểu nó từa tựa như thuốc Berberin chữa trị bệnh đau bụng cho người. Khi đàn lợn được sử dụng chế phẩm, sẽ được tăng cường sức đề kháng, có khả năng chống chịu với bệnh dịch…”, Phó Giám đốc Sở KH&CN trao đổi.

Anh Nhạc cũng cho hay, từ kênh thông tin riêng trong ngành KH&CN thì biết ở cơ quan bộ có một tiến sỹ nghiên cứu ra loại chế phẩm sinh học, và đang áp dụng cho một số trang trại chăn nuôi. Vì vậy, khi Nghệ An bùng phát bệnh dịch, Sở đã liên hệ để được tiến sỹ cung cấp chế phẩm. “Vì số lượng hạn chế nên chúng tôi mới chỉ thử nghiệm bước đầu được cho 2 gia đình…”, anh Nhạc trao đổi. Phó Giám đốc Sở KH&CN cũng kể rõ việc báo cáo lên UBND tỉnh. Đó là tại cuộc họp triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi do UBND tỉnh tổ chức, có sự tham gia của Bộ NN&PTNT. Hôm đó, là đại diện cho ngành khoa học nên anh báo cáo về việc thử nghiệm, qua đó đề nghị quan tâm đến việc phòng dịch thông qua khuyến cáo người chăn nuôi quan tâm sử dụng các loại chế phẩm sinh học, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Ngay sau đó, đã có chút “tranh luận” nho nhỏ. Nhưng kết luận tại buổi họp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đánh giá việc sử dụng chế phẩm sinh học tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi là việc làm cần thiết.

Dịch tả lợn châu Phi lại tái diễn ở một số địa phương. Sau thử nghiệm bước đầu, tới đây Sở KH&CN sẽ làm gì? Theo Phó Giám đốc Hoàng Nghĩa Nhạc thì Sở KH&CN đã giao nhiệm vụ cho một đơn vị thuộc Sở tiếp tục thử nghiệm, nhưng quy mô lớn hơn, tại 4 huyện đang có nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi. “Chúng tôi rất muốn giúp người chăn nuôi sớm có thêm được một biện pháp phòng dịch. Nhưng để đưa ra được kết luận, ngành khoa học cần phải đi từng bước đi thận trọng…”, anh Nhạc tâm tư.

MONG CHỜ MỘT KẾT QUẢ TỐT

Tôi đã đem câu chuyện của hộ chăn nuôi Nguyễn Đình Huấn kể cho một số cán bộ chăn nuôi thú y cấp huyện và tỉnh. Thoạt tiên, ai cũng ngạc nhiên, thậm chí đã có người tỏ ý hoài nghi. Thật dễ hiểu, bởi trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thị trường giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia súc, gia cầm… luôn có cạnh tranh khốc liệt. Nhưng khi được nghe nói rõ ra, thì ai cũng hy vọng ngành khoa học của tỉnh sẽ sớm có một kết luận cụ thể, chính xác; đồng thời mong muốn giữa 2 ngành Nông nghiệp và Khoa học sẽ có kết nối chặt chẽ, cùng đồng hành trong công tác. Như anh Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y sau khi chuyển cho tôi tập báo cáo cập nhật dịch bệnh gia súc, gia cầm đến ngày 27/2/2020 thì đã nói: “Tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh vẫn còn những diễn biến khá phức tạp. Nếu có được thêm một phương cách phòng bệnh thì rất tốt…”.

Nghĩ về những điều các hộ chăn nuôi và cán bộ chăn nuôi thú y trao đổi, việc tìm ra phương cách hữu hiệu để phòng tránh dịch tả lợn châu Phi thật cần thiết. Bởi từ ngày dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đến nay, người chăn nuôi của tỉnh đã phải mất đến hơn 90.000 con lợn. Cũng bởi để dập dịch, cả hệ thống chính trị, từ tỉnh xuống đến xã, xóm đã phải rất vất vả cùng người dân vào cuộc trong một thời gian dài; đồng thời ngân sách Nhà nước đã phải hao tổn không ít để sẻ chia, hỗ trợ cho người chăn nuôi. Hơn nữa, ở góc độ người tiêu dùng cũng chịu nhiều thiệt hại bởi thịt lợn luôn cần thiết. Dù trong “cơn bão” dịch, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương có những biện pháp để bình ổn giá, nhưng trong nhiều khoảng thời gian, người tiêu dùng trong khi mang tâm lý âu lo, vẫn phải sử dụng thịt lợn với giá cả đắt đỏ… Thế thì có được một biện pháp tốt phòng dịch, không mừng sao được!.