Bài 4: Hỗ trợ có điều kiện, phát huy ý chí thoát nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2016-2020. Đó là thực hiện chiến lược tập trung vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Mục tiêu chương trình phấn đấu, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm các mô hình kinh tế tại xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm các mô hình kinh tế tại xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Tại Nghệ An, dân số sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi.

Thực tế cho thấy, một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, bà con còn tâm lý dè chừng khi tiếp cận cái mới, ngại thay đổi, lo sợ rủi ro, không biết nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với đặc thù đất đai, khí hậu của địa phương. Tâm lý này làm hạn chế rất lớn đến việc đầu tư các mô hình phát triển sinh kế.

Cán bộ nông nghiệp xã Yên Tĩnh (Tương Dương) hướng dẫn người dân cách thu hái chè dây. Ảnh: P.V
Cán bộ nông nghiệp xã Yên Tĩnh (Tương Dương) hướng dẫn người dân cách thu hái chè dây. Ảnh: P.V

Do đó, giải pháp quan trọng, cấp bách hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân; khuyến khích các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích đối với những hộ tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế; tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Đến thăm vườn cây mắc ca trĩu quả của hộ ông Hà Văn Tâm ở bản Mường Piệt, xã Thông Thụ (Quế Phong), chúng tôi không khỏi thắc mắc tại sao nhiều nơi triển khai trồng mô hình cây mắc ca không thành công mà gia đình ông Tâm trồng hơn 1ha với khoảng 350 gốc lại có hiệu quả cao?

Mắc ca đạt sản lượng và chất lượng quả tốt. Ảnh: G.H
Mắc ca đạt sản lượng và chất lượng quả tốt. Ảnh: G.H

Qua trao đổi, ông Tâm cho hay: Cách đây 8 năm, một lần tình cờ vào thăm người bà con ở Đắk Lắk, thấy nền khí hậu và thổ nhưỡng cũng gần giống với quê nhà, nên ông đã mua giống mắc ca về trồng thử. Không ngờ cây phát triển nhanh, cùng với việc tuân thủ những kỹ thuật mà ông học được qua người bà con và Hiệp hội Mắc ca ở Nghệ An, vườn mắc ca nhà ông Tâm phát triển tốt, bình quân mỗi năm cho thu hoạch từ 7- 8 yến quả với mức doanh thu từ 70 – 80 triệu đồng. “Trước đây sản phẩm được nhập vào miền Nam nhưng gần đây đã được một nhà máy ở huyện Nghĩa Đàn thu mua” – vợ ông Tâm chia sẻ.

Mô hình trồng mắc ca đang được triển khai nhân rộng ở xã Thông Thụ (Quế Phong) vì phù hợp với chất đất và khí hậu. Ảnh: G.H
Mô hình trồng mắc ca đang được triển khai nhân rộng ở xã Thông Thụ (Quế Phong) vì phù hợp với chất đất và khí hậu. Ảnh: G.H

Theo ông Phan Xuân Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong: Thành công của gia đình ông Tâm cho thấy cây mắc ca phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn Thông Thụ, vì vậy, chính quyền huyện Quế Phong đã quan tâm khảo sát và giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc cho người dân, từ đó nhân rộng những vườn cây mắc ca ở bản Mường Piệt và vùng lân cận. “Hiện đã có 24 hộ dân ở xã Thông Thụ đăng ký trồng mắc ca từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến mỗi hộ 0,5ha ” – ông Hùng nói.

Cây mắc ca trồng 2-3 năm là cho thu hoạch. Ảnh tư liệu: Bá Hậu
Cây mắc ca trồng 2-3 năm là cho thu hoạch. Ảnh tư liệu: Bá Hậu

Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền đã có sự vào cuộc để thay đổi nhận thức, khắc phục tư duy trông chờ ỷ lại trong nhân dân; phát huy vai trò của cán bộ đảng viên trong tuyên truyền, triển khai giúp đỡ hộ nghèo. Tại huyện Kỳ Sơn, ngoài tận dụng các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước, từ năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 17/CT-HU cán bộ đảng viên giúp hộ nghèo. Từ khi thực hiện, qua 3 đợt vận động đã có 71 tổ chức và 17 cá nhân là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành góp tiền mua cây, con giống hỗ trợ 345 gia đình nghèo, cận nghèo phát triển các mô hình sinh kế. Đến hết năm 2022, có 282 hộ được giúp đỡ thoát nghèo (đạt 81,7%).

Huyện Kỳ Sơn và ngành Nông nghiệp và PTNT  kiểm tra, tìm hướng đi nâng cao giá trị sản phẩm mận Kỳ Sơn. Ảnh: Phú Hương
Huyện Kỳ Sơn và ngành Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, tìm hướng đi nâng cao giá trị sản phẩm mận Kỳ Sơn. Ảnh: Phú Hương

Còn tại huyện Tương Dương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 8/3/2022 về xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đề án nêu rõ phải tăng cường thực hiện hiệu quả việc nêu gương, yêu cầu mỗi đảng viên gắn với mô hình phụ trách hộ gia đình.

Đặc biệt, để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại “thà chịu khổ chứ không chịu khó” còn tồn tại trong nhân dân, bên cạnh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tương Dương đã chỉ đạo các ban, ngành rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp, từ “cho không” sang hỗ trợ “có điều kiện”; chú trọng hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Mô hình rau sạch ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh tư liệu: P.V
Mô hình rau sạch ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh tư liệu: P.V

Chủ trương hỗ trợ các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững hiện nay là “hỗ trợ có điều kiện”, có đối ứng, phát huy tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, theo ông Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, đối với các huyện biên giới nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, để giữ vững “3 yên” (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới) cần tính đến phương án lấy ngắn nuôi dài để đảm bảo an ninh lương thực.

Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng
Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

Do vậy, bên cạnh các loại cây lâm nghiệp và một số loài dược liệu, nhiều địa phương cũng chủ động triển khai các mô hình cây, con ngắn ngày, có thể quay vòng nhanh cho thu nhập cao, trong đó chú trọng chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm. Ví như nhiều huyện đã tận dụng diện tích mặt nước, diện tích lòng hồ thủy điện để phát triển mô hình sinh kế nuôi cá lồng, thành lập HTX, tổ liên kết sản xuất. Điển hình như huyện Tương Dương, năm 2022 có trên 501 lồng cá; sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 595 tấn, tăng 14% so với năm 2020. Còn tại huyện Quế Phong diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng được mở rộng, toàn huyện có 902 lồng cá, sản lượng đánh bắt thủy sản trong 2,5 năm qua đạt 1.840 tấn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở xã Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: K.L
Mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao ở xã Thông Thụ (Quế Phong). Ảnh: K.L

Theo ông Nguyễn Hồ Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh: Việc triển khai dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào 2 nhóm chính. Đối với nhóm trồng trọt nên tập trung vào các loại ăn quả bản địa, cây có múi. Trên lĩnh vực chăn nuôi, 3 huyện 30a tập trung vào nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, gia súc gia cầm bản địa; các huyện còn lại đầu tư bò lai sind và lợn, gà các loại.

Người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: Gia Huy
Người dân xã Mường Lống (Kỳ Sơn) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc. Ảnh: Gia Huy

Bởi các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 2 nhóm trên vừa đáp ứng yêu cầu tăng nhanh thu nhập, vừa phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu cộng đồng; đồng thời đó là các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, dễ liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ; trong trường hợp thiên tai dịch bệnh dễ chống đỡ, dễ điều trị, tổn thất hạn chế.

Tuy nhiên, để có được mô hình bền vững, hoạt động đa dạng hóa sinh kế phải do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân và phù hợp với mục tiêu của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và quy định pháp luật.

Mô hình sâm bảy lá mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân ở bản Phá Lõm. Ảnh: Gia Huy
Mô hình sâm bảy lá mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân ở bản Phá Lõm. Ảnh: Gia Huy

Theo trao đổi của ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn: Song song với việc triển khai các dự án, cần thúc đẩy đồng bộ việc hình thành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để kết nối các thành viên là hộ nghèo, kết nối với cộng đồng và đại diện kết nối với các doanh nghiệp. Bởi việc xây dựng các mô hình cây, con sinh kế cần nhất vẫn là chuỗi liên kết giá trị từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Thành – nguyên Giám đốc Sở KH&CN cũng cho rằng: Chương trình phát triển sinh kế cho dân nghèo phải nằm trong tổng thể phát triển sinh kế, phát triển kinh tế – xã hội chung của cả cộng đồng dân cư trong thôn, bản, trong xã, thậm chí trong huyện, tỉnh.

Một số hộ dân ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp thành công với mô hình nuôi dê. Ảnh: Gia Huy
Một số hộ dân ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp thành công với mô hình nuôi dê. Ảnh: Gia Huy

Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau, cho nên hỗ trợ cho cộng đồng phát triển cũng cần có lộ trình phù hợp và không thể cùng thời điểm, cùng cách làm. Vấn đề này đòi hỏi việc triển khai phải bài bản, kiên trì, đồng bộ ở tất cả các mắt xích của chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Giống keo cấp phát cho các hộ trồng rừng được chủ động ngay trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: P.V
Giống keo cấp phát cho các hộ trồng rừng được chủ động ngay trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: P.V

Nghệ An có diện tích rừng được quy hoạch lớn nhất cả nước với 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích toàn tỉnh. Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân gắn bó với rừng. Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 có đưa tiêu chí: “Phát triển rừng cùng với thị trường tín chỉ carbon; chú trọng phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ, nhất là các loại cây dược liệu”…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Nghị quyết số 39 là văn kiện rất quan trọng đối với tỉnh Nghệ An, tuy nhiên, điều cần lúc này là “chúng ta hãy chuyển từ tư duy thuê bà con bảo vệ rừng, sang tư duy Nhà nước hỗ trợ tạo ra sinh kế và việc làm dưới tán rừng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Ảnh: Thanh Lê
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trao đổi với lãnh đạo xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) về phát triển cây pơ mu tại địa phương. Ảnh: Thanh Lê

Bà con tìm thấy thu nhập ở đó thì sẽ có trách nhiệm giữ rừng. Bởi một điều dễ hiểu, bà con thấy được, không còn rừng thì không còn sinh kế dưới tán rừng nữa. Muốn có sinh kế thì phải chung tay giữ rừng, lúc đó chúng ta mới thành công”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng: Sinh kế cho hộ nghèo khu vực miền núi cần gắn với rừng để bảo vệ rừng và thu lại nguồn lợi từ rừng.

Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn người dân thời điểm thu hoạch lùng. Ảnh: Đình Tuyên
Cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn người dân thời điểm thu hoạch lùng. Ảnh: Đình Tuyên

Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An liên quan đến thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh diễn ra vào tháng 6/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nêu vấn đề: Hiện nay, hệ thống văn bản nghị định, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để áp dụng triển khai quá nhiều; thậm chí có một số nội dung chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Rừng lùng xanh tốt ở xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên
Rừng lùng xanh tốt ở xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: Đình Tuyên

Trong khi Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi và vùng đồng bào dân tộc; điều kiện kinh tế – xã hội cũng như mức sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc huy động sự tham gia của người dân vào các chương trình còn hạn chế. Mặt khác, trình độ, năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các chương trình, dự án của đội ngũ cán bộ, nhất là cơ sở có những bất cập nhất định. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng thực hiện các dự án, nhất là các huyện, xã vùng dân tộc thiểu số vô cùng khó khăn…

Lãnh đạo xã Châu Thắng (Quỳ Châu) khảo sát diện tích lùng trồng tại vườn gia đình chị Vi Thị Hà ở bản Xẹt. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên
Lãnh đạo xã Châu Thắng (Quỳ Châu) khảo sát diện tích lùng trồng tại vườn gia đình chị Vi Thị Hà ở bản Xẹt. Ảnh tư liệu: Nguyên Nguyên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã đề nghị tổ công tác kiến nghị với Quốc hội, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng quy trình, cách thức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia một cách cụ thể trên cơ sở tích hợp các nghị định, thông tư, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các cấp ở địa phương.

Nhìn vào thực tiễn, thấy rằng việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững nói chung, phát triển các mô hình sinh kế cho người nghèo nói riêng là chủ trương hết sức cần thiết và nhân văn, song để đảm bảo tính khả thi, khi đưa vào thực tiễn cần phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực và cơ hội cho người dân vươn lên thoát nghèo; tránh tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự bảo trợ của Nhà nước.

Cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải - thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường
Cụm dân cư sinh sống tại xã Nậm Giải - thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường