Bài 2: Thực trạng điểm đến

Đập Phà Lài là công trình thủy lợi ở huyện Con Cuông, được khởi công xây dựng từ ngày 3/2/2000 và hoàn thành ngày 19/5/2002. Với con sông Giăng thơ mộng và làng mạc Môn Sơn trữ tình, đập Phà Lài nhanh chóng trở thành một thắng cảnh, thu hút du khách về thưởng ngoạn. Hơn 10 năm trước, ngay ở đập Phà Lài đã hình thành nên điểm đón du khách đầu tiên, với 3 nhà bè phục vụ nhu cầu ăn uống nằm trên mặt nước của đập ngay tại bến thuyền dân sinh và một số thuyền phục vụ du khách khám phá sông Giăng…

Cần phải khẳng định: Sự tồn tại của các bè nổi phục vụ ăn uống này cùng một số thuyền là trái phép, vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đường thủy, an toàn công trình thủy lợi, an toàn vệ sinh thực phẩm… Theo thời gian, sự tồn tại các bè nổi ngày càng bất cập khi gây mất vệ sinh môi trường (tất cả rác thải, nước thải trên nhà bè đều xả thẳng xuống đập); các vụ lật thuyền, cháy thuyền chờ khách (của nhà bè) liên tục xảy ra; các nhà bè tranh giành khách làm mất an ninh trật tự. Dẫu vậy, các bè nổi không những bị dẹp bỏ mà ngày càng được sửa kiên cố và phát sinh thêm (hiện tại đã lên đến 5 bè). Có nhà bè đã mua thêm thuyền lớn để chở khách dẫu không có giấy phép hoạt động.

Để phát triển du lịch ở đập Phà Lài, năm 2017, huyện Con Cuông đã kêu gọi một doanh nghiệp vào đầu tư với những cam kết tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp này đã lập dự án và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng ý chủ trương giao đất. Doanh nghiệp đã vừa xây dựng vừa khai thác… Tuy nhiên, bất cập là các bè nổi hoạt động trong phần đất, mặt nước được giao doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cho hay: “Nhà bè hoạt động, thu hút du khách ngay trên phần đất dự án. Huyện, xã, doanh nghiệp và nhà bè đã có nhiều cuộc họp giải quyết song không thể thống nhất được giải pháp hỗ trợ. Nhà bè còn nhiều lần gây gổ, hành hung người của doanh nghiệp… ”.

Việc giao đất cho dự án đầu tư du lịch ở đập Phà Lài vẫn trong vòng luẩn quẩn. Các cuộc họp được tổ chức, văn bản ban hành khá nhiều song tiến triển trên thực địa không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, xã Môn Sơn tỏ ra thiếu quyết liệt trong việc chấn chỉnh hoạt động du lịch trái phép. Ông Lương Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho hay: “Xã cũng đã ra các văn bản đình chỉ hoạt động của nhà bè nhưng nói thật rất khó để dẹp bỏ vì người kinh doanh cũng là con em trong xã. Mong muốn của xã vẫn là vận động người dân tự dẹp bỏ bè và rời khỏi mặt nước; vận động doanh nghiệp và chủ bè hợp tác”.

Thực trạng đáng buồn trong đầu tư du lịch ở đập Phà Lài có nguy cơ tái diễn tại đập Cầu Cau (xã Thanh An, huyện Thanh Chương). Hồ đập Cầu Cau xây dựng năm 1963; trong hồ đập này có 100 bán đảo và 35 đảo trồng chè. Vẻ đẹp của Đảo Chè – Hồ Cầu Cau đã thu hút du khách về tham quan trong những năm gần đây. Vào ngày thường, trung bình Đảo Chè đón khoảng trên dưới 200 khách tham quan. Ngày cuối tuần có vào khoảng 600 – 800 du khách và ngày lễ thì hàng nghìn người.

Năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chấp thuận chủ trương Dự án đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau của một doanh nghiệp. Song từ năm 2017 đến nay, nhà đầu tư này chỉ có quyết định phê duyệt đầu tư, phê duyệt bản đồ tỷ lệ 1/5000, thực hiện xong việc kiểm đếm mặt bằng giai đoạn 1 cách đây gần 2 năm song chưa có kinh phí để thực hiện đền bù. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Nhà đầu tư yếu về năng lực tài chính nên huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định chấp thuận dự án, kêu gọi những nhà đầu tư chuyên nghiệp khác, có năng lực tốt hơn. Tháng 7/2019, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì làm việc cùng nhà đầu tư này để giải quyết dứt điểm, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn dậm chân tại chỗ”.

Trong quá trình dự án “treo”, ở Đảo Chè xảy ra nhiều vấn đề, gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư mới (nếu có) vào đầu tư du lịch tại đây. Người dân trong vùng hoạt động kinh doanh, vận chuyển du lịch trái phép; xây dựng trái phép nhiều công trình kiên cố, bán kiên cố phục vụ du khách, phá hủy cảnh quan của hồ đập; các hộ dân chờ đền bù thực hiện sang nhượng đất trái phép đón đầu dự án. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh trật tự, tranh giành, chặt chém du khách cũng xảy ra.

Ngoài vấn đề nêu trên, lý do khiến cho các doanh nghiệp có tiềm lực ngại đầu tư du lịch vào Nghệ An còn là ý thức, trình độ nhân lực thiếu và yếu. Tính đến nay, nhân lực làm việc trong ngành du lịch ở tỉnh là 15.000 người. Nguồn nhân lực này được đánh giá là thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Tỷ lệ được đào tạo chuyên sâu còn thấp, doanh nghiệp du lịch khi nhận sinh viên mới tốt nghiệp phần lớn phải dành thời gian đào tạo, bồi dưỡng mới đáp ứng được yêu cầu.

Du lịch Nghệ An vẫn thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khách sạn nhỏ và vừa, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp và lao động giỏi ngoại ngữ, có nghiệp vụ giỏi, tay nghề cao về kinh doanh khách sạn, nhà hàng, kinh doanh khu, điểm du lịch. Số lượng cán bộ, công nhân viên được đào tạo và cấp chứng chỉ còn hạn chế, chủ yếu là tại các khách sạn 3-4 sao… Và ngay cả những cán bộ quản lý nhà nước về công tác du lịch ở các địa phương cũng không mấy người được đào tạo chuyên sâu du lịch.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 cơ sở đào tạo về du lịch, trong đó có 3 trường đại học, 3 trường cao đẳng và 1 trường trung cấp. Song chương trình đào tạo về du lịch chưa đi sâu vào kỹ năng nghiệp vụ, còn nặng về lý thuyết; thời gian thực tập tại các doanh nghiệp du lịch của sinh viên còn ít; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp.

Tương tự, nhân lực làm du lịch ở cộng đồng cũng hạn chế, thiếu nhiều kỹ năng cần thiết. Tháng 9/2019, Nghệ An tổ chức đón tiếp đoàn báo chí quốc tế đến từ 8 quốc gia về khảo sát tuyến điểm du lịch trong thời gian 2 ngày. Sau chuyến khảo sát, nhà báo Ấn Độ De Rupanjana nhận xét: “Người làm du lịch địa phương cần được đào tạo để có thể giao tiếp bằng tiếng Anh bởi du khách nước ngoài cũng rất cần học hỏi, hiểu thêm về văn hóa và rất nhiều điều khác của địa phương. Nhiều điểm đến còn thiếu hướng dẫn viên tại điểm”.

Theo báo cáo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Trong 3 năm triển khai dự án Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp Nghệ An giai đoạn 2016 – 2018, tổ chức này đã phái cử chuyên gia từ Nhật Bản sang huấn luyện và hướng dẫn kỹ năng đón tiếp phục vụ khách. Nhiều kết quả đạt được rất tích cực song trình độ, kỹ năng trong phục vụ khách du lịch của người dân vẫn chưa chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) còn rất hạn chế. Tiến sĩ Ando Katsuhiro, Đại học Nữ Chiêu Hòa, chuyên gia JICA tại Việt Nam cho rằng: “Các cơ quan quản lý cần xem trọng sự cân bằng giữa “phát triển cộng đồng” và “thị trường” để có những bước đào tạo nhân lực phù hợp”.

Ông Trần Xuân Cường – Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nêu ý kiến: “Nhận thức của người dân trên địa bàn về tham gia hoạt động du lịch còn hạn chế, nhiều hộ dân ở đại đa số bộ phận, khu dân cư không quan tâm đến việc khách du lịch xuất hiện trên địa bàn để làm gì, ở địa phương mình có những điểm du lịch nào, có cái gì để phục vụ cho khách, nhà mình hoặc địa phương có những mặt hàng, công việc gì để có thể làm dịch vụ cho khách, sẽ thu lợi được những gì khi phục vụ cho khách du lịch…!

Ông Tạ Khắc Uyên – Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành Nghệ An, Hiệp hội du lịch Nghệ An cho rằng: “Thực trạng này đòi hỏi các cấp ngành cần coi trọng hơn công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, giáo dục nâng cao dân trí, tuyển dụng và quan tâm bồi dưỡng đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn”.