Sự phát triển của công nghệ, kéo theo sự bùng nổ của mạng xã hội là một thực tế, một tiến bộ xã hội cần được tiếp tục cổ vũ hoan nghênh và quản lý tốt. Báo chí cần coi đó là một thách thức, đồng thời là một cơ hội, vừa đặt ra nhu cầu bức thiết, vừa tạo ra những tiền đề kỹ thuật và xã hội để có thể đổi mới mình một cách cơ bản và mạnh mẽ hơn.
Mạng xã hội là sản phẩm của những tiến bộ có tính cách mạng của công nghệ. Với mạng xã hội, ai cũng có cơ hội để tìm kiếm thông tin, bày tỏ quan điểm, ý kiến và cảm xúc của mình trước mọi vấn đề của đời sống xã hội. Với những ưu thế vượt trội về sự đa chiều, đa dạng thông tin; độ nhanh nhạy gần như tức thời, đặc biệt về khả năng tương tác vô cùng thuận lợi; mạng xã hội thực sự đang ngày càng chiếm lĩnh không gian thông tin, không chỉ tác động không nhỏ đến nhận thức, quan điểm, cách hành xử của công chúng mà thậm chí còn tác động mạnh đến chính sách và quyết sách của chính quyền.
Tuy nhiên, cùng với những ưu thế vượt trội đó, mạng xã hội cũng đặt ra những vấn đề mới rất phức tạp, đang là những bài toán khó, cần lời giải. “Cân đong, đo đếm” lại ai cũng phải thừa nhận rằng cái tốt, cái lợi do mạng xã hội mang lại cho công chúng và xã hội vẫn là áp đảo so với cái xấu, cái bất lợi. Nhưng, vì là vấn đề mới nên các nhà nước trên thế giới chưa có nhiều kinh nghiệm để quản lý. Ở nước ta, thời gian vừa qua gặp một số khó khăn và lúng túng trong ứng xử với mạng xã hội cũng là điều dễ hiểu. Với mạng xã hội, rõ ràng vấn đề đặt ra là quản lý chứ không phải ngăn cấm hoặc thả nổi.
Báo chí (truyền thống) là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động nhất của mạng xã hội. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí truyền thống đang bị mạng xã hội chia sẻ thị phần một cách nhanh chóng. Nhiều tên tuổi báo chí lớn trên thế giới đang biến mất hoặc giảm số lượng phát hành và ảnh hưởng trong xã hội. Theo đó, lợi ích kinh tế (đặc biệt là nguồn lợi từ quảng cáo) của báo chí truyền thống cũng đang suy giảm một cách thê thảm. Trước tình hình đó, không thể yêu cầu Nhà nước cấm hoặc thu hẹp hoạt động của mạng xã hội; cũng không thể tăng cường bao cấp cho báo chí để cạnh tranh với mạng xã hội. Chỉ có một con đường duy nhất là báo chí phải tự đổi mới để có thể tồn tại và phát triển. Trong khuôn khổ pháp luật, báo chí và mạng xã hội nên và phải đồng hành, hợp lực vì mục tiêu tiến bộ xã hội.
Theo hướng đó, báo chí cần phải trước hết khẳng định vị trí và thế mạnh riêng của mình so với mạng xã hội. Đó là tính chính danh, chính thống và chính xác. Trong điều kiện của nước ta, báo chí đang là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội thì tính chính danh, chính thống càng rõ ràng. Trên thực tế khi mạng xã hội càng đa dạng, đa chiều, thậm chí là ma trận thông tin hỗn loạn thì công chúng càng có nhu cầu biết đâu là sự thật, đâu là thông tin chính thức, chính thống được phát đi bởi những cơ quan có tính chính danh. Khi đó báo chí cần thể hiện vai trò của mình.
Muốn làm được việc này, báo chí phải là tiếng nói của sự thật, phản ánh sự thật, bênh vực sự thật, bảo vệ sự thật bằng quan điểm và thái độ tiến bộ, nhân văn. Báo chí cần phải khắc phục tình trạng tuyên truyền thông tin một chiều và phải chuyển mạnh sang truyền thông có định hướng. Mỗi tờ báo, ngoài cơ quan của một tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, còn là diễn đàn của quần chúng Nhân dân. Bởi vậy, thông tin phải đa dạng, phong phú, phải nắm bắt và phản ánh chính xác tâm trạng xã hội. Một mặt đưa thông tin chính xác, đúng sự thật, mặt khác có những bình luận, phân tích sắc sảo theo hướng xây dựng, tích cực. Mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được chuyển tải một cách thuyết phục đến với nhân dân. Báo chí phải tôn trọng sự đa dạng trong quan điểm và nhận thức, miễn là không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và của nhân dân. Nếu công chúng nhận thấy báo chí đang nói tiếng nói của mình, đang hướng về phía mình, đang hướng mình đến với sự thật, chân lý thì giữa ma trận thông tin hỗn độn của mạng xã hội người ta vẫn tìm đến và vin dựa vào báo chí. Khi đó, báo chí mới có thể thực thi được chức năng định hướng của mình.
Bên cạnh đó, báo chí cũng phải biết khai thác, sử dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ để có được những ưu thế mà mạng xã hội đang có. Mỗi cơ quan báo chí phải là một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Cần phải phát triển các phiên bản điện tử, trang thông tin điện tử, trở thành trang bổ trợ cho báo truyền thống, tiến tới trang chính thức, tồn tại song song, thậm chí thay thế dần báo truyền thống. Chuyển mạnh theo hướng đa phương tiện, cải tiến phương thức quản trị, báo chí sẽ giảm nhanh sự tụt hậu trong việc đưa thông tin một cách kịp thời, thậm chí đồng thời với sự kiện. Người dân phải tiếp cận được với báo chí mọi nơi, mọi lúc, trên mọi phương tiện, nhất là các phương tiện di động, cầm tay. Chỉ bằng các phiên bản điện tử, với các tính năng tương tác tuyệt vời của nó, báo chí thực sự là diễn đàn của nhân dân. Qua đó, những người làm báo có thể dễ dàng nắm bắt, thậm chí đo lường được các xu hướng trong dư luận và tâm trạng xã hội, từ đó điều chỉnh hợp lý nội dung và cách thức truyền thông của mình. Các nhà báo cũng phải biết khai thác các thông tin trên mạng xã hội, coi đó là những nguồn tin ban đầu, sau đó, bằng nghiệp vụ báo chí của mình xác minh, điều tra (kể cả xác minh điều tra ngay trên mạng xã hội), xử lý để biến thành những sản phẩm báo chí truyền thống.
Mặt khác, qua các công cụ chia sẻ, mạng xã hội cũng là kênh tuyệt vời để quảng bá cho các tờ báo, để những tác phẩm báo chí có chất lượng đi xa hơn, đến với nhiều người hơn, gây ảnh hưởng và tác động tốt hơn. Mỗi nhà báo cũng phải và nên là một thành viên trên các mạng xã hội. Qua đó, không chỉ nắm bắt thông tin, phổ biến thông tin, quan điểm mà còn để rèn luyện phong cách báo chí theo hướng sát đời sống, gần gũi và thân thiện hơn với công chúng. Mạng xã hội cũng là nơi để các tờ báo phát triển, lựa chọn và xây dựng đội ngũ cộng tác viên của mình, nhất là đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, các chuyên gia trong các lĩnh vực và những người có uy tín, ảnh hưởng trên các diễn đàn xã hội.
Sự phát triển của công nghệ, kéo theo sự bùng nổ của mạng xã hội là một thực tế, một tiến bộ xã hội cần được tiếp tục cổ vũ hoan nghênh và quản lý tốt. Báo chí cần coi đó là một thách thức, đồng thời là một cơ hội, vừa đặt ra nhu cầu bức thiết, vừa tạo ra những tiền đề kỹ thuật và xã hội để có thể đổi mới mình một cách cơ bản và mạnh mẽ hơn. Chỉ có chung sống, đồng hành và hợp lực với mạng xã hội, khai thác và tương hỗ lẫn nhau vì mục tiêu tiến bộ xã hội, báo chí mới có thể tồn tại và phát triển, mới có thể vươn lên đóng vai trò dẫn dắt và định hướng, như sứ mệnh mà nó được giao phó.