Bản Mồng, dự cảm một mối lo…

Hiện trạng công trình xây dựng trái phép, trồng cây lâu năm trên vùng tích nước Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng, thuộc xã Châu Bình (Quỳ Châu) đã được chúng tôi thông tin sơ lược tại bài viết “Bản Mồng, lắm tiếng thở dài…”.

Cụ thể hơn, trên con đường mòn gồ ghề dẫn vào bản Bình Quang, xã Châu Bình dài chừng 3 km, có không ít những ngôi nhà, chuồng trại sử dụng vật liệu rẻ tiền, xây dựng vội vàng, tạm bợ. Tường nhà, tường gia trại chủ yếu được xây bằng gạch táp lô, không da trát hoặc nếu có thì qua loa đại khái. Mái nhà cũng vậy, chỉ là chằng chống bằng những vì kèo gỗ tạp, khung thép nhỏ để bắc lên đó những tấm tôn lợp rẻ tiền. Chỉ có vậy, là định dạng thành nhà, thành chuồng trại.

Một số công trình ở bản Bình Quang được UBND xã Châu Bình kiểm tra, xác định đã xây dựng mới, cơi nới sau khi đã có thông báo thu hồi đất, nghiêm cấm xây dựng.
Một số công trình ở bản Bình Quang được UBND xã Châu Bình kiểm tra, xác định đã xây dựng mới, cơi nới sau khi đã có thông báo thu hồi đất, nghiêm cấm xây dựng.

Hầu hết những ngôi nhà này đã lâu không có người ở. Bằng chứng là rất nhiều nhà đã bị cỏ tranh, cây bụi vây bọc, phải rẽ lối mới có thể vào. Vào những nơi này, có vị trí hình thành cụm nhà ở lẫn lộn chuồng trại; có vị trí lại xây dựng loạt nhà liên thông, tựa như mạn xuôi người ta xây dựng các phòng ở độc lập cho người thuê trọ. Dấu hiệu của việc xây dựng vội vàng, tạm bợ còn thể hiện rất rõ ở những công trình phụ trợ, như các bể chứa nước sinh hoạt, hầu như xây trên nền đất không được gia trát, phần đáy lồ lộ đất núi đỏ quạch; bề mặt bể chỉ là trải lớp vữa mỏng trên những tấm ván ép. Vì xây dựng tạm bợ, vì hầu hết các công trình để hoang, và vì mưa nắng ở vùng tích nước lòng hồ thủy lợi Bản Mồng vốn khắc nghiệt, đã không ít nhà, chuồng trại bị sập đổ; hoặc bị xô lệch tường bao, cong vênh mái tôn…

Cùng với tình trạng xây dựng mới các công trình tạm bợ, vùng tích nước lòng hồ thủy lợi Bản Mồng đang còn bị tái trồng cây trên đất Nhà nước đã thu hồi. Ở một số khu vực có diện tích không đáng kể, có trồng cây lương thực ngắn ngày như ngô, sắn. Nhưng đại bộ phận các diện tích là trồng cây keo với chu kỳ đến 5 – 6 năm mới cho thu hoạch. Có những khu vực, cây keo đã 2 – 3 năm tuổi, chu vi gốc đã được khoảng 7 – 8cm, tán lá vượt cao tạo thành quần thể màu xanh đen. Có những khu vực, cây keo mới được trồng thời gian dăm tháng đến trên dưới 1 năm, chiều cao thân mới chỉ 30 – 50 cm, tán lá xanh non nối nhau trên các triền đồi thành dải kéo dài hàng km.

Anh Bùi Hoàng Tùng - cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Châu bên một công trình vi phạm.
Anh Bùi Hoàng Tùng - cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Châu bên một công trình vi phạm.

Cùng với các anh: Bùi Hoàng Tùng – cán bộ Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Châu; Lương Văn Thương – cán bộ địa chính xã Châu Bình len vào những nơi này, các anh cho biết, huyện và xã đều đã kiểm tra, lập biên bản đối với từng hộ dân vi phạm; yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép. Anh Thương nói rằng, sau khi Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và UBND xã đo đạc đất đai, kiểm đếm tài sản, lập hồ sơ, thông báo thu hồi đất thì tình trạng xây dựng mới các công trình tạm bợ đã diễn ra. Người dân không biết nghe ở đâu đó, nghĩ rằng, sẽ có thêm tiền đền bù đất ở, tài sản nên khoảng năm 2019 thì theo nhau ồ ạt xây dựng.

“Hầu hết việc xây dựng diễn ra ban đêm, ngày nghỉ. Xây dựng rất nhanh, chỉ 2-3 ngày là xong. Có đêm em nhận được tin báo có hộ dân xây dựng trong đêm. Đường vào bản Bình Quang vừa xa, vừa xấu nhưng vì nhiệm vụ nên em vẫn vào. Nhưng khi đến vận động, giải thích về chính sách thì bà con không nghe, còn tỏ thái độ bực dọc, khó chịu ra mặt. Cũng thấy tội cho người dân thôi, không biết họ nghe ai mà làm vậy. Mất tiền mà có được gì đâu…” – anh Thương kể.

Từ tháng 9/2021, để lưu trữ hồ sơ quản lý trật tự xây dựng trên đất quy hoạch lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng, UBND xã Châu Bình đã tập hợp các văn bản thông báo việc Nhà nước thu hồi đất; thông báo cấm xây dựng trên đất đã quy hoạch, biên bản kiểm tra các hộ dân có vi phạm, để đóng thành một tập hồ sơ dày.

Tại tập hồ sơ thể hiện, từ ngày 27/9/2017, bản Bình Quang có Thông báo số 558/TB-UBND thu hồi đất thực hiện Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng. Đến ngày 9/10/2017, xã Châu Bình có Thông báo số 153/TB-UBND cấm xây dựng trên đất quy hoạch lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng, khu vực bản Bình Quang. “Để tránh thiệt hại về kinh tế cho toàn thể nhân dân khi có dự án của Nhà nước, UBND xã yêu cầu các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lòng hồ Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng tại bản Bình Quang phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới thêm và trồng cây lâu năm trong vùng phải di dời. Trường hợp các hộ cố ý xây dựng, cơi nới thêm trong vùng thuộc dự án, UBND xã sẽ tiến hành lập Biên bản xử lý. Phần xây dựng cơi nới thêm sẽ không được kiểm đếm để đưa vào phương án đền bù” – Thông báo số 153/TB-UBND nêu rõ.

Tập hồ sơ của xã Châu Bình tập hợp biên bản kiểm tra vi phạm xây dựng mới, cơi nới trên vùng đất quy hoạch lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng.
Tập hồ sơ của xã Châu Bình tập hợp biên bản kiểm tra vi phạm xây dựng mới, cơi nới trên vùng đất quy hoạch lòng hồ Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng.

Vậy nhưng, đầu năm 2019, các vi phạm về trật tự xây dựng ở bản Bình Quang đã diễn ra với số lượng không hề nhỏ. Tháng 4/2019, UBND xã Châu Bình đã phải phối hợp với Ban Quản lý xóm Bình Quang, đại diện Ban Quản lý dự án tổ chức kiểm tra xác minh, và lập Biên bản kiểm tra, Biên bản đình chỉ đối với 33 trường hợp có vi phạm xây dựng mới, cơi nới nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, bể chứa nước, ki-ốt… Như hộ ông Nguyễn Ngọc Mạnh đã xây dựng mới 1 nhà bằng gạch táp lô, mái tôn; hộ ông Nguyễn Ngọc Hồng xây 2 nhà, 1 chuồng trại bằng gạch táp lô, mái tôn và 2 bể chứa nước; hộ ông Nguyễn Minh Giảng xây 1 nhà, 1 chuồng trại, 1 bể chứa nước, 1 công trình phụ; hộ bà Nguyễn Thị Phượng xây 2 nhà bằng gạch táp lô, mái tôn…

Sau đó, UBND xã Châu Bình đã phải ra thông báo yêu cầu các hộ gia đình liên quan phải tự tháo dỡ công trình xây dựng mới, cơi nới trước ngày 30/7/2019. Đồng thời, cùng Ban Quản lý Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng tổ chức họp Ban Quản lý bản và 33 hộ gia đình để lên phương án xử lý vi phạm xây dựng mới, cơi nới. Ấy vậy nhưng công trình xây dựng mới, cơi nới ở bản Bình Quang không được tháo dỡ. Và đáng buồn hơn, vùng quy hoạch lòng hồ cốt 76,4m, đập phụ 1 Dự án Hồ thủy lợi bản Mồng ở một số bản thuộc xã Châu Bình tiếp tục có vi phạm tương tự. Một dẫn chứng có trong tập hồ sơ của xã Châu Bình, vào các ngày 9, 13/8/2021, UBND xã kiểm tra phát hiện hộ gia đình các ông: Đặng Xuân Thủy, Đậu Hồng Năm cùng ở bản Đồng Phầu thực hiện hành vi xây dựng mới.

Một bể nước sinh hoạt được xây dựng tạm bợ.
Một bể nước sinh hoạt được xây dựng tạm bợ.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu, ông Lô Thanh Sơn thì cũng có những hộ gia đình xây dựng mới công trình xuất phát từ nhu cầu bức thiết trong cuộc sống. “Dự án kéo dài, trong khi nhà cửa xuống cấp cần tu sửa; hoặc nhà vệ sinh, bể nước sinh hoạt đều là những công trình thiết yếu cho nhu cầu sinh hoạt, nên một số hộ gia đình vẫn xây dựng…” – ông Sơn nói. Tuy nhiên, ông Sơn nhìn nhận đã có nhiều nhiều trường hợp cố tình xây dựng mới, cơi nới để hy vọng nhận được tiền đền bù. “Xã đã lập biên bản rất nhiều, ở bản Bình Quang, xóm 34, bản Tạng, khu vực Pủng…” – ông Sơn công khai thông tin. Cũng theo ông Sơn, tình trạng này có những người từ bên ngoài tác động, thậm chí, họ chủ động xây công trình cho các hộ dân. “Có những trường hợp đến từ các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp… Họ chở một xe đầy đủ vật liệu, gạch, xi măng, tôn đến rồi xây dựng chỉ trong vòng 2 ngày là xong hoàn chỉnh công trình. Chúng tôi xác định đây là những trường hợp cố tình cấu kết, hy vọng sau này có tiền đền bù thì ăn chia lợi nhuận…” – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu khẳng định.

Đặt câu hỏi: Huyện Quỳ Châu đã có biện pháp chấn chỉnh tình trạng xây dựng mới, trồng cây lên đất Nhà nước đã thu hồi như thế nào? Theo ông Lô Thanh Sơn, huyện Quỳ Châu chỉ đạo UBND xã Châu Bình lập Biên bản vi phạm, cương quyết không thực hiện kiểm đếm, xem xét đền bù đối với những công trình vi phạm. Nhưng ông Sơn có những ưu tư và thổ lộ rằng, do nguồn vốn dự án không có, dẫn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều tồn tại, khó khăn mà huyện không thể xử lý dứt điểm. Vì vậy, đã có tác động xấu lên đời sống của người dân. Và vì gặp nhiều khó khăn, người dân đã “kêu ca, đòi hỏi”, thậm chí có đơn thư khiếu nại gửi đến huyện, tỉnh, thậm chí gửi cả ra Trung ương với yêu cầu thực hiện giải phóng mặt bằng dứt điểm; yêu cầu đền bù cả những tài sản đã xây dựng mới, hoặc cơi nới. “Thời gian vừa qua, nhân dân có gửi đơn xuống tỉnh. Sau đó tỉnh chuyển về cho huyện xử lý theo thẩm quyền. Thực ra, về những vấn đề này huyện đã kiểm tra, đã trả lời rất nhiều lần nhưng nhân dân vẫn không đồng ý…” – ông Sơn nói.

Nghe những gì ông Lô Thanh Sơn tâm tư, trao đổi, nhớ đến những phức tạp đã diễn ra trên địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) – là nơi thi công cụm công trình đầu mối Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng. Thời kỳ đó, là một khoảng thời gian rất dài trước năm 2017. Vì tình trạng thiếu kinh phí, dự án chưa triển khai, tại vùng đất rộng hơn 10 ha do Lâm trường Đồng Hợp quản lý đã được Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng bàn giao cho Ban Quản lý Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng đã bị một số hộ dân xã Yên Hợp lấn chiếm, trồng cây lâu năm. Huyện Quỳ Hợp, các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền xã Yên Hợp đã mất rất nhiều thời gian để đối thoại, tuyên truyền, vận động nhưng vẫn có trường hợp không chấp nhận, không bàn giao đất. Vì vậy, ngày 31/10/2017, UBND huyện Quỳ Hợp đã phải tổ chức công tác cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Nhớ đến sự kiện buồn này, nhìn nhận tình trạng xây dựng công trình tạm, trồng cây lâu năm trên đất Nhà nước đã thu hồi ở xã Châu Bình, thực sự là một mối lo tiềm ẩn!

Cây keo trồng trên vùng đất quy hoạch lòng hồ thuộc Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng đã được Nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Cây keo trồng trên vùng đất quy hoạch lòng hồ thuộc Dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng đã được Nhà nước giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.