Chấn chỉnh vai trò quản lý nhà nước!

Đặt ra vấn đề cần chấn chỉnh vai trò quản lý nhà nước ở xã Thanh Hà bởi nơi đây xẩy ra tình trạng một số cán bộ, đảng viên thể hiện sự trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ…

Chúng tôi được lãnh đạo UBND xã Thanh Hà bố trí buổi làm việc vào chiều ngày 11/3/2019. Khi hỏi về diện tích đất lâm nghiệp mà ông Phạm Đức Thế được nhà nước giao, Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, ông Phạm Văn Lân trả lời: “Thì cũng không biết… trong đó cũng thấy nhiều… một số là có bìa đỏ rồi, một số đang bìa xanh”. Đề nghị cho xem hồ sơ, sổ sách để có số liệu cụ thể diện tích đất lâm nghiệp nhà nước giao cho ông Thế, ông này vòng vo rằng: “Cái này cũng chưa cộng, để hỏi địa chính. Cái này trong sổ lâm nghiệp là có cả, nhiều”. Tuy nhiên, cán bộ địa chính, anh Lê Văn Đại thẳng thắn thừa nhận: “Em cũng chưa nắm được hết diện tích vì hồ sơ bàn giao lại không cụ thể và cái chỉnh lý giữa chuyển nhượng và chuyển đổi cũng chưa cập nhật hết. Em cũng không nhận được bàn giao hồ sơ về việc chuyển nhượng đất lâm nghiệp của ông Thế”.

Bởi xã Thanh Hà có cán bộ lâm nghiệp, vì vậy chúng tôi đề nghị cho được làm việc với người này. Ông Phan Văn Lân gọi điện thoại, sau đó thông báo: “Cán bộ lâm nghiệp có anh nằm viện nên hiện đang ở Vinh…”. tiếp tục đề nghị nắm giúp số liệu diện tích đất lâm nghiệp của ông Thế, Họ trao đổi với nhau ít phút, sau đó cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp của ông Thế đã có bìa đỏ là 22ha, nhưng số diện tích thực tế đang sử dụng thì chưa nắm được “vì một số diện tích nằm trong bản đồ của xã Võ Liệt và Thanh Thủy”. Nói với ông Phan Văn Lân sự việc ông Phạm Đức Thế xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp và những điều ông ta đã thông tin với chúng tôi. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Hà thì “họ ở trong đó, thông tin không đến nơi nên không biết, không nghe ai báo cáo. Không có chuyện xã cho ông Thế xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp…”.

Băn khoăn trước những câu trả lời “không biết, không nghe” của Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi qua điện thoại với cán bộ lâm nghiệp xã Thanh Hà. Theo anh này, khi nhà nước giao đất cho ông Phạm Đức Thế thì anh chưa làm cán bộ lâm nghiệp nên không nắm rõ. Còn khi chuyển từ đất theo Nghị định 02 sang Nghị định 163, ông Thế có 22ha đất lâm nghiệp được cấp bìa đỏ. Hỏi: Tổng diện tích đất lâm nghiệp thực tế được nhà nước giao cho ông Thế là bao nhiêu?. Cán bộ này nói rằng, đất lâm nghiệp của ông Thế được nhà nước giao trên địa bàn xã Thanh Hà là 22h, còn diện tích không phải của Thanh Hà thì cắt ra và không được cấp bìa.

Vậy anh có nắm bắt việc ông Thế xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp hay không?. Trả lời: “Cái này cán bộ địa chính nắm chắc hơn vì lâu rồi tôi không vào. Trước ông làm cái trại thì tôi biết, còn nhà mới thì tôi không nắm được…”. Thắc mắc, diện tích đất lâm nghiệp của ông Thế được cấp bìa đỏ thuộc địa bàn xã Thanh Hà đã chuyển nhượng gần hết. Vậy diện tích đất lâm nghiệp nào để ông Thế làm nhà trên đó. Liệu có thuộc địa bàn xã Thanh Hà hay không?. Vị cán bộ địa chính cho rằng, đất lâm nghiệp mà ông Thế chuyển nhượng cho ông Yên là đất chưa có bìa đỏ; và khu vực đất này cũng không biết đất của Thanh Hà hay của Thanh Thủy, hay của Võ Liệt. Còn nhà ông Thế đã xây thì thuộc địa giới xã Thanh Hà…

Chốt lại buổi làm việc, qua điện thoại, cán bộ lâm nghiệp xã Thanh Hà mong được thông cảm vì có những thiếu sót trong quản lý nhà nước lĩnh vực thuộc chuyên môn cá nhân. Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, ông Phan Văn Lân cũng thừa nhận xã có sự yếu kém trong công tác quản lý đất lâm nghiệp. Ông Lân nói rằng, sẽ yêu cầu cán bộ lâm nghiệp kiểm tra, rà lại sổ sách; nội dung nào còn thiếu, yêu cầu tập hợp hồ sơ đầy đủ… Riêng việc ông Phạm Đức Thế xây nhà trên đất lâm nghiệp, sắp tới, sẽ báo cáo lên huyện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình…

Liệu UBND xã Thanh Hà có chấn chỉnh được công tác quản lý đất nông nghiệp và xử lý được vi phạm của ông Phạm Đức Thế hay không? Chúng tôi đồ rằng không! Bởi trong quá trình xác minh đơn thư tố cáo, chúng tôi còn được thấy thêm những sai phạm trong sử dụng đất đất lâm nghiệp, và được nghe về những yếu kém đến đáng ngờ của chính quyền địa phương này.

Một ví dụ cụ thể, sát thực là những lùm xùm về mua bán đất lâm nghiệp, xây dựng trái phép nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp của hộ ông Trần Đại Sỹ (xóm 14). Người dân các xóm 13, 14 của xã Thanh Hà đã nói rằng, chính quyền xã dung túng cho cá nhân ông Trần Đại Sỹ vi phạm pháp luật. Không chỉ vậy, còn không chấp hành chỉ đạo của cấp trên, là UBND huyện trong xử lý hành vi vi phạm!

Xác minh thông tin là có thật. Thể hiện ở chỗ, từ tháng 4 đến tháng 10/2018, UBND huyện Thanh Chương đã ban hành đến 4 văn bản cá biệt cho UBND xã Thanh Hà với những nội dung chính yếu gồm: Chỉ rõ ra việc xã này ban hành quyết định xử lý vi phạm của hộ ông Trần Đại Sỹ không đúng quy định của pháp luật, xử phạt ở mức thấp; qua đó, hủy quyết định mà xã đã ban hành. Yêu cầu xã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc người có vi phạm phục hồi tình trạng ban đầu của đất, nếu không thực hiện thì dùng biện pháp cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Đôn đốc chính quyền xã này xử lý vi phạm của hộ ông Trần Đại Sỹ.
Chưa hết, trong 4 văn bản, có đến 2 văn bản UBND huyện Thanh Chương phê bình đích danh Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, 1 văn bản chỉ đạo UBND xã Thanh Hà kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc “chậm xử lý những vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của hộ ông Trần Đại Sỹ”. Ấy vậy nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhà ở xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp của ông Trần Đại Sỹ tại xóm 14 vẫn tồn tại!.

Sở dĩ chúng tôi đồ rằng xã Thanh Hà khó có thể tự chấn chỉnh được công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất lâm nghiệp còn bởi cá nhân Chủ tịch UBND xã, ông Phan Văn Lân có mối quan hệ về lợi ích khá khăng khít với người bị tố cáo, ông Phạm Đức Thế. Thể hiện điều này ngay tại bản Kết luận số 1461/KL-UBND ngày 31/7/2015 của UBND huyện Thanh Chương. Kết luận này thông tin trong 3 hộ gia đình nhận chuyển nhượng đất lâm nghiệp của ông Phạm Đức Thế có ông Phan Văn Lân (xóm 2, xã Thanh Hà) với diện tích 3ha. Bên cạnh đó còn nêu rõ, giấy chuyển nhượng giữa hai người này được cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã thời kỳ năm 2006 xác thực. Ông Phan Văn Lân (xóm 2, xã Thanh Hà) là đương kim Chủ tịch UBND xã.

Nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội của xã Thanh Hà, chúng tôi được biết cho đến nay vẫn là một trong những xã chậm phát triển của huyện Thanh Chương. Sau nhiều năm vẫn là khu vực III, hưởng các chế độ 135, mới chỉ có 4/17 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa. Thiết nghĩ với tình hình kinh tế – xã hội như vậy, lý ra, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh Hà phải tự nhìn nhận đúng thực trạng, có những việc làm tích cực như chấn chỉnh cán bộ viên chức để qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của người dân.

Vậy nhưng, tại bản báo cáo tổng kết năm 2018, có những nội dung trên thực tế chưa tốt nhưng không được thể hiện để có những giải pháp khắc phục. Trong đó, rõ nét nhất phải nhắc đến là về lĩnh vực tư pháp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây rõ ràng là một điều không thể chấp nhận được. Bởi có nhìn nhận đúng những gì còn yếu kém, thì mới có thể thay đổi tiến bộ được. Còn giấu nhẹm đi những yếu kém khiếm khuyết, thì chưa thể có được trọn vẹn niềm tin của người dân, tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo sẽ không được giảm thiểu, và chậm có những thay đổi về phát triển kinh tế – xã hội.

Về Thanh Hà để xác minh đơn thư của công dân, nhưng phải nêu ra những điều này, với chúng tôi, không khỏi có những băn khoăn. Nhưng thấy rẳng, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, và nói ra những sự thật đó với niềm mong địa phương này sớm có những biến chuyển tích cực. Nghĩ rằng, Huyện ủy, chính quyền huyện Thanh Chương cần phải vào cuộc kiểm điểm lại công tác cán bộ và nghiêm khắc chỉnh đốn công tác quản lý nhà nước của xã Thanh Hà. Và cần vào cuộc ngay từ thời điểm này!.