Chuyện hai anh em – hai người lính trên chiến trường biên giới

Trong rất nhiều những câu chuyện về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chúng tôi may mắn được lắng nghe chuyện của hai anh em – hai người lính kề vai sát cánh trên chiến trường năm ấy. Cách nhau 2 tuổi, cùng nhập ngũ 1 ngày, cùng trải mưa bom bão đạn trên những cao điểm ác liệt nhất, và cùng chung niềm tự hào vì đã góp một phần công sức giữ gìn sự bình yên cho biên cương Tổ quốc.


Tháng 11/1977, Lê Trọng Dũng (1960) chỉ vài tháng nữa là tròn 18 tuổi. Những ngày trung tuần tháng 11, xóm Hải Triều, xã Nghi Hải, huyện Nghi Lộc (nay là phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) rộn ràng không khí ngày hội tuyển quân. Dũng nghe anh trai là Lê Trọng Hùng (1958) nói như reo: Anh có tên trong danh sách nhập ngũ vào chiến trường Tây Nam!

Hai anh em Lê Trọng Hùng và Lê Trọng Dũng tại Đoàn Huấn luyện 24, Quân đoàn 3 tại Quân trường Lam Sơn. Ảnh: NVCC
Hai anh em Lê Trọng Hùng và Lê Trọng Dũng tại Đoàn Huấn luyện 24, Quân đoàn 3 tại Quân trường Lam Sơn. Ảnh: NVCC

Hùng và Dũng là con trai thứ 3, thứ 4 trong gia đình; anh cả và anh 2 đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. “Máu” quân nhân chảy rần rật trong huyết quản, Dũng bảo: Anh đi, em cũng đi! Thế là, hai anh em lên một chuyến xe, cùng với 1.200 tân binh huyện Nghi Lộc vẫy tay tạm biệt quê nhà, bừng bừng khí thế lên đường bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Đó là ký ức rõ nét nhất của CCB Lê Trọng Dũng về ngày nhập ngũ của 42 năm trước. Chớm 18 tuổi, chưa một lần rời xa làng, hình dung về cuộc sống xa kia chỉ là những lần theo cha ra khơi vào lộng, dõi mắt nhìn mênh mông biển cả. Ông bảo, lúc đó chưa thật hiểu về chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng chỉ cần nghe tin đất nước lâm nguy, giặc ngoại xâm rình rập là sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào.

Chỉ trong 2 ngày 15-16/11/1977, 1.200 tân binh quê Nghi Lộc cùng nhập ngũ. Chúng tôi đi trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu và quyết thắng, trọn niềm tin vào Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam”! – CCB Lê Trọng Dũng chia sẻ.

13h chiều 24/11/1977, hai anh em Hùng – Dũng cùng những người đồng hương, đồng đội của mình có mặt tại Đoàn Huấn luyện 24, Quân đoàn 3 tại Quân trường Lam Sơn, thị trấn Dục Mỹ, huyện Ninh Hoà, tỉnh Phú Khánh (sau này tách thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà). Quá trình huấn luyện cường độ cao, đầy gian khổ nhưng ăm ắp kỷ niệm.

“Đất nước vừa bước ra cuộc chiến tranh chống Mỹ nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải ăn độn 30 – 40% bột mỳ trong định lượng khẩu phần. Tuy vậy, chất lượng huấn luyện luôn đạt loại giỏi, kỷ luật nghiêm” – CCB Lê Trọng Dũng cho biết. Ông cũng là một trong những tân binh được sắp xếp vào lực lượng bổ sung ra tiền phương đợt đầu – chỉ sau khoảng 3 tháng huấn luyện. Tháng 3/1978, Lê Trọng Dũng ra chiến trường, còn anh trai Lê Trọng Hùng vẫn tiếp tục ở lại quân trường chờ nhiệm vụ.

“Lúc biết tin em trai ra trận, tôi đang dựng lán trại cho sư đoàn. Bỏ dở công việc, chạy đến nơi thì thấy từng đoàn xe đã bắt đầu rầm rập lăn bánh rồi. Tôi chạy với theo, dúi vào tay em 1 đồng – là tiền phụ cấp theo chế độ tân binh để lúc dừng nghỉ dọc đường mua thuốc, nước…” – CCB Lê Trọng Hùng nhớ lại, ánh mắt xa xăm dường như vẫn đang đọng mãi hình ảnh của mấy mươi năm về trước, khi người em trai ngồi trên đoàn xe ra trận, đưa cánh tay lên ngực trái để bày tỏ lòng mình… Không lâu sau, Lê Trọng Hùng cũng cùng đồng đội ra chiến trường.

Năm 1978, tình hình chiến tranh biên giới Tây Nam vào giai đoạn khốc liệt nhất. Song song với những hành động diệt chủng khát máu với nhân dân Campuchia, đội quân Khmer Đỏ dưới sự chỉ huy của chế độ diệt chủng PolPot – Ieng Xari liên tục triển khai các đợt tấn công vượt biên, tàn sát dân thường Việt Nam. Những địa danh như cao điểm 62, cao điểm 105, Lò Gò – Xa Mát, Xóm Giữa, suối Đà Ha, My Mút… thấm đẫm máu của những người lính, người dân nước Việt. 2 anh em Hùng – Dũng được biên chế vào 2 đại đội khác nhau, chiến đấu ở những “mũi” khác nhau.

Sự khốc liệt của cuộc chiến hằn sâu trong đáy mắt, trong ký ức của họ, có những trận đánh xuyên ngày xuyên đêm, không ăn không ngủ. Bom rơi, đạn lạc, rừng thẳm, sông sâu… 2 anh em không ngừng nghĩ về và lo lắng cho nhau, nhưng chẳng có điều kiện để thăm hỏi, liên lạc. Mãi đến khoảng tháng 4/1978, đơn vị của Lê Trọng Dũng được lệnh bổ sung cho Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Sư đoàn 320 – nơi người anh trai của mình đang chiến đấu.

CCB Lê Trọng Dũng nhớ lại: “Lúc đó chúng tôi đánh ở khu vực gần suối Đà Ha (Tây Ninh). 2 anh em gặp nhau, không kịp mừng mừng tủi tủi, chỉ nhìn nhau thoáng qua rồi tiếp tục chiến đấu. Trận đánh ác liệt, kéo dài. Quân Khmer Đỏ phục kích khắp nơi, địa hình rừng rậm bị đặt bẫy mìn dày đặc. Tôi nhớ lúc cuối buổi chiều, khát nước quá, định chạy xuống hầm lấy bi-đông nước thì anh Hùng từ đâu chạy nhanh lại can ngăn. Anh nói: Cẩn thận có mìn!”. Quả thực, không lâu sau, mìn phát nổ trong căn hầm tạm. “Nếu không có anh Hùng thì tôi nguy rồi” – ông Dũng nói.

Pháo binh sư đoàn 320 tấn công quân Polpot. Ảnh: Tư liệu
Pháo binh sư đoàn 320 tấn công quân Polpot. Ảnh: Tư liệu

Sau trận chiến, Lê Trọng Dũng lại trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ ở mũi tấn công khác. Hai anh em bặt tin nhau, cho mãi đến cuối tháng 5/1978, Lê Trọng Dũng bị thương trong một trận chiến kịch liệt. Mảnh mìn bắn vào chân trái buộc người chiến sỹ phải tạm lui về hậu cứ để trị thương. Vài ngày sau, nghe tin đơn vị của anh Hùng cũng đang tạm nghỉ ở gần đó, Dũng tập tễnh đi tìm anh. “Gặp nhau, anh Hùng “đãi” tôi mấy thanh lương khô. Anh em vừa ăn, vừa nói chuyện chiến trường, chuyện quê hương… Hoàn cảnh không cho phép dừng lại lâu, đơn vị anh tiếp tục hành quân. Đó là lần gặp gỡ cuối cùng của 2 anh em trên chiến trường Tây Nam” – CCB Lê Trọng Dũng nói.

Vết thương chưa lành hẳn, nhưng trước yêu cầu gấp rút của các đợt tổng tiến công những tháng cuối năm 1978, Lê Trọng Dũng vẫn kiên quyết trở về đơn vị để kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội. Mang theo nhiệt huyết của người trai xứ Nghệ, Lê Trọng Dũng luôn xông pha tuyến đầu, có mặt tại những cao điểm ác liệt nhất. Những vết thương chồng vết thương, “dạn” súng đạn đến nỗi luôn bước vào trận chiến với tâm thế “quyết tử”, cho đến một ngày, mảnh bom găm xuyên phổi buộc Lê Trọng Dũng phải rời chiến trường. Vết thương chỗ hiểm vượt quá khả năng và điều kiện chữa trị của y sĩ tại trạm cứu thương nên sau đó vài tháng, ông buộc phải rời khỏi chiến trường.

Xa cách nhau, cả 2 không hay biết rằng, cũng trong khoảng thời gian đó, người anh trai Lê Trọng Hùng cũng bị thương tại cao điểm 62. “Địch hoả lực rất mạnh, chúng vác B40, B41 ẩn nấp trên đồi, sau gốc cây to… bắn tới. Tôi chịu sức ép của hoả lực, bị vỡ xương má trái, lệch hàm, máu chảy nhiều… nhưng vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu. Tình hình bấy giờ rất nguy hiểm, mỗi người lính đều ý thức được rằng phải chiến đấu bằng 2, bằng 3 mới đẩy lùi được quân địch” – ông Lê Trọng Hùng chia sẻ.

Quân Việt Nam vượt sông Mê-Kông giải phóng thị xã Công-Pông-Chàm (1979). Ảnh: Tư liệu
Quân Việt Nam vượt sông Mê-Kông giải phóng thị xã Công-Pông-Chàm (1979). Ảnh: Tư liệu

Năm 1979, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc thống nhất cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam mở đợt tổng tiến công vào Phnom Pênh, xoá sổ sự tồn tại tàn ác của đội quân Khmer Đỏ. Một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục ở lại để giúp đỡ nhân dân Campuchia quét sạch tàn dư Khmer Đỏ, xây dựng cuộc sống mới; còn một số người được xuất ngũ, trở về quê hương, trong đó có 2 anh em Lê Trọng Hùng, Lê Trọng Dũng.

40 năm sau chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam, những ngày này, hai anh em thường gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng đội cũ. Qua bao biến thiên của thời gian, ký ức vẫn còn đó vẹn nguyên, họ mừng tủi nói với nhau những chuyện người còn, người mất… Những câu chuyện có khốc liệt, có đau thương, có máu và nước mắt, nhưng trên tất thảy là niềm tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé để gìn giữ từng tấc đất biên cương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế./.