Rời Nậm Cắn, chúng tôi thực hiện chuỗi hành trình qua các bản làng biên giới của huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong để đến điểm cuối là Cửa khẩu Thông Thụ. Đi trên Quốc lộ 16, qua những địa danh Phá Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Mỹ Lý (Kỳ Sơn), nhận thấy chính quyền và người dân đã tích cực sử dụng các biện pháp phòng vệ phòng, chống dịch Covid -19. Những băng rôn lớn với dòng chữ: “Toàn dân cảnh giác phòng, chống dịch Covid-19” đã được căng ngang tuyến đường; còn đồng bào các dân tộc, đã mang khẩu trang ở những nơi tập trung đông người, hoặc khi đi lại.
13h30, khi dừng nghỉ tại bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý, chúng tôi nhận được điện thoại của Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, anh Kha Văn Ót. Anh thông tin, ở xã Mai Sơn có sự việc một người dân trốn khỏi nơi cách ly tập trung. Nhờ người dân báo tin, chính quyền và lực lượng biên phòng đã vận động, đưa đi cách ly trở lại; còn ở xã Nhôn Mai đã phát hiện 7 người từ Lào trở về nước theo lối mòn bản Huồi Cọ. Những người này đã được đưa đến khu cách ly của huyện Kỳ Sơn. Biết chúng tôi sẽ theo Quốc lộ 16 để sang huyện Quế Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nhắn gửi: “Đi cung đường ấy sẽ qua Mai Sơn, Nhôn Mai. Nên dành thời gian để nắm bắt lại chính xác sự việc, thông tin trên báo để quân và dân vùng biên tăng cường cảnh giác trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Từ bản Hòa Lý đi Mai Sơn chỉ chừng vài chục km. Trời lây phây mưa, đường dốc trơn, đến 15h chúng tôi mới tới được địa bàn xã Mai Sơn. Ở đây, trên Quốc lộ 16 có chốt do lực lượng biên phòng canh gác người vào địa bàn. Vào trạm xuất trình giấy tờ, và nói rõ lý do của chuyến đi, cán bộ của trạm đã thông tin về sự việc vận động, đưa đi cách ly đối tượng trốn cách ly. Tuy nhiên, các anh trao đổi: “Theo quy định, việc phát ngôn phải do người có thẩm quyền. Chúng tôi chỉ xác nhận là có sự việc như vậy, còn để nắm rõ sự việc, các anh nên liên hệ với lãnh đạo xã Mai Sơn…”.
Kết nối với Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, anh Lô Văn Quang, được biết người bị đưa đi cách ly trở lại là L.V.X ở bản Huồi Xá. Theo anh Quang, sau khi bị phát hiện trốn khỏi nơi cách ly, L.V.X đã tường trình là từng sang Lào làm nghề cầu đường. Ngày 22/3/2020, L.V.X trở về qua Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, sau đó được đón đi cách ly ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện HNĐK tỉnh. Vào đây, L.V.X nhận phòng và ở một mình. Thời gian làm việc ở Lào, do sập giàn giáo, bị thương nhẹ, đau xương sườn phía bên trái nên khi L.V.X khai báo y tế thì được đưa đi xét nghiệm máu (có cầm tờ giấy xét nghiệm máu về nhà) rồi dẫn đi khám tổng thể. Lúc này, L.V.X xô đẩy y, bác sĩ rồi ra chạy ra cổng bắt xe đi luôn. L.V.X đã bắt 3 chặng xe (xe buýt/xe ca) mới đến Diễn Châu, sau đó lại bắt xe ca về thị trấn Hòa Bình trong buổi tối ngày 23/3. Tối hôm đó L.V.X nghỉ tại một nhà trọ tại thị trấn, đến sáng ngày 24/3, thì tiếp tục đi xe ca lên Mường Xén, rồi thuê xe lai về đến nhà lúc 11h10’. Thông qua tin báo của nhân dân, chính quyền xã đã đến lấy lời khai, cách ly L.V.X tại một ngôi nhà trống trong bản Huồi Xá lúc 11h15’ rồi báo cáo lên huyện. Đến 18h55, Trung tâm y tế huyện đưa xe đến đón L.V.X đi cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện Kỳ Sơn.
Chủ tịch UBND xã Mai Sơn trao đổi, sau sự việc này, nhận thấy cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống Covid – 19, xã đã kết hợp Đồn Biên phòng Nhôn Mai tổ chức chốt chặn tại 3 điểm, gồm Trạm Biên phòng Mai Sơn và hai bản Piêng Cọc, Phà Kháo (là 2 bản Mông giáp Lào); hủy các cuộc tụ tập đông người, tuyên truyền người dân hoãn 3 đám cưới; đồng thời, tổ chức họp các bí thư, trưởng bản để triển khai phòng chống dịch. Trong đó, chỉ đạo phải tập trung cho công tác tuyên truyền đến từng người dân về việc thực hiện cách ly và các biện pháp phòng tránh dịch; đồng thời vận động nhân dân tham gia phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch, báo tin cho chính quyền và các lực lượng chức năng xử lý. “Đến 25/3, tại địa phương có 32 người đi làm ăn xa ở trong nước trở về địa phương đều được khám kiểm tra và cho kết quả sức khỏe bình thường. Một đám cưới vào ngày 23/3 đã làm thịt lợn. Xã đã vận động hoãn đám cưới, thịt lợn đã làm được bán, chia hết cho người dân…”, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn Lô Văn Quang trao đổi.
Về việc 7 người từ Lào trở về nước theo lối mòn bản Huồi Cọ, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Lương Xuân Hiệp cho biết, được phát hiện và đưa đi cách ly ngày 23/3/2020. 7 người này đi bằng phương tiện xe máy. Khi qua chốt, lực lượng biên phòng và dân quân xã dựng xe kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, cả 7 người đều không có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Lực lượng ở chốt đã lập biên bản, rồi báo cáo Đồn và UBND xã. Xác định những người này quá trình xuất cảnh và nhập cảnh đều vi phạm pháp luật, xã đã báo cáo UBND huyện, sau đó nhận được chỉ đạo đưa đi cách ly. “Rất vất vả, nhất là lực lượng biên phòng. Họ phải sử dụng phương tiện, cho cán bộ áp tải trong đêm. Đường từ Nhôn Mai đến Khu cách ly huyện Kỳ Sơn đến hơn 150 km, đi hết đến 3 giờ đồng hồ…”, anh Lương Xuân Hiệp nói.
Đi trên địa bàn xã Nhôn Mai, tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra còn khẩn trương hơn cả xã Mai Sơn. Không những lập chốt canh gác đường tắt, lối mòn biên giới, UBND xã còn phối hợp với Đồn Biên Phòng Nhôn Mai tổ chức gác trên Quốc lộ 16, đoạn giáp với xã Tri Lễ của huyện Quế Phong; đồng thời cử Trưởng trạm Y tế xã phối hợp quân y biên phòng để kiểm tra, đo thân nhiệt cho những hành khách đi vào địa bàn.
Ở chốt gác bên Quốc lộ 16 (có tên là Tổ công tác Thăm Thẳm – Đồn biên phòng Nhôn Mai) đang tạm giữ những chiếc xe máy của 7 người nhập cảnh trái phép. Theo Thiếu tá Hoàng Ngọc Cảnh thì những người này có hộ khẩu ở huyện Yên Thành; và hành vi của họ là “trốn sang Lào, và rồi trốn trở lại Việt Nam”, không những đưa đi cách ly tập trung mà còn cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Thiếu tá Hoàng Ngọc Cảnh nói: “Tôi không trực tiếp áp tải những người này đi cách ly, nhưng biết là rất vất vả. Phải đến nửa đêm anh em làm xong thủ tục giao nhận người với bên Kỳ Sơn…”.
Ở Tổ công tác Thăm Thẳm, tôi gặp lại một người quen, là nhân vật chính trong bài viết về dịch sởi ở Piêng Cọc, xã Mai Sơn năm 2014: Bác sỹ Và Bá Tủa. Anh Và Bá Tủa nổi tiếng với danh hiệu bác sĩ của đồng bào Mông, từng là điển hình tiên tiến của ngành Y tế Nghệ An được Nhà nước tuyên dương năm 2015. Ngày ấy, khi vào Piêng Cọc, với vai trò của báo chí, tôi đã thực hiện phỏng vấn, lấy hình ảnh, và ngủ cùng Tủa. Vậy nhưng khi gặp gỡ, Tủa đã không nhận ra. Chỉ mãi đến tôi nhắc đến dịch sởi ở Mai Sơn năm 2014, Tủa mới cười lớn, rồi thốt lên: “Nhớ rồi. Nhưng không bắt tay mô nhá. Bây giờ là “giờ vàng” của dịch Covid-19 mà. Không thể không cảnh giác…”.
Hỏi bác sĩ Và Bá Tủa “đồng bào Mông của nước Lào thường sang Nhôn Mai khám bệnh, bây giờ cả hai nước đều nghiêm cấm qua lại biên giới thì làm sao?”, Tủa trầm ngâm một lát rồi nói: “Dân bản Tồng Xủa (huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, Lào) vẫn gọi điện sang suốt để nhờ chữa bệnh đấy. Nhưng mình nói, đừng sang nữa. Dịch bệnh thế này, phải giữ gìn thôi, để không mắc bệnh, lây lan cho cộng đồng!”.