Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế thì để bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tiểu thương và người dân, các cấp, ngành chức năng cần ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, thế mạnh về công nghệ, uy tín trong kinh doanh, năng lực thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chợ; cần bảo lưu, đảm bảo các quyền lợi của bà con, hạn chế xáo trộn tập quán kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và thay đổi thói quen mua sắm của người dân.
Xây dựng cơ chế kết hợp hiệu quả các nguồn vốn, tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh, khai thác chợ; giải quyết dứt điểm các khiếu nại… đang được các sở, ngành, tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc mời gọi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các chợ ở khu vực nông thôn, đòi hỏi giải pháp đồng bộ, và sự nỗ lực từ nhiều phía.
Thực hiện các đề án, quy hoạch thực hiện thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, 5 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh thương mại – dịch vụ của tỉnh đang phát triển theo hướng hiện đại với mạng lưới và cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, chợ, các cơ sở kinh doanh tiếp tục được mở rộng và ngày càng hoàn thiện, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng chung của các ngành dịch vụ toàn tỉnh trong giai đoạn 2015 – 2020.
Thời gian qua, công tác thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực thương mại được quan tâm và triển khai, toàn tỉnh đã có 189 dự án đầu tư hạ tầng thương mại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 11.255 tỷ đồng. Việc thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã được quan tâm và có bước đột phá, nhất là tại khu vực thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn, thị tứ.
Cụ thể, các dự án lớn về chợ, Trung tâm thương mại lớn như: Dự án Chợ Tân Kỳ; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống Đô Lương, chợ thị trấn Kim Sơn (Quế Phong), chợ thị xã Hoàng Mai, Trung tâm thương mại Lan Chi (Đô Lương)… Nhiều dự án đi vào hoạt động như: Trung tâm thương mại VinCom+ ở xã Vân Diên (Nam Đàn); Trung tâm thương mại Hương Giang, Trung tâm thương mại Hub City, Vinh Center tại TP. Vinh; chợ Sen tại xã Vân Diên (Nam Đàn); Tổng kho xăng dầu DKC tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc)…
Các dự án hạ tầng thương mại cơ bản thực hiện theo quy hoạch, đầu tư xây dựng có trọng điểm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại của tỉnh, cũng như cả nước, thu hút được sự tham gia đầu tư xây dựng chợ của các cấp chính quyền và nhiều thành phần kinh tế trong xã hội, góp phần giảm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, công tác phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường tại các chợ có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quy hoạch, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, công tác vốn xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, nhất là đối với hệ thống chợ còn rất khiêm tốn so với xu thế phát triển.
Công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị. Hệ thống hạ tầng thương mại một số nơi còn hoạt động đơn lẻ, rời rạc không có sự kết hợp, liên kết với nhau; chưa tạo được mối liên hệ, gắn kết giữa nhà sản xuất, phân phối.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho hay: Để chợ truyền thống tiếp tục khẳng định vị trí, thu hút được người dân đến mua sắm, ngành đã xây dựng quy hoạch và đề án quản lý chợ, từng bước định hướng chuyển đổi các mô hình quản lý chợ… Quá trình thực hiện, đã có một số nhà đầu tư vào khảo sát, đầu tư xây dựng. Nhưng trên thực tế việc kêu gọi đầu tư sửa chữa, xây dựng mới mạng lưới chợ gặp một số khó khăn, chưa có sức hút như đầu tư vào những mô hình thương mại hiện đại khác.
Việc cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. UBND tỉnh và Sở Công Thương đang đẩy mạnh xã hội hóa mời gọi đầu tư, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư cải tạo chợ…
Thế nhưng, một thực tế là việc thu hút đầu tư xây dựng chợ hiện rất “kén” nhà đầu tư. Ngoài một số nhà đầu tư chuyển đổi chợ, trung tâm thương mại trước đây như Tập đoàn Mường Thanh đầu tư chuyển đổi chợ Diễn Thành (Diễn Châu), Công ty Sài Gòn Trung Đô đầu tư chuyển đổi chợ Giát (Quỳnh Lưu), giai đoạn gần đây, các dự án đầu tư chuyển đổi chợ trên địa bàn tỉnh đều do HTX đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An vào đầu tư.
Ngoài ra, mới đây, Công ty TNHH Lan Chi Busine.ss Hà Nam đầu tư thêm Trung tâm thương mại Lan Chi tại xã Văn Sơn (Đô Lương); còn lại các nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực này. Nguyên nhân là dự án chuyển đổi chợ thường quy mô nhỏ, lợi nhuận không cao, quản lý phức tạp; quá trình triển khai đầu tư chuyển đổi, tiểu thương thường không đồng thuận khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nản lòng khi tham gia đầu tư xây dựng mới hệ thống chợ.
Một trong những vấn đề vướng mắc hiện nay đó là các quy định của luật đang chồng chéo, có những điểm không còn phù hợp với thực tế. Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP có những bất cập, cơ quan quản lý nhà nước đang làm quy trình để sửa đổi nên việc đầu tư nâng cấp thu hút đầu tư đang gặp khó khăn. Nghị định số 02/2003/NĐ-CP đã quá lâu, có nhiều điểm không phù hợp với các quy định hiện hành như quy định về quản lý tài sản công, tổ chức bộ máy quản lý, quy định quản lý tài chính… Hiện, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02 phù hợp với định hướng phát triển hiện nay.
Đặc biệt, cần tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để lồng ghép, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Ưu tiên đầu tư vào hạ tầng thương mại tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. Tăng cường khuyến khích xã hội hóa đầu tư, xem đây là nguồn lực chủ yếu để phát triển hạ tầng thương mại. Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ để thu hút nguồn vốn đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ kết hợp với thực hiện chợ đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nhà nước tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi: Kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có quỹ đất phù hợp với quy hoạch liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư khác để đầu tư xây dựng. Các tổ chức, cá nhân đầu tư được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm về tiền thuê đất, giao đất; miễn, giảm thuế theo các chính sách chung của tỉnh và các quy định khác của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện các địa phương có chợ đều cho rằng: Để chuyển đổi chợ truyền thống hiệu quả, phải giải quyết tốt bài toán lợi ích của bà con trong chợ. Các tiểu thương kinh doanh trong chợ truyền thống chủ yếu quy mô nhỏ, vốn ít, thậm chí là “buôn thúng bán mẹt”.
Tuy nhiên, khi sang chợ mới và trung tâm thương mại đồng nghĩa với làm ăn lớn, phải đầu tư một số vốn lớn để vào chợ và khi đó áp lực là phải kinh doanh có lãi. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc ưu đãi của nhà đầu tư thì rất khó để người dân từ bỏ thói quen tiểu thương, bỏ số vốn lớn đầu tư vào chợ mới. Nên chăng, cùng với đầu tư chuyển đổi, hiện đại hóa các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các địa phương cần rà soát để có kế hoạch nâng cấp các chợ truyền thống ở nông thôn với tư cách là chợ vệ tinh cung cấp nguồn hàng cho chợ đầu mối.