Chuyện dỡ nhà làm đường của gia đình anh Phố!

Đọc được những dòng chan chứa sự cảm kích, trân trọng trên Facebook cá nhân của đồng chí Cao Duy Thái – Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý (Quỳ Hợp) nói về nghĩa cử gia đình anh Vi Văn Phố- một hộ dân ở bản Choọng Bùng vì sự phát triển của quê hương đã tự nguyện tháo dỡ ngôi nhà sàn đang sinh sống, phục vụ làm cầu cứng thuộc dự án thi công đường Châu Lý (Quỳ Hợp) – Tân Hợp (Tân Kỳ) mà không có kinh phí giải phóng mặt bằng khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Sự tò mò xen lẫn cảm phục đã thôi thúc chúng tôi tìm về Châu Lý để tìm hiểu câu chuyện về “ngôi nhà, con đường và tấm lòng anh Phố”.

Căn nhà sàn 3 gian của gia đình anh Vi Văn Phố ở bản Choọng Bùng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) trước khi tháo dỡ phục vụ làm đường. Ảnh: CSCC
Căn nhà sàn 3 gian của gia đình anh Vi Văn Phố ở bản Choọng Bùng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) trước khi tháo dỡ phục vụ làm đường. Ảnh: CSCC

Dưới cái nắng như rang của ngày hè tháng 7, anh Vi Văn Phố (tên khai sinh là Vi Văn Thành)  – người đàn ông có dáng vẻ chất phác, hiền lành của người dân miền núi đón chúng tôi bằng nụ cười tươi, nét mặt có phần hơi ngại ngùng, “chuyện có gì đáng nói đâu, ai trong hoàn cảnh của gia đình tôi cũng làm vậy thôi”.

Ấy thế nhưng, theo lời Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng, xã Châu Lý Vi Văn Hoàng thì “đó là sự hy sinh rất lớn của gia đình anh Phố. Để triển khai dự án đường Châu Lý – Tân Kỳ, bản Choọng Bùng có 36 hộ đã hiến đất ruộng, cây cối để phục vụ thi công, nhưng gia đình anh Phố là ảnh hưởng lớn nhất, bởi có ngôi nhà sàn 3 gian bề thế mà theo bản vẽ thi công thì nằm ngay ở vị trí tim mố cầu cứng trên tuyến”. Theo chia sẻ của anh Phố, ngôi nhà được anh mua lại của người khác từ năm 2016 trên diện tích 452m2, với trị giá 360 triệu đồng để cho gia đình con trai cả ra ở riêng. Khi dự án được triển khai, xã và xóm đã đến gặp gia đình anh Phố để tuyên truyền, vận động nói rõ dự án không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, kêu gọi tinh thần tự nguyện của người dân vì sự phát triển của bản làng quê hương, bởi chậm một ngày, tiến độ công trình sẽ ách lại.

Anh Vi Văn Phố và vợ chồng con trai cùng với Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng tại vị trí vốn trước đây có ngôi nhà sàn cũ đã tháo dỡ phục vụ làm cầu.
Anh Vi Văn Phố và vợ chồng con trai cùng với Bí thư Chi bộ bản Choọng Bùng tại vị trí vốn trước đây có ngôi nhà sàn cũ đã tháo dỡ phục vụ làm cầu.

“Ngôi nhà các con mình đã gắn bó bao năm tháo dỡ đi lại không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cũng tiếc lắm chứ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại vì lợi ích chung, hơn nữa trong bản nhiều bà con cũng đã hiến cây, hiến ruộng để làm đường nên tôi đã vận động, vợ, con trai, con dâu tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ban đầu khi nghe tôi bàn về việc dỡ nhà để làm cầu, làm đường, các cháu cũng chưa đồng thuận lắm, nói tháo nhà thì chúng con ở đâu? nhưng tôi nói làm đường, làm cầu phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho dân trong bản, trong xã đi lại thuận tiện trong đó có cả gia đình mình nên thôi ta chịu khó con ạ. Sau đó, vợ chồng cháu cũng thống nhất dỡ nhà…”- anh Phố bộc bạch.

Theo chia sẻ của anh Phố và Bí thư Chi bộ Lô Văn Hoàng thì việc triển khai tuyến đường Châu Lý (Quỳ Hợp) – Tân Hợp (Tân Kỳ) và xây cầu cứng là niềm mong mỏi của người dân. Bởi trước đây, mỗi khi mưa gió 3 bản cuối của xã Châu Lý là bản Xết, bản Thắm, bản Bồn bên kia cầu tràn gần như bị cô lập, con em không thể sang bên này để đi học. Ngược lại, bà con bản Choọng Bùng cũng lo lắng vì ruộng đồng sản xuất đều ở bên kia cầu tràn, riêng gia đình anh Phố cũng có hơn 1.000m2 đất ruộng trồng lúa, nên theo lời anh Phố thì “việc tháo dỡ nhà để làm cầu, làm đường không chỉ có lợi cho dân bản mà bản thân gia đình anh cũng được hưởng lợi”.

Người dân giúp gia đình anh Phố dỡ nhà để làm đường. Ảnh: CSCC
Người dân giúp gia đình anh Phố dỡ nhà để làm đường. Ảnh: CSCC

Ngày vợ chồng anh Phố cùng con trai, con dâu dỡ nhà, đông đảo bà con dân bản, các hội đoàn thể của xã, xóm như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đã đến chung tay, giúp sức. “ Đơn vị thi công cũng hỗ trợ gia đình tôi một con lợn 5 yến để mời cơm bà con đến giúp dỡ nhà, cả lãnh đạo xã cũng có mặt để động viên”, anh Phố hồn hậu nói.

Tìm hiểu được biết, tuyến đường giao thông liên huyện từ bản Choọng Bùng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) đến xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) có tổng đầu tư dự kiến lên đến 70 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp xã Châu Lý thúc đẩy phát triển kinh tế, trở thành trung tâm vùng Tây Nam của huyện. Tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách đi từ xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp) đến xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) còn khoảng 12 km. Trước kia, bà con hai bên muốn thông thương trao đổi hàng hóa phải đi quãng đường lên đến 65 km.

Dáng vóc con đường Châu Lý ( Tân Kỳ )- Tân Hợp (Quỳ Hợp) đã bắt đầu hình thành.
Dáng vóc con đường Châu Lý ( Tân Kỳ )- Tân Hợp (Quỳ Hợp) đã bắt đầu hình thành.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Quành – Chủ tịch UBND xã Châu Lý cho biết thêm: Sau khi nắm được thông tin về việc triển khai thi công tuyến đường Châu Lý (Quỳ Hợp) – Tân Hợp (Tân Kỳ), đặc biệt dự án không có kinh phí bồi thường GPMB, xã đã chỉ đạo các đoàn thể trong hệ thống chính trị từ xã đến xóm tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ. Đến khi dự án triển khai, có 126 hộ thuộc các bản Choọng Bùng, Thắm, Xết, Bồn….bị ảnh hưởng, xã đã thành lập các tổ công tác cùng ban quản lý các xóm đi vận động bà con hiến đất, hiến cây, hiến ruộng làm đường, làm cầu. Tinh thần của bà con đều sẵn sàng ủng hộ vì lợi ích chung, điển hình như gia đình anh Vi Văn Phố ở bản Choọng Bùng. Hiện sau khi tháo dỡ nhà sàn, anh Vi Văn Phố đang phải dựng nhà tạm cho vợ chồng con trai ở gần chỗ nhà cũ vì chưa có đất và mặt bằng để dựng lại nhà mới.

Theo chân anh Vi Văn Phố, chúng tôi đến địa điểm thi công tuyến đường. Các mố cầu cứng đã được dựng thép, đổ bê tông gần xong. Điều đáng nói, cách đó mấy chục mét, một chiếc lán tạm bằng tôn được gia cố bằng những tấm bạt xung quanh nhằm chắn bụi, chắn nóng nhưng dường như không thấm tháp gì so với cái nắng như thiêu, như đốt của miền Tây xứ Nghệ. Vợ chồng anh Vi Văn Tuấn – con trai cả của anh Phố vui vẻ đón chúng tôi vào trong lán. Lũ cháu nhỏ thấy ông nội ra mừng vui tíu tít. “Căn lán này được dựng tạm 3 tháng rồi để gia đình chúng nó có chỗ ở tạm trong thời gian tìm kiếm nơi dựng nhà mới. Ngày nóng quá thì vào ở nhờ nhà bố mẹ. Tối lại về đây ngủ. Nhà sàn cũ sau khi tháo dỡ thì cột, kèo đang gửi tạm ở nhà văn hoá cộng đồng, một phần thì gửi ở nhà người quen. Cũng vất vả lắm nhưng nghĩ sắp có đường mới rộng rãi, khang trang liên bản, liên huyện để người dân đi lại thuận tiện, tôi cũng động viên các con cố gắng…”, anh Phố chia sẻ.

Căn nhà sàn ba gian đã tháo dỡ của gia đình anh Vi Văn Phố nằm ở ngay tim mố cầu cứng; Anh Phố dựng lán tạm ở gần nhà cũ cho vợ chồng con trai.
Căn nhà sàn ba gian đã tháo dỡ của gia đình anh Vi Văn Phố nằm ở ngay tim mố cầu cứng; Anh Phố dựng lán tạm ở gần nhà cũ cho vợ chồng con trai.

Là người chứng kiến tinh thần hy sinh thầm lặng vì lợi ích chung của gia đình anh Phố, đồng chí Cao Duy Thái – Bí thư Đảng ủy xã Châu Lý, một người quen mà chúng tôi hay gọi là “ già bản” hay “ người của Núi” đã dành cho gia đình anh những lời trân trọng trên Facebook cá nhân:“Sáng 16/4/2023, anh Phố cùng con trai, con dâu và thông gia, bà con anh em dỡ nhà! “Trai dời dinh…” các Cụ dạy ư chi là vất vả, cấm có sai! Nhưng thế cũng… thường thôi! “Thường thôi” bởi trên cả thường thôi, anh Phố dỡ nhà để mở đường lớn cho sự phát triển chung không một đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Việc dỡ nhà bắt đầu lúc mờ sáng, đến 12 giờ trưa, vì cột cuối cùng trong nếp nhà sàn rêu phong đã hạ xuống. Không ai bảo ai mọi người vui đến lạ!

Vui vì Trời thương, sau mấy ngày nồm ẩm mưa khá nặng hạt, sáng nay trời quang mây tạnh, không mưa cũng không nắng như thể giúp cho việc dỡ nhà thêm phần thuận lợi. Trộm nghĩ, cột xà nhiều thế, nếu mưa sẽ trơn tuột, bốc lên xuống xe thôi cũng thêm phần vất vả lắm rồi!

Vui vì những người “biết việc” trong bản đã cùng xắn tay vào giúp. Nói “biết việc” là bởi dỡ nhà sàn là việc khó, mộng mẹo dọc ngang, cột thì dài, xà cũng thế. Nếu không có kinh nghiệm thì cho kẹo cũng chẳng dám leo lên cái xà vắt vẻo chứ nói gì đến thao tác búa, xà beng ví lại cột dây thừng… Anh em tổ làm cầu đường cũng hiệp lực, điều hẳn cái máy xúc bánh xích “phân khối lớn” để giúp cùng!

Vui vì an toàn tuyệt đối và…bởi chỗ này là tim mố cầu vĩnh cửu trên cung đường nối Châu Lý – Tân Kỳ. Mố cầu bắt nhịp cho khát vọng thông thương, đồng hành và phát triển!”.

“Rưng rưng, trân quý” là cảm xúc của lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con dân bản khi chứng kiến khoảnh khắc gia đình anh Phố dỡ nhà để làm cầu, làm đường.

Trò chuyện với cán bộ bản Choọng Bùng, chúng tôi còn được biết thêm nhiều nét đáng quý ở anh Vi Văn Phố. Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái thuần nông nhưng anh Vi Văn Phố không cam chịu đói nghèo, luôn thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, cố gắng tìm hướng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Hiện ngoài làm ruộng, gia đình anh Phố có khoảng 2ha keo với khoảng 4.500 gốc, 12 con trâu, bò, hàng chục con dê.

Cổng vào homestay bản Choọng Bùng.
Cổng vào homestay bản Choọng Bùng.

Anh Phố còn là 1 trong 3 hộ đi đầu trong việc xây dựng Khu du lịch cộng đồng của bản Choọng Bùng. Nhớ về thời gian đầu quyết định làm mô hình homestay, khi đó chưa ai trong bản hiểu làm du lịch cộng đồng là như thế nào, bản thân một nông dân chân chất như anh Phố cũng có nhiều lúng túng? Thế nhưng, được sự động viên của chính quyền địa phương, qua các chuyến đi học tập tại các điểm du lịch homestay ở trong tỉnh và các tỉnh bạn như Pù Luông (Thanh Hoá), Mai Châu (Hoà Bình)… anh đã đúc rút kinh nghiệm và xây dựng ngôi nhà sàn của gia đình thành một trong những điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của bản. Homestay của gia đình anh Phố có diện tích hơn 500 m2 có thể phục vụ khoảng 100 khách du lịch. Tận dụng lợi thế văn hóa tại địa phương anh đã bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng dân tộc Thái nhưng cũng có nét chấm phá sáng tạo.

Anh Phố đã tận dụng vật liệu quen thuộc như tre, nứa để trang trí làm điểm nhấn cho homestay. Không chỉ vậy, anh còn sưu tập bộ cồng chiêng, vật dụng lao động đặc trưng, nhiều trang phục mang đậm bản sắc dân tộc Thái… Điều này khiến du khách có nhiều dịp trải nghiệm cũng như hiểu hơn về bản sắc vùng miền. “Nhận thấy trên địa bàn Châu Lý có lợi thế để phát triển du lịch như đền Choọng, thác Bìa, hang bản Vực… được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, tôi quyết định bàn với vợ con đầu tư thêm hơn 300 triệu đồng để phát triển du lịch cộng đồng. Không chỉ chú trọng về không gian, cảnh quan, tôi còn đầu tư cho các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ như khắc luống, nhảy sạp, đánh chồng chiêng, biểu diễn dân ca Thái và đặc biệt là ẩm thực với những món ăn đặc trưng như canh ột, canh pịa, cơm lam, cá nướng, gà nướng… làm điểm nhấn. Tất cả nguyên liệu đều được lấy từ nguồn hàng tươi phong phú được nuôi trồng từ những người dân trong bản.Vừa góp phần tiêu thụ được hàng hóa, vừa đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con…”, anh Phố chia sẻ.

Tận dụng lợi thế văn hóa tại địa phương anh Phố bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của dân tộc Thái để thu hút du khách.
Tận dụng lợi thế văn hóa tại địa phương anh Phố bày trí những món đồ gần gũi, đặc trưng của dân tộc Thái để thu hút du khách.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, anh Vi Văn Phố còn là 1 trong 5 thành viên tích cực của Ban Quản lý đền Choọng. Như một nhân duyên, hôm chúng tôi lên gặp tìm gặp anh Phố cũng là lúc anh đến UBND xã để nhận quyết định của UBND tỉnh về kinh phí khen thưởng cho các cá nhân đã phát hiện và giao nộp cổ vật quốc gia theo Quyết định 1166 ngày 5/5/2023 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Được biết, trước đó, vào tháng 7/2021, quá trình thuê máy xúc về đào để làm vườn ươm cây keo gần khu vực đền Choọng, khi máy múc xuống sâu xuống đất thì anh Phố và người lái máy là anh Ngô Văn Mỹ ở xã Châu Quang phát hiện cổ vật gồm 3 cái nồi đồng, 1 cái ấm đồng cổ. Hai người đưa lên lau chùi sạch sẽ, báo cáo chính quyền các cấp lập biên bản. Sau đó, anh Phố và anh Mỹ đã giao nộp cổ vật cho Bảo tàng Nghệ An. Bước đầu xác định, các cổ vật có niên đại vào khoảng thời nhà Trần (trên dưới 600 năm). Biết được việc làm của anh Phố, chúng tôi càng thêm yêu quý người đàn ông miền núi này.

Trên đường về xuôi, chúng tôi vẫn không quên được hình ảnh anh Phố và vợ chồng con trai bên ngôi nhà dựng tạm nơi cây cầu cứng đang dần được hoàn thiện trên cung đường nối “bờ vui” từ Châu Lý (Quỳ Hợp) đến Tân Hợp (Tân Kỳ). Giữa cuộc sống xô bồ, những cống hiến âm thầm vì sự phát triển cho quê hương mà không hề tính toán thiệt hơn của gia đình anh Vi Văn Phố thật đáng trân trọng!

Ruộng đồng sản xuất của người dân bản Chọong Bùng đều ở bên kia cầu cứng đang được xây dựng.
Ruộng đồng sản xuất của người dân bản Chọong Bùng đều ở bên kia cầu cứng đang được xây dựng.