Bài cuối: Cần tạo bước đột phá

Để du lịch phát huy tiềm năng, lợi thế tạo bước đột phá, Nghệ An đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia du lịch, qua đó rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được ghi nhận. Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu rõ: “Nghệ An cần lấy Kim Liên và du lịch biển làm hạt nhân để phát triển du lịch. Với du lịch biển, Nghệ An phải có thêm những khu nghỉ dưỡng cao cấp, đặc thù ở Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ hướng tới phục vụ những khách lưu trú dài ngày và có mức chi tiêu cao”.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam bày tỏ: “Di tích lịch sử văn hóa ở Nghệ An thì rất nhiều nhưng không phải di tích nào chúng ta cũng khai thác mà hãy tập trung vào trọng điểm, đó là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Tuy nhiên, Nghệ An cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch ngay tại Kim Liên, ví như xây dựng du lịch cộng đồng để du khách có thể tìm kiếm những giá trị văn hóa của một làng quê đặc biệt của vùng Bắc Trung Bộ “đậm chất Nghệ”, tìm hiểu các giá trị của Dân ca ví, giặm”.

Cũng theo ông Bình: Nghệ An cần xác định rõ tiềm năng của mình để hướng tới đối tượng du khách. Du khách đến với Nghệ An phần lớn là khách nội địa, với đặc tính là ít nhu cầu du lịch khám phá mà quan tâm tới ẩm thực và sản phẩm sẵn có. Vậy nên chúng ta phải chú ý đến điều này để phát triển ẩm thực và các sản phẩm hàng hóa sẵn có.

Ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng: “Hiện nay, du lịch Nghệ An chưa phát huy tốt tiềm năng, lợi thế trung tâm vùng của mình. Nghệ An cần xây dựng các chuỗi, gói sản phẩm du lịch trong đó có sự kết nối giữa các vùng miền như Thanh Hóa, Hà Tĩnh để từ đó tạo thuận lợi cho du khách, tăng tính cạnh trạnh. Hiện tại, chúng ta vẫn chưa định hình ra những tuyến du lịch nào cụ thể từ Nghệ An và kết nối với các vùng khác… Để làm tốt chức năng của trung tâm vùng, Nghệ An cần ổn định các đường bay nội địa, mở thêm đường bay quốc tế”.

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ Hành du lịch Việt Nam nêu ý kiến: “Nghệ An đã phát triển du lịch cộng đồng ở Con Cuông và chúng ta cần phải nhìn xa hơn, đó là phát triển du lịch dọc tuyến Quốc lộ 7 nối sang Lào – trục đường huyết mạch của ASEAN, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế về với Nghệ An”.

Ở một khía cạnh khác, ông Võ Hồng Sáng – Chi hội phó Chi hội Lữ hành Nghệ An trao đổi: “Nghệ An có những làng nghề rất đặc sắc nhưng lại chưa quan tâm đến yếu tố trình diễn. Nhiều khách du lịch tìm về các làng nghề để tìm hiểu phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất… thì làng đó lại thiếu “nghệ nhân”. Các sản phẩm làng nghề chưa thay đổi về chất lượng, mẫu mã kiểu dáng, chưa đi theo thị hiếu của du khách. Những hạn chế nói trên dẫn đến tình trạng công ty lữ hành “khát” điểm đến, nhưng khi tổ chức tour thì không đưa làng nghề vào. Người dân ở làng nghề, làng có nghề ở Nghệ An phải được nâng tầm về tư duy làm du lịch”.

Liên quan đến sản phẩm du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam tham mưu: “Hiện Nghệ An khá đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, đó là nông sản tươi sống, nông sản chế biến, đồ uống có cồn và không có cồn, thảo dược, vải và may mặc từ bông sợi, đồ lưu niệm từ gỗ, sợi, mây tre. Câu chuyện bây giờ là Nghệ An cần xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù…”.

Chị Mamonova Olga, nhà báo Nga thì đề xuất: “Để thu hút du khách Nga, Nghệ An nên phát triển thêm loại hình du lịch khám phá thiên nhiên – văn hóa, du lịch gia đình và nhóm nhỏ”.

Năm 2019, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu ngành du lịch chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số chính sách phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Hiện nay, ngành đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị quyết; trình UBND tỉnh thông qua vào ngày 22/5/2020, trước khi trình Kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh vào tháng 7/2020. Theo lãnh đạo ngành du lịch, các ý kiến của các chuyên gia đều được nghiên cứu đưa vào Nghị quyết.

 

Bên cạnh việc xây dựng chiến lược dài hơi, một nội dung nữa mà Nghệ An quan tâm để thúc đẩy du lịch là đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh địa phương, điểm đến. Những năm qua, tỉnh đã tích cực phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tham gia, tổ chức hội nghị xúc tiến, hội chợ du lịch tại các thị trường trong, ngoài nước; cung cấp thông tin, ấn phẩm tại các thị trường mới, tiềm năng. Mỗi năm, tỉnh chủ động mời và đón 5-6 đoàn lữ hành – truyền thông trong nước, nước ngoài đến khảo sát, viết bài về du lịch… Nhờ hoạt động này, lượng du khách đến Nghệ An không ngừng tăng lên.

Bên cạnh những kết quả tốt, vẫn phải nói rằng, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Nghệ An còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các trang website, facebook, fanpage nội dung còn đơn điệu chậm đổi mới, công nghệ lạc hậu, bằng tiếng Việt nên hiệu quả quảng bá cung cấp thông tin thấp, dẫn đến hình ảnh điểm đến Nghệ An chưa được khắc họa đậm nét trong tâm trí khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An chia sẻ: “Tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn song chúng ta chưa “biết cách”, đầu tư lớn để “thổi hồn” điểm đến, sản phẩm. Bài học từ Phú Yên là đáng suy nghĩ. Du lịch Phú Yên vốn kém thu hút song nhờ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, tỉnh này mới được biết đến nhiều. Trước khi có phim, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Phú Yên chỉ 12-13%, nhưng từ ngày phim này được trình chiếu, con số này tăng lên trên 20%, có năm tăng đột biến 30%. Tương tự là bài học về quảng bá sản phẩm “Những cây cầu” của TP. Đà Nẵng…”.

Thời gian tới, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở Nghệ An sẽ có nhiều thuận lợi mới khi Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập. Theo các chuyên gia du lịch: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An với vị thế là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh chắc chắn sẽ tập hợp được nguồn lực, trí tuệ, giúp cho các hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch tránh được tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính hệ thống.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa xúc tiến du lịch với xúc tiến đầu tư sẽ tạo nên sức mạnh lớn hơn khi thu hút doanh nghiệp; mọi vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch được giải quyết tốt hơn. Còn trước mắt, các cấp ngành, địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Nghệ An hậu dịch Covid-19 năm 2020 của UBND tỉnh.

Yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, đơn vị cần lựa chọn đa dạng hình thức; nội dung truyền thông, xúc tiến, quảng bá phải rõ ràng, phù hợp với từng thị trường khách du lịch; ưu tiên ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quảng bá, xúc tiến; xây dựng chương trình kích cầu hấp dẫn, tính khả thi cao, với thông điệp truyền thông: “Nghệ An – điểm đến an toàn và khác biệt”, “Người Nghệ An đi du lịch Nghệ An”… Việc thực hiện tốt kế hoạch này sẽ giúp cho Nghệ An biến thách thức Covid-19 thành cơ hội, góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của vùng.

Trong một cuộc họp về phát triển du lịch năm 2019, đồng chí Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo rõ: “Cần đa dạng về hình thức, kết hợp quảng bá trực tiếp với quảng bá qua hệ thống truyền thông và mạng xã hội. Đặc biệt cần tạo sự đột biến về quảng bá xúc tiến du lịch qua môi trường mạng internet gắn du lịch thông minh. Du lịch qua mạng, du lịch trực tuyến và phát triển hệ thống cổng thông tin du lịch chất lượng đáp ứng hỗ trợ cho nhu cầu ngày càng cao của du khách…”.