Cảm nhận Xuân mới trên miền trung du Thanh Chương

Một mùa Xuân mới đang về, bà con nhân dân huyện miền núi trung du Thanh Chương vui đón Tết Quý Mão với bao niềm hân hoan, phấn khởi và kỳ vọng lớn vào đà phát triển của quê hương.

Đã xa cái thời “tứ tắc”, bốn bề là sông, là núi bao bọc, muốn đi ra với “bên ngoài” phải “qua sông lụy đò”, lội khe vượt núi; nay ô tô, xe máy có thể phóng một mạch từ đầu đến cuối huyện, vào tận từng thôn, xóm, bản làng. Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ: Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, của tỉnh, kết hợp nội lực của huyện; đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ bằng vật lực, trí lực của Nhân dân, của những người con Thanh Chương “vượt đất khó” vươn lên ở những miền xa trong và ngoài nước thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã cơ bản khép kín bằng nhựa, bê tông (hơn 700km đường nhựa và trên 1.000km đường bê tông). Giao thông phát triển mở ra tư duy mới về phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực đi lên toàn diện. Con số 23/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã khẳng định cho sự phát triển toàn diện của huyện.

Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường nối từ Thanh Chương sang Nam Đàn; kiểm tra tiến độ hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Thanh Lĩnh và trao đổi với người dân xã Ngọc Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Trình Văn Nhã - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường nối từ Thanh Chương sang Nam Đàn; kiểm tra tiến độ hoàn thiện tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Thanh Lĩnh và trao đổi với người dân xã Ngọc Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Một xã nhiều khó khăn như Thanh Hương, nay đã bạt ngàn những đồi chè, vườn cây ăn quả, gia – trang trại chăn nuôi lớn với hàng trăm, hàng nghìn con lợn, hàng chục con trâu, bò; nhiều hộ dân sở hữu hàng mấy héc ta chè, bưởi, cam, hàng chục ha keo nguyên liệu… Xã miền núi này đã có mô hình cho thu nhập 320 triệu đồng/ha/năm khi đưa ốc bươu đen vào nuôi thả.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiến – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hương phấn khởi chia sẻ: Không chỉ tư duy kinh tế thay đổi mà nhận thức trong xây dựng quê hương của người dân cũng đổi thay, đồng thuận, tin tưởng vào sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng đóng góp xây dựng địa phương về đích nông thôn mới năm 2022. Hệ thống giao thông nông thôn nay được đầu tư và chỉnh trang đồng bộ với tổng số 55km trục đường chính xã và đường xóm, tuyến đường liên gia cơ bản được bê tông hóa… Khí thế đón Tết, sắc Xuân rộn ràng hơn trong mỗi nhà.

Thông qua xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất trường mầm non, nhà văn xóm và hạ tầng giao thông nông thôn ở xã Thanh Long được quan tâm đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa
Thông qua xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất trường mầm non, nhà văn xóm và hạ tầng giao thông nông thôn ở xã Thanh Long được quan tâm đầu tư khang trang. Ảnh: Mai Hoa

Với 10 năm kiên trì thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, người dân xã Thanh Phong đã đồng lòng, đồng thuận góp nhiều công sức và tiền của; đến thời điểm này đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Phan Mạnh Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương vô cùng đúng đắn, thực sự đi vào lòng dân, phát huy nội lực của nhân dân cùng với nguồn lực của Nhà nước phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ lại nhân dân. Trường học ở 3 cấp của xã đều đạt đơn vị văn hóa cấp huyện, chuẩn quốc gia. Điểm vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao được hình thành ở 7/7 xóm kết hợp khu dụng cụ thể dục, thể thao tại trung tâm xã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân. Hệ thống giao thông, ngoài được khép kín bằng nhựa và bê tông, còn đảm bảo sáng – xanh – sạch đẹp ở các tuyến; lắp đặt biển báo, gờ giảm tốc độ ở những khúc cua, ngã rẽ…

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Long được đầu tư khang trang, sạch, đẹp.
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở xã Thanh Long được đầu tư khang trang, sạch, đẹp.

Đi khắp các vùng quê Thanh Chương, đều cảm nhận không khí phấn khởi đón Xuân mới. Ở vùng trung tâm huyện – thị trấn Dùng đã như khoác lên “chiếc áo mới” với không gian thị trấn được mở rộng; việc xây dựng đô thị văn minh được tích cực triển khai, như đầu tư, chỉnh trang hồ trung tâm, đập Rành Rành; xây dựng một số tuyến đường vành đai thuộc các khối mới được sáp nhập từ xã Thanh Ngọc vào; chỉnh trang hệ thống vỉa hè các trục tuyến chính gắn với xây dựng các tuyến đường văn minh, sáng – xanh – sạch – đẹp. Thị trấn huyện lỵ bây giờ đường đã có tên, nhà đã có số, nếp sống văn minh đô thị đang được hình thành.

Đồng chí Tưởng Đặng Hào – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Chương cho biết: Người dân thị trấn đã rất năng động đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay tỷ trọng dịch vụ, thương mại của thị trấn chiếm hơn 63%, nông nghiệp chỉ chiếm 3%; thu nhập bình quân của người dân đã đạt tới 89 triệu đồng/người/năm. Địa phương đang tập trung thu hút đầu tư gắn với huy động các nguồn lực, phấn đấu xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị vào năm 2024.

Thị trấn Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Thị trấn Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Về với miền trung du Thanh Chương, chúng tôi đều ghi nhận một tinh thần chung, đó là từ những kết quả đạt được, cán bộ, đảng viên và người dân địa phương đang quyết tâm cao hơn trong Xuân mới Quý Mão 2023 nhằm đưa huyện nhà có bước phát triển mới mạnh mẽ.

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao đổi: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu đưa Thanh Chương phát triển thành huyện khá của tỉnh. Năm 2023 này là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI, bởi vậy, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở sẽ dành sự tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch trọng tâm đã ban hành.

Đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiêp công nghệ cao tại xã Thanh Lĩnh; Lãnh đạo xã Thanh Liên kiểm tra, đánh giá mô hình trồng cây ăn quả trên đất bạc màu; Lãnh đạo các ban Đảng của Huyện ủy Thanh Chương tìm hiểu nhu cầu sản xuất của nông dân xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiêp công nghệ cao tại xã Thanh Lĩnh; Lãnh đạo xã Thanh Liên kiểm tra, đánh giá mô hình trồng cây ăn quả trên đất bạc màu; Lãnh đạo các ban Đảng của Huyện ủy Thanh Chương tìm hiểu nhu cầu sản xuất của nông dân xã Thanh Lĩnh. Ảnh: Mai Hoa

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với hỗ trợ về chính sách nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức, phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ nhằm thay đổi thêm một bước về tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư và đẩy nhanh thi công một số công trình, dự án, như cầu đò Cung, tuyến đường từ Ngọc Sơn đi Nam Hưng (Nam Đàn), tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh đi Tổng đội Thanh niên xung phong 2 cũ.

Năm 2023, Thanh Chương đặt ra quyết tâm xây dựng thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; quan tâm phát triển du lịch canh nông, du lịch sinh thái. Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển bền vững, bởi vậy, thời gian tới, trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và thực hiện trách nhiệm người đứng đầu các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Tiếp tục phát triển đời sống văn hóa tinh thần trong nhân dân… Quan tâm thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh biên giới, tạo môi trường phát triển kinh tế – xã hội.

Nông dân Thanh Chương đã đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bằng các mô hình, cây con có giá trị, như trồng sâm thổ hào; Trồng sen cá ở diện tích thấp trũng; Đầu tư thâm canh cây chè và nuôi bò 3B. Ảnh: Mai Hoa
Nông dân Thanh Chương đã đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bằng các mô hình, cây con có giá trị, như trồng sâm thổ hào; Trồng sen cá ở diện tích thấp trũng; Đầu tư thâm canh cây chè và nuôi bò 3B. Ảnh: Mai Hoa

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, tạo sự phát triển cao hơn trong năm mới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhấn mạnh: Chủ đề thực hiện năm 2023 được đặt ra là: “Bám sát cơ sở – Tháo gỡ khó khăn – Đẩy nhanh phát triển”. Huyện đặt ra quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước phục vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy tổ chức và điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở.