Báo động ô nhiễm môi trường các làng nghề

Năm 2018, có 7 làng nghề mới được công nhận, nâng tổng số làng nghề của Nghệ An lên 153 làng nghề. Điều đáng nói, có 67/153 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Nhiều cơ sở sản xuất xen trong các khu dân cư cũng chưa được xây dựng hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Đã nhiều năm nay, các lò hấp sấy cá cơm thuộc làng nghề Phú Lợi tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ nước thải từ việc chế biến đều thải trực tiếp ra ngoài mà không qua quy trình xử lý nào. Theo phản ánh của người dân, các cơ sở này nằm sát dòng sông Mai Giang, khi vào mùa, mỗi lò hấp sấy hàng tấn cá trỏng, nước thải sau chế biến sẽ được xả xuống dòng sông. Ông Nguyễn Văn Hưng, người dân ở làng nghề Phú Lợi cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện thêm nhiều lò cá cơm, vào tận nơi chế biến không khỏi rùng mình bởi mùi hôi thối nồng nặc của nước xả thải xộc thẳng vào mũi. Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh phải đóng cửa kín mít, sông Mai Giang đục ngầu bởi nước xả thải.

Theo tìm hiểu, tháng 7/2005 Phú Lợi được công nhận làng nghề với 515 hộ tham gia, các sản phẩm khá phong phú, đa dạng như nước mắm, ruốc; hơn 10 cơ sở sản xuất chế biến cá hấp sấy, phơi khô. Tuy nhiên, do phát triển theo dạng tự phát, không theo quy hoạch nên hầu hết các cơ sở hấp sấy cá khô đang gây ô nhiễm môi trường. Được biết, một lò cá cơm được mở với số vốn không nhiều, chỉ cần đầu tư từ 100 đến 500 triệu đồng là đã có một lò chế biến cá cơm công suất từ 2 đến 5 tấn/ngày. Quy trình chế biến cũng khá đơn giản. Cá cơm đánh bắt về được các cơ sở chế biến thu mua đưa về lò hấp, sau đó được phơi hoặc sấy khô để xuất khẩu. Điều đáng nói ở đây, các cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải mà trực tiếp cho ra môi trường; ngày nào nước thải nhiều thì xử lý bằng thuốc clo khử mùi nhằm để đối phó. Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Toàn bộ nước hấp cá lò hấp sấy cá cơm Hoài Đạt ở làng nghề Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đều xả trực tiếp ra sông Hoàng Mai. Ảnh: VH
Toàn bộ nước hấp cá lò hấp sấy cá cơm Hoài Đạt ở làng nghề Phú Lợi 1, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai đều xả trực tiếp ra sông Hoàng Mai. Ảnh: VH

Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, sau khi cá đã qua hấp sấy đem phơi khô ở bên cạnh tuyến Tỉnh lộ 537B khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc. Hàng ngày, lượng cá tập kết về đây có lúc lên đến hàng chục tấn cá các loại. Đến gần bãi phơi cá, mùi hôi càng trở nên đậm đặc, ruồi nhặng bâu kín đen cả tấm phên phơi cá. Theo chính quyền địa phương phường Quỳnh Dị, mặc dù đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, nhắc nhở nhưng các cơ sở chế biến này vẫn hoạt động, không tuân thủ theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ở huyện Diễn Châu, mỗi năm ngư dân khai thác, đánh bắt được trên 32 ngàn tấn hải sản các loại, mang về giá trị kinh tế trên 500 tỷ đồng, chiếm 7,2% giá trị kinh tế toàn huyện. Đi đôi với sự phát triển của nghề khai thác, đánh bắt thì nghề chế biến hải sản ở Diễn Châu cũng phát triển ngày càng mạnh, tuy nhiên việc phát triển theo tính tự phát, đã làm cho môi trường trong chế biến hải sản ngày càng ô nhiễm, khó khắc phục, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Năm 2008, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn – Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16 ha. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường ở làng nghề này đang ô nhiễm trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Hải – xóm Đông Lộc xã Diễn Ngọc cho biết:  “Tùy theo gió, nếu gió nồm thì mùi nặc, khét như kiểu mùi cá cháy, không tài chi chịu được luôn. Buổi đêm, nước thải từ các làng nghề xả ra đỏ luôn cả sông”.

Rác ngập đầy xung quanh Cảng cá Lạch Vạn. Ảnh: MG
Rác ngập đầy xung quanh Cảng cá Lạch Vạn. Ảnh: MG

Nằm gần đó, cảng cá Lạch Vạn xã Diễn Ngọc cũng đang ô nhiễm trầm trọng. Trung bình mỗi ngày, càng có khoảng 450 tàu thuyền cập bến. Hầu như tất cả các tàu, thuyền này đều xả rác thải, nước bẩn, túi nilon thẳng xuống biển. Xung quang cảng cá này, rác ngập tràn bờ đê. Từ đồ dùng gia đình bỏ đi, đến rác từ tàu thuyền… chỉ cần không còn giá trị sử dụng thì mọi thứ đều được bỏ xuống sông, xuống biển. Chưa kể, mỗi ngày, ngư dân cũng thải xuống sông hàng chục lít dầu thải thay máy. Ngư dân Nguyễn Hằng – xóm Đông Lộc xã Diễn Ngọc còn phản ánh, không chỉ trên mặt nước sông, cửa biển mà dưới lớp đất đen ngòm có tầm khoảng 20 – 30 phân là rác thải. Ngoài ra, hàng trăm cơ sở nhỏ lẻ của người dân ở Diễn Ngọc cũng đang ngày đêm gây ô nhiễm mà chưa có phương án xử lý triệt để.

Ở làng nghề chế biến bún bánh Quy Chính, Vân Diên, Nam Đàn, toàn làng có 320 hộ thì 90% người dân theo nghề chế biến bún bánh truyền thống. Trước đây tình trạng ô nhiễm do chất thải làng nghề rất trầm trọng. Hiện nay, với việc đầu tư hệ thống mương nước thải trong dân cư đồng bộ nên vấn đề ô nhiễm đã được cải thiện, mùi hôi thối hạn chế. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Dẫn chúng tôi ra mục sở thị hệ thống mương nước thải sau làng, ông Nguyễn Minh Hoàn – xóm trưởng xóm Quy Chính 1, xã Vân Diên cho hay: Hiện nay xung quanh làng đã có hệ thống mương bê tông, cộng với năm 2017 Hội Nông dân tỉnh đầu tư xây dựng tuyến mương dài 80m có nắp đậy nên tình trạng ô nhiễm đỡ hơn. Thế nhưng, hiện nay nước thải vẫn chưa có hệ thống lắng lọc xử lý nào, nước thải sau sản xuất của tất cả các hộ dân đều xả thải thẳng ra cánh đồng sản xuất gần đó nên hơn 1 ha đất ở đây không sản xuất được. Về lâu dài người dân, chính quyền địa phương cần nghiên cứu bể lắng lọc xử lý nước thải, tránh ô nhiễm môi trường.

Ảnh: Tùng Chi
Ảnh: Tùng Chi

Không riêng gì những làng nghề kể trên mà thực tế hiện nay, rất nhiều làng nghề khác đang ngày đêm gây ô nhiễm trầm trọng.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường, hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề không được đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ các hạng mục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xuống cấp từ lâu… do đó hầu hết nước thải làng nghề chưa qua xử lý hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn cho phép. Chất thải từ các làng nghề chế biến thực phẩm phát sinh mùi không được xử lý triệt để… gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Toàn tỉnh có 25 cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thủy, hải sản lớn. Trong đó, 6 cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: xưởng nghiền tinh bột cá Minh Thường, Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu; Nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu xã Nghi Quang, Nghi Lộc; Cơ sở thu mua chế biến thuỷ sản Nguyễn Văn Hưng, Diễn Ngọc, Diễn Châu; Cảng cá Diễn Ngọc, Diễn Châu; Nhà máy chế biến thuỷ sản Nghệ An II, xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu và Nhà máy chế biến tinh bột cá Trung Trinh, Diễn Ngọc, Diễn Châu. Đến nay, đã có 3/6 cơ sở được xác nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để (Nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu xã Nghi Quang, Nghi Lộc ngừng hoạt động; 2 nhà máy chế biến thuỷ sản Nghệ An II, xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu và Nhà máy chế biến tinh bột cá Trung Trinh, Diễn Ngọc, Diễn Châu đã được xác nhận xử lý triệt để).

Vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề được cử tri nơi có các làng nghề đóng chân phản ánh rất nhiều. Nhất là người dân các xã có làng nghề chế biến thủy, hải sản. Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay, đa số các cơ sở sản xuất chế biển thuỷ sản đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Tuy nhiên, một số cơ sở có hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật dẫn đến nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn. Ngoài ra, hoạt động cảng cá trong thời gian gần đây có nhiều phản ánh của người dân về công tác bảo vệ môi trường (cảng cá Quỳnh Lập, Diễn Ngọc…).

Một số cơ sở có hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật dẫn đến nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn.  Ảnh: Việt Hùng - Tùng Chi
Một số cơ sở có hệ thống xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật dẫn đến nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn. Ảnh: Việt Hùng - Tùng Chi

Nghệ An đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 có 100% khu công nghiệp, 80% làng nghề được khuyến khích phát triển đảm bảo về môi trường… Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp huyện, xã chưa được chú trọng. Kinh phí và nhân lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn chưa tốt. Việc thực hiện các chỉ tiêu về môi trường triển khai còn chậm theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên, chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, chức trách, phân công, phân nhiệm theo quy định.

Ông Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành các công trình bảo vệ môi trường và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa hiệu quả chưa cao, các doanh nghiệp khó khăn về vốn do đó việc xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường bị hạn chế. Đặc biệt là trong vấn đề xử lý chất thải rắn, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vì thế, các sở, ngành liên quan cần tập trung hướng dẫn, đôn đốc công tác ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường để các làng nghề, cơ sở sản xuất hoạt động bền vững.