Bài 2: Nậm Cắn, một vành đai thép

Chặng đường từ Khu cách ly huyện Kỳ Sơn lên Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chỉ có chiều dài 33km, nhưng trời sẩm tối, sương dày nên phải đến 18h45 chúng tôi mới lên được đến nơi này. Quang cảnh thật vắng lặng. Trong ánh đèn nhòa sương tỏa xuống từ cửa khẩu, chỉ có vài chiến sĩ biên phòng đang trực bên bốt gác, còn xung quanh, tịnh không một bóng người.

Lên Đồn Biên phòng Nậm Cắn, ghé vào trực ban để làm thủ tục theo quy định thì liên tiếp có mấy hồi chuông reo. Hỏi cán bộ trực ban: “Đang có việc gì hay sao vậy?”. Anh cán bộ vừa kiểm tra giấy tờ, vừa nhã nhặn: “Chuông thông báo đến giờ ăn cơm tối đấy anh. Đồn cho anh em ăn cơm sớm hơn để mọi người còn lên chốt thay ca trực…”. Đón chúng tôi là Đồn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Hồng Đức và Chính trị viên, Trung tá Trịnh Văn Quế. Vừa chào nhau, Thiếu tá Nguyễn Hồng Đức nói luôn: “Rất vất vả nhưng trong tình hình dịch thế này thì phải nỗ lực, cố gắng thôi. Cũng còn may cho chúng tôi là tỉnh đã nhanh chóng thành lập 3 khu cách ly Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông. Nếu vẫn như trước, với lưu lượng người trở về như vậy mà phải vận chuyển với cung đường 260km để về khu cách ly tập trung của tỉnh thì còn vất vả hơn rất nhiều…”.

Cũng lúc này, một phương tiện vận chuyển người dân xuống Khu cách ly tập trung cũng về đến đồn. Trên xe có 2 người bước xuống. Từ xa, họ gật đầu chào mọi người rồi lặng lẽ rảo bước lên tầng hai của một dãy nhà hai tầng, rồi vào phòng và đóng cửa lại. Tò mò hỏi, Thiếu tá Nguyễn Hồng Đức giải thích: “Đấy là những đồng chí lái xe được Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tăng cường lên giúp Đồn trong thời gian đồng bào ta từ Lào trở về nước tránh dịch Covid-19. Thực hiện công tác lái xe, vận chuyển, bình quân mỗi ngày, đồng chí ấy tiếp xúc gần với những người từ Lào về đến 4 – 5 lần. Vì vậy, dù rất có ý thức phòng dịch và đã được trang bị đồ bảo hộ nhưng để bảo vệ cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, mỗi khi trở về thì thực hiện cách ly, các đồng chí ấy sẽ không tham gia bất kỳ các hoạt động của Đồn. Lắm khi thấy anh em thể dục thể thao, thèm đến phát khóc nhưng cũng đành chịu. Cơm, nước sẽ được bộ phận nhà bếp đưa đến tận phòng…”.

Để chúng tôi được thấy sinh hoạt riêng của các lái xe, anh Đức cho người đưa chúng tôi đi và dặn: “Giữ cự ly an toàn, mọi người chỉ đứng ngoài cửa phòng thôi nhé”. Lên tầng 2, nhìn qua song cửa sổ, qua làn da sạm, nét mặt trầm tư, tôi đoán hẳn tuổi các anh cũng đã trên dưới 40. Và suất cơm tối đã được đưa lên, nhưng các anh còn chưa dùng đến. Bởi, đang dùng điện thoại livestream để nói chuyện, ngắm vợ con…

Theo Chính trị viên Trịnh Văn Quế, đường biên giới Việt Nam – Lào qua địa bàn xã Nậm Cắn có chiều dài hơn 26km. Ngoài Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, suốt tuyến có rất nhiều những lối tắt, lối mòn. Bởi vậy, Đồn Biên phòng Nậm Cắn và các lực lượng công an, dân quân xã đã tính toán các điểm gom các lối tắt, lối mòn thiết lập 5 chốt, để tổ chức canh gác thường xuyên. Nghe anh nói, chúng tôi đề xuất: “Đã lên đến đây, đề nghị anh cho được lên thăm chốt”.

Đúng 20h, chúng tôi được trang bị mỗi người một chiếc đèn pin để ngược chốt. “Mỗi người các anh đều phải có thứ này để trèo dốc, lội khe. Cũng hơi mệt đấy…”, Phó Đồn trưởng, Đại úy Nguyễn Duy Sinh dặn. Chốt số 4 nằm ở mé phải Cửa khẩu Quốc tế Nậm Giải, được gọi là “cánh gà cửa khẩu”. Để đến được chốt, phải đi qua những con khe cạn, dốc núi.

Sau vài chục phút, chúng tôi đến được chốt, là một chiếc lán lớn được dựng từ những cây tre nhỏ, già, đảm bảo chắc chắn. Lán được phủ bạt và khá nổi bật, bởi chiếc băng rôn lớn với dòng chữ “Toàn dân tích cực phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và một tấm biển khá lớn đề: “Đồn Biên phòng Nậm Cắn – Chốt phòng chống dịch bệnh Covid-19” trong ánh sáng bập bùng của bếp lửa. Tại đây, có 3 cán bộ, chiến sỹ mới từ đồn xuống thay ca trực. Tổ trưởng – Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn lia đèn pin xuống khu vực trước mặt chốt, cho chúng tôi thấy thấp thoáng những con đường mòn nhỏ đan xen, nói: “Đấy là những lối mòn mà người dân hai bên tạo ra khi qua lại biên giới. Sở dĩ chốt ở đây, là vì có nhiều lối mòn từ bên Lào tụ về để sang phía bên ta…”.

Lưu lại đây vài chục phút, chúng tôi lại cùng với Phó Trưởng đồn Biên phòng Nậm Cắn vượt lên chốt số 3. Chốt này cao hơn, và ngoài 3 cán bộ, chiến sỹ thì có thêm một công an viên và một dân quân xã. Anh Già Bá Cô – dân quân xã cho biết, chốt số 3 được lập đã lâu, khoảng tháng 9/2019 khi có dịch lợn tai xanh. Thời gian đó, tại đây xã và lực lượng biên phòng ngăn không cho buôn bán, vận chuyển trâu bò qua biên giới. Còn thời gian vừa qua thì thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, chốt có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn kịp thời những đối tượng có ý định nhập cảnh trái phép. “Anh em làm nhiệm vụ tại chốt nhiều ngày tháng rồi. Riêng anh em biên phòng, đã hơn 2 tháng chưa về với gia đình đấy…”, Thiếu tá Nguyễn Bá Sáng cho biết. Đêm đã về khuya, sương mỗi lúc lại thêm nặng hạt, vùng giáp ranh như lạnh và vắng hơn.

Dù thấm mệt nhưng hơn 6h sáng ngày hôm sau chúng tôi đã “được” thức dậy. Bởi Đại úy Nguyễn Duy Sinh thông báo: “Ở cửa khẩu mới báo cáo có 15 người từ Lào về, anh em sẽ làm thủ tục để họ được nhập cảnh, đưa về khu cách ly. Các anh tranh thủ thời gian ăn sáng rồi ta xuống nắm bắt tình hình…”.

Đúng 7h, chúng tôi được Đồn trưởng Nguyễn Hồng Đức đưa xuống khu vực làm thủ thục nhập cảnh. Phía đối diện, cửa khẩu của nước bạn Lào không một bóng người. Còn bên này, người trở về đã lên con số 33. Hỏi thăm một nhóm khoảng hơn 10 người là những gia đình trẻ nói giọng Bắc, được biết họ là người tỉnh Hưng Yên, qua Lào làm ăn được một thời gian ngắn. Một bạn trẻ nói: “Bên ấy có dịch rồi, phải về thôi chú ạ. Nếu ở lại, không may mắc bệnh thì nguy lắm. Bọn cháu đã thông báo cho mọi người ở quê biết là sẽ cách ly tập trung ở Nghệ An 14 ngày rồi mới về nhà. Nói thật là về được đến đây bọn cháu yên tâm, sướng lắm rồi…”.

Trước khi làm các thủ tục nhập cảnh, cả 33 người được những người đang làm nhiệm vụ nơi đây, gồm bộ đội biên phòng, cán bộ của kiểm dịch y tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu tận tình hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Đại úy Nguyễn Thanh Minh – Trạm trưởng Trạm biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn trao đổi: “Chúng tôi được cấp trên chỉ đạo, mọi việc tuân thủ đúng quy định nhưng phải hết sức khẩn trương, không để cho người dân trở về phải lo lắng…”.

Rồi mọi việc cũng được hoàn tất trong chỉ khoảng dăm chục phút. Không có dấu hiệu bất thường, tất cả 33 người được đưa qua cổng an ninh để một chiến sỹ biên phòng dẫn về khu cách ly tạm thời chờ xe. Và cũng không phải chờ lâu, chỉ ít phút sau, xe ô tô của Đồn Biên phòng Nậm Cắn đã có mặt. 33 người xếp thành hàng một kiểm tra thân nhiệt, rồi lên xe để về Khu cách ly tập trung huyện Kỳ Sơn.

Trước khi rời Nậm Cắn, Thiếu tá Nguyễn Hồng Đức cho biết anh mới liên lạc, nắm tình hình bên nước bạn Lào. “Sẽ có thêm nhiều người từ Lào trở về trong ngày hôm nay và các ngày tới…”, anh nói. Trao đổi với anh về việc các cán bộ, chiến sỹ đã nhiều ngày chưa được về thăm gia đình… Một thoáng trầm tư qua nhanh, anh cười: “Tôi cũng mới gọi điện thoại về cho gia đình. Vì yêu cầu của công việc, và cũng vì để giữ gìn sức khỏe cho mọi người…”.