Bảo tồn, bồi đắp nét đẹp văn hóa bằng hương ước – Bài cuối

Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2, trong đó, vùng dân tộc và miền núi chiếm 83% diện tích toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống xen kẽ ở 12 huyện, thị xã.

Nghệ nhân Lương Thị Phiên.
Nghệ nhân Lương Thị Phiên.

Những năm qua, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở Nghệ An đã tác động tích cực đến các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, hương ước, quy ước thôn bản không phải “nhất thành bất biến” mà trải qua nhiều điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó quy định rõ các công dân trong thôn, bản đều phải có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở lớp con cháu giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời bài trừ những hủ tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Hiện nay tại Mục 5, Điều 4, Nguyên tắc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước  theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ quy định không được “đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất”. Nhưng ở nhiều thôn bản, nhất là ở khu vực vùng cao, vùng sâu, ngoài  hương ước chung theo mẫu, vẫn có những quy ước riêng hoặc những thỏa thuận bằng miệng do nhân dân thống nhất và cùng nhau thực hiện như “lệ làng” để tăng tính răn đe, ràng buộc. Chẳng hạn ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), có quy ước riêng của bản gồm 8 điều. Trong đó quy định hộ gia đình và cá nhân xảy ra tranh chấp đất đai: lần 1 nhắc nhở, lần 2 cá nhân tự nguyện nộp 20kg lúa cho ban quản lý làm quỹ xây dựng bản (đối với tập thể là 50 kg lúa). Nếu vi phạm lần 3 trở lên, nhân đối số lượng lúa được quy định tại lần 2 nộp cho ban quản lý bản.

Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Sách Nguyễn.
Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Sách Nguyễn.

Hay quy ước của dòng họ Thò ở bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy đối với việc vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, quan hệ bất chính, ghi rõ: Không chấp nhận việc lấy vợ 2 bất hợp pháp khi chưa ly hôn. Nếu người chồng hoặc người vợ có quan hệ bất chính làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người khác, gây dư luận xấu thì sẽ bị xử phạt bằng tiền mặt và vật chất. Cụ thể: Cá nhân vi phạm phải chấp hành hình thức xử phạt của dòng họ là: 12.000.000 đồng trở lên tùy mức độ ảnh hưởng và một số vật chất khác (nếu có) để bồi thường danh dự cho người vợ hoặc chồng (do tập thể bàn bạc thống nhất quyết định). Đối với hành vi ăn cắp, ăn trộm tài sản của người khác, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của gia đình, dòng họ thì bị phạt cảnh cáo, nhắc nhở trước tập thể dòng họ (tùy thuộc vào tính chất và mức độ tài sản bị ảnh hưởng). Nếu sau khi bị nhắc nhở, giáo dục vẫn không tiến bộ thì tùy mức độ ảnh hưởng sẽ bị đề xuất cơ quan pháp luật đưa đi cải tạo tập trung theo quy định của pháp luật.

Tại các thôn xóm khác như xóm Đột Vả, Mo Mới… xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) trong hương ước chung đều có quy định rõ việc khen thưởng, xử lý vi phạm. Cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân nào có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước của xóm được ghi nhận vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt, việc tốt trên hệ thống loa truyền thanh hoặc tại các hội nghị xóm, được bình xét đề nghị công nhận gia đình văn hóa. Đối với tập thể, cá nhân vi phạm: lần đầu và lỗi nhẹ được nhắc nhở, hòa giải. Tái phạm nhiều lần thì đưa ra kiểm điểm tại tổ chức, đoàn thể người đó đang sinh hoạt hoặc đưa ra kiểm điểm trước  hội nghị nhân dân,  đồng thời thông báo trên loa truyền thanh xóm. “Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định của hương ước thì trên cơ sở thảo luận thống nhất của cộng đồng, có thể buộc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng. Hoặc áp dụng các biện pháp phạt nhưng không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền lợi hợp pháp của công dân”. Ông Đinh Văn Châu – Bí thư Chi bộ xóm Đột Vả, xã Nghĩa Xuân cho hay.

Để phù hợp với cuộc sống đương đại, hương ước, quy ước phải tuân thủ luật pháp Nhà nước, các chủ trương, chính sách của địa phương; trên cơ sở tôn trọng nhân phẩm cá nhân, và quyền con người. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá cứng nhắc, khuôn mẫu, đánh mất đi những nét đặc trưng riêng của từng vùng miền, từng dân tộc.

Tại Hội thảo “Bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp trong hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức vào cuối năm 2021 tại TP. Vinh, PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có tham luận nhấn mạnh đến sự đa dạng văn hóa của các vùng miền khác nhau. Bảo tồn bản sắc Việt Nam nghĩa là bảo tồn các nét văn hóa đa dạng của từng vùng, từng miền, từng làng, từng tộc người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với việc giao lưu văn hóa là quá trình gìn giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc. Nếu không có những công cụ để bảo tồn giá trị văn hóa của mình, chúng ta có thể mất bản sắc. Và cách thức hiệu quả để bảo tồn sự đa dạng văn hóa đó chính là xây dựng hương ước, quy ước thành công cụ gìn giữ những nét văn hóa riêng, đồng thời là lá chắn để thanh lọc những độc tố của các kiểu sống ngoại lai được du nhập vào Việt Nam.

Giới thiệu về những đồ vật được trưng bày tại nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn.
Giới thiệu về những đồ vật được trưng bày tại nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc Thổ ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn.

Thực tế tại Nghệ An, vấn đề bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo. Như tại xã Châu Cường (đất gốc của Mường Ham) – mường được thành lập sớm nhất vùng Quỳ Hợp với hệ  thống phong tục tập quán từ lâu đời, chính quyền đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo nhằm phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Thái, sửa đổi một số phong tục, tập quán phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Tương tự tại xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn) có 10/10 làng đều có đồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẽ. Đặc biệt đồng bào Thái, Thổ có nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như nhảy sạp, cồng chiêng, khắc luống, ném còn, hát đối đáp, múa xòe, múa lăm vông, rượu cần, tục làm vía, ăn khem trời… Bởi vậy, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm. Đảng ủy xã Nghĩa Mai đã ban hành đề án bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020-2025. Với mục tiêu xây dựng ít nhất 2 câu lạc bộ cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, trang phục truyền thống. Vận động nhân dân nhất là lớp trẻ tham gia các lớp học nhạc cụ dân tộc, phấn đấu đến năm 2025 trên 50% xóm đồng bào dân tộc Thái, Thổ đều có đội cồng chiêng trẻ. Bên cạnh đó, vận động xóa bỏ các phong tục lạc hậu trong việc cưới (như tục ở rể, thách cưới…) và trong việc tang như (nằm đường để khiêng quan tài, yểm bùa, trừ tà, rải tiền thật khi đưa tang…).

Ban quản lý và người dân bản Na Cáng, xã Na Ngoi trao đổi về vấn đề thực hiện quy ước, hương ước.
Ban quản lý và người dân bản Na Cáng, xã Na Ngoi trao đổi về vấn đề thực hiện quy ước, hương ước.

Ông Lê Thái Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho hay: Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc, BCH Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về phát huy truyền thống văn hóa, con người Nghĩa Đàn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó tập trung xây dựng quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kiên quyết đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, những phong tục, tập quán lạc hậu, phi văn hóa trong từng khu dân cư, trong các gia đình, dòng họ. Bảo tồn, phát huy và mở rộng các loại hình sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng; Xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số của đồng bào Thái, Thổ trên địa bàn.

Nói về việc phát huy các giá trị văn hóa trong quy ước, hương ước, ông Hoàng Xuân Lương – nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: “cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nên ở dân tộc nào cũng đều có các giá trị bị cuộc sống vượt qua, thế nên chúng ta phải vận động nhân dân đấu tranh từ bỏ các hủ tục. Và để khắc phục, đầu tiên phải soát xét, đánh giá lại các giá trị văn hóa truyền thống, liệt kê các hủ tục lạc hậu, tuyên truyền để nhân dân thấy rõ tác hại, từ đó bổ sung vào các hương ước của làng bản… Phải khéo léo kết hợp giữa chính sách, luật pháp của Nhà nước với hương ước, quy ước truyền thống, nhất là những vấn đề mà luật pháp chưa bao quát chi tiết, tỉ mỉ thì phải chuyển hóa vào hương ước, quy ước. Cần phải nhớ rằng, hương ước cũng là bản sắc văn hóa của làng, là cánh tay nối dài hiệu quả của Đảng và Nhà nước trong thực hiện thực thi các chủ trương, chính sách”.

Người dân đồng bào dân tộc Thổ.
Người dân đồng bào dân tộc Thổ.

Ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: Thời gian tới ngành Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong xây dựng hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình mới. Đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, theo dõi, quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… nhằm phát huy tốt vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống xã hội hiện nay. Đây cũng là giải pháp để thực hiện có hiệu quả Dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.