Chuyện bên kia cổng trời

Nếu bạn tra cứu trên mạng từ khóa “Mường Lống”, sẽ thấy những bài viết về một “Sa Pa của xứ Nghệ”, về một thiên đường hoa, xứ sở của đào, mận với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Song, bên cạnh sự thơ mộng ấy vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở làm thế nào để người dân Mường Lống (Kỳ Sơn) thực sự có được cuộc sống ấm no, thanh bình…

Thời điểm chúng tôi đến, đất trời Mường Lống đã bắt đầu không khí Tết, những nụ đào đã bung nở, những bông mận trắng cũng bắt đầu cựa quậy vươn mình. Rõ nhất là ở các gia đình, dưới những nếp nhà đặc trưng của đồng bào Mông, con cái, cháu chắt đi làm ăn xa, đi xa quê đã bắt đầu trở về.

Hiện xã Mường Lống có khoảng  gần 700 người đi làm ăn xa, chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Họ là lực lượng lao động chính của các gia đình nên nhiều hộ chỉ còn lại người già và trẻ con. Với địa hình đặc trưng của vùng miền Tây, nơi có gần như 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Mường Lống có rất ít diện tích gieo trồng với hơn 1.000 ha so với tổng diện tích hơn 14.000 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa hơn 628 ha, sắn 186 ha, khoai 21 ha, mận, đào 23 ha và gừng 5 ha. Song, với địa hình đồi núi, độ dốc lớn nên người dân làm nhà, sản xuất nông nghiệp đều trên các diện tích khá hẹp, nhiều tầng bậc. Những bản làng nơi đây bám dọc theo các triền núi, những nếp nhà thấp thoáng dưới tán đào, mận xếp thành lớp, cao dần về phía các đỉnh núi. Bởi vậy, mỗi gia đình, nơi cao nhất thường để dựng căn nhà chính, các bậc tiếp theo dành cho chăn nuôi, trồng rau, xây dựng các công trình phụ trợ khác như bể nước, kho để lương thực, đồ đạc.

Địa hình nhiều tầng bậc, cộng với điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, người dân trồng nhiều đào, mận khiến Mường Lống dần trở thành địa chỉ lý tưởng cho những du khách yêu du lịch sinh thái, say mê vẻ đẹp các bản, làng vùng biên. Trong năm 2018, Mường Lống cũng đã đón hơn 30 đoàn khách nước ngoài cũng như từ các địa phương khác đến đây tham quan, thăm thân, tham dự các dịp lễ, Tết cùng người dân bản địa. Đây là tín hiệu tích cực cho việc phát triển ngành Du lịch cộng đồng ở Mường Lống.

Ngoài tiềm năng về du lịch, đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống hầu như gia đình nào cũng có dăm con trâu, bò. Đây là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn mà lãnh đạo xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn đã xác định chỉ đạo hỗ trợ người dân thực hiện. Với những giống bò, trâu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như phù hợp với tập tục sinh sống của người dân tộc Mông nơi đây. Tính đến cuối năm 2018, tổng đàn trâu ở Mường Lống có hơn 600 con, gần 3.000 con bò. Bên cạnh đó, người dân Mường Lống còn chăn nuôi lợn bản địa với hơn 1.300 con, hơn 26.000 con gia cầm và một số dê, ngựa.

Người dân bản Xám Xúm vui chọi bò.
Người dân bản Xám Xúm vui chọi bò.

“Trâu, bò vẫn là vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Mỗi hộ trung bình có từ 5 – 10 con trâu, bò và chủ yếu là nuôi nhốt ở chuồng gần nhà hoặc khoanh thả ở các trang trại xa khu dân cư” – anh Vừ Bá Lềnh – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết. Anh Lềnh còn nhấn mạnh thêm, rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người dân Mường Lống, nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò vỗ béo, nhiều hộ giàu lên cũng nhờ chăn nuôi trâu, bò. Và từ lâu, Mường Lống mỗi tháng có 2 phiên chợ, trong đó có mua bán trâu, bò khá phát triển, thu hút được thương nhân, người dân nhiều xã, bản lân cận đến trao đổi, mua bán.

Thăm gia đình anh Và Giống Chùa ở bản Trung Tâm đúng lúc anh Chùa vừa đi cắt cỏ voi về cho bò ăn. Tuy gùi búi cỏ nặng trĩu trên lưng nhưng anh Và Giống Chùa vẫn thoăn thoắt luồn dưới tán mấy gốc đào, gốc mận lâu năm trồng bên mép sân trước nhà để ra khu chuồng nuôi nhốt trâu, bò cách không xa mảnh vườn nhỏ trồng rau cải đã xanh mơn mởn. Anh Và Giống Chùa cho hay: “Nuôi trâu thì cho lời nhiều hơn. Mua con trâu khi còn gầy về nuôi nhốt, trồng cỏ voi cho ăn, sau khoảng 3 đến 4 tháng bán thì lời được khoảng 10 triệu đồng/con. Mỗi năm gia đình nuôi 2 lứa trâu, bò, mỗi lứa khoảng 3 con trâu, 2 con bò. Ở đây nhà nào cũng nuôi trâu, bò, ít thì 3 – 5 con, nhiều thì đến 30 – 40 con. Nuôi nhiều thì phải ở trại xa”.

Anh Và Giống Chùa, bản Trung Tâm chăm sóc trâu.
Anh Và Giống Chùa, bản Trung Tâm chăm sóc trâu.

Nhắc đến các gia trại, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho hay, tuy chăn nuôi là ngành mũi nhọn nhưng người dân nơi đây vẫn còn gặp khó khăn về quỹ đất. Hầu hết các hộ muốn chăn nuôi nhiều đều phải đi khai phá các vùng đất xa hoặc thuê đất của địa phương khác, bởi xã không có quỹ đất cho người dân sản xuất, hầu hết đất ở đây đều thuộc vùng khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã hơn 14.000 ha nhưng có tới hơn 6.000 ha là diện tích rừng phòng hộ, Tổng đội TNXP quản lý hơn 2.600 ha, Công ty CP Dược liệu Mường Lống quản lý hơn 300 ha. UBND xã quản lý 294 ha thì có tới 1.109,7 ha đất có rừng. Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm Và Bá Dìa cũng nói thêm, cả bản có hơn 300 con trâu, bò nhưng do không có quỹ đất nên người dân đều phải thuê đất ở xã khác để khoanh vùng chăn thả. Bởi thế hầu hết thời gian họ đều ở lại các ở trại chăn nuôi của gia đình, thi thoảng mới về bản khi có việc cần. Cho nên đây cũng là khó khăn cho xây dựng các phong trào, các hoạt động tập thể của bản.

Khi chúng tôi gặp Bí thư Chi bộ bản Trung Tâm Và Bá Dìa là lúc anh đang loay hoay sửa soạn giấy tờ, sổ sách chuẩn bị cho họp chi bộ. Sinh năm 1974, dáng người lỏng khỏng và có nụ cười hiền hậu, Và Bá Dìa đã đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ được 5 năm. Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác Đảng, anh Và Bá Dìa chậm rãi cho biết, bản Trung Tâm có 90 hộ dân với 381 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 28%. Bà con dân bản chủ yếu sống bằng nghề nông, chăn nuôi trâu, bò, làm rẫy quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chỉ một số hộ đạt khá giả.

Thời điểm cuối tháng 12, nhiều thanh niên của bản đi làm ăn xa đã về nhà chuẩn bị đón Tết, “chứ bình thường hầu như họ đi hết, người ở nhà cũng đi làm rẫy xa nên bản làng vắng lắm. Để duy trì các phong trào tập thể vì thế cũng khó”. Bởi vậy, ở bản Trung Tâm, dịp vui nhất, tập hợp được đông đủ bà con vẫn là những dịp lễ, Tết, hoặc các ngày chợ phiên Mường Lống. Những lúc quây quần như vậy, cấp ủy, chính quyền lại tranh thủ tập hợp bà con để phổ biến, triển khai các hoạt động và được người dân rất tích cực ủng hộ. Chính vì vậy, Chi bộ bản Trung Tâm nhiều năm đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”, là bản văn hóa từ năm 2007. Trong các hội thi bí thư chi bộ giỏi, bản Trung Tâm đều đạt giải cao.

Cán bộ xã và bản Mường Lống 2 chia sẻ công tác với phóng viên Báo Nghệ An.
Cán bộ xã và bản Mường Lống 2 chia sẻ công tác với phóng viên Báo Nghệ An.

Ngoài những bí thư chi bộ trẻ tuổi như Và Bá Dìa, Mường Lống còn có những bí thư chi bộ, người có uy tín đã nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào, đóng góp tích cực cho cơ sở như ông Hờ Vá Hùa ở bản Mường Lống 2. Ông Hùa đã đảm nhận vai trò bí thư chi bộ hơn 10 năm, là một cựu cán bộ UBND xã Mường Lống nghỉ hưu. Mường Lống 2 là bản đông dân và diện tích rộng nhất của xã với 198 hộ, 900 nhân khẩu nên khá vất vả trong công tác quản lý. Vì thế, chi bộ hàng tháng sinh hoạt đều phân công cụ thể cho 45 đảng viên các nhiệm vụ bám tổ dân bản mình phụ trách để vừa triển khai kịp thời các hoạt động, vừa nắm tình hình bà con. Được biết, bản Mường Lống 2 là địa bàn còn tiềm ẩn tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, nên việc tăng cường vai trò cấp ủy được cấp trên đặc biệt quan tâm.

Năm 2016 trở về trước, dân bản Xám Xúm, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn là một trong những điểm “nóng” nhức nhối về tệ nạn buôn bán và sử dụng ma túy. Xám Xúm cách trung tâm xã 15 km, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lống, có 4 dòng họ sinh sống (gồm các họ Và, Lầu, Già, Hờ). Bản Xám Xúm có ranh giới tiếp giáp với 6 bản, trong đó có 2 bản Ca Da, Xao Va thuộc xã Bảo Thắng; có đường tiểu ngạch sang bản Xốp Mạt thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Cùng với Long Kèo, Thăm Pạng, Xám Xúm đều là những bản chưa có đường bê tông đến nơi, sóng điện thoại chập chờn.

Cán bộ xã Mường Lống đưa tài liệu đi tuyên truyền vận động người dân Xám Xúm thực hiện các chủ trương, chính sách.
Cán bộ xã Mường Lống đưa tài liệu đi tuyên truyền vận động người dân Xám Xúm thực hiện các chủ trương, chính sách.

Đây vùng rộng có địa hình phức tạp, nhiều rừng núi. Bí thư Đảng ủy Mường Lống Lầu Bá Chò cho hay, tình hình an ninh trật tự tại bản Xám Xúm thời gian trước năm 2016 có thể nói là đặc biệt phức tạp, trong đó có vấn nạn mua bán ma túy, số tụ điểm bán nhỏ lẻ ma túy tại bản có lúc lên đến 9 điểm. Số đối tượng tham gia vận chuyển, sử dụng và mua bán chất ma túy có khoảng hơn 20 người, trong đó 17 người nghiện ma túy, có hàng trăm con nghiện từ địa bàn khác (Bảo Thắng, Bảo Nam, Hữu  Lập) đến tụ tập tại các điểm bán lẻ ma túy trong bản để mua và sử dụng ma túy ngay tại bản. Vì vậy, hệ thống chính trị cơ sở hầu như bị tê liệt, trộm cắp xảy ra thường xuyên, nghèo đói đeo bám người dân nơi đây nhiều năm gây bức xúc kéo dài trong nhân dân Xám Xúm.

Trước thực trạng đó, Đảng ủy xã Mường Lống đã quyết tâm lập lại trật tự, vận động người dân cùng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn nguy hiểm này. Theo đó, tháng 9/2016 UBND xã Mường Lống ban hành quyết định về xây dựng, thực hiện Bản quy ước, hương ước bản Xám Xúm với 13 nội dung, trong đó có những quy định chặt chẽ như: có người lạ vào địa bàn của bản phải báo ngay với chính quyền, không cho người lạ ở nhờ, quy định giờ giới nghiêm, các hộ có con em nghiện ma túy phải vận động đi cai nghiện tập trung hoặc cai nghiện tại nhà… Đảng ủy xã Mường Lống cũng yêu cầu Chi bộ bản Xám Xúm, ban quản lý và các đoàn thể ở bản cùng với lực lượng công an, quân sự địa phương vào cuộc vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện các nội quy đề ra.

Chi bộ Trạm y tế xã Mường Lống giúp đỡ hộ nghèo theo Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cho hộ anh Cự Bá Ca, bản Sà Lầy.
Chi bộ Trạm y tế xã Mường Lống giúp đỡ hộ nghèo theo Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cho hộ anh Cự Bá Ca, bản Sà Lầy.

Sau khi phổ biến các quy ước hương ước, tháng 8/2017 Đảng ủy xã Mường Lống đã ban hành quyết định về việc phân công nhiệm vụ các thành viên đoàn thực hiện củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh đẩy lùi vấn nạn ma túy tại bản Xám Xúm gồm 15 đồng chí, do Bí thư Đảng ủy xã Lầu Bá Chò đích thân làm trưởng đoàn. Từng thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể  như: điều tra người nghiện; xác định rõ tên tuổi các thành phần tham gia hoạt động tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các chất ma túy trên địa bàn. Huy động, vận động các lực lượng tại chỗ phối hợp đấu tranh triệt xóa điểm nóng về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các chất ma túy. Thu hồi vũ khí quân dụng tự chế; vật liệu nổ theo quy định của pháp luật; phát phiếu để người dân tố giác các đối tượng tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng, vật liệu nổ làm cơ sở để đấu tranh thu hồi, không để trôi nổi trong dân…

Với quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy, từng bước mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, các thành viên trong đoàn công tác đã về tận bản Xám Xúm, thực hiện “cùng ăn cùng ở, cùng làm” với nhân dân để nắm tổng quan về tình hình mọi mặt. Đến nay, cuộc sống người dân Xám Xúm đã bắt đầu có nhiều thay đổi, an ninh trật tự nơi đây cũng dần ổn định. Nhiều câu khẩu hiệu trước đó được tuyên truyền như “Ma túy là hiểm họa”, “Nguyên nhân cơ bản của sự nghèo đói, lạc hậu và bệnh tật là do ma túy”, “Hãy tránh xa ma túy”, “Hãy nói không với ma túy”,“Còn ma túy còn nghèo đói và bệnh tật” được người dân hưởng ứng, làm theo.

Công trình điện năng lượng mặt trời ở bản Trung Tâm.
Công trình điện năng lượng mặt trời ở bản Trung Tâm.

Bí thư Đảng ủy Mường Lống Lầu Bá Chò cho biết, trong cuộc chiến đẩy lùi ma túy ở Xám Xúm, Công an huyện Kỳ Sơn và các ban, ngành hữu quan cấp huyện cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ, thực hiện bắt, xóa một số điểm bán lẻ ma túy ở bản Xám Xúm và bắt các đối tượng buôn bán cung cấp ma túy lớn như đối tượng Và Tồng Cu. Kể lại những tháng ngày lăn lộn cùng cấp ủy, chính quyền trong việc đẩy lùi tệ nạn ma túy, lập lại trật tự ở Xám Xúm, ông Lầu Bá Chò cho hay, nhờ sự đồng thuận nên khi cán bộ xã xuống tuyên truyền, tất cả 102 hộ dân của bản Xám Xúm đã ký cam kết chấp hành pháp luật và quy ước, hương ước của bản. Sau mỗi buổi tuyên truyền, nhiều già làng, người có uy tín đã đến từng nhà vận động số trường hợp đang nghiện ma túy tự cai nghiện tại gia đình hoặc tự nguyện đi cai nghiện tại trung tâm cai nghiện huyện, để sớm trở lại tái hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống gia đình.

Với sự vào cuộc một cách tổng lực, Xám Xúm nay đã đổi thay. Nếu năm 2016, bản Xám Xúm có 17 người nghiện ma túy thì hiện nay chỉ còn lại 7 người. Các điểm bán lẻ ma túy năm 2016 là 9 điểm, hiện nay chỉ còn 1 điểm vẫn hoạt động lén lút. Nếu trước đây, vào bản Xám Xúm, nhiều người dân ở Mường Lống bày tỏ “sợ lắm”, bởi có những lúc các đối tượng mua bán ma túy đi lại ngang nhiên, và sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng bằng vũ khí mang theo, thì nay, tình trạng đó ở Xám Xúm đã được hạn chế nhiều. Người dân Xám Xúm đã nhận thức được sự nguy hại của tệ buôn bán ma túy. Bà con đã biết chăm chú làm ăn, vun đắp cho cuộc sống và tham gia tích cực các phong trào của địa phương. Từ một điểm nóng về ma túy, Xám Xúm nay đã dần hồi sinh, người dân và chính quyền tích cực chung tay đẩy lùi các tệ nạn, tạo dựng cuộc sống mới.


“Đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản nhiều người trẻ tuổi, nhiều cán bộ xã về hưu tích cực tham gia phong trào cơ sở… đã góp phần giúp Mường Lống thay đổi. Song làm thế nào để những con số như gần 43% hộ nghèo, gần 30% hộ cận nghèo được cải thiện vẫn còn là những băn khoăn, trăn trở không chỉ đối với cán bộ, người dân Mường Lống mà còn với các cấp, ngành cao hơn để xây dựng một “Sa Pa của xứ Nghệ” thật sự yên bình, no ấm là điều luôn được Đảng ủy xã đặt lên hàng đầu trong các chương trình công tác”.
– Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống Lầu Bá Chò –