‘Chú lính chì’ xứ Nghệ 3 năm đến lớp trên lưng bạn

Nguyễn Mạnh Chiến (14 tuổi) ngồi dãy bàn đầu của lớp 9D – Trường THCS Diễn Kỷ (Diễn Châu). Bước vào lớp học, dễ dàng nhận ra Chiến bởi đầu cậu gần ngang với chiếc ba lô bên cạnh, lọt thỏm giữa các bạn đang tuổi ăn tuổi lớn ngồi xung quanh.

Chiếc bàn học trò trở nên quá cỡ, mỗi khi viết Chiến phải với tay, rướn người lên mặt bàn.

Với chiều cao chỉ hơn 1m, nặng khoảng 14 kg, Chiến có vóc dáng tí hon so với các bạn cùng trang lứa, số phận đã thử thách em khi phải mang dị tật từ khi chào đời.

“Cháu không biết mình bị bệnh gì, chỉ biết từ khi lớn lên lưng và tay, chân không giống bố, mẹ và các anh, chị, em trong nhà. Những người bạn cùng xóm ngày càng cao lớn, chạy nhảy khắp nơi, còn cháu vẫn bé tẹo, không thể tự mình bước ra khỏi nhà”, Chiến rưng rưng kể lại.

Bố Chiến, anh Nguyễn Văn An (43 tuổi), kể rằng ngày lọt lòng mẹ, bế cháu trên tay, anh nhận ra ngay sự khác lạ, tay, chân và lưng cong gập, không giống một đứa trẻ bình thường. “Vợ chồng tôi tìm cách xoay xở, lần lượt bán hết gia tài, vay mượn thêm đưa con đến các bệnh viện, mong có được “phép màu” cứu giúp để con có một cơ thể bình thường, nhưng cuối cùng đành ôm nỗi thất vọng…”, anh nói.

Càng lớn, thân hình của Chiến càng oặt ẹo vì đốt sống lưng bị cong, vẹo, tay chân không phát triển, gầy như que củi khô, việc cử động hết sức khó khăn, lưng ngày càng gập xuống. Vì thế, anh An và vợ có lúc không mong con mình lớn thêm, vì càng lớn bệnh càng thêm nặng, nỗi buồn lo ngày một chất đầy trong tâm tư.

Anh chị đặt tên con là Mạnh Chiến với mong ước cậu con trai tật nguyền có đủ sức mạnh để chiến thắng sự nghiệt ngã của số phận, đủ nghị lực để vượt lên sống giữa những gian khổ của cuộc đời. Nuôi một đứa con khuyết tật, bên cạnh tình yêu thương, người bố, người mẹ phải có thêm sự nhẫn nại, chịu đựng và giàu đức hy sinh. Việc mưu sinh đồng áng và buôn bán luôn bộn bề, tất tả ngược xuôi để nuôi 4 đứa con nhỏ nhưng bố mẹ vẫn dành trọn tấm lòng yêu thương cho Chiến.

Những đêm Chiến lên cơn đau nhức, toàn thân không thể nào co duỗi, bố mẹ thức trắng đêm để xoa bóp và an ủi đứa con có số phận thiệt thòi. Còn nhỏ nhưng Chiến đã cảm nhận được phần nào sự thật nghiệt ngã và sự vất vả nhọc nhằn của các bậc sinh thành, cậu chỉ biết vùi đầu vào chiếc gối nức nở khóc, rồi bố mẹ cũng khóc theo.

Chiến lên 5 tuổi, bố mẹ thay nhau dìu từng bước tập đi, mỗi bước đi là một lần đau điếng, tưởng chừng như có hàng trăm mũi kim đâm vào da thịt, đau buốt đến tận xương khiến bàn chân ứa máu và thâm tím. Những bước đi đầu đời, cậu bé phải nghiến răng chịu đựng, phải kìm nén đau đớn. Tập mãi, cuối cùng cũng đi được nhưng đôi bàn chân không thể duỗi thẳng, phải đi nhón bằng cách dùng 10 ngón chân trụ xuống đất.

Vì thế, đi không quá 3 bước đã ngã dúi dụi, thêm một lần ngã là một lần đau đớn khắp toàn thân, đau đến ứa nước mắt. Để khỏi ngã, cậu phải men theo bờ tường hay dùng tay giữ các đồ vật bên cạnh, cuối cùng vẫn không thể có được những bước vững chắc bằng đôi chân của mình.

Lên 6 tuổi, các bạn hàng xóm được bố mẹ sắm sách vở, áo quần để vào lớp 1, Chiến cũng đòi bố mẹ mua. Trong thâm tâm, vợ chồng anh An chưa bao giờ nghĩ đến việc cho Chiến đến lớp, vì việc ấy rất gian nan, quá sức đối với một đứa trẻ bị cong vẹo đốt sống lưng và không thể tự mình di chuyển. Những giọt nước mắt khẩn cầu của con trẻ rỏ xuống, anh chị đã cầm lòng không đặng, cùng ôm chầm lấy con, cả ba người cùng khóc, không thể nhớ nổi đây là lần khóc thứ bao nhiêu.

Mấy ngày sau, Chiến được bố chở đến trường, cũng từ đó vợ chồng anh An thay nhau đưa đón con, mặc trời nắng gắt hay mưa dầm, rét buốt. Có những hôm trời rét căm căm, gió rít từng cơn, chở đứa con nhỏ thó ngồi run rẩy sau xe, chị Nguyễn Thị Loan (mẹ của Chiến) chợt òa khóc…

May mắn, Chiến đến trường gặp được những cô giáo nhiệt tình, tâm huyết và giàu lòng nhân ái. Các cô đã giúp đỡ cậu tập đưa từng nét bút, chỉ từng phép toán để có thể theo kịp bạn bè cùng lớp. Được cái cậu bé luôn chăm chỉ và nỗ lực, ngoan và lễ phép nên ai cũng thương. Thầy cô và bạn bè gọi Chiến là “chú lính chì” bởi nghị lực và tinh thần vượt khó, cơ thể yếu ớt vẫn vượt lên để khám phá và chiếm lĩnh tri thức.

Chiến nhớ lại: “Năm lớp 1, cháu chủ yếu tập viết và làm toán, khó nhất là tập viết vì tay khó co duỗi nên viết phải chịu đau, hễ cầm bút là bị tuột, đến khi cầm bút thì nét chữ nguệch ngoạc, không thẳng hàng. Cô giáo luôn đứng bên cầm tay đưa từng nét chữ, lâu dần cũng viết được chữ ngay ngắn, thẳng hàng, các ngón tay cũng không đau lắm nữa”.

Trong 8 năm qua, Chiến liên tục đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Cô Nguyễn Thị Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Diễn Kỷ cho biết: “Chiến là học sinh thông minh và chăm chỉ học tập, tiếp thu bài học khá nhanh, giờ ra chơi các bạn trong lớp thường nhờ Chiến hướng dẫn làm bài tập, giảng lại những chỗ khó trong bài học”.

Chiến vẫn nhớ như in, cách đây hơn 3 năm – những ngày đầu mới vào lớp 6, khi vừa được bố chở đến cổng trường, một người bạn lại ghé lưng rồi nói: “Để mình cõng bạn vào lớp!”. Rồi một bạn khác bước đến: “Để mình cầm giúp ba lô sách vở!”.

Hai người bạn cùng lớp đã giúp Chiến là Phan Ngọc Tâm Đoan và Nguyễn Văn Trịnh. Sau lần ấy, hai cậu bé thay nhau giúp đỡ bạn cho đến tận bây giờ.

Khi được hỏi về con đường phía trước, Nguyễn Mạnh Chiến bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để không phụ lòng mọi người và học lên cao hơn để sau này tìm một công việc phù hợp”.

Cầu mong cho niềm mơ ước của “chú lính chì” sẽ thành hiện thực để tiếp tục gieo niềm tin yêu giữa cuộc đời!