“Không xa đâu Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão dập…”, những ca từ thân thương, những giai điệu da diết mà bài hát “Gần lắm Trường Sa” ngày càng in sâu vào tâm trí và tình cảm của người Việt Nam, về một phần máu thịt của Tổ quốc. Với những người chiến sỹ, người dân sinh sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu, khoảng cách địa lý giữa đất liền và “nơi đầu sóng ngọn gió” ngày càng gần hơn bởi những “cánh chim” – những chiếc trực thăng của Trung đoàn Không quân 917 đã trở thành nhịp cầu nối những niềm vui.
Nhiều năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn 917, Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không – Không quân), đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu bộ đội và nhân dân trên các vùng biển, đảo xa xôi của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ chỉ dành cho những phi công nổi trội về bản lĩnh, trình độ bay vững vàng và khả năng xử lý tình huống tốt.
Trong đó, Thượng tá Ngô Hồng Sơn – Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, Trung đoàn 917, là phi công cấp 1 – cấp cao nhất của phi công quân sự Việt Nam hiện nay với gần 2.500 giờ bay tích lũy, bay trong các điều kiện khí tượng, bay ngày và đêm, đã trực tiếp tham gia nhiều chuyến bay cấp cứu ngoài biển, đảo xa. Anh và đồng đội từng thực hiện những chuyến bay cấp cứu cả ngày 30 Tết; những chuyến bay cất cánh ngay sau bão, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa to, gió lớn, buồng lái trước mặt trắng xóa, gió thổi mạnh đến nỗi chao ngang cả máy bay. Những tình huống ấy, chỉ những người can trường và vững vàng chuyên môn mới bảo đảm an toàn.
Nói về những kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ bay trên biển, Thượng tá Ngô Hồng Sơn cho biết: “Khi bay cấp cứu trên biển, do không có địa tiêu chuẩn nên cảm giác của phi công phải cực kỳ tốt để khi vào treo cẩu xác định đúng cự ly từ máy bay đến đối tượng. Để làm tốt điều đó đòi hỏi phi công và tổ bay phải được huấn luyện thường xuyên, kỹ càng, phải được tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng thông qua quá trình diễn tập và thực thi nhiệm vụ”. Với các phi công trẻ, được bay cứu hộ, cứu nạn ngoài biển xa là cột mốc quan trọng đánh dấu và ghi nhận sự trưởng thành vượt trội về khả năng, trình độ và bản lĩnh bay.
Thượng tá Sơn kể, trong nhiều chuyến bay ra quần đảo Trường Sa, thì chuyến bay cấp cứu ngư dân ở đảo Song Tử Tây là một chuyến bay đáng nhớ trong cuộc đời lính bay. “Hôm đó chúng tôi được lệnh rất gấp, mà tình hình thời tiết lại không thuận lợi. Khẩn trương lắm! Tổ bay cùng với các thành phần bảo đảm chuẩn bị bay nhanh chóng rồi chúng tôi cất cánh từ Sân bay Cần Thơ bay về Sân bay Tân Sơn Nhất đón kíp bác sỹ của Bệnh viện Quân y 175, bay ra Phan Rang nạp dầu bổ sung, sau đó trực chỉ đảo Song Tử Tây mà bay tới. Chỉ chưa đầy 30 phút thì chẳng thấy dấu vết đất liền đâu nữa, mênh mông là biển trời. Anh em trong tổ bay nói đùa nhau rằng, mới đó ở sân bay có bao nhiêu đồng đội, nhộn nhịp biết mấy. Các thành viên trong tổ bay thường kiếm chuyện gì đó để nói với nhau trong những chuyến bay đường dài như thế này, một phần cũng là để giữ cho tinh thần luôn tỉnh táo. Chúng tôi bay ở độ cao 1.200 mét, phía dưới, mặt biển xanh ngắt và phẳng lặng.
Bay được hơn 1 giờ đồng hồ thì chúng tôi bắt đầu đi vào vùng thời tiết xấu. Lúc xuất phát, chúng tôi đã được thông báo rằng, có thời tiết xấu, khí tượng trên đường đi sẽ gây khó khăn cho tổ bay. Nhưng có vẻ như tình hình thực sự xấu hơn dự báo. Tầm nhìn rất hạn chế. Mây có chỗ rất dày, áp suất khí quyển không ổn định làm cho máy bay chao đảo. Không khí trong ca-bin rất căng thẳng. Lúc này toàn tổ bay im lặng, tập trung toàn bộ vào chuyên môn. Các thành viên tổ bay ai vào việc nấy, bình tĩnh phối hợp để xử lý tình huống. Phía bên kia, trời bắt đầu mưa tầm tã. Chúng tôi liên tục phải tránh những chỗ mây quá nhiều, có khi phải tăng độ cao, có khi lại phải hạ thấp xuống, phải bay vòng tránh. Gặp phải nhiễu động, máy bay rung lắc rất mạnh. Có những lúc tưởng chừng như máy bay sắp bị hất tung lên đến nơi. Sau hơn 1 giờ vật lộn trong khu vực thời tiết xấu, máy bay của chúng tôi đã thoát ra được. Mọi người thở phào nhìn nhau cười. Con chim sắt của chúng tôi lại tung cánh yên bình trên không trung. Phía trước bầu trời sáng trong kỳ lạ. Tôi hướng mắt về phía trước, ngóng tìm hình ảnh thân thương của những hòn đảo, nơi có những con người đã kiên cường bám trụ.
Chúng tôi đến đảo Song Tử Tây lúc khoảng 3 giờ chiều. Nắng rất gắt. Ở bệnh xá đảo tình hình cũng khẩn trương lắm. Họ đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ máy bay tới là đưa bệnh nhân lên đi ngay. Lúc hạ cánh xuống mới thấy sự có mặt của mình ý nghĩa biết bao. Ở đây bốn bề là sóng nước, bất kỳ cầu nối nào với đất liền cũng là một sợi dây của niềm tin, rằng các bạn không cô độc, rằng có cả dân tộc đứng sau các bạn, hãy yên tâm canh giữ biển, đảo thiêng liêng. Chúng tôi nhanh chóng cất cánh để về đất liền. Thực sự mà nói, ngư dân bị nạn trong những tình huống ngoài biển, đảo như thế này, sự sống rất mong manh. Điều kiện y tế ngoài đó cực kỳ khó khăn. Máy bay có lẽ là cách duy nhất để có thể đưa người bệnh đi cấp cứu. Đồng đội cần, các bạn cần là chúng tôi có mặt. Chúng tôi là những người lính Cụ Hồ. Tôi dường như cảm thấy mình vững tay lái hơn khi nghĩ đến điều đó”.
Mãi đến tận bây giờ Thượng tá Ngô Hồng Sơn vẫn không thể nào quên được hình ảnh người vợ chờ sẵn dưới mặt đất, mừng mừng, tủi tủi, chạy đến bên chồng nằm trên cáng cứu thương hôm ấy. Và theo anh: “Cuộc sống này có những thứ thực sự có ý nghĩa đáng để cho mọi người theo đuổi. Và trong khi mỗi người có sự lựa chọn con đường riêng cho mình, chúng tôi chọn làm chủ bầu trời, phụng sự nhân dân. Phi công và các thành viên tổ bay chúng tôi luôn tâm niệm, mình sống và làm việc theo lý tưởng, dù khó khăn mấy cũng có thể vượt qua”.
Nhưng để làm được điều đó, người lính bay đã phải hy sinh những điều giản dị nhất của mình, là được sum vầy bên gia đình trong những ngày lễ, Tết. Trong một lần chứng kiến cảnh gia đình phi công, Thượng tá Ngô Hồng Sơn gặp nhau ở cổng phi trường Tân Sơn Nhất, lúc anh vẫn mặc nguyên bộ đồ bay ôm hôn vợ con, một nhà báo đã xúc động làm bài thơ “Viết ở phi trường” tặng anh và đồng đội:
Bất chợt tôi thấy họ
Một gia đình lính bay
Ríu rít cổng phi trường
Một sáng Thu rất đẹp
Chàng lính bay vội vàng ôm con gái
Hít hà con trên mái tóc thơ ngây
Ba hạ cánh rồi ba cất cánh
Đã quen rồi nên con cười vui lắm…
Chàng lính bay đôi mắt như cười
Ôm ấp con lòng dâng như sóng
Ước những ngày nhiều nhiều nữa bên con
Sáng Chủ nhật sẽ là vui ríu rít
Là công viên ba dắt con đi
Là nhà hàng món ngon ba dành tặng
Nhưng con ơi ba còn bay tiếp
Lính thời bình ba vẫn bay và bay…
Những chuyến bay nhanh chóng, kịp thời do các phi công của Trung đoàn 917 thực hiện, đã góp phần không nhỏ đến việc cứu sống các bệnh nhân nặng, tiếp thêm niềm tin, động lực cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo xa và ngư dân đang ngày đêm bám biển ngoài khơi. Còn với Thượng tá Ngô Hồng Sơn và đồng đội, những chuyến bay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là động lực thúc đẩy đơn vị nỗ lực phấn đấu vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật. Qua đó, tiếp tục khẳng định năng lực, trình độ của đội ngũ phi công – những người lính bay đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển phía Nam của Tổ quốc.
| Nội dung: Đức Chuyên
| Ảnh – Video: PV – NVCC
| Thiết kế – Kỹ thuật: Hữu Quân