Nắm bắt nhu cầu cần thanh toán của nhiều cá nhân, đơn vị, các đối tượng, trong đó có cả một số người nộp thuế đã dùng nhiều chiêu trò để buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, gây thất thu thuế đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
“Chỉ cần có thông tin của bên thanh toán thì muốn ghi bao nhiêu tiền, ngành nghề kinh doanh gì cũng được” – đó là lời khẳng định của giám đốc một công ty có trụ sở tại TP. Vinh, khi chúng tôi (P.V) đề cập đến việc cần tìm hóa đơn để thanh toán cho một gói thầu về sửa chữa điện.
Theo vị giám đốc này, việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu… nhằm gian lận, trốn thuế. Việc mua bán một vài hóa đơn đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp thì dễ như … “mua rau”.
Để kiểm chứng vấn đề trên, chúng tôi có mặt tại một cơ sở kinh doanh điện máy tại khu vực chợ Vinh; khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một hóa đơn có giá trị 10 triệu đồng với ngành nghề sửa chữa thiết bị điện, chủ cơ sở này liền gật đầu và ra giá 5% so với số tiền ghi trên hóa đơn (tức là 500.000 đồng tiền phí). Chỉ cần cung cấp thông tin cụ thể về tên đơn vị thanh toán, địa chỉ, mã số thuế thì sẽ có ngay mà không cần phải chờ. Chủ cơ sở này còn khẳng định, nếu không thanh toán được thì bên bán sẽ chịu trách nhiệm và cấp cho một hóa đơn khác.
Việc mua bán hóa đơn còn dễ dàng hơn đối với các dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ, vé tàu xe. Thậm chí, hiện nay trên mạng xã hội đã có nhiều nhóm, hội kín chuyên dịch vụ mua bán hóa đơn. Thử tham gia vào một nhóm mua bán hóa đơn trên Facebook với hơn 15.000 thành viên, ngay lập tức thấy những lời chào mời mua bán hóa đơn uy tín, mức chiết khấu thấp được đưa ra. Chỉ cần đăng thông tin nhu cầu mua hóa đơn ở lĩnh vực nào, liền có hàng chục tin nhắn đến giới thiệu về dịch vụ, kèm theo mức độ bảo mật, an toàn và cam kết thanh toán.
Đặc biệt, hoạt động buôn bán hóa đơn diễn ra phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản, khai thác khoáng sản như đá, cát… Đối với mỗi giao dịch mua bán hóa đơn, từ bên bán lẫn bên mua có thể thỏa thuận tỷ lệ chênh lệch mỗi hóa đơn từ 5-15% trên tổng số tiền ghi trong hóa đơn. Việc không tạo ra hoạt động kinh doanh, buôn bán nhưng vẫn ghi hóa đơn đã khiến Nhà nước không những không thu được khoản nào, mà còn phải mất đi một khoản hoàn thuế do các giao dịch ảo này.
Nói về chiêu trò mua bán hóa đơn, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, nguy hiểm và nghiêm trọng nhất vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ma chỉ để buôn bán hóa đơn. Bởi vì hiện nay, cơ chế, thủ tục thành lập doanh nghiệp rất thông thoáng và đơn giản, chỉ cần có thông tin cá nhân, kèm theo các tờ khai về địa chỉ, ngành nghề đăng ký kinh doanh, kê khai vốn điều lệ… và chờ trong khoảng 1 tuần thì sẽ hoàn tất các thủ tục cho ra đời một doanh nghiệp. Lợi dụng điểm này, nhiều đối tượng đã thuê người hoặc đứng ra thành lập hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Sau khi có tư cách pháp nhân, các đối tượng vẫn nộp báo cáo thuế hàng tháng đầy đủ với cơ quan quản lý thuế, nhưng thay vì hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự, các đối tượng này sẽ tiến hành mua bán hóa đơn.
Các đối tượng buôn bán hóa đơn thường hoạt động theo nhóm, trong đó có nhóm chuyên thành lập doanh nghiệp, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm khách hàng theo từng địa bàn để tiêu thụ hóa đơn. Với chiêu thức này, bên doanh nghiệp có nhu cầu hợp thức hàng hóa đầu vào cũng được lợi, bên mua bán hóa đơn cũng thu được tiền theo phần trăm số tiền ghi trên hóa đơn và chỉ có Nhà nước là thiệt hại khi phải chi hàng tỷ đồng để hoàn thuế.
Trước hoạt động buôn bán hóa đơn có chiều hướng gia tăng và các đối tượng sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi hơn, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng mua bán hóa đơn. Dẫu vậy, có thể do lợi nhuận thu được quá lớn, vì thế mà nhiều đối tượng vẫn sẵn sàng lao vào con đường làm ăn phi pháp này.
Cách đây 1 năm, vào ngày 29/4/2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Thị Hồng T. (SN 1983) và Hà Thị H. (SN 1985), cùng trú thành phố Vinh để điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, Vũ Thị Hồng T. đã sử dụng chứng minh nhân dân và chữ ký của một người khác để đăng ký thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Đạt Tiến Phát và đăng ký người đại diện theo pháp luật của công ty nhằm mục đích mua bán trái phép hóa đơn. Sau khi thành lập doanh nghiệp, T. đã cùng với Hà Thị H. quản lý, điều hành hoạt động của công ty. Hai đối tượng này đã ký các hợp đồng kinh tế, hồ sơ thanh toán, hóa đơn giá trị gia tăng của một công ty, đồng thời lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế, quản lý hóa đơn giá trị gia tăng của công ty, viết hóa đơn giá trị gia tăng bán ra. Mặc dù công ty này không có tài sản cố định, không có máy móc. thiết bị thi công công trình, không có hồ sơ thuê phương tiện vận tải… nhưng vẫn xuất hóa đơn đầu ra có liên quan đến ngành nghề cung ứng nhân công, cho thuê phương tiện, máy móc, thiết bị cho các đơn vị khác để kiếm lời.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Công an thành phố Vinh cũng đã bắt giữ Nguyễn Thị D. (SN 1988), trú tại phường Vinh Tân và Trần Thị Kim N. (SN 1987), trú tại xã Hưng Đông (TP. Vinh) là quản lý, kế toán của 2 doanh nghiệp, để điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ.
Khám xét khẩn cấp tại các địa điểm, lực lượng công an thu giữ số lượng lớn hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước, nhiều con dấu của các doanh nghiệp… cùng nhiều vật chứng liên quan. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, từ năm 2015, Nguyễn Thị D. và Trần Thị Kim N. đã thành lập nhiều công ty ma để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Các đối tượng thuê địa điểm hoặc khai man địa điểm để đăng ký thành lập công ty, đăng ký in và phát hành hóa đơn Giá trị gia tăng tại các chi cục thuế trên địa bàn Nghệ An. Sau khi có giấy phép hoạt động của các công ty đó, các đối tượng bán hóa đơn cho những doanh nghiệp có nhu cầu để hợp thức hóa các mặt hàng kinh doanh không có trên thực tế. Các đối tượng bán hóa đơn hưởng lợi 5-8% trên tổng số tiền hàng. Từ năm 2015, tổng tiền hàng ghi trong hóa đơn xuất ra là hơn 100 tỷ đồng.
Những trường hợp bị phanh phui nói trên có thể chỉ là một phần nhỏ của miếng bánh béo bở mà mua bán hóa đơn trái phép mang lại. Bởi trên thực tế, theo đánh giá của cơ quan thuế, tình trạng vi phạm trong sử dụng hóa đơn thời gian qua không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Ngoài hành vi thành lập “công ty ma” để bán hóa đơn khống, nhiều đối tượng còn xuất hóa đơn bán lẻ hàng hóa nhưng không đúng đối tượng mua hàng; hóa đơn không ghi đầy đủ các chỉ tiêu, không theo thứ tự quy định; hóa đơn đầu vào do đơn vị bán xác định sai thuế suất; hóa đơn hết giá trị sử dụng; bán lẻ hàng hóa với tỷ trọng lớn nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế; không lập hóa đơn cho bảng kê bán lẻ hoặc lập bảng kê bán lẻ không đúng quy định; mua bán hóa đơn, lập hóa đơn nhưng không đúng nghiệp vụ phát sinh…
Nhiều ý kiến cho rằng, để hoạt động mua bán hóa đơn trái phép diễn ra, một phần là chế tài xử phạt chưa nghiêm, cùng với đó là trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch, mua bán. Chưa kể đến việc để doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm cũng khiến cho các đối tượng mua bán hóa đơn dễ bề hoạt động, bởi không bị cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát như trước.
Trước tình trạng buôn bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, theo quy định kể từ ngày 1/7/2022, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ phải thực hiện hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Tất cả các hóa đơn của các đối tượng này sẽ phải được chuyển qua hệ thống kiểm soát của cơ quan thuế để xác minh, kiểm tra và cấp mã xác định hóa đơn để đảm bảo.
(Còn nữa)