Bài 1: Nỗi niềm người “vác tù và”

Tại xóm Đình, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc), những ngày cuối năm, cán bộ thôn xóm cùng người dân đang tất bật chuẩn bị cho công tác tổng kết năm cũ và lên kế hoạch triển khai các hoạt động cho năm mới. Bà Phạm Thị Định – xóm trưởng xóm Đình cho biết: Mọi hoạt động, phong trào ở xóm đều cần kinh phí mới có thể duy trì, khuyến khích được. Do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ xóm cần có sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, minh bạch trong thu chi thì mới có thể kêu gọi, vận động con em ở xa cũng như các “mạnh thường quân” ủng hộ, tài trợ phong trào hiệu quả”.

Cán bộ xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) vận động người dân phát triển kinh tế. Ảnh: H.T
Cán bộ xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) vận động người dân phát triển kinh tế. Ảnh: H.T

Bà Định cũng bộc bạch rằng, bản thân bà cũng như Bí thư Chi bộ Võ Văn Chiến đều  ở cái tuổi “ngoại lục tuần”, sức khoẻ có hạn, đôi lúc gặp khó khăn song vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. “Một phần vì nhiệt tình với xóm làng, một phần vì hiện nay lớp trẻ hầu như thoát ly gia đình, rời quê đi làm ăn xa, nên nguồn cán bộ thôn, xóm đã cạn. Ở vai trò ban cán sự xóm, không kể ngày hay đêm, có “sự vụ” lớn, nhỏ gì là chúng tôi đều có mặt ngay từ đầu để tìm cách giải quyết”, bà Định bày tỏ.

Bà Phạm Thị Định - Xóm trưởng xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: K.L
Bà Phạm Thị Định - Xóm trưởng xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: K.L

Trước đây xóm Đình chưa sáp nhập với xóm Bắn, địa bàn chỉ khoanh vùng khoảng 140 hộ, công việc của ban cán sự xóm cũng nhẹ hơn so với hiện nay. Sau khi sáp nhập, xóm có gần 1.200 khẩu, 332 hộ. Diện tích và dân số tăng gấp đôi, phần nào khiến công việc của đội ngũ cán bộ xóm nhiều lúc quá tải, nhất là những lúc xảy ra các sự vụ cấp bách liên quan phòng chống thiên tai, mùa vụ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Từ việc lớn đến việc nhỏ đều cần sự gương mẫu đi đầu của những người “ vác tù và” thôn xóm.

Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm Đình trò chuyện với phóng viên. Ảnh: K.L
Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm Đình trò chuyện với phóng viên. Ảnh: K.L

Bí thư Chi bộ xóm Đình – ông Võ Văn Chiến nêu ví dụ: Gần đây ban cán sự xóm chia nhau xuống từng tổ dân cư, không kể ngày đêm đi “từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con ủng hộ kinh phí để lắp đặt hệ thống bóng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng các con đường nội xóm. Với tinh thần “đảng viên đi trước”, cán bộ thôn, xóm ủng hộ đầu tiên, sau đó đến các gia đình đảng viên… Bà con nhân dân thấy vậy nên đồng tình ủng hộ mức trung bình 300 ngàn đồng/hộ, lắp được 8 bóng, dự kiến sẽ vận động đủ 25 bóng để chiếu sáng 100% các tuyến đường nội xóm, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa làm đẹp cảnh quan xóm.

Ông Võ Văn Chiến - Bí thư Chi bộ xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: K.L
Ông Võ Văn Chiến - Bí thư Chi bộ xóm Đình, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: K.L

Nói về vai trò đội ngũ “đứng mũi chịu sào” ở thôn xóm, ông Trần Trung Sơn – Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Nghi Thiết cho biết, đội ngũ cán bộ thôn xóm, trong đó có nhiều bí thư, xóm trưởng đã có thâm niên “vác tù và” 20 -30 năm như ông Võ Văn Chiến ở xóm Đình, ông Nguyễn Bá Tịnh ở xóm Quyết Tâm… thực sự là những người đa năng, nhiệt tình, trách nhiệm, nếu không có họ, việc triển khai các chủ trương, chính sách sẽ không thể kịp thời đến được với người dân.Tuy nhiên, hiện nay ban cán sự thôn, xóm hầu hết là người đã lớn tuổi, một số đã không ít lần đề xuất xin được nghỉ việc xóm. Nhưng hiện rất khó tìm được người hội đủ các yếu tố uy tín, tâm huyết và thạo việc để thay thế họ. Bởi vậy xã thường xuyên động viên họ tiếp tục gắn bó vì phong trào chung”.

Quang cảnh làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Huy Thư
Quang cảnh làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: Huy Thư

Cũng trong câu chuyện về hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, xóm, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Kim Thành (huyện Yên Thành) – ông Phan Tất Mậu cho biết: Sau sáp nhập xã Kim Thành còn 5 xóm, dân số 4.008 hộ, địa bàn rộng, có xóm cách trung tâm xã gần 7 km, như xóm Đồng Bản. Xóm này có tổ liên gia Nhà Đũa trước đây là xóm Nhà Đũa sống tách biệt “không điện, không đường, không trường, không hộ khẩu”, cùng đó không có đảng viên tại chỗ. Vì vậy, BCH Đảng bộ xã đã cử ông Nguyễn Xuân Vịnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã làm Bí thư Chi bộ Nhà Đũa, kết nạp được thêm 5 đảng viên. Năm 2019 xóm Nhà Đũa sáp nhập vào xóm Đồng Bản (Nhà Đũa thành tổ liên gia của xóm), thì ông Vịnh được bầu làm Xóm trưởng xóm Đồng Bản, đến nay ông lại chuyển sang làm Bí thư Chi bộ.

Ông Nguyễn Xuân Vịnh - Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bản, xã Kim Thành (Yên Thành). Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Xuân Vịnh - Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bản, xã Kim Thành (Yên Thành). Ảnh: H.T

Sau sáp nhập, xóm Đồng Bản có 9 tổ liên gia (mỗi tổ 30 hộ). Riêng tổ liên gia Nhà Đũa do nằm ở “phía bên kia” núi, chia cách với trung tâm xóm, nên khi có việc cần phổ biến tới người dân ban cán sự xóm phải tổ chức họp riêng. Những hoạt động khác như dịp Trung thu hay ngày hội đại đoàn kết xóm phải tổ chức 2 lần. Đây cũng là xóm khó tìm nguồn cán bộ thay thế, nên hết nhiệm kỳ thì bí thư chi bộ và xóm trưởng lại “đổi chỗ” cho nhau. Chia sẻ về công việc của mình, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bản Nguyễn Xuân Vịnh bộc bạch rằng, đã nhiều lần con cái thấy ông đêm hôm lặn lội, sức khoẻ thì ngày một yếu, phụ cấp hỗ trợ thì “không đủ tiền xăng xe và đám đình, hiếu hỉ”, nên đã đến gặp cán bộ xã xin cho ông được nghỉ. Vậy nhưng, vì chưa tìm ra nguồn thay thế và nghĩ đến trách nhiệm của người đảng viên, ông vẫn tiếp tục gánh vác việc dân, việc Đảng.

Cán bộ xóm Tiến Sơn, xã Tây Thành (Yên Thành) trao đổi với lãnh đạo xã về tiến độ xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao rộng 7.000m2. Ảnh: K.L
Cán bộ xóm Tiến Sơn, xã Tây Thành (Yên Thành) trao đổi với lãnh đạo xã về tiến độ xây dựng khu trung tâm văn hóa thể thao rộng 7.000m2. Ảnh: K.L

Công việc “vác tù và hàng tổng” ở miền xuôi vất vả một, thì đối với những bản, làng vùng sâu, vùng xa ở miền núi khó khăn gấp bội. Dịp ghé thăm bản Mông Phà Bún của xã Huồi Tụ (huyện rẻo cao Kỳ Sơn), thấy trưởng bản Hờ Tồng Lầu đang cầm cuốn sổ tất bật đi ngược lên con dốc. Hỏi thăm được biết, trong bản có trường hợp hơn 80 tuổi, di cư sang Lào hơn 10 năm trở về, nên trưởng bản đến thăm ngay để nắm tình hình.

Đảm nhận “vác tù và” từ năm 1998, ông Hờ Tồng Lầu cho hay “việc bản bận bịu hơn việc nhà”. Việc bản mà ông nhắc đến ấy là tham dự các cuộc họp ở huyện, xã để lĩnh hội chủ trương, chính sách của cấp trên triển khai xuống tận người dân, tuyên truyền vận động bà con hiểu, làm theo. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán của dân bản khi có việc vui, việc buồn thì cán bộ bản phải là người có mặt đầu tiên để chia sẻ, hỗ trợ. Ví như mới rồi trong bản xảy ra trường hợp 2 người dân do uống rượu, mâu thuẫn đánh nhau, ông Lầu cùng tổ hoà giải của bản phải tổ chức hoà giải, phân tích cái lý, cái tình để các đương sự hòa thuận, vui vẻ, không kiện cáo nhau, làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết trong bản.

Trưởng bản Phà Bún xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Hờ Tồng Lầu (ngoài cùng, bên phải) đã nhiều năm gắn bó với vai trò người đứng đầu thôn, bản. Ảnh: Đào Thọ
Trưởng bản Phà Bún xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) Hờ Tồng Lầu (ngoài cùng, bên phải) đã nhiều năm gắn bó với vai trò người đứng đầu thôn, bản. Ảnh: Đào Thọ

“Bản Phà Bún có 60 hộ, gần 300 khẩu, Các hộ gia đình ở rải rác cách xa nhau, người dân lại hay lên nương, lên rẫy nên khi có việc cần liên lạc hay giải quyết, cán bộ bản phải đi đến tận nơi, vất vả lắm. Có khi phải vào rẫy, vào rừng, đi bộ suốt buổi mới gặp được, nhưng là trách nhiệm của mình phải cố gắng, miễn sao dân bản ưng cái bụng, tích cực sản xuất, không di dịch cư tự do, không tảo hôn, vi phạm tệ nạn xã hội là phấn khởi rồi”, ông Hờ Tồng Lầu nói.

Chị La Thị Khắn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nọong Dẻ cùng chị em tổ dệt thực hành sản xuất sản phẩm mới. Ảnh: H.T
Chị La Thị Khắn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nọong Dẻ cùng chị em tổ dệt thực hành sản xuất sản phẩm mới. Ảnh: H.T

Bên cạnh đội ngũ bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận, thì cán bộ các chi hội, đoàn thể cũng là “nòng cốt” lan toả các phong trào ở cơ sở; góp phần đưa các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động đi vào cuộc sống. Ở bản Noọng Dẻ, xã biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn), người dân dành rất nhiều tình cảm cho chị La Thị Khắn, SN 1991 – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản rất năng động, nhiệt tình, hết mình vì việc chung.

Tổ dệt thổ cẩm ở bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) được Chi hội phụ nữ duy trì mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Tổ dệt thổ cẩm ở bản Nọong Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) được Chi hội phụ nữ duy trì mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Gặp chị Khắn khi chị đang đến từng nhà để vận động chị em trong bản tham gia tổ dệt thổ cẩm hàng hóa. Chị Khắn cho biết: Người dân lâu nay vẫn duy trì dệt vải truyền thống, hầu như nhà nào cũng có khung cửi song chủ yếu để phục vụ gia đình. Nay, Chi hội Phụ nữ muốn giúp chị em phát triển kinh tế, đưa sản phẩm thổ cẩm thành hàng hoá nên mời mọi người tham gia vào tổ dệt. Sản phẩm được bán ở chợ biên Nậm Cắn hoặc thu gom nhập cho người Lào nên có nguồn thu nhập ổn định. Nhà nào siêng thì có 5-6 triệu đồng/tháng, bình thường có 3-4 triệu đồng/tháng. “Công tác chi hội phụ nữ cũng khá bận rộn. Mọi phong trào, hoạt động từ xã đến thôn bản triển khai đều có sự tham gia của chi hội, từ phát triển mô hình kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa đến tham gia bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống dịch bệnh…”, chị La Thị Khắn bộc bạch.

Chợ biên hay còn gọi là chợ Hữu Nghị, chợ Đoàn Kết, là một khu chợ đặc biệt nằm trên phần đất của bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Chợ biên được hình thành từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại của 2 quốc gia. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Chợ biên hay còn gọi là chợ Hữu Nghị, chợ Đoàn Kết, là một khu chợ đặc biệt nằm trên phần đất của bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, nước bạn Lào. Chợ biên được hình thành từ nhiều năm trước, nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, thương mại của 2 quốc gia. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Nhận xét về vai trò của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Noọng Dẻ, Chủ tịch Hội LHPN xã Nậm Cắn – chị Vừ Y Nải cho biết: Chị Khắn không chỉ năng động trong việc đoàn thể mà còn đảm việc nhà, lại giỏi làm kinh tế. Chồng đi làm ăn xa, một mình chăm hai con nhỏ, không có chi hội phó nhưng chị vẫn làm tốt công tác phụ nữ và tổ trưởng tổ dệt của bản. Chị còn mở hàng tạp hóa, làm nương rẫy để tăng thu nhập. Trong năm 2022, bản vắng Bí thư Chi đoàn thanh niên do đi làm ăn xa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ La Thị Khắn còn kiêm thêm vị trí này, vai trò nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo sự sôi động cho các phong trào ở cơ sở”.

Nghề dệt truyền thống của người Thái Kháng ở bản Noọng Dẻ. Ảnh: P.V
Nghề dệt truyền thống của người Thái Kháng ở bản Noọng Dẻ. Ảnh: P.V

Đến bản Phà Xắc (xã Huồi Tụ, Kỳ Sơn), sau nhiều cuộc điện thoại chúng tôi mới hẹn gặp được Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản là chị Vừ Y Ma. Vội vã quay trở về nhà từ nương rẫy của gia đình, chị Vừ Y Ma cho biết, bình thường cán bộ các chi hội, đoàn thể khi có việc bản mới ở nhà, còn lại đều ở trên nương rẫy. Bởi “chỉ với vài trăm ngàn đồng phụ cấp mỗi tháng, ở địa hình miền núi cao, đường sá đi lại xa xôi, cách trở, chúng tôi phải tranh thủ làm lụng, sản xuất, chăn nuôi để kiếm thêm thu nhập, mới giúp “nuôi” nhiệt huyết với phong trào”. Vất vả là vậy, nhưng những cán bộ chi hội như chị vẫn nhiệt tình với công tác của địa phương, chị còn đảm nhận thêm vai trò tổ trưởng tổ thêu ren bản Phà Xắc. Theo chia sẻ của chị Vừ Y Ma, tổ thêu ren của phụ nữ Phà Xắc sau hơn 3 năm hoạt động nay đã dần đi vào ổn định, đem lại khoản thu nhập hàng tháng cho chị em từ 1,5-2 triệu đồng/người.

Chị Vừ Y Ma và các chị em Tổ thêu ren bản Phà Xắc giữ nghề truyền thống. Ảnh: H.T
Chị Vừ Y Ma và các chị em Tổ thêu ren bản Phà Xắc giữ nghề truyền thống. Ảnh: H.T

Nói về những vất vả và cống hiến thầm lặng của cán bộ các chi hội, đoàn thể ở thôn, bản, ông Mùa Bá Giờ – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ khẳng định, họ chính  là “cánh tay nối dài” của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Nhất là trong điều kiện lao động trẻ đi làm ăn xa, ở lại các thôn, bản chủ yếu là người già và trẻ em, mỗi khi có phong trào, hoạt động thì các chi hội, đoàn thể, điển hình là chi hội nông dân và chi hội phụ nữ luôn đóng vai trò nòng cốt. Dẫu trên vai họ còn trĩu nặng áp lực mưu sinh, gánh nặng gia đình, mức phụ cấp hiện nay chỉ mang tính chất động viên, nhưng nhiều người vẫn kiên trì, gắn bó với việc chung thôn bản.

Phụ nữ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thu hoạch chè. Ảnh: K.L
Phụ nữ xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) thu hoạch chè. Ảnh: K.L