Chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH Nguyễn Lương Hồng

Họ và tên: NGUYỄN LƯƠNG HỒNG

Ngày, tháng, năm sinh: 6/9/1977

Nghề nghiệp, chức vụ: Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An.

Sau khi ra trường, tôi may mắn được về công tác tại Tỉnh đoàn Nghệ An, năm 2010, tôi được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh đoàn; năm 2014, theo sự phân công, tôi được giao giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An; từ năm 2016 đến nay, là đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh. Trong quá trình đó, bản thân đã rất nỗ lực để hoàn thành tốt trách nhiệm của người đại biểu dân cử và các trọng trách được giao. Dịp này, tôi là 1 trong 23 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Nghệ An – đó là vinh dự của tổ chức Hội và của cá nhân tôi, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền đối với những đóng góp của Hội CTĐ trong sự phát triển chung của tỉnh.

Như một cái duyên, tôi được Hội đồng bầu cử  Quốc gia giới thiệu ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, gồm các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và Đô Lương – những địa phương có nhiều liên quan với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và cá nhân tôi trong nhiều năm thông qua hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc, miền núi. Và thực tế ngày nay, kinh tế, xã hội vùng miền núi cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc chúng ta đã được nâng lên rất nhiều. Sản xuất, giao thông đi lại, y tế, việc học hành của con em được chăm lo tốt hơn. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, lại là tỉnh trọng điểm thiên tai, do vậy đời sống của bà con chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, kinh tế, xã hội khu vực miền núi của cả nước nói chung, của Nghệ An nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều tiềm năng của vùng miền núi rộng lớn của tỉnh chưa được phát huy hiệu quả.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 chính là mong muốn có đại diện của mình góp tiếng nói và có những đóng góp cho công tác an sinh xã hội của Nhà nước ta; để tham gia giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc, đó là: đoàn kết, nhân ái, tình nghĩa, thủy chung. Có tiếng nói, đề xuất quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển nhiều mặt của khu vực miền núi, biên giới, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con các dân tộc chúng ta. Vì vậy, nếu tôi được cử tri lựa chọn trong kỳ bầu cử tới đây, thì chương trình hành động của tôi sẽ theo phương châm: “ĐOÀN KẾT, NHÂN ÁI VÀ PHÁT TRIỂN”.

Để thực hiện tốt phương châm đó, nếu trúng cử, tôi sẽ tập trung vào những nội dung công việc chính sau:

1. Thường xuyên giữ mối liên lạc với cử tri để nắm rõ tình hình và lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội hoặc đột xuất và qua các kênh thông tin liên lạc khác. Tôi sẽ đem những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri để trao đổi, phản ánh trung thực tại các kỳ họp của Quốc hội và chuyển đến các cơ quan, ban ngành có liên quan cũng như phản hồi và thông tin lại cho cử tri những vấn đề mà cử tri quan tâm.

2. Tích cực nghiên cứu, tham gia, đóng góp ý kiến tại các phiên họp, phiên thảo luận của Quốc hội trên tinh thần xây dựng và phát triển; tích cực giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Cùng với tập thể xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực sự vững mạnh, chuyên nghiệp, tự chủ, thực sự là “Cầu nối – Đầu mối – Điều phối” trong hoạt động nhân đạo, lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

4. Nghệ An là tỉnh trọng điểm thiên tai, nên hoạt động của Hội trong thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên cho các việc: Cứu trợ khẩn cấp, trợ giúp nhân đạo, kêu gọi, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ xây nhà ở an toàn phòng chống thiên tai, các hoạt động diễn tập phòng chống thiên tai thảm họa, giúp người dân có kiến thức và kỹ năng cơ bản trong phòng và ứng phó với thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình; các hoạt động chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ sinh kế; xây dựng cộng đồng an toàn, trường học an toàn

5. Tham gia hiến kế với các huyện nhằm hướng tới mục tiêu đưa khu vực miền núi phía Tây Nghệ An ngày càng phát triển, tiếp tục có những đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh và của đất nước, chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tôi nhận thức rõ rằng: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từng đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm và nỗ lực cao để hoàn thành chức trách của mình theo luật định, để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước vì sự phát triển của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; bên cạnh đó, tùy theo nhiệm vụ công tác của từng ngành, của từng đại biểu, mỗi một đại biểu trong đó có bản thân tôi phải tăng cường vai trò giám sát các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính thực hiện tốt các chính xã hội, để người dân đồng lòng, tự giác trong chấp hành các chủ trương, chính sách; đồng thời cũng phải thường xuyên lắng nghe ý kiến nhân dân, để phản ánh, để kiến nghị điều chỉnh chính sách nếu có bất cập, để các chính sách được tốt hơn, phù hợp hơn với cuộc sống của Nhân dân, bởi suy cho cùng chính sách cũng là để phục vụ nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân.

Nếu trúng cử tôi sẽ thường xuyên tích cực, tự giác học tập nâng cao năng lực, trình độ để nâng cao chất lượng đại biểu. Ngoài việc học trong sách vở, học ở đồng chí, đồng nghiệp thì phải học ở Nhân dân. Bác Hồ từng nói: Nhân dân chính là người thầy vĩ đại nhất.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói rằng: Tôi là một đại biểu nữ, nếu cử tri ủng hộ cho tôi có nghĩa là cử tri đang ủng hộ cho phụ nữ, giúp phụ nữ chúng tôi vượt qua được những rào cản và định kiến về giới, giúp gia tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử. Nếu trúng cử, tôi sẽ có cơ hội cùng với các đại biểu nữ khác có thêm tiếng nói cho những vấn đề mà phụ nữ quan tâm, nhất là phụ nữ ở các vùng miền núi, biên giới, và sẽ giúp cho các chính sách thêm phần toàn diện, phù hợp các vấn đề về giới.