Tình trạng cát tặc trên dòng sông Lam, đoạn bãi bồi Do Nha đến với chúng tôi thông qua một số cán bộ ngành quản lý khoáng sản. Các anh cho hay, vì tình trạng cát tặc gây dịch chuyển dòng chảy, sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất nên người dân sống ven sông Lam, thuộc xã Hưng Nhân cũ thường nhắn tin, gọi điện về Sở TN&MT, thậm chí đã gửi đơn lên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở để mong được giúp đỡ.
Xem những tài liệu, văn bản mà các cán bộ này chuyển cho, cái mà chúng tôi quan tâm là lá đơn đề ngày 9/4/2021, của những hộ dân hiện đang sinh sống tại xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên gửi đến những người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở TN&MT… Bởi trong đó là lời lẽ thống thiết về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, và để lại nhiều những hệ lụy cho người dân. Đơn có nội dung như sau:
“Hiện nay, khu vực trồng màu bãi bồi Do Nha, thuộc khu vực xóm 3, xóm 4, xóm 5, xã Hưng Nhân thường xuyên bị sạt lở, mất đất sản xuất nghiêm trọng do các phà hút cát lậu thường xuyên hoành hành ngày đêm. Đặc biệt, ở phía bên kia bờ sông thuộc đất Hà Tĩnh có nhiều bãi tập kết cát lậu, thường xuyên dong tàu sang hút lậu phía bên đất màu, đất sản xuất của người dân chúng tôi gây sạt lở rất nhiều.
Theo chúng tôi tìm hiểu thì tại khu vực này, kể cả bên đất Hà Tĩnh hay Nghệ An đều không có mỏ cát nào được cấp. Mà theo như hiểu biết của chúng tôi thì nếu phía tỉnh Hà Tĩnh chính quyền có cấp mỏ thì chắc chắn cũng không thể cấp mỏ ở gần đất Nghệ An để hút cát lấn sang bên đất Nghệ An được. Chúng tôi là những người dân khi phát hiện ra tàu hút cát lậu đang tàn phá đất màu, đất sản xuất của mình, tìm cách xua đuổi thì tàu chạy sang bãi bồi bờ đối diện (thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), hoặc chạy sang neo tại các bãi cát lậu phía đất Hà Tĩnh. Thậm chí các tàu này còn dùng gậy gộc, dùng vòi phun nước để đối phó và đánh, chống trả người dân chúng tôi khi truy bắt và gây thương tích cho chúng tôi.
Sự việc khai thác cát lậu gây sạt lở đã diễn ra rất nhiều năm, các tàu hút cát này thường hoạt động rầm rộ từ 12h đêm đến 4h sáng. Việc khai thác cát này đã làm chuyển dịch dòng chảy và ăn sâu vào đất sản xuất của dân, bờ sông sạt lở sâu hoắm rất nguy hiểm (có hình ảnh chúng tôi chụp gửi kèm theo).
Chúng tôi kính đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT giúp đỡ, có phương án quyết liệt xử lý nhằm chấm dứt tình trạng khai thác cát lậu gây sạt lở, mất đất sản xuất của người dân chúng tôi và trả lại bình yên, ổn định an ninh, trật tự cho địa phương”.
Đơn được gửi từ hồi tháng 4/2021, vậy tình hình hiện thời ra sao? “Sông Lam đoạn này rộng mênh mông, lại là khu vực giáp ranh giữa Nghệ An và Hà Tĩnh nên việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép hết sức vất vả. Các lực lượng của tỉnh, của huyện Hưng Nguyên đã tuần tra, phát hiện xử lý một số trường hợp. Chúng tôi cũng đã về Do Nha để kiểm tra tình trạng sạt lở; mấy lần xuyên đêm túc trực tại địa bàn để phục bắt đối tượng vi phạm; làm việc với Sở TN&MT Hà Tĩnh và chính quyền TX. Hồng Lĩnh để có sự phối hợp; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, huyện Hưng Nguyên tăng cường thêm một số giải pháp… Nhìn chung, cũng đã thực hiện đủ mọi cách rồi nhưng tình hình cũng chưa triệt để được…”, một cán bộ trao đổi.
Trong ngày 9/7, chúng tôi 2 lần sang bãi Do Nha. Đấy là một bãi bồi lớn, kéo dài dọc theo sông Lam khoảng vài km. Ở thời điểm này, phần lớn đất bãi bỏ hoang, chỉ lác đác một số ruộng dưa. Đi hết bề rộng của bãi chừng 1 km thì ra được đến sông Lam. Phía bên kia sông, thuộc địa giới tỉnh Hà Tĩnh xuôi về cầu Bến Thủy 2 là hàng loạt bãi tập kết cát. Còn bên này, đã không còn là bãi bồi mà trở thành là bến lở.
Có những đoạn lở kéo dài cả trăm mét. Ở một vài vị trí, có những mảng lớn đất và cây cỏ đổ sập xuống sông, hoặc hổng chân, tạo nên những hang, hốc chực chờ sạt xuống. Sản xuất nông nghiệp trên bãi bồi Do Nha gồm người dân các xóm 3, 4 của xã Hưng Nhân cũ. Họ nói rằng, từ khoảng vài tháng nay, khi có Công an huyện về thì “bọn cát tặc” không còn lộng hành dùng tàu hút cát lòng sông trái phép ban ngày. Nhưng cũng từ đó, chúng chuyển sang hút trộm cát ban đêm. “Từ khoảng 9 – 10h, có khi từ 12h đêm trở đi thì chúng hút cát. Hoạt động không cố định nhưng gần như đêm nào cũng có. Đêm ngủ, tiếng động cơ của tàu, tiếng máy hút cát nghe rõ mồn một. Tàu dừng hút cát có tiếng động khác với tàu đang chạy trên sông nên nghe thì biết ngay. Bãi Do Nha trước đây rộng lắm, phải đến hơn 2 km. Bây giờ chỉ còn khoảng 1 km nữa thôi. Hắn hút sạt lở hết, mạn trên còn sạt cả bờ kè…”, một người dân xóm 4, tên là Phạm Hồng nói.
Vị trí bờ kè sông Lam bị sạt lở như lời người dân xóm 4 hướng dẫn, nằm ngay sát biển chỉ dẫn địa giới: “Sông Lam – xã Hưng Nhân – Km 30 + 000”. Quan sát cụ thể, chiều dài kè bị sạt dài chừng khoảng gần 30m, cách chân móng biển chỉ dẫn khoảng 2m. Tại đây, các thanh giằng bê tông cốt thép đã đứt vỡ, kéo toàn đá kè tụt trôi chìm vào lòng sông, chỉ còn chơ vơ vài đoạn bê tông nhô lên mặt nước.
Đến khu vực xóm 3, chúng tôi cũng được người dân kể chuyện về cát tặc hoành hành trong đêm, và giới thiệu để đến gặp xóm trưởng, ông Nguyễn Đình Tứ. Theo Xóm trưởng kiêm Bí thư chi bộ đã 65 tuổi này thì khoảng mười lăm hôm trước có cơ quan chức năng và lãnh đạo xã về xác minh đơn thư về tình trạng cát tặc. Được xem đơn, ông đã trao đổi ở xóm 3 không có người nào đứng tên trên đơn; nhưng về tình trạng cát tặc thì là có thật. Ông Tứ kể, có cán bộ đã hỏi tôi: “Bác phát hiện tàu hút cát trái phép, tại sao không báo với chính quyền, với công an?”. Tôi đã trao đổi lại là đã báo rồi, nhưng tàu của cát tặc có công suất lớn lắm, chỉ 15 – 17 phút là hút xong. Khi công an huyện nhận được tin báo về tới nơi thì nó đã đi rồi. “Mới đây, khi phát hiện có 3 tàu hút, tôi liền báo tin. Nhưng khi các anh ấy về thì nó đã hút xong đi mất dấu. Thật ra, để phát hiện tàu hút cát trái phép cũng không phải là khó cho lắm. Cứ về đây nghỉ với tui một đêm là biết. Dân xóm 3 làm dưa trên bãi bồi cũng biết về tình trạng này…”, ông Tứ nói.
Để nói rõ hơn việc sông Lam chuyển đổi dòng chảy và sạt lở bãi bồi, ông Tứ đưa chúng tôi đi dọc bờ sông, lên tận địa phận xã Hưng Thành. Dẫn đến những vị trí bờ kè bị tụt, chỉ tay sang bên kia sông Lam, nơi có một doi đất xanh thẫm màu cây, ông nói: “Các chú biết không, nhìn thì cứ tưởng đấy là đất Hà Tĩnh nhưng kỳ thực là đất của xóm 3, xã Châu Nhân đấy. Tui giải ngũ về đây năm 1986 thì làm cán bộ xóm. Thời kỳ đó, doi đất ấy còn nối liền với đất bên này chứ đâu chia tách như bây giờ. Khai thác cát trái phép, cùng với thiên tai đã dịch chuyển dòng chảy, chia tách đất đai ghê gớm như vậy. May mà cách đây khoảng chục năm, Nhà nước cho xây bờ kè này chứ nếu không thì các bãi Do Nha, cồn Trổng, cồn Nổi, đội Dài Cao, đội Dài Thấp của các xã Châu Nhân, Hưng Thành đều trôi sạch…
Cũng trong ngày 9/7, chúng tôi đã đi một vệt dài dọc sông Lam, từ xã Châu Nhân lên đến chân cầu Yên Xuân. Điều mục kích được ở trên sông là ở một vài khu vực Nhà nước cấp phép khai thác cát, nhưng không được chủ doanh nghiệp thả phao, cắm tiêu để xác định ranh giới khai thác. Đáng băn khoăn hơn là lượng tàu hút cát xuôi, ngược trên sông Lam rất nhiều, nhưng không một tàu nào có biển hiệu thể hiện đã đăng ký, đăng kiểm.
Để rõ hơn tình trạng này, trưa cùng ngày, chúng tôi đã xuống một bãi đậu đỗ tàu thuộc địa bàn xã Hưng Lam. Ở đó, cùng lúc có 7 chiếc tàu hút cát với thể tích khoang đến vài trăm m³ đang đậu đỗ. Nhưng tuyệt nhiên chẳng tàu nào có số hiệu. Trao đổi với những cán bộ ngành quản lý tài nguyên cùng đi, trên địa bàn tỉnh, có đến hàng triệu ô tô, xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông đường bộ. Nhưng tất cả các chủ phương tiện đều phải đăng ký, treo biển thì mới được vận hành. Trên sông, dù lượng tàu vận tải có thể nhiều nhưng có lẽ cũng chỉ đến con số nghìn. Tại sao lại có tình trạng này? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, các anh trao đổi: “Đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc xử lý tình trạng cát tặc…”.
Kết nối với một cán bộ thanh tra giao thông để hỏi thì được xác nhận số lượng phương tiện vận tải thủy trên địa bàn tỉnh, mà chủ yếu là tàu khai thác cát trốn đăng ký, đăng kiểm rất nhiều. “Năm 2020, đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra và có báo cáo đầy đủ về nội dung này lên UBND tỉnh. Số phương tiện vận tải thủy chưa đăng ký, đăng kiểm lên đến hàng mấy trăm chiếc. Sở GTVT đã có văn bản đôn đốc các cơ quan liên quan nhưng xem ra kết quả thu được cũng chưa đáng kể…”, anh này cho biết. Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về cơ quan nào? Câu trả lời là: “Về trách nhiệm trong vấn đề này thì liên quan khá nhiều đơn vị. Quả thực, đấy cũng là vấn đề khó…”.
Ở bãi đỗ xã Hưng Lam, chúng tôi đã hỏi chuyện một thanh niên đang nghỉ trưa trên một con tàu. Anh này trả lời, tàu là của gia đình đầu tư để làm cát chứ không thuộc một hợp tác xã, hay công ty nào cả. Hỏi về vị trí khai thác cát, thì trả lời “làm ở mạn trên, thuộc địa phận Nam Đàn” rồi không nói gì thêm. Nhìn sông Lam trời nước mênh mông, thấy rõ những khó khăn trong truy bắt tàu khai thác cát trái phép. Nghĩ, phải chăng chủ các phương tiện hút cát trên sông cố tình không đăng ký, đăng kiểm, không in số hiệu trên thân tàu…, nhằm để khi khai thác cát trái phép bị phát hiện thì dễ bề phủi bỏ hành vi, dễ bề trốn tránh?