Một chuyên gia bất động sản đã ví von như vậy về thực trạng dự án “treo” trên địa bàn thành phố Vinh. Cụ thể anh này nói: “Số lượng dự án sử dụng quỹ đất “khủng” nhưng đã nhiều năm trong tình trạng “treo” ở trên địa bàn thành phố Vinh nhiều lắm. Rợp trời chim én bay. Nhắm mắt, tôi cũng có thể điểm danh tại địa bàn phường nào, xã nào thì có dự án “treo” nào…”. Có thể đi xem được tận mắt không? “Sao không. Nó chình ình ra đấy…” – Anh trả lời chắc như đinh đóng cột.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là tuyến đường 95m, đoạn mới được giải phóng mặt bằng một thời gian chưa lâu, thuộc xã Nghi Phú. Tại đây, chỉ vào vùng đất nông nghiệp rộng mênh mông, có tuyến đường Hoàng Phan Thái xuyên ngang qua, anh này nói:
Rời xã Nghi Phú, chuyên gia bất động sản đưa chúng tôi đến cuối đường Nguyễn Viết Xuân, tại điểm đấu nối với đường ven sông Lam thì dừng lại. Ở đây, chỉ vào những ao, hồ, trang trại, đồng lúa xanh rờn tít tắp, anh ta khẳng định: “Ở đây có dự án đô thị rất lớn, đến vài chục ha. Nhà đầu tư được giao quy hoạch đâu như từ những năm 2010…”. Nhà đầu tư nào mà được giao quỹ đất lớn như vậy? “Tôi không rõ là nhà đầu tư nào. Chỉ nghe người ta nói lại là Công ty cổ phần Sông Lam được giao quy hoạch này…” – anh đáp. Hỏi: Anh có hồ sơ tài liệu gì để xác thực được những thông tin này? “Các anh cứ đến chính quyền các xã, thành phố. Nếu không thì về các HTX nông nghiệp đang quản lý đất, hoặc giả xuống dân. Ở những nơi ấy đều có thông tin. Như khu vực này thì là đất thuộc phường Hưng Dũng…” – anh hướng dẫn.
Chúng tôi trở lại xã Nghi Phú sau vài ngày “thực địa”, đến vùng đất nông nghiệp nơi có thông tin “quy hoạch xây dựng khu đô thị” thì được người dân (xóm 12) cho biết là thuộc HTX Hồng Phan Thái; từ năm 2013 thì đã có khảo sát quy hoạch xây dựng dự án này… “Chúng tôi từng được HTX mời lên họp để lấy ý kiến khảo sát quy hoạch dự án. Hồi đó còn bàn cả việc khi thu hồi đất thì chủ đầu tư phải áp giá đền bù sẽ như thế nào. Thế cho nên, có một số hộ xã viên cứ chờ đền bù không làm nông nghiệp nữa…” – một người dân xóm 12, là xã viên HTX Hồng Phan Thái kể.
Nắm thông tin từ UBND xã Nghi Phú, dự án này có tên là “Khu thể thao và đô thị sinh thái phức hợp”, tổng diện tích 8 ha, do Công ty CP Golf Biển Cửa Lò làm chủ đầu tư; được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2014, tại Quyết định số 3376/QĐ-UBND.ĐT; phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2016, tại Quyết định số 4196/QĐ-UBND… Theo một cán bộ xã Nghi Phú, dự án này từng đã điều chỉnh quy hoạch vài lần; chính quyền xã cũng đã lần này, lần khác đôn đốc nhưng chưa thấy chủ đầu tư có động thái thực hiện. Hỏi: Xã Nghi Phú có hồ sơ dự án không? Vị cán bộ xã Nghi Phú trả lời: “Hồi tháng 7/2020, đại diện chủ đầu tư có đến xã trình điều chỉnh quy hoạch nên chúng tôi biết một số thông tin như vậy. Còn về hồ sơ dự án thì không có ở xã do chưa được họ giao hồ sơ. Có lẽ do chủ đầu tư nghĩ chưa thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nên không giao hồ sơ, tài liệu liên quan cho xã…”.
Còn theo ông Phạm Văn Hòa – Chủ nhiệm HTX Hồng Phan Thái, hiện nay các xã viên vẫn đang canh tác lúa và các loại cây màu trên vùng đất tỉnh đã phê duyệt quy hoạch cho Công ty CP Golf Biển Cửa Lò thực hiện dự án đô thị. Tuy nhiên, do không được đầu tư xây dựng kênh tiêu thoát nước nên năng suất cây trồng kém hiệu quả, vì vậy, một bộ phận xã viên không còn mặn mà với việc sản xuất… “Vùng đất thực hiện dự án này có đường 95m ở phía Nam, phía Đông thì giáp đường 35m, phía Bắc giáp quy hoạch đường mương 70m. Thế cho nên, về vị trí phải nói là đẹp nhất thành phố. Chủ đầu tư có thực hiện dự án nữa hay không thì cũng cần trả lời dứt khoát, người dân có ý kiến rồi đấy…” – Chủ nhiệm HTX Hồng Phan Thái trao đổi.
Tìm hiểu về dự án bám trục đường ven sông Lam và đường Nguyễn Viết Xuân, chúng tôi được tiếp cận Quyết định số 5439/QĐ.UBND-ĐT ngày 10/11/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị và triển lãm Sông Lam tại phường Bến Thủy, phường Hưng Dũng (TP. Vinh). Theo đó, dự án có quy mô diện tích là 20 ha (lấy số tròn), chủ đầu tư là Công ty CP Sông Lam Nghệ An. Cũng tại đây thể hiện vào ngày 18/12/2007, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị và triển lãm Sông Lam (Quyết định số 5099/QĐ.UBND-CN).
Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng dự án “treo”, chúng tôi được xem bản “kiểm kê” tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Vinh, tổng hợp khoảng cuối năm 2020. Điểm danh số lượng dự án “treo”, quả như lời anh chuyên gia bất động sản đã phát biểu là “rợp trời chim én bay”. Những địa bàn có số dự án “treo” nhiều “điển hình” như phường Vinh Tân, phường Hưng Dũng, xã Hưng Hòa, xã Nghi Phú… Về quy mô diện tích của các dự án “treo”, là hết sức đa dạng. Nhỏ thì vài nghìn m²; lớn thì từ 5 – 7 ha; loại “khủng” lên tới vài chục ha cũng có đến dăm dự án.
Như tại xã Hưng Hòa, có dự án với quy mô sử dụng đất lên đến 41 ha, được phê duyệt quy hoạch từ năm 2012. Vậy nhưng, đến đầu năm 2017 thì được gia hạn (12 tháng) để khởi công. Đến cuối năm 2017, lại tiếp tục được gia hạn đến năm 2019… Và cho đến thời điểm hiện tại thì cũng “chưa thực hiện triển khai xây dựng các công trình, hạng mục nào theo quy hoạch đã được phê duyệt”.
Từ những thông tin của bản “kiểm kê” tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Vinh, liên lạc với một người có trách nhiệm thuộc UBND TP. Vinh và các sở, ngành liên quan để hỏi về tình hình giải quyết, xử lý các dự án “treo”, câu trả lời nhận được là chưa có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, ý kiến trao đổi là ở những năm trước đây, sau khi chính quyền các huyện, thành, thị có báo cáo tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn thì UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, rà soát. Sau đó, trên cơ sở báo cáo của đoàn liên ngành thì sẽ có chỉ đạo xử lý cụ thể đối với từng dự án. Tuy nhiên, năm nay UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo về nội dung này. “Nguyên nhân có thể là do diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19…” – một cán bộ trao đổi.
Trong khi đó, tại Thông báo số 01/TB-HĐND ngày 5/1/2021 của HĐND tỉnh (Thông báo kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 17 – HĐND tỉnh khóa XVII) lại có yêu cầu khá nghiêm khắc trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ kéo dài. Cụ thể như sau: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, thu hồi đối với các dự án đầu tư không triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, nhất là trên địa bàn thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Xem xét chặt chẽ và hạn chế tối đa việc cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn, quy định.