Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều dự án trọng điểm, động lực cho phát triển

P.V: Thưa đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Nghệ An thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trong bối cảnh có những thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí có thể đánh giá khái quát tình hình phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ qua và những nguyên nhân dẫn đến những kết quả đó?

Chủ tịch UBND tỉnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh nhà đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 7,2%; quy mô GRDP của chúng ta hiện đứng thứ 10/63 địa phương trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,01 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; đời sống nhân dân được nâng lên.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; cơ cấu lại ngành nông nghiệp tiếp tục được chú trọng, đã hình thành và phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả; công nghiệp phát triển đúng hướng, với mức tăng trưởng bình quân 13,21%, trong đó các ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn; dịch vụ phát triển khá nhanh, đa dạng, rộng khắp trên các vùng miền với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh, hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội từng bước được cải thiện. Đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư, xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như:

Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh thấp; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng của Nghị quyết không đạt như: Tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách. Thu hút đầu tư chậm, chưa có những dự án lớn mang tính động lực, tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu ngân sách. Chất lượng, thương hiệu, sức cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ còn thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm nhà máy sản xuất nước sạch của Tập đoàn TH, Nhà máy ván gỗ MDF thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; thăm mô hình trồng cam tại bản Khe Hán, xã Châu Hạnh và HTX làng nghề thổ cẩm dệt Hoa Tiến (Quỳ Châu).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm nhà máy sản xuất nước sạch của Tập đoàn TH, Nhà máy ván gỗ MDF thuộc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm; thăm mô hình trồng cam tại bản Khe Hán, xã Châu Hạnh và HTX làng nghề thổ cẩm dệt Hoa Tiến (Quỳ Châu).

Chất lượng xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Quy mô các doanh nghiệp đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên là do các nguyên nhân khách quan như:

Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là sự cố ô nhiễm biển miền Trung năm 2016, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hạn hẹp do quá trình cơ cấu lại đầu tư công, nhiều dự án, đề án không bảo đảm được nguồn lực thực hiện.

Tiến độ một số dự án trọng điểm triển khai chậm so với dự kiến đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như thu ngân sách. Khu vực miền núi, biên giới của tỉnh rộng lớn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, phải tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan phải kể đến đó là do công tác quản lý, điều hành trên các lĩnh vực, nhất là việc chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm có lúc chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và bổ sung các giải pháp chỉ đạo chưa kịp thời.

Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có mặt chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, tính năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Ý chí, khát vọng khởi nghiệp, hội nhập, phát triển chưa được khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân, doanh nghiệp.

P.V: Trong nhiệm kỳ qua, tốc độ phát triển của tỉnh được đánh giá là bền vững nhưng chưa nhanh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Theo đồng chí, bước vào nhiệm kỳ mới, Nghệ An có những điều kiện thuận lợi như thế nào để có thể có sự bứt phá về mức tăng trưởng kinh tế?

Chủ tịch UBND tỉnh: Chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, Nghệ An đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống hạ tầng từng bước được xây dựng đồng bộ; giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm trong tỉnh và kết nối ra ngoại tỉnh thuận lợi; nhiều công trình trọng điểm đã được đưa vào sử dụng, như: Sân bay Vinh được đầu tư nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng; hoàn thành nâng cấp luồng cho tàu 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò; đưa vào khai thác Cảng xăng dầu DKC, cảng chuyên dùng Vissai. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tập trung chỉ đạo, thu hút nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực, quan trọng tạo tiền đề phát triển thời gian tới.

Bên cạnh đó, hạ tầng một số khu công nghiệp lớn đã được đầu tư bài bản. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện (cải cách hành chính; chính sách ưu đãi; hạ tầng, đất đai), tạo ra khả năng thu hút đầu tư tốt hơn trong những năm tới. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đã quan tâm đầu tư vào vùng Bắc Trung Bộ và tỉnh Nghệ An.

Điều đó được cụ thể hóa bằng việc Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Nghệ An (Par Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Nghệ An (PAPI) có bước cải thiện qua từng năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện rõ nét qua từng năm, trong đó năm 2019 đứng thứ 18 cả nước, đạt kết quả cao nhất trong vòng 15 năm qua, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Xếp hạng về các chỉ số Par Index, PaPi và PCI của tỉnh Nghệ An trong 5 năm qua so với  63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Xếp hạng về các chỉ số Par Index, PaPi và PCI của tỉnh Nghệ An trong 5 năm qua so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đang có một nguồn nhân lực khá dồi dào. Hệ thống đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học tại Nghệ An tiếp tục phát triển nhanh. Quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015, ước đạt 65% năm 2020.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên. Nhờ vậy đã kịp thời cụ thể hóa các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tạo sự thay đổi, chuyển biến tích cực, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh.

P.V: Nghệ An đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước. Nhằm thực hiện mục tiêu, tỉnh sẽ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá gì, thưa đồng chí?

Chủ tịch UBND tỉnh: Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong nhiệm kỳ tới, Nghệ An sẽ tập trung bám sát định hướng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW và Thông báo số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Vinh và phát triển miền Tây Nghệ An.

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Phát triển bền vững kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện 3 vùng kinh tế trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ba vùng kinh tế trọng điểm gồm:

Phát triển nhanh thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh thành vùng kinh tế động lực phía Nam; xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trở thành trục phát triển kinh tế của tỉnh; phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị biển, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, có tính kết nối cao, cùng với thị xã Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng và mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phát triển nhanh vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An thành vùng kinh tế động lực phía Bắc; phát triển các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực; tận dụng tối đa sự phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ nghỉ dưỡng; tập trung khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.

Chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn.
Chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn.

Phát triển bền vững kinh tế – xã hội miền Tây Nghệ An trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng, đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định vùng biên giới. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng. Triển khai các điều kiện cần thiết để sớm hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn.

Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 mũi đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ nhất, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp; nghiên cứu, ban hành và thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với pháp luật và thực tế;… để sẵn sàng chủ động, tận dụng cơ hội đón sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19. Từ đó, tập trung thu hút đầu tư các dự án lớn, dự án trọng điểm, có tính chất động lực để thúc đẩy phát triển.

Chấn chỉnh phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục phát triển và thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho mục tiêu phát triển. Trong đó, xây dựng và triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Phát triển các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng thực hành. Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy giáo dục thông minh.

Đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đông đảo; liên kết với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp để đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, chuyên môn giỏi. Xây dựng tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác phát triển thông qua phát triển chương trình giáo dục địa phương.

Tỉnh sẽ có những giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Nghiên cứu các giải pháp thu hút, huy động nguồn lực người Nghệ An xa quê đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thứ ba, tỉnh cũng sẽ tập trung huy động, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Ưu tiên những dự án có tính động lực, có yếu tố lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển; đa dạng các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh hình thức đối tác công – tư để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Thành phố Vinh
Thành phố Vinh