Nhìn chung, mặc dù đã có sự quan tâm nhất định, nhưng mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ xóm, khối, bản theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HDND và Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn bất cập, nhất là đối với các chi hội đoàn thể đang chỉ mang tính chất “động viên” là chính.
Chia sẻ khó khăn với đội ngũ “vác tù và ” ở cơ sở, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, ngày 10/9/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố… Sở Nội vụ Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến, hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết Quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, khối, bản; người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, khối, bản; mức khoán kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị – xã hội cấp xã và tổ dân vận ở xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị định số 33. Nghị quyết này đã được quyết nghị thông qua tại Kỳ họp 17, Hội đồng HĐND tỉnh khoá XVIII được tổ chức đầu tháng 12 năm 2023.
Theo đó, ở cấp xóm có 2 loại: Loại 1 là 6 lần mức lương cơ sở, dành cho 3 chức danh bán chuyên trách theo quy định: Bí thư chi bộ, xóm trưởng và trưởng ban công tác Mặt trận (bí thư chi bộ phụ cấp là 2,1 lần, xóm trưởng 2,1 lần và trưởng ban công tác Mặt trận là 1,8 lần mức lương cơ sở). Loại 2 bằng 4,5 lần mức lương cơ sở (bí thư chi bộ là 1,6 lần, xóm trưởng 1,6 và trưởng ban công tác Mặt trận là 1,3 lần mức lương cơ sở).
Nghị quyết cũng quy định mức hỗ trợ hằng tháng như sau: thôn, xóm, khối, bản đối với đơn vị có từ 350 hộ trở lên (từ 500 hộ gia đình trở lên đối với khối) hoặc thuộc địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, biên giới, hải đảo, gồm công an viên – phó trưởng thôn, xóm, bản là 1,1 lần mức lương cơ sở; thôn đội trưởng là 0,8 lần và chi hội trưởng các chi hội Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Người cao tuổi, bí thư chi đoàn là 0,33 lần mức lương cơ sở. Các xóm còn lại, mức phụ cấp các chức danh công an viên – phó trưởng thôn, xóm, bản là 0,95 lần mức lương cơ sở; thôn đội trưởng là 0,7 và chi hội trưởng các đoàn thể, chi đoàn là 0,28 lần mức lương cơ sở…
Mức hỗ trợ hàng tháng đối với tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố – phó trưởng khối là 0,75 lần mức lương cơ sở; tổ viên tổ bảo vệ dân phố là 0,45 lần mức lương cơ sở. Các tổ dân vận ở các khối, xóm, bản có mức hỗ trợ hoạt động từ 2-2,5 triệu đồng/tổ/năm.
Nghị quyết cũng quy định về định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội cấp xã (Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên) ở 3 mức 20 – 17,5 – 15 triệu đồng/tổ chức/năm, tương ứng với xã loại I, II, III.
Theo ông Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội Vụ: “So với trước đây thì hiện nay phụ cấp của những chức danh tại Nghị quyết của UBND tỉnh để thực hiện Nghị định 33 của Chính phủ đã tăng lên từ 20 – 45% và mức tương đương ngân sách là khoảng 81 tỷ đồng/năm. Khi xây dựng Nghị quyết của tỉnh để thực hiện Nghị định 33, tỉnh căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, căn cứ vào từng công việc từng vị trí chức danh ở xã, thôn, bản; đóng góp của từng cán bộ bán chuyên trách, nhưng cũng tùy thuộc căn cứ vào tình hình kinh tế của địa phương. Tỉnh cũng muốn nâng cao hơn nữa mức phụ cấp, nhưng điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì mức phụ cấp đó đã là sự nỗ lực cố gắng của tỉnh. Do vậy, mong muốn đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, xóm, bản chia sẻ với tình hình ngân sách của địa phương”.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 33, trường hợp cán bộ công chức cấp xã kiêm nhiệm nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, xóm, bản cũng sẽ được phụ cấp bằng 100% mức phụ cấp kiêm nhiệm.
Nhiều cán bộ địa phương bày tỏ hy vọng Nghị quyết thực hiện theo tinh thần Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống sẽ tạo luồng gió mới, động viên khích lệ cán bộ thôn, bản yên tâm cống hiến, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương.
Để khắc phục khó khăn, bất cập về chế độ chính sách, thời gian qua tại nhiều địa bàn đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ những người hoạt động trực tiếp ở thôn, xóm.
Bản Na Cày, xã Tiền Phong (Quế Phong) có 242 hộ, 1.117 khẩu với 3 dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống, chia làm 4 cụm dân cư gắn với 4 đội sản xuất để thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Chi bộ, Ban quản lý bản Na Cày chủ trương hỗ trợ 200 – 400 nghìn đồng/người/tháng cho đội trưởng, đội phó đội sản xuất và phó các chi hội đoàn thể từ nguồn quỹ của bản.
Tại huyện Quỳnh Lưu, cũng có một số cách làm hay, như Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Lâm đã chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể đứng ra mượn đất của các hộ dân có ý định bỏ hoang không sản xuất hè thu để liên kết trồng lúa thương phẩm gây quỹ hoạt động. Năm 2023 đã triển khai nhận 3 ha đất tại vùng Di Luân xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ máy cấy gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau khi bán lúa số tiền lãi thu được từ mô hình sẽ được chia đều cho mỗi tổ chức để gây quỹ hoạt động. MTTQ, Hội Nông dân, Hội LHPN xã Quỳnh Lâm sẽ sử dụng nguồn quỹ này vào thăm, hỗ trợ các gia đình, hội viên nghèo, cận nghèo, khó khăn, ốm đau đột xuất; thăm học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập… bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như hỗ trợ cây, con giống, mua thẻ bảo hiểm y tế, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi… Qua đó, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Ở xã biên giới Hạnh Dịch (Quế Phong), trước thực tế ở thôn, bản khá nhiều công việc phải triển khai, nên có những thời điểm nếu để một mình đội ngũ cán bộ thôn, bản tự xoay xở sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã thành lập tổ công tác cấp xã, phân công một đồng chí Thường vụ Đảng ủy làm tổ trưởng trực tiếp xuống thôn, bản hỗ trợ, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, ở từng thôn, bản cũng có hình thức hỗ trợ cho cấp phó các chi hội không được hưởng phụ cấp bằng sản phẩm, như thóc lúa theo từng quý hoặc từng năm. Điều này được đưa vào hương ước, quy ước của bản.
Việc bố trí các chức danh kiêm nhiệm hoặc đưa người hoạt động không chuyên trách cấp xã về đảm nhận bí thư, phó bí thư chi bộ và khối, xóm trưởng, hiện đang được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai để giải quyết vấn đề khó khăn trong nhân sự, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở và tăng thêm phụ cấp cho cán bộ, nhất là ở địa bàn khó khăn,vùng đặc thù, ít đảng viên tại chỗ.
Huyện Tương Dương nhiều năm nay đã thực hiện bố trí kiêm nhiệm như một số chức danh không chuyên trách ở cấp xã kiêm bí thư chi bộ, trưởng các khối, xóm, bản…
Tại huyện Quế Phong, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy – bà Trương Thị Tuyết Mai, cho biết: Để đảm bảo sự ổn định, huyện thực hiện tốt chủ trương bố trí 100 % trưởng bản là đảng viên, một số nơi trưởng bản kiêm trưởng ban công tác Mặt trận, một số cán bộ bán chuyên trách phụ cấp thấp, huyện khuyến khích kiêm thêm các chức danh khác. Ví dụ, Phó Chỉ huy Quân sự kiêm thêm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Mặt trận kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân hoặc bố trí kiêm trưởng bản, phó bí thư chi bộ thôn, bản để họ có thêm thu nhập, đảm bảo tính ổn định cho hoạt động của các tổ chức ở cơ sở.
“Trăm dâu đổ đầu cơ sở”, câu nói này khá đúng với thực tiễn hiện nay, đặc biệt là sau khi thực hiện sáp nhập thôn, xóm và triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây địa bàn sạch ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự… Bởi vậy, việc “chọn đúng người, bố trí đúng việc” nhất là đối với các chức danh bí thư chi bộ, trưởng khối, xóm, bản. Ngoài uy tín, trình độ, năng lực, còn đòi hỏi sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm cao với việc Đảng, việc dân.
Thực tế cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ thôn, bản trách nhiệm trong công việc, thì ở đó sự đoàn kết, ý thức, trách nhiệm của người dân trong các hoạt động cộng đồng cũng được nâng cao. Trường hợp của ông Già Tồng Thù ở bản Buộc Mú 2, xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn), trong 8 năm làm Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 2, ông luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, tạo được sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Chi bộ có 7 năm được đảng bộ xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đến tháng 12/2022, khi bản Ka Dưới gặp khó khăn về công tác cán bộ, đồng thời là “điểm nóng” do các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân chưa giải quyết dứt điểm, là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, ông Già Tồng Thù được Đảng bộ xã điều động về giữ chức vụ Bí thư Chi bộ bản Ka Dưới. Mặc dù không phải là người sống tại địa bàn, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của người đảng viên, ông đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xã lựa chọn những người có năng lực, tận tâm với công việc thay thế chức danh phó bản, kiêm công an viên và chi hội trưởng chi hội người cao tuổi; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết nội bộ; chỉnh đốn nề nếp sinh hoạt các đoàn thể.
Bằng kinh nghiệm và sự kiên trì, quyết liệt của ông Già Tồng Thù, đến nay 6/6 vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân liên quan đến tranh chấp đất đai, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ở bản Ka Dưới… đã được giải quyết ổn thỏa, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Từ thực tiễn tại địa phương, ông Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn, cho rằng: Trong bố trí cán bộ thôn, bản cần “chọn đúng người, bố trí đúng việc” và phải linh hoạt. Bởi thực tế có những địa bàn đặc thù dù trưởng bản không phải là đảng viên hoặc bí thư chi bộ là người ở địa bàn khác, nhưng là người có uy tín, nói dân nghe, làm dân tin thì vẫn bố trí miễn sao “được việc, được dân”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến thống nhất rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, bản cần tăng cường công tác kết nạp Đảng ở cơ sở vừa bổ sung, vừa bồi dưỡng nguồn cán bộ kế cận lâu dài, khắc phục tình trạng “tre già mà măng chưa kịp mọc”. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền phải biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở; kịp thời hỗ trợ và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ thôn, xóm, bản phát huy tinh thần trách nhiệm “đầu tàu gương mẫu”, vai trò “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân.