Mường Lống - nằm trong thung lũng có độ cao gần 1.050 m so với mặt nước biển (cách trung tâm thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn khoảng hơn 40 km về phía Đông) được ví như một “tiểu Sa Pa” của xứ Nghệ với những vườn đào, vườn mận đẹp như tranh, khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây còn có những con người dám nghĩ, dám làm với nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự để mang lại sự bình yên, no ấm phía sau “cổng trời”.
Vượt qua cung đường dài trên 40 km, bắt đầu từ bản Sơn Thành, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) men theo những con đèo nhỏ, sau đó vượt qua “cổng trời” là tới trung tâm xã Mường Lống nơi “Hoa đào e ấp giọt sương mai/ Mây vờn đỉnh núi chốn bồng lai”. Với khí hậu mát mẻ vào mùa hè, sương mù bao phủ vào mùa đông, lại mang một vẻ đẹp riêng với những đồi mơ, mận, đào, những cánh đồng cải vàng, và nhiều hang động như Hang dơi, Thác Rồng, Hang Mỹ… Mường Lống mang đến cảm giác thư thái, bình yên nhưng cũng không kém phần huyền bí, kỳ vỹ sức lôi cuốn khách du lịch.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên, Mường Lống còn là xã giàu truyền thống lịch sử, mang đậm nét văn hoá đặc trưng của người Mông như: Trang phục, ẩm thực, ném còn (hay ném pao), bò chận, múa khèn, trường ca, cứ xìa, lù tẩu và một số lễ hội khác. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế này, UBND xã Mường Lống đã ban hành đề án phát triển Du lịch Cộng đồng xã Mường Lống giai đoạn 2020 – 2025.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Bá Xồng: Muốn phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch trước hết phải đảm bảo “yên dân, yên địa bàn” trước đã, nhất là tệ nạn ma túy và tình trạng di dịch cư tự do. Bởi vậy, Đảng bộ và chính quyền xã Mường Lống xác định một trong những nhiệm vụ cần phải làm ngay đó là: phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, triệt xóa điểm nóng về ma túy trên địa bàn, trọng tâm là cụm dân cư bản Xám Xúm, Mường Lống 2, Long Kèo.
Ban Thường vụ Đảng ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng các phương án, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng quy ước riêng (có dịch ra tiếng Mông) và các khẩu hiệu, biếm họa về tác hại của ma túy, tập trung tuyên truyền vận động người dân không tham gia vào các tệ nạn ma túy bằng hình ảnh trực quan. Các thành viên ban chỉ đạo cũng trực tiếp vào tuyên truyền, vận động, chỉ đạo tại các bản. Đồng thời phối hợp với ngành chức năng tăng cường vây bắt một số đối tượng cầm đầu tại địa bàn và ngoài địa bàn để răn đe, vận động đưa các đối tượng đi cai nghiện. Qua một thời gian, với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, tình hình ma túy trên địa bàn đã được kiểm soát.
Điển hình như ở bản Xám Xúm – một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lống, trước đây vốn được coi điểm “nóng” nhức nhối về buôn bán và sử dụng ma túy khiến cuộc sống của người dân rơi vào cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Trước thực trạng đó, UBND xã Mường Lống đã ra quyết định về ban hành Bản quy ước, hương ước bản Xám Xúm gồm 13 nội dung với những quy định chặt chẽ; đồng thời yêu cầu Chi bộ, Ban quản lý và các đoàn thể ở bản cùng với Công an, Ban Văn hóa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cấp xã vào cuộc vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện các nội quy đã đề ra.
Đảng ủy xã Mường Lống cũng phân công nhiệm vụ cho đoàn công tác gồm 15 thành viên về tận bản “cầm tay chỉ việc”: điều tra số người nghiện; xác định rõ tên tuổi các thành phần tham gia hoạt động tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các chất ma túy trên địa bàn; vận động các lực lượng tại chỗ phối hợp đấu tranh triệt xóa điểm nóng về tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các chất ma túy… Từ đó, Xám Xúm bắt đầu thay đổi, trong từng nếp nhà các câu khẩu hiệu phòng chống ma túy được người dân treo và nghiêm túc thực hiện.
Còn tại bản Tham Lực, trước đây thường xảy ra tình trạng di cư tự do, BTV Đảng ủy xã Mường Lống đã phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ xây dựng mô hình di cư tự do, không có các tệ nạn xã hội tại Chi bộ bản. Theo đó, chi bộ quy định 1 quý phải họp một lần sinh hoạt mở rộng để tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ đảng viên và nhân dân. Qua mỗi lần sinh hoạt đều phân tích, nhận định tình hình đưa ra giải pháp giáo dục một số đối tượng đang dính vào ma túy hoặc có ý định tham gia ma túy; vận động, tuyên truyền một số hộ dân có tư tưởng muốn di cư sang Lào từ bỏ ý định. Đến nay bản Tham Lực, không có hộ nào di cư trái phép; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền.
Những giải pháp đồng bộ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần mang đến sự bình yên trong từng thôn bản, cũng là một trong những điều kiện để địa phương tận dụng ưu thế cảnh quan, địa hình lòng chảo cao nguyên để thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Là một xã miền núi rẻo cao, với diện tích tự nhiên là 14.156,84 ha, có 13 cơ sở thôn (bản) trực thuộc với 1004 hộ với 4.961 nhân khẩu, có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng địa hình đồi núi dốc, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lống vẫn còn cao. Đó cũng là băn khoăn, trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, xây dựng NTM. Bên cạnh chăn nuôi được xem là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn với tổng đàn trâu 830 con, đàn bò 2966 con, đàn lợn 462 con, dê 393 con, đàn gia cầm 13948… người dân Mường Lống còn tích cực trồng đậu cove, dưa chuột, bắp cải, rau cải, gừng và các loại cây ăn quả dưa, mận, đào… tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài huyện.
Những năm qua, để tạo thuận tiện cho người dân trong việc đi lại và vận chuyển nông sản, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lống đã huy động nguồn lực trong nhân dân khai thông các đường vào khu sản xuất, chăn nuôi. Điển hình là đã mở được 5km đường vào bản Thà Lạng và 10 tuyến đường ô tô đi vào các khu sản xuất, chăn nuôi, với tổng chiều dài 25,9 km, tạo điều kiện thuận lợi bà con vận chuyển hàng nông sản đi tiêu thụ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tại 13 thôn bản, nhiều chi bộ đã phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo nhân dân dần xóa bỏ tư duy trông chờ ỷ lại, chủ động tìm hướng thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Như chi bộ bản Trung Tâm, xã Mường Lống đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân mở đường vào khu sản xuất được 02 km; xây dựng được 840m đường bê tông nông thôn xung quanh bản tạo thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa với mức đóng góp là 3.000.000 đồng/hộ dân. Sáu tháng đầu năm 2021, nhân dân các bản trên địa bàn Mường Lống tiếp tục mở nhiều tuyến đường vào khu sản xuất, chăn nuôi như: bản Sà Lầy mở được 700m, các hộ dân bản Tham Lực cũ chuyển về bản Sà Lầy và bản Mường Lống 1, mở được 3 km, bản Mường Lống 2 mở được 1,7 km…
Nhiều mô hình mới, cách làm hay với những điển hình dám nghĩ, dám làm, thể hiện sự đổi mới, đột phá trong phát triển kinh tế cũng đã bắt đầu hình thành ở Mường Lống như mô hình Trồng cỏ Nhật Bản chăn nuôi bò tại bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 hiện thu hút 10 hộ gia đình với tổng diện tích khoảng 7 ha. Hay mô hình chăn nuôi gà đen với sự ra đời của chi hội chăn nuôi gà đen tại bản Mường Lống 1. Đi đầu trong chăn nuôi gà đen là ông Vừ Nỏ Pó ở bản Mường Lống 1. Trăn trở với câu hỏi “làm sao để thoát nghèo?”, ông Pó đã mạnh dạn phát triển kinh tế với giống gà đen bản địa. Với số vốn 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông tìm mua 50 con gà đẻ giống gà đen bản địa và 01 máy ấp trứng về để phát triển chăn nuôi. Dần dà đàn gà của ông tăng lên từ 300 – 700 con, có thời điểm lên đến hơn 1.000 con, cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ, Vừ Nỏ Pó còn tận tình chỉ dẫn để những người khác trong bản, trong xã làm theo. Năm 2020, ông vận động thành lập Chi hội Nông dân chăn nuôi gà đen với 15 hộ (36 thành viên) tham gia. Đến năm 2021, ông đóng vai trò cố vấn, tuyên truyền thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch cộng đồng xã Mường Lống (HTX) do anh Lầu Bá Tu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX với 07 thành viên. Theo như chia sẻ của Vừ Nỏ Pó thì: “Phát triển lên HTX sẽ mở hướng lâu dài vừa phát triển nông nghiệp với các mặt hàng đặc sản như gà đen, bò địa phương, rau sạch, bên cạnh đó cải tạo và trồng thêm vườn mận, vườn đào, phát huy lợi thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hóa để làm du lịch cộng đồng…”.
Để “kích cầu” du lịch, cấp ủy, chính quyền xã cũng đã đổi mới tư duy, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp, các nhà kinh tế đến đầu tư trên địa bàn xã như: Công ty dược liệu Mường Lống, Hợp tác xã bảo tồn Đào, Mận Mường Lống, khảo sát đầu tư du lịch cộng đồng… Trước khi dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, Mường Lống mỗi tháng có 2 phiên chợ, trong đó có mua bán trâu, bò khá phát triển, thu hút được thương nhân, người dân nhiều xã, bản lân cận đến trao đổi, mua bán. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo với phương châm “không để ai ở lại phía sau” cũng được quan tâm thực hiện.
Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 17 về đảng viên giúp hộ nghèo của Huyện ủy Kỳ Sơn, cán bộ, đảng viên trên địa bàn đã ủng hộ 1.59.349.000 đồng và 62 ngày công hỗ trợ và giúp đỡ cho 24 hộ nghèo đặc biệt khó khăn để mua giống bò, dê, lợn sinh sản, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi… đến cuối năm 2020 đã có 1 hộ được giúp đỡ thoát nghèo, 5 hộ lên cận nghèo. Điển hình như gia đình anh Vừ Vả Tu ở bản Mường Lống 1 được hỗ trợ 2 con bò giống, hiện nay một con đã sinh sản “vừa được hỗ trợ bò, vừa được hướng dẫn cách làm ăn, nay gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo, vợ chồng tôi vui mừng và cảm ơn nhiều lắm…”, Vừ Vả Tu chân thành bày tỏ.
Theo lời Bí thư Đảng ủy Lỳ Bá Xồng thì “còn muôn vàn khó khăn đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải cố gắng, nỗ lực nhiều lắm”. Thế nhưng, chính sự đổi thay trong “nếp nghĩ, nếp làm” đã mang đến màu sắc tươi sáng hơn cho các bản làng bám dọc triền núi với những nếp nhà thấp thoáng dưới tán đào, mận vừa nên thơ, vừa rất đỗi yên bình ở vùng lòng chảo cao nguyên này…