Cấp thiết đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sạch – Bài cuối: Tháo “nút thắt”, thúc đẩy ứng dụng năng lượng sạch

Trước tình hình hệ thống lưới điện quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào thủy điện và nguồn cung gặp khó khăn, việc đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện mặt trời… có vai trò rất quan trọng. Trong khi điện gió hay điện khí cần nguồn lực lớn nên khó khăn trong đầu tư, thì phát triển điện mặt trời áp mái để “tự sản, tự tiêu” là phương án thiết thực và hiệu quả. Qua nhiều lần lấy ý kiến, phương án này đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân lắp đặt nhằm góp phần giảm thiếu hụt nguồn cung điện hiện nay.

Tỉnh Nghệ An, theo khảo sát của các chuyên gia, với số giờ nắng trung bình mỗi năm khoảng 1.700 – 2.000 giờ, là thuộc nhóm khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước và lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4,73kWh/m2/ngày, nên có tiềm năng lớn về phát triển điện năng lượng mặt trời. Nếu khai thác tốt, năng lượng tái tạo ở Nghệ An đạt trên 17.400 MW; có thể thi công tấm pin áp mái, lắp đặt trên mặt đất, mặt nước (hồ) và điện gió trên vùng biển ven bờ.

Tỉnh Nghệ An thuộc nhóm khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước. Ảnh minh họa
Tỉnh Nghệ An thuộc nhóm khu vực có số giờ nắng cao trên cả nước. Ảnh minh họa

Tập đoàn TH – doanh nghiệp đầu tư hàng đầu trên địa bàn Nghệ An, xác định để phát triển bền vững phải gắn với mục tiêu đạt mức không phát thải trong tương lai, trong đó mấu chốt là xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là định hướng nhất quán. Bà Hoàng Thị Thanh Thủy- Trưởng ban điều phối Ủy ban Phát triển bền vững, Tập đoàn TH chia sẻ: Mọi hoạt động của TH đều tuân thủ nguyên tắc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo… Với mục tiêu lắp đặt đạt công suất 2 – 3 MWp/năm cho cụm trang trại, Tập đoàn đang hợp tác để tiếp tục lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trang trại bò TH Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Lạt… theo hình thức “tự sản tự tiêu”.

Việc tạo ra “dòng điện xanh” từ nguồn năng lượng mặt trời tự sản xuất được, đã giúp Tập đoàn TH ghi dấu ấn khi tiên phong tham gia hưởng ứng Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 của Chính phủ, nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng hóa thạch, góp phần bảo vệ môi trường cho đất nước, chung tay hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với quốc tế.

Điện mặt trời trên mái trang trại bò sữa thuộc cụm trang trại công nghệ cao quy trình sản xuất khép kín lớn nhất thế giới.
Điện mặt trời trên mái trang trại bò sữa thuộc cụm trang trại công nghệ cao quy trình sản xuất khép kín lớn nhất thế giới.

Nhìn rộng ra, với gần 1 triệu ha rừng và là tỉnh có độ che phủ rừng lên tới 58% diện tích tự nhiên, Nghệ An có tiềm năng lớn về xuất khẩu gỗ và cấp tín chỉ carbon. Hiện tỉnh đã thu hút được 4 dự án đầu tư chế biến than củi sạch và sản xuất viên nén sinh khối từ gỗ, củi và các lâm sản phụ. Với vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ rừng gần 25.000ha, các nhà máy gỗ ở xã Thanh Hương (Thanh Chương), sản xuất than sạch ở Đồng Văn (Quế Phong), sản xuất viên nén sinh khối ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1 và Khu công nghiệp Nam Cấm đã mở ra định hướng để tận dụng các phế thải ra từ nông lâm để quay trở lại sản xuất tuần hoàn. Với công suất trên 1 triệu tấn củi gỗ để sản xuất khoảng 500 ngàn tấn viên nén sinh khối/năm, mỗi năm mang lại kim ngạch xuất khẩu cho Nghệ An gần 800 triệu USD.

Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Hưng Nguyên.
Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Hưng Nguyên.

Mới đây, trong khuôn khổ hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (Cộng hòa Liên bang Đức) trên cơ sở khảo sát hạ tầng năng lượng Nghệ An đã khuyến cáo, Đức có thể nhập khẩu một số mặt hàng từ Việt Nam hoặc doanh nghiệp từ Đức có thể xem Việt Nam là địa điểm đầu tư, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Đức mong muốn sử dụng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là các dạng năng lượng sạch hoặc tái tạo, thay vì các năng lượng hóa thạch hoặc thủy điện như hiện nay.

Trên thực tế, để sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Theo đó, hàng năm vào mùa khô nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực EVN thường vận động người dân sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng; hướng ứng Ngày môi trường thế giới bằng hoạt động tắt điện vào Giờ Trái đất…

Các đơn vị, sở, ngành diễu hành tuyên truyền tiết kiệm điện.
Các đơn vị, sở, ngành diễu hành tuyên truyền tiết kiệm điện.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc cung ứng điện của hệ thống lưới điện quốc gia. Nhằm đẩy mạnh tiết kiệm điện và đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, đặc biệt là giai đoạn cao điểm nắng nóng, sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 5/6/2023 về việc đẩy mạnh tiết kiệm điện trong mùa khô và năm 2023; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn dân về tình hình khó khăn trong cung cấp điện hiện nay, đặc biệt là trong đợt cao điểm nắng nóng để đảm bảo an toàn, ổn định trong cung ứng điện.

Thi công thủy điện Suối Choang (xã Châu Khê, huyện Con Cuông).
Thi công thủy điện Suối Choang (xã Châu Khê, huyện Con Cuông).

Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguồn điện sản xuất từ các nhà máy thủy điện giảm nên nguồn cung sụt giảm. Đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã đồng ý với phương án khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, công suất dưới 1 MWp thì không phải báo cáo Bộ Công Thương và dự án áp mái nào “tự sản xuất, tự tiêu dùng” thì được động viên khuyến khích. Tuy nhiên, khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo, cũng phải đối mặt thách thức lớn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng sạch, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay đối với các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số công suất cao. Ngoài ra, quy trình, thủ tục và mức kinh phí đầu tư không hề rẻ, mỗi MWp cần từ 13-15 tỷ đồng nên không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện đầu tư pin năng lượng mặt trời.

Điện mặt trời trên mái Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên.
Điện mặt trời trên mái Nhà máy Nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên.

Thực tế, các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng điện mặt trời Nghệ An như Tập đoàn TH, Công ty Xăng dầu Nghệ An, Công ty CP Trung Đô và các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp WHA hay VSIP 1 để triển khai thuận lợi đều phải bóc tách dự án và đầu tư quy mô dưới 1 MWp/dự án và chủ yếu “tự sản xuất, tự tiêu dùng” để thủ tục đỡ phức tạp… Được biết, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1 đã có 6 doanh nghiệp triển khai lắp đặt pin năng lượng mặt trời với tổng công suất 11 MWP. Trong khi đó, tại Khu công nghiệp WHA đã có 4 đơn vị trong Khu công nghiệp đã lắp đặt pin năng lượng áp mái với tổng công suất 8,54 MWp.

Theo EVN Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động tổng công suất 935,9MW với sản lượng phát điện khoảng 3 tỷ kWh/năm. Theo tính toán, sản lượng điện của tỉnh đáp ứng trên 70% nhu cầu tiêu thụ của toàn tỉnh (sản lượng điện tiêu thụ 4,2 tỷ kWh). Đối với các dự án điện mặt trời áp mái, năm 2022 Nghệ An mới có trên 800 khách hàng sử dụng với tổng công suất 91,93 MWp (tương đương 73,54 MW). Số khách hàng doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái có công suất 100 KWp trở lên là 94 doanh nghiệp với tổng công suất 85,1 MWp (tương đương 68,08 MW). Đây là con số khiêm tốn, chưa phản ánh tiềm năng đầu tư, xây dựng và sử dụng năng lượng tái tạo tại Nghệ An.

Vì vậy, theo bà Lê Thị Thu Hường – Trưởng phòng Năng lượng, Sở Công Thương, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần rà soát lại tổng thể các dự án sản xuất điện đã và đang đầu tư, sắp đưa vào vận hành trên địa bàn. Đầu tư hạ tầng để giải tỏa tối đa công suất các nhà máy thủy điện đã và đang đầu tư; đồng thời kiểm tra tiến độ để đốc thúc các dự án sản xuất điện tái tạo như năng lượng điện gió tại Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), 2 dự án điện năng lượng mặt trời trị giá trên 7.000 tỷ đồng của Công ty CP MK và Tập đoàn Thiên Minh Đức tại xã Ngọc Sơn và Tân Thắng (Quỳnh Lưu) đã được phê duyệt. Ngoài ra, cần thu hút thêm dự án sản xuất điện thay thế cho nhiệt điện bằng than tại Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) theo quy hoạch điện 8 quốc gia.

Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được ứng dụng tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng.
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được ứng dụng tại Nhà máy Xi măng Tân Thắng.

Trao đổi về chính sách phát triển năng lượng hiện nay, ông Trần Quốc Thành – nguyên Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo chính sách khung ở tầm vĩ mô phát triển điện năng lượng mặt trời (thuế, phí, cơ chế đấu nối, thủ tục,…). Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp và các hộ gia đình lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái ở các công sở; mái trụ sở, mái nhà xưởng, nhà hàng, khách sạn đối với các doanh nghiệp; mái nhà ở đối với nhà dân để tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Cũng theo ông Thành, để khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, UBND tỉnh cần giao cho đơn vị có chức năng thu thập số liệu ngày/giờ nắng trong năm, bức xạ mặt trời của từng vùng khác nhau trên địa bàn tỉnh để tư vấn cho người dân giải pháp phù hợp. Thiết thực và hiệu quả nhất là lắp pin áp mái các cơ quan công sở, nhà xưởng sản xuất tại các khu – cụm công nghiệp vì phục vụ trực tiếp cho sản xuất và sinh hoạt; đồng thời giảm được kinh phí đầu tư mua ắc quy tích điện.

Tại Hội nghị COP 26, tại Glasgow – Scotland, Vương quốc Anh (tháng 11/2021), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Một trong những biện pháp đạt được mức Net Zero là phát triển năng lượng tái tạo thay thế dần năng lượng sử dụng hóa thạch (than, dầu, khí), trong đó có năng lượng mặt trời. Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, khẳng định mục tiêu sản lượng điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 đạt tỷ lệ 30.9 – 39,2%, đến năm 2050 đạt 67,5 – 71,5%. Đặc biệt là đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời áp mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Nhiều người dân đã đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái.
Nhiều người dân đã đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo nhiều nhiệm vụ cụ thể liên quan tới quản lý tín chỉ carbon rừng, cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái, sản xuất hydrogen tại Việt Nam, đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Điều này đòi hỏi các bộ, ngành sớm hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26; thu hút nguồn lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, phát triển mô hình sản xuất thân thiện môi trường; bố trí nguồn lực để thực hiện…

Mô hình tuabin sản xuất điện gió lắp đặt trên đỉnh núi tại xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai) do chủ đầu tư tư vấn thiết kế. Ảnh tư liệu
Mô hình tuabin sản xuất điện gió lắp đặt trên đỉnh núi tại xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc (TX. Hoàng Mai) do chủ đầu tư tư vấn thiết kế. Ảnh tư liệu