Chúng tôi đến Cửa khẩu Thông Thụ trưa ngày 26/3. Trái ngược sự đông đúc các lực lượng làm nhiệm vụ và công dân từ Lào trở về nước tránh dịch bệnh Covid-19 ở Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Tại Cửa khẩu Thông Thụ chỉ có một trạm biên phòng, gồm dăm bảy cán bộ, chiến sỹ thường trực cach gác. Bên kia biên giới, cửa khẩu của nước bạn Lào được xây cất khá đồ sộ, nhưng còn vắng vẻ hơn.
Thông Thụ có đường biên giới dài hơn 32km. Chỉ có một tuyến đường độc đạo từ cửa khẩu xuyên qua địa bàn rồi cắt qua các xã Đồng Văn, Tiền Phong (Quế Phong) nối với ngã ba Phú Phương gắn với Quốc lộ 48. Bởi vậy, nghiên cứu địa thế, địa hình, sự phân bổ dân cư, cùng với trạm gác cửa khẩu, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã phối hợp với chính quyền xã lập thêm 2 chốt canh gác ở đường tắt, lối mòn; một chốt tại điểm nối sông Chu với lòng hồ Thủy điện Hủa Na.
Đứng ngay tại vị trí giáp ranh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thông Thụ, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết, từ vài tuần trước, Chính phủ Lào đã nghiêm cấm người dân hai nước qua lại cửa khẩu, lối tắt, lối mòn; công dân Việt Nam khi trở về nước, phải đi theo các cửa khẩu quốc tế. Đồn Biên phòng Thông Thụ cũng đã tìm hiểu ở huyện Sầm Tớ, những công dân nước ngoài đang ở Lào chưa trở về nước nhưng giấy tờ đã hết thời hạn, nếu ở lại thì sẽ được chính quyền huyện này gia hạn thêm với thời gian 30 ngày. Đồn cũng đã thống kê có khoảng 40 người dân huyện Quế Phong đang lao động tại Sầm Tớ; người trong tỉnh và các địa bàn khác thì có khoảng 500 người.
Song song với việc báo cáo lên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện, đồn đã lập danh sách những công dân trên địa bàn đang làm ăn tại Lào để cùng phối hợp với chính quyền địa phương, ban quan quản lý các thôn bản nắm bắt sát sao ở cơ sở; đồng thời, thực hiện tuyên truyền các chính sách của nước bạn Lào, của huyện Sầm Tớ đến người dân trên địa bàn, nhất là với những gia đình có người thân đang làm việc ở Lào, để từ đó họ thông tin cho người thân, thực hiện đúng quy định của pháp luật hai nước khi trở về.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tại vị trí cửa khẩu, người dân đã dừng hẳn việc qua lại. Nhưng tại các đường tắt, lối mòn thì vẫn có trường hợp từ Lào về lén lút nhập cảnh trái phép. Chúng tôi đến thăm vị trí chốt chặn của Tổ công tác Đồn Biên phòng Thông Thụ đặt tại bản Mường Phú, nơi đã phát hiện đưa đi cách ly 3 đối tượng nhập cảnh trái phép. Khu vực này có rất nhiều lối mòn dẫn từ biên giới về điểm chốt. Ở đây, cùng với lực lượng biên phòng còn có 2 dân quân xã tham gia canh gác. Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, thành viên tổ công tác cho biết, vào ngày 22/3/2020, lực lượng canh gác phát hiện có 3 người từ Lào trở về qua lối mòn. Kiểm tra xác định cả 3 có hành vi nhập cảnh trái phép, tổ công tác đã lập biên bản và báo cáo lên cấp trên. Cả 3 người này sau đó bị Đồn Biên Phòng Thông Thụ và chính quyền xã cảnh cáo, đưa về Trạm y tế xã để thực hiện cách ly theo quy định.
Ở Thông Thụ, chúng tôi cũng đã đến thăm chốt gác bên dòng sông Chu. Thượng nguồn sông Chu bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy qua Thông Thụ, Đồng Văn rồi xuôi về phía tỉnh Thanh Hóa. Xác định trên tuyến sông này có tình trạng người dân qua lại biên giới, Đồn Biên phòng và chính quyền xã Thông Thụ đã lập chốt để kịp thời phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Đường xuống chốt này khá dốc, khúc khuỷu; trên đường có một số lán trại người dân dựng lên để cất giữ phương tiện xe máy. Chốt được lập ngay bên mé sông, thường trực có 3 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ và một dân quân xã. Theo Thượng úy Hồ Trọng Thiết, Tổ trưởng Tổ công tác, chốt được trang bị xuồng máy, tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ nấu ăn tại chỗ, thực hiện canh gác 24/24h để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi cũng đến phòng cách ly những đối tượng nhập cảnh trái phép từ Lào về ở Trạm y tế xã Thông Thụ. Thời điểm này đã 11h30, những người này đang dùng bữa cơm trưa do chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ chuyển đến. Theo nhân viên y tế , chị Lương Thị Lan, hàng ngày, những người này được thăm khám sức khỏe, đo thân nhiệt theo quy định. Chị Lan cho biết, sức khỏe của họ đều bình thường.
Địa bàn huyện Quế Phong có 74 km đường biên giới, có 4 xã vùng biên gồm Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Quế Phong đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành quy chế để thực hiện.
Tại quy chế được ban hành ngày 20/3/2020, nêu cụ thể, chi tiết vai trò, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, của từng phòng, ban, đơn vị và chính quyền các cấp. Cũng tại quy chế, đặc biệt nhấn mạnh công tác ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép qua đường tắt, lối mòn với vai trò chủ công của 3 Đồn biên phòng Tri Lễ, Hạnh Dịch, Thông Thụ cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền 4 xã biên giới. Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 huyện Quế Phong giao nhiệm vụ cho các Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, Thông Thụ, Tri Lễ tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn, cấm người qua lại các đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ biên giới với Lào; phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lưu thông biên giới của người, phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu phụ, các lối mở, tập trung làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh tại địa bàn khu vực biên giới…
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, ông Lê Văn Giáp trao đổi: “Có rất nhiều công việc cùng đồng thời phải thực hiện để công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt kết quả tốt. Trong đó, huyện Quế Phong đặc biệt quan tâm tới khu vực 4 xã biên giới, chỉ đạo chính quyền 4 xã phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, phối hợp tốt với lực lượng biên phòng, kiên quyết không để xảy ra tình trạng người nhập cảnh trái phép…”.
Biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long vào ngày 19/3/2020 lên huyện biên giới Kỳ Sơn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian thực hiện chuyến đi, chúng tôi đã liên lạc và nhận được từ ông những trao đổi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh Nghệ An rộng vòng tay đón nhận đồng bào trên mọi miền Tổ quốc đang làm ăn tại Lào trở về tránh dịch Covid-19. Nhưng trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, công dân khi trở về phải theo đường chính ngạch, qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn để được thực hiện cách ly tập trung theo quy định; không chấp nhận mọi trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp theo cửa khẩu phụ, lối tắt, đường mòn…
“Dịch bệnh Covid là hết sức khó lường. Vì vậy, khi đón những công dân từ Lào trở về thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn phải thực hiện nghiêm theo quy định và kiên quyết không để xảy ra tình trạng người trở về nhập cảnh trái phép. Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, động viên cán bộ, chiến sỹ gắn kết với các địa phương khu vực biên giới, cùng các lực lượng chức năng khác thực hiện rất tốt những nhiệm vụ này…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao đổi.
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào qua Nghệ An với chiều dài 468, 281 km, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 66 tổ chốt cố định tại các đường mòn với sự tham gia của 520 cán bộ, chiến sỹ (trong đó 294 người thuộc lực lượng bộ đội biên phòng; 226 người là công an, dân quân và y tế địa phương). Các tổ chốt thường trực 24/24 giờ sẵn sàng phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tăng cường 60 tổ công tác/200 cán bộ, chiến sỹ bám khu dân cư và tuần tra cơ động kiểm soát địa bàn.
Dõi theo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cả nước, vào ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư khen đến lực lượng quân đội và công an. Người đứng đầu Chính phủ đã nhắc đến hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ với “những đêm ngủ ngoài trời, những bữa cơm ăn vội”. Khẳng định đây là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu, không quản ngại, khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm để hoàn thành sứ mệnh cao cả, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ.
Từ những lần lên chốt gác biên giới, đến với những khu cách ly, thấy những người đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên tuyến đầu biên giới thật xứng đáng với lời ngợi khen của Thủ tướng Chính phủ. Và tin tưởng sự vững vàng nơi biên cương sẽ góp phần đem lại bình yên cho mọi miền trước đại dịch Covid-19!
Võ Thị Minh Sinh
Rất tuyệt vời, cảm ơn 02 Chiến sỹ “bút thép” rất nhiều. Cảm ơn sự xông pha, lăn xả của 02 bạn để người dân hiểu hơn sự khó khăn, vất vả của đội ngũ tuyến đầu chống dịch❤❤❤🤗🤗
Nhật Lân
Cảm ơn chị. Được Chủ tịch MTTQ tỉnh dõi theo sát sao thế này thật quý. Là mong được sẽ chia, cổ vũ quân dân tuyến đầu chị ạ.
Hồ Quyết Thắng
Cám ơn nhà báo rất nhiều. Anh em nhận được nguồn động viên lớn từ truyền thông sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.