Những ngày đầu tháng 6/2023, các huyện, thị Nghệ An “chìm” trong nắng nóng, nền nhiệt không ngừng tăng cao. Tình trạng mất điện liên tục xảy ra nhiều nơi. Mất điện thường xuyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Nhất là vào thời điểm học sinh khối cuối các cấp học phổ thông bước vào những ngày “nước rút” ôn thi; việc mất điện, cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng khá lớn đến việc ôn tập của các em.
Huyện Quỳ Châu thời điểm tháng 6/2023, gần 500 học sinh lớp 12 của Trường THPT Quỳ Châu đang trong giai đoạn cấp tập ôn thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng. Tại dãy trọ 5 phòng khá nhỏ hẹp ở thị trấn Tân Lạc, em Vi Thị Thanh cùng với 3 bạn nữ cùng lớp cứ đêm đến lại mang chiếu và bàn ra sân dãy trọ và dùng ánh sáng từ điện thoại để ôn bài. Em Thanh cho biết, điện bị mất liên tục, có khi mất nguyên cả ngày, hoặc mất từ đầu hôm đến sáng nên các em phải dùng ánh sáng từ đèn pin hoặc điện thoại để ôn bài.
Không chỉ các sĩ tử, mà cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân các địa phương cũng đảo lộn lớn khi thiếu điện. Ở xóm 1, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, dọc con đường nhựa phẳng lỳ chạy qua trung tâm xã, tầm 10 giờ 30 phút trưa hầu như rất ít người qua lại. Bà Chế Thị Minh (70 tuổi), có nhà ngay cạnh con đường nhựa, nắng như đổ lửa nhưng bà vẫn thường ngồi ngoài gốc cây hóng mát, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm lưng áo… Bà Minh cho biết: “Nóng quá, lại mất điện không thể ngồi trong nhà nên từ sáng bà ngồi ngoài gốc cây. Đã gần 11h trưa, bóng tròn, ngồi gốc cây cũng nóng hầm hập. Trưa nay tui ăn cơm nguội, không nấu vì phải nhóm bếp củi, nóng lắm”. Rồi bà chỉ vào chiếc võng mắc dưới 2 gốc cây trong vườn nhà mình cho biết, ngày 2/6 mất điện từ 19h đêm đến 2h sáng, nóng quá không ngủ được, nửa đêm bà phải ra vườn mắc võng ngủ dưới gốc cây. Còn 2 đứa cháu ở cùng bố mẹ bên kia đường thì khóc cả đêm vì nóng. Bố mẹ phải thức thay nhau quạt cho con ngủ, sáng dậy đi làm sớm, người bơ phờ, mệt mỏi.
Tại xóm 1, xã Đại Sơn (Đô Lương), ông Lê Văn Nga cho biết: Hai ngày qua, xã Đại Sơn chỉ có điện từ 8 giờ sáng đến trưa (11 giờ). Tối 2/6, đến nửa đêm vẫn chưa có điện, 3 đứa cháu nhà tôi không ngủ được vì nóng bức. Thương cháu, sợ cháu ốm nên tôi đành nổ máy ô tô, chạy điều hòa xe để 4 bà cháu vào xe ngủ. Vì sợ ngủ trong xe không an toàn nên tôi thức cả đêm để canh chừng”. Mất điện liên tục, không chỉ gia đình ông Nga, mà hầu hết gần 200 hộ dân của xóm 1 cũng đã nhiều đêm trằn trọc, giấc ngủ chập chờn vì nóng bức khiến không chỉ sức khỏe mỗi người bị ảnh hưởng, mà mọi sinh hoạt của cả gia đình cũng bị đảo lộn.
Không chỉ các sinh hoạt, thói quen trong đời sống người dân bị đảo lộn khi thiếu điện, bị cắt điện đột ngột mà nhiều trường hợp còn gặp nguy hiểm đến tính mạng khi gặp sự cố mất điện. Ví như ngày 3/6/2023, gia đình cháu N.T.B.Kh (SN 2012), thường trú tại thành phố Vinh “được” một phen nháo nhào lo lắng khi nhận thông tin con mình bị mắc kẹt trong thang máy do mất điện đột ngột. Cháu bé còn nhỏ tuổi, lại chưa gặp phải tình huống bị nhốt trong thang máy kín mít nên khi sự cố xảy ra đã rất hoảng sợ. May mắn được lực lượng cảnh sát giải cứu, sau nhiều ngày gia đình cháu vẫn còn run khi nhắc đến sự việc này.
Sản lượng điện thiếu hụt không chỉ làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ.
Ngày 4/6/2023, hàng nghìn con gà ở trại gà của ông Cao Văn Thìn ở xã Diễn Thọ và trại gà của ông Nguyễn Đồng ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) bị chết do mất điện đột ngột. Trong đó, gia đình ông Cao Văn Thìn bị chết 1.000 con gà, gia đình ông Nguyễn Đồng bị chết 400 con gà thịt gần đến ngày xuất chuồng. Tuy các chủ trại gà này đã chủ động phương án dự phòng máy phát điện ngay tại chỗ, nhưng do máy hỏng đúng thời điểm mất điện, nên không kịp trở tay.
Trước đó, chiều 18/5/2023, trại gà của gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở xóm Kim Phúc, xã Nghi Ân (TP. Vinh) bị chết khoảng 5.000 con gà 60 ngày tuổi, tổng trọng lượng khoảng 7,5 tấn. Ông Chu Văn Mai – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin trại gà của gia đình anh Bình bị chết hàng loạt do bị sốc nhiệt, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống hỗ trợ xử lý. Xã cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn luôn có các phương án để đối phó với tình trạng mất điện vào những ngày nắng nóng, nhằm hạn chế thiệt hại đến kinh tế.
Việc thiếu điện đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh. Huyện Diễn Châu là địa phương có thế mạnh về khai thác, chế biến hải sản với hơn 120 kho đông lạnh trên địa bàn. Nhiều chủ hàng thủy sản đông lạnh cho biết, bà con như “ngồi trên đống lửa” mỗi lần có thông báo cắt điện luân phiên, vì chất lượng hải sản bị sụt giảm, chưa kể máy móc, thiết bị làm đông cũng bị ảnh hưởng độ bền khi điện chập chờn.
Anh Cao Thanh Thủy ở xóm Quyết Thành, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu kinh doanh hải sản trong gần 10 năm qua. Mỗi lần tàu, thuyền về bến, anh đều kết nối để thu mua hải sản, sau đó về sơ chế và dự trữ vào các kho đông, xuất bán trên toàn quốc với các đơn hàng lớn. Do đó, gia đình đã xây dựng 4 kho đông lạnh với sức chứa khoảng 500 tấn hải sản. Đối với mặt hàng này, có điện là điều kiện bắt buộc để hoạt động. Mặc dù vậy, thời gian qua, việc thiếu điện đã khiến công việc sản xuất, kinh doanh thiệt hại đáng kể.
Anh Thủy cho biết: Nhà tôi có 4 kho đông chạy hoàn toàn bằng điện lưới, vì thực tế không có nguồn năng lượng nào đủ tải cho các kho hoạt động. Mặc dù vậy, dịp tháng 5, 6 xảy ra mất điện liên tục, các kho đông hoạt động được vài tiếng, hải sản tươi chưa kịp cấp đông lại bị rã ra. Việc này lặp lại hàng ngày vào những tuần cao điểm, khiến hải sản bị giảm chất lượng, khi xuất hàng bị các cơ sở chê hoặc ép giá, gia đình thất thu nặng. Chưa kể việc tiêu thụ điện năng càng tốn hơn do cơ chế hoạt động của kho đông bị khởi động lại quá nhiều lần, mỗi lần làm đông lạnh lượng điện năng tiêu thụ rất lớn.
Trước tình hình đó, để giảm thiểu thiệt hại, gia đình anh Thủy buộc phải đầu tư máy phát điện cỡ lớn với chi phí gần 50 triệu đồng, ngoài ra, trong thời điểm nắng nóng này, việc nhập hàng về kho đông cũng giảm khoảng 1 nửa do lo ngại mất điện sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng. 4 kho đông với sức chứa gần 500 tấn nhưng gia đình chỉ nhập khoảng 100 tấn cầm chừng, doanh thu vì thế sụt giảm so với trước.
Tại huyện Quỳ Hợp, nơi có khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh khai thác khoáng sản, việc mất điện đột ngột đã khiến một số cơ sở sản xuất thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi lần bị ngắt điện, mất điện. Chủ một doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp cho biết, cao điểm tháng 5-6/2023, doanh nghiệp bị thiệt hại cả trăm triệu đồng khi nguồn cung điện năng thất thường; bởi dây chuyền khai thác, chế biến đá khi bị cắt điện đột ngột sẽ tác động đến nguyên liệu, máy móc đang vận hành, gây tổn thất về cả chất lượng và số lượng, ảnh hưởng tiến độ các đơn hàng khi công suất bị giảm 30-50%.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện trên cả nước ảnh hưởng nghiêm trọng. Đỉnh điểm, ngày 11/5/2023 cả nước đã có 11/47 hồ thủy điện lớn về mực nước chết hoặc gần mực nước chết.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5/2023, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các nhà máy thủy điện. Vì vậy, để đảm bảo nguồn năng lượng tiêu thụ, dự kiến toàn bộ hệ thống điện miền Bắc phải tiết giảm 1.000 – 2.400 MW. Đối với Nghệ An, phải tiết giảm từ 53 – 124MW trên tổng công suất vào các khung giờ cao điểm trong những ngày nắng nóng. Trong khi đó, sản lượng điện tiêu thụ trong ngày nắng nóng tháng 5-6/2023 của toàn tỉnh xấp xỉ 17.500.000 kWh, sản lượng được phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu.
Ngoài nguyên nhân cắt điện, mất điện đột ngột do ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, thì việc Nghệ An còn nhiều bản, làng chưa có điện là do những vướng mắc ở cơ sở, nguồn đầu tư còn hạn chế. Ông Nguyễn Quý Hòa – Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Cắn 2 (Kỳ Sơn) cho biết: Thực tế đối với các nhà máy thủy điện, chức năng và nhiệm vụ là sản xuất ra điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia, không thể tự cung cấp điện cục bộ cho một địa phương nào mà việc phân phối điện, đưa hệ thống điện về các xã, bản, làng là phía các công ty điện lực phối hợp với các địa phương.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng như các địa phương khác, vấn đề cấp điện lưới cho các bản chưa có điện bị chậm tiến độ còn do trong quá trình thi công, đường dây điện đi qua “vướng” diện tích rừng phòng hộ không thể cắt tỉa, chặt cây để chôn cột, kéo đường dây khi chưa có ý kiến đồng ý của các cấp, ngành Trung ương.
Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn cho biết: Đơn vị rất chia sẻ với sự khó khăn của các bản, làng chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn. Tuy nhiên, các hoạt động liên quan đến rừng phòng hộ bắt buộc phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật. Do đó, để có thể cấp điện ở những địa phương này, phía điện lực và chính quyền địa phương cần có văn bản, kiến nghị lên tỉnh và các bộ, ngành để chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ tại những điểm đó thành diện tích rừng khác nhằm mục đích đấu nối điện cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khi đó việc cấp điện mới có thể được triển khai.
Ông Nguyễn Minh Hồng – Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn cho biết: Việc phủ kín lưới điện luôn là quyết tâm hàng đầu của đơn vị, mặc dù vậy, thực tế hiện nay, việc đưa điện về các bản, làng gặp rất nhiều khó khăn do địa hình dốc đứng, hiểm trở, “vướng” diện tích rừng phòng hộ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đưa điện lưới về các bản, làng. Mặc dù vậy, đơn vị cũng sẽ nỗ lực để phủ kín điện lưới tại 69 bản này theo đúng lộ trình giai đoạn 2020 – 2025.