Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngân

Họ và tên: NGUYỄN THỊ NGÂN

Ngày, tháng, năm sinh: 02/9/1973

Nghề nghiệp, chức vụ: Công chức; Ủy viên BCH Công đoàn, Phó Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An

Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQ và sự đồng tình nhất trí của cơ quan Hội Nông dân tỉnh Nghệ An giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi, HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đại điện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Vì vậy, nhận thức rõ vai trò, vị trí chức năng của HĐND và trách nhiệm của người đại biểu HĐND đối chiếu với thành phần, cơ cấu, tiêu chuẩn được Ủy ban MTTQ phân bổ giới thiệu tôi mạnh dạn ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Để có cơ sở vững chắc giúp tôi trúng cử đại biểu HĐND tỉnh, tôi rất mong muốn nhận được sự ủng hộ bằng tình cảm và trách nhiệm của mình được thể hiện trong lá phiếu của mỗi cử tri.

Như chúng ta đã biết, Kỳ Sơn là huyện miền núi cao, biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An, diện tích tự nhiên là 209.484 ha; đường biên giới dài 203,409 km. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, tổng dân số 79.430 người, có 5 đồng bào dân tộc sinh sống. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra. Kết quả:

– Kinh tế có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn từ 2016 – 2020 đạt 5,55% (năm 2020 ước đạt 5,7%); tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 1.551.282 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 23 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế theo lĩnh vực ngành tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp.

– Văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, quản lý và bảo vệ môi trường, tài nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 46,11%; các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo như: phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hoạt động của các Tổng đội TNXP, Đoàn KTQP4, các đội tình nguyện giúp đỡ nhân dân phát huy hiệu quả. Thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

– Xây dựng nông thôn mới, thị trấn văn minh chuyển biến tích cực: Xây dựng nông thôn mới được thực hiện rộng khắp toàn huyện, bình quân toàn huyện đạt 8,85 tiêu chí/xã; đến nay đã có 1 xã (xã Hữu Kiệm) đạt 19/19 tiêu chí. Công tác xây dựng thị trấn văn minh từng bước được quan tâm và tập trung đầu tư xây dựng.

– Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới được giữ vững: Kỳ Sơn có tầm quan trọng chiến lược về quốc phòng – an ninh và là cửa ngõ phía Tây của tỉnh. Trên địa bàn huyện có cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới và 52 km đường QL7A chạy qua, là lợi thế trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các huyện miền xuôi cũng như nước bạn Lào.

Bên cạnh những thuận lợi, Kỳ Sơn còn gặp không ít khó khăn, thách thức: Do điểm xuất phát thấp, huyện nghèo, đặc thù vùng cao, biên giới, khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh xảy ra bất thường. An ninh chính trị và các loại tội phạm luôn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Vấn đề hôm nay cử tri đang quan tâm nhất đó là tình hình biến đổi khí hậu do tác động của hiện tượng Enninô thường xảy ra hạn hán, lũ lụt; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như dịch covid – 19, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò… gây khó khăn cho con người và chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất nông nghiệp. Vấn đề vệ sinh ATTP đang được các cấp, các ngành quan tâm xử lý như các chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản thực phẩm, chất tăng trưởng cây trồng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. ô nhiễm môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tình hình an ninh chính trị trên tuyến biên giới và hoạt động các loại tội phạm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình hình buôn bán, sử dụng ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bào thai, tranh chấp đất đai; tội phạm hình sự, truyền đạo trái phép, di cư tự do, vi phạm quy chế biên giới vẫn còn xảy ra.

Nếu được cử tri huyện nhà tín nhiệm bầu vào HĐND tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm là một đại biểu HĐND tôi sẽ có kế hoạch hành động cụ thể như sau:

1. Chấp hành nghiêm các quy định, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương, đồng thời tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước đến với cử tri và nhân dân huyện nhà kịp thời, chính xác. Thu xếp công việc cơ quan, công việc gia đình để làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu HĐND, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

2. Thường xuyên gắn bó mật thiết với với nhân dân, dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri. Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến phản ánh, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân để đề xuất với các cấp chính quyền về những yêu cầu mà cử tri và nhân dân mong đợi, thông qua các hoạt động giám sát và chất vấn tại các kỳ họp, phản ánh với các cấp các ngành có liên quan, có thẩm quyền giải quyết.

3. Cùng với các đồng chí đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại đơn vị bầu cử của huyện, nghiên cứu tham gia ý kiến, đề xuất với HĐND tỉnh có những chủ trương giải pháp ưu tiên tạo điều kiện nhằm phát huy tiềm năng, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, an ninh chính trị của một huyện biên giới vùng cao của tỉnh.

4. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, các kỳ họp của HĐND; nghiên cứu, tham gia đóng góp vào các vấn đề của HĐND, đồng thời thẳng thắn nêu ra những vấn đề đang được cử tri quan tâm. Tham gia vào hoạt động giám sát, chất vấn do HĐND tỉnh tổ chức, tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân. Bảo vệ lợi ích chính đáng của cử tri, bảo vệ quyền lợi của nông dân, phụ nữ và trẻ em thông qua việc đề xuất ý kiến với các cấp ủy Đảng, chính quyền về các chế độ chính sách đối với các đối tượng cử tri đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Thường xuyên nghiên cứu các cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với đặc thù của huyện miền núi Kỳ Sơn như: Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, thành lập các chi – tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp. Ví dụ như nuôi gà đen, lợn đen, bò vàng, dê núi… Tham mưu với cấp có thẩm quyền mở các lớp tập huấn cho nông dân, phụ nữ về kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để giảm ngày công lao động. Tạo nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi để nông dân, phụ nữ phát triển kinh tế giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Từ những nhiệm vụ nêu trên, bản thân tôi nhận thức sâu sắc rằng: Đó chính là nghĩa vụ, quyền lợi, là vinh dự và trách nhiệm khi ra ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Vì vậy, cho dù bản thân có trúng cử hay không trúng cử, tôi vẫn phải nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trên, góp phần sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.