Những ngày đầu Xuân, về xã xây dựng nông thôn mới nâng cao Nam Cát (Nam Đàn), ấn tượng đầu tiên là những con đường đổ bê tông sạch sẽ, nhiều cây bóng mát và các loại hoa khoe sắc rực rỡ trong nắng Xuân. Theo phó bí thư Đảng ủy xã Nam Cát Nguyễn Văn Đông: Đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí để tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu lại càng khó hơn và phải bắt đầu từ từng tổ tự quản ở địa bàn dân cư. Rồi như để minh chứng cho điều mình vừa nhấn mạnh, vị Phó bí thư Đảng ủy dẫn chúng tôi xuống tận từng xóm, vào từng tổ tự quản.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là “siêu xóm” mang một cái tên đầy ý nghĩa: “Đồng Thuận” được sáp nhập từ 3 xóm (Đồng Chăm, Thuận Mỹ, Hòa Hợp) với 380 hộ, 1502 khẩu, 26 tổ tự quản. Đưa khách đi tham quan một vòng quanh xóm, ông Nguyễn Xuân Nam – Bí thư chi bộ xóm Đồng Thuận vui vẻ cho hay: Sau sáp nhập, diện tích rộng hơn, dân số đông hơn nên việc quản lý, bám dân với cán bộ thôn xóm khó khăn hơn, vì vậy phải dựa vào “cánh tay nối dài” là các tổ tự quản.
Từ công tác vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp quỹ phí đến việc thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ, phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Ví như trong bê tông hóa đường giao thông nông thôn, khi xã chưa có chủ trương về nguồn xi măng hỗ trợ, nhiều tổ tự quản đã chủ động vận động các gia đình đóng góp để làm đường. Chi bộ, ban cán sự xóm cũng thường xuyên tổ chức cho các tổ tự quản đi tham quan học hỏi lẫn nhau để khơi dậy phong trào thi đua.
“Nhờ vậy mà đến nay xóm đã làm được trên 1.000km đường hoa, thi công toàn bộ các tuyến đường trị giá 995 triệu đồng, nâng cấp đường điện sáng trị giá 16 triệu đồng. Từ năm 2019 – 2020, bình quân mỗi gia đình đóng góp 10 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện xóm đang triển khai xây dựng nhà văn hóa trị giá 6 tỷ đồng trên khuôn viên rộng hơn 5.000m², bao gồm cả sân bóng đá, bóng chuyền, khu vui chơi dành cho trẻ”, ông Nguyễn Xuân Nam cho hay.
Được biết, sau sáp nhập từ 12 xóm, xuống còn 6 xóm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Cát đã đồng thời kiện toàn 96 tổ tự quản (mỗi tổ từ 20 – 25 hộ) trong từng địa bàn dân cư làm “cầu nối” của Chi bộ, ban quản lý thôn xóm. Theo bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch MTTQ xã Nam Cát: Mô hình “tự quản, tự chủ” đã khơi dậy ý thức tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân trong giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh tại nơi cư trú. Không chỉ tích cực tham gia vào phong trào VHVN, TDTT, các tổ tự quản còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thôn xóm.
Năm 2020, tổng kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn xã Nam Cát đạt 90,5 tỷ đồng, trong đó dân đầu tư ước tính 65 tỷ đồng. Nam Cát cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Nam Đàn lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trên các tuyến đường. Xã cũng mới được Ban chỉ đạo nông nôn mới của huyện thẩm định đạt 15/15 tiêu chí nâng cao và đang chờ tỉnh thẩm định. Đó là động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Cát phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.
Tương tự, sau sáp nhập, xã Nam Nghĩa giảm từ 11 xóm xuống còn 5 xóm. Vì dân số tăng, nhà văn hóa tuy thừa số lượng nhưng thiếu diện tích nên xóm thường sinh hoạt theo cụm dân cư. Bởi vậy, vai trò của tổ tự quản thôn xóm càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa – Phó bí thư Đảng ủy xã Nam Nghĩa: Trước đây, tổ tự quản thường nghiêng về đảm bảo ANTT; còn hiện nay vai trò của tổ tự quản ở cộng đồng dân cư theo Đề án 07 ngày 11/9/2018 của BTV huyện ủy Nam Đàn thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực. Thông qua các hoạt động của tổ tự quản, nhận thức về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công dân tại từng hộ gia đình được đề cao, do đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghĩa vụ của công dân được các hộ gia đình chấp hành nghiêm túc; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi.
Là tổ trưởng của tổ tự quản gồm 30 hộ gia đình ở xóm 3, ông Nguyễn Hữu Thanh – nguyên là cán bộ xã Nam Nghĩa về hưu nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ tự quản trong cộng đồng dân cư sau sáp nhập. “Tổ tự quản giúp các gia đình gắn kết với nhau một cách tự nhiên gần gũi, những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình hay giữa các gia đình cũng được hóa giải ngay tại tổ, không cần phải đưa ra xóm hay lên xã.
Thậm chí có những gia đình hàng chục năm không nhìn mặt nhau nhưng khi vào sinh hoạt chung tại tổ họ dần xóa bỏ hiềm khích, nối lại quan hệ”, ông Thanh cho hay. Mới đây khi địa phương xây dựng tuyến đường liên xã đi qua địa bàn, mặc dù không có kinh phí hỗ trợ nhưng các gia đình bám mặt đường tại tổ ông Thanh đã tự giác đập cổng, lùi bờ rào vào phía trong với suy nghĩ “đường thông, hè thoáng thì người dân được hưởng lợi trước tiên”.
Nhờ sự góp sức của các tổ tự quản trong tập hợp, đoàn kết và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo đồng thuận và sức mạnh tổng hợp trong thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến nay đánh giá theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã đạt 15/15 tiêu chí, đang lập hồ sơ trình UBND huyện thẩm định.
Còn tại xã Nam Anh – địa phương đi đầu trong phong trào “tự quản, tự chủ”, đến nay toàn xã có 113 tổ hoạt động có nền nếp và hiệu quả, trong đó tổ trưởng, tổ phó đều là những người tiên phong, gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng. Hàng tháng, các tổ tự quản tổ chức sinh hoạt một lần để phổ biến chủ trương, chính sách mới, cập nhật tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi dạy con cái, sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và thu hút các thành viên, các tổ tự quản đã kết hợp họp tổ tự quản với họp phường với mức bình quân từ 150.000 – 300.000 đồng/tháng. Các gia đình gặp khó khăn, có việc cần sẽ được ưu tiên nhận tiền đầu tiên, sau đó sẽ bắt thăm thứ tự quay vòng. Nhờ vậy, nhân dân trong các tổ tự quản đoàn kết, gắn bó, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Sau sáp nhập xóm, xã, huyện Nam Đàn đã chỉ đạo kiện toàn, củng cố lại các Tổ tự quản ở các xóm, khối phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 1.995 tổ (so với năm 2019 giảm 60 tổ, trong đó xã Hồng Long giảm nhiều nhất 37 tổ) với 40.711 thành viên, tăng 561 thành viên hộ gia đình so với khi mới thành lập.
Theo ông Hồ Viết Hải – Phó ban Dân vận huyện ủy Nam Đàn: Sau 2 năm triển khai, mô hình Tổ tự quản trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào chung ở khu dân cư, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và khu dân cư Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp. Cụ thể, các tổ tự quản trong toàn huyện đã đóng góp 145.216 ngày công; tháo dỡ 23.998m bờ rào, hiến 97.504 m² đất, xây dựng 204,68 km đường giao thông, 376,62km đường điện chiếu sáng ở khu dân cư. Tổng các nguồn lực vận động tại các tổ tự quản phục vụ cho việc chỉnh trang, xây dựng bộ mặt khu dân cư lên đến trên 116, 448 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình hình, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và bão lụt ở các tỉnh Miền Trung, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ tự quản trên địa bàn đã tích cực đóng góp tiền, nhu yếu phẩm, hàng hóa ủng hộ phòng chống dịch hơn 1,7 tỷ đồng; ủng hộ đồng bào Miền trung khắc phục hậu quả bão lụt với số tiền và hàng hóa quy ra tiền trên 3,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động tự quản về an ninh trật tự, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được các tổ quan tâm giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, do vậy tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, an ninh thôn xóm ngày càng tốt hơn. Nhiều tổ tự quản không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Minh chứng là đến nay, các tổ tự quản trên địa bàn huyện Nam Đàn đã hoà giải thành công 399 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Những kiến nghị đề xuất của các thành viên được các tổ trưởng nắm bắt và phản ánh kịp thời đến Ban công tác Mặt trận, giúp chi uỷ chi bộ và cấp uỷ chính quyền kịp thời giải quyết, góp phần hạn chế đơn thư vượt cấp. Cũng thông qua hoạt động của Tổ tự quản, nhận thức về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của công dân tại từng tổ, từng hộ gia đình được đề cao, do đó các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nghĩa vụ công dân được các hộ gia đình chấp hành nghiêm túc, tình trạng nợ các quỹ pháp lệnh, vi phạm nghĩa vụ công dân được hạn chế.
Đặc biệt, thông qua các tổ tự quản, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng mối đoàn kết gắn bó tình làng nghĩa xóm được khơi dậy mạnh mẽ. Nhiều Tổ tự quản đã có cách làm hay, sáng tạo như tổ chức đóng góp quỹ thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi có thành viên ốm đau, hoạn nạn, do vậy tình làng, nghĩa xóm được gắn chặt hơn. Đến nay, các tổ tự quản toàn huyện có quỹ thăm hỏi với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Nhiều tổ duy trì phường, hội giúp nhau không lấy lãi, hàng tháng kết hợp với chế độ sinh hoạt và nộp phường để hỗ trợ cho các thành viên trong tổ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu biểu như xã Nam Anh, Thị trấn Nam Đàn, Nam Cát, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Xuân, Nam Thái, Nam Lĩnh… Một số tổ tự quản tại các xã còn đứng ra huy động ngày công, đóng góp tiền và các loại vật chất khác để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn rủi ro trong tổ và địa bàn khu dân cư.
Để khuyến khích và đưa mô hình tổ tự quản đi vào chiều sâu với phương châm “3 cùng” – người dân cùng tham gia, cùng thực hiện, cùng thụ hưởng, hàng năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều sơ kết đánh giá hoạt động của các tổ tự quản, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, điển hình xuất sắc. Trong đó đặc biệt coi trọng vai trò “cầu nối” của tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản trong việc hỗ trợ xóm, khối trưởng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như đưa nghị quyết của chi bộ thôn xóm vào cuộc sống.
Dẫu còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động nhưng mô hình tổ tự quản tại địa bàn dân cư trên quê hương Bác đang ngày càng đi vào thực chất, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước và gìn giữ nét văn hóa làng xã.