Bài 2: Nhà đầu tư không mặn mà?

Để khắc phục tình trạng chợ xuống cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ truyền thống, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ, song rất ít doanh nghiệp mặn mà. Trên thực tế, quá trình triển khai chủ trương chuyển đổi, vận hành hoạt động của nhiều chợ còn không ít vướng mắc…

Nguyên nhân do ngân sách địa phương có hạn, doanh nghiệp thờ ơ vì quy mô lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng của các tiểu thương. Do chưa tìm được tiếng nói chung giữa lợi ích của tiểu thương và doanh nghiệp, nhiều chợ rơi vào tình trạng xây xong vẫn khó thu hút dân vào họp, không thu hút được các nguồn lực.

Để đầu tư vào hạ tầng thương mại, ngoài chuyện bỏ vốn ban đầu khá lớn thì còn mất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động nên không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng bỏ vốn. Hiện tại, theo yêu cầu mới, để chuyển đổi từ chợ truyền thống vốn đã xuống cấp sang Trung tâm thương mại và chợ truyền thống kiểu mới ở Tân Kỳ, Đô Lương hay thị xã Hoàng Mai cần nguồn vốn khá lớn, từ 150 – 300 tỷ đồng/dự án nên không phải doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh cũng sẵn có nguồn lực.

Tân Kỳ xây dựng chợ mới gần 200 tỷ đồng. Ảnh: Quang An
Tân Kỳ xây dựng chợ mới gần 200 tỷ đồng. Ảnh: Quang An

Một công chức tại thị trấn Tân Kỳ chia sẻ: Theo thống kê của UBND thị trấn Lạt (Tân Kỳ) cho biết, ngoại trừ từ năm 2018, từ khi chợ cũ Tân Kỳ có quyết định thu hồi, chuyển đổi, những năm trước, mặc dù xuống cấp nhưng thông qua cơ chế khoán, mỗi năm cũng mang lại cho ngân sách thị trấn từ 180 đến 280 triệu đồng.

Số tiền trên, dù không lớn nhưng là khoản thu không nhỏ để ngân sách thị trấn có một phần ngân sách chi trả phụ cấp cho cán bộ cơ sở và đầu tư tại địa phương. Thế nhưng, từ khi chuyển đổi chợ sang chợ mới, trong khi nguồn thu về ngân sách địa phương thì không còn nhưng địa phương mất rất nhiều công sức, thời gian để vận động, đối thoại với người dân thì dự án mới thành.

Còn ở huyện Đô Lương lại vướng khó khăn khác khi phải sắp xếp bố trí bộ máy ban quản lý chợ cũ.

Ngoài các bất cập và vướng mắc trên, qua tìm hiểu, được biết hiện nay, theo Luật quản lý và sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 21/6/2017, thì tài sản công, trong đó có chợ được xây dựng, đầu tư từ nguồn ngân sách, nếu không thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn hoặc dự án trọng điểm thuộc diện phải thu hút đầu tư, nếu muốn chuyển đổi, đồng nghĩa với thay đổi chủ sở hữu thì phải đấu giá công khai.

Vì lý do này nên từ tháng 7/2017 đến nay (thời điểm Luật có hiệu lực) nhiều chợ truyền thống muốn chuyển đổi thường vận dụng, “lách luật” là đưa vào “dự án trọng điểm thu hút đầu tư” để không phải làm thủ tục đấu thầu công khai. Chỉ với lý do này, vài năm lại đây Nghệ An mới chuyển đổi được một số chợ nhưng đều gắn với nhà đầu tư quen thuộc là HTX Hải An. Mặc dù nhà đầu tư này có năng lực nhưng quá trình triển khai cũng có không ít vấn đề phát sinh.

Hiện tại, nếu chợ do Nhà nước đầu tư từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa (người dân đóng góp) thì khi chuyển đổi phải đánh giá lại giá trị tài sản để thu hồi và đền bù. Trường hợp tiểu thương trong chợ cũ muốn tiếp tục kinh doanh thì phải có phương án bảo lưu, sắp xếp bố trí các vị trí trong chợ mới kinh doanh tương đương với vị trí cũ.

Do hầu hết vị trí các chợ thường là các khu đất vàng nên sau khi có mặt bằng sạch, theo quy định sẽ đưa ra đấu giá công khai để các nhà thầu có năng lực đấu giá thực hiện dự án Trung tâm thương mại và chợ mới.

Các hộ kinh doanh tại chợ mới Tân Kỳ được hưởng nhiều ưu đãi như loại phí, lệ phí, tiền điện, nước… nhưng nhiều tiểu thương không đồng tình, việc vận động vào chợ mới mất nhiều thời gian.
Các hộ kinh doanh tại chợ mới Tân Kỳ được hưởng nhiều ưu đãi như loại phí, lệ phí, tiền điện, nước… nhưng nhiều tiểu thương không đồng tình, việc vận động vào chợ mới mất nhiều thời gian.

Ông Dương Xuân Đạt – Tổ trưởng quản lý chợ Quán Lau cho biết: qua một số lần làm việc với phường và thành phố, cơ bản bà con đã biết và thống nhất về chủ trương chuyển đổi chợ. Tuy nhiên, một số hộ mặt tiền đường Nguyễn Trung Ngạn, đường Hồ Tùng Mậu có vị trí kinh doanh khá thuận lợi nên còn băn khoăn lo lắng liệu khi xây dựng chợ mới thì quyền lợi sẽ ra sao, có được bảo lưu, đảm bảo nên một số không đồng ý cử người đại diện.

Tìm hiểu được biết, đối với các chợ do UBND xã, huyện quản lý khai thác theo mô hình nhà nước thì diện tích kinh doanh không tính tiền thuê đất; nhưng chuyển sang mô hình doanh nghiệp quản lý thì phải tính tiền thuê đất vào giá thành đầu tư theo Luật Doanh nghiệp khiến vốn đầu tư tăng cao.

Thành phố Vinh đang triển khai chuyển đổi, thu hút đầu tư xây dựng chợ Quán Lau nhưng vị trí chợ tạm cho bà con kinh doanh, mua bán đến nay tỉnh vẫn chưa thống nhất.
Thành phố Vinh đang triển khai chuyển đổi, thu hút đầu tư xây dựng chợ Quán Lau nhưng vị trí chợ tạm cho bà con kinh doanh, mua bán đến nay tỉnh vẫn chưa thống nhất.

Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá thuê diện tích bán hàng tăng cao so với thời điểm nhà nước quản lý. Trong khi đó, kinh doanh chợ truyền thống ngày càng khó khăn, đã có hiện tượng tiểu thương không còn mặn mà đầu tư vào quầy ốt, người có quầy ốt trong chợ thì sẵn sàng chuyển nhượng, đóng quầy, bỏ chợ khiến doanh nghiệp thua lỗ, nợ tiền thuê đất, nên đã trả lại dự án cho địa phương.

Trên thực tế, các dự án đầu tư chợ mới không phải là không có những hạn chế, khuyết điểm khiến các hộ tiểu thương băn khoăn. Tại chợ mới Tân Kỳ đó là phản ánh về bố trí quầy ốt kinh doanh nhưng diện tích khá hẹp (diện tích từ 8,31-31,6 m2). Lý do giải tỏa chợ cũ Tân Kỳ là giảm ùn tắc giao thông nhưng bản thân chợ mới cũng gần với nút giao thông trọng điểm của huyện và khu dân cư đông đúc nên hiện tượng ùn tắc, va quệt giao thông vẫn xảy ra.

Mặt khác, khi doanh nghiệp đã vào đầu tư xây dựng chợ mới mặc dù khang trang và sạch sẽ hơn, nhưng chi phí cao hơn. Hiện tại, mặc dù các hộ nếu đăng ký vào được miễn, giảm tiền thuê 2 năm đầu và giảm 10% vào năm tiếp theo, kèm theo đó là hình thức trả tiền thuê ốt linh hoạt theo tháng, quý hoặc cả năm, nhưng để có vị trí kinh doanh trong chợ, đồng nghĩa với tìm kiếm việc làm và kế mưu sinh lâu dài, các hộ tiểu thương phải bỏ tiền vốn đầu tư mua quầy ốt, trong đó ít nhất là 100 đến 300 triệu đồng, thậm chí có quầy ốt từ 1- 3 tỷ đồng là quá sức đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Có thể nói, thời gian qua, mặc dù tỉnh đã có những hiệu quả bước đầu sau chuyển đổi nhưng nhìn chung công tác quy hoạch xây dựng chợ tại một số địa phương chưa mang lại hiệu quả như mong muốn khi người dân vẫn mở chợ cóc còn chợ xây mới lại bỏ hoang. Tìm hiểu thực tế, việc nâng cấp chợ hiện nay còn đối mặt với một rào cản vô hình khác, đó là tâm lý níu kéo, ngại thay đổi cái cũ; các tiểu thương kinh doanh không đồng tình chuyển đổi mô hình quản lý, tâm lý sợ mất địa điểm kinh doanh khi chuyển đổi chợ cho doanh nghiệp hoặc HTX đầu tư, quản lý…