Theo đồng chí Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông, việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân có thể giúp người đứng đầu nắm được tình hình chung trên địa bàn, trong đó có những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Bởi từ phản ánh, kiến nghị của công dân cũng như kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ các địa phương và các ngành liên quan, người đứng đầu cấp ủy sẽ nắm bắt được địa phương, ngành nào còn có những tồn tại, hạn chế gì, hay trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức còn có những sai sót, bất cập gì cần khắc phục, chấn chỉnh.
Ví như vụ việc công dân Trần Công Hợp tố cáo đồng chí Nguyễn Văn Hùng – nguyên Bí thư BCH Đảng bộ xã Bồng Khê (hiện đã được điều chuyển công tác tại Đảng bộ xã Cam Lâm) chưa quan tâm chỉ đạo UBND xã phối hợp với các ngành giải quyết khiếu nại, tố cáo dẫn đến để vụ việc kéo dài. Sau phiên tiếp dân, Bí thư Huyện ủy Con Cuông đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy phối hợp với các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết.
Sau khi xem xét, xác minh, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Con Cuông đã ban hành Thông báo số 26-TB/UBKT HU ngày 7/5/2019, trong đó nêu: Việc công dân tố cáo đồng chí Nguyễn Văn Hùng chưa thể hiện hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên là tố cáo đúng. Với vai trò là Bí thư BCH Đảng bộ xã, khi nhận được đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân, cần lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ xem xét, rà soát từng nội dung, xác định rõ trách nhiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoặc ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo… Do vậy, dẫn tới UBND xã chưa giải quyết dứt điểm đơn thư dẫn đến công dân tiếp tục tiếp khiếu, tiếp tố. Qua kiểm tra, xác minh trong 24 nội dung công dân yêu cầu kiến nghị, phản ánh, có 15 nội dung các cấp, ngành, cán bộ, công chức có thẩm quyền, có trách nhiệm của xã có tồn tại khuyết điểm, 9 nội dung đã được các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết và vẫn còn nhiều nội dung kiến nghị của công dân chưa được giải quyết. Những tồn tại, khuyết điểm nêu trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của BCH Đảng bộ, trực tiếp là vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Hùng và chính quyền xã Bồng Khê tại thời điểm liên quan, làm cho tình hình đơn thư khiếu kiện của công dân kéo dài, dây dưa, gây dư luận không tốt trong một số cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã kiến nghị UBND huyện Con Cuông chỉ đạo UBND xã Bồng Khê chấn chỉnh công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, đảng viên. Đối với Đảng ủy xã Bồng Khê, yêu cầu tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm và có hình thức xử lý phù hợp theo đúng quy định của Điều lệ Đảng hiện hành. Đối với cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UBKT Huyện ủy yêu cầu nghiêm túc phối hợp cùng Đảng ủy, UBND xã Bồng Khê có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, khuyết điểm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tình hình quản lý đất đai trên địa bàn. Đồng thời làm rõ trách nhiệm và tự nhận hình thức kỷ luật phù hợp theo chức trách thẩm quyền.
Cũng theo người đứng đầu Huyện ủy Con Cuông: Các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nếu chắt lọc người đứng đầu cấp ủy có thể phát hiện những cán bộ năng lực yếu kém, quan liêu, xa rời dân, có phẩm chất đạo đức không trong sáng hoặc có dấu hiệu tham ô, tham nhũng. Như trường hợp một số công dân thôn 2/9, xã Châu Khê tố cáo một số cán bộ xã Châu Khê và nguyên cán bộ thôn 2/9 lợi dụng chức vụ, quyền hạn có tổ chức chiếm đoạt tiền hỗ trợ, đền bù GPMB Thủy điện Chi Khê, khai khống số lượng cây, tiền đền bù cây.
Sau khi nghe công dân trình bày và tiếp nhận đơn, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã giao cho UBND huyện phối hợp Nhà máy Thủy điện Chi Khê kiểm tra, rà soát. UBND huyện Con Cuông đã thành lập đoàn xác minh nội dung tố cáo, qua đó phát hiện một số nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền hỗ trợ, đền bù GPMB Thủy điện Chi Khê. Ngay sau khi có kết quả xác minh, từ đề xuất của Thanh tra huyện, UBND huyện Con Cuông đã chuyển hồ sơ vụ việc nêu trên để Công an huyện Con Cuông xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Từ thực tiễn tham dự các buổi tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy các địa phương, chúng tôi (PV) ghi nhận nhiều ý kiến phàn nàn của người dân liên quan đến trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là trên lĩnh vực đất đai đã được người đứng đầu quan tâm sàng lọc và chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Như tại phiên tiếp công dân tháng 8 của người đứng đầu Thị ủy Hoàng Mai, trước một số ý kiến phản ánh về tinh thần thái độ làm việc của cán bộ địa chính của một phường trên địa bàn gây “khó dễ” cho người dân, đồng chí Võ Văn Dũng – Bí thư Thị ủy Hoàng Mai cho rằng có dư luận, có nhiều người tố cáo cùng nội dung thì có vấn đề và giao cho các bộ phận liên quan kiểm tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm, nếu đúng xử lý nghiêm. “Công tác cán bộ là một lĩnh vực nhạy cảm. Do vậy, đối với những nội dung tố cáo liên quan đến cán bộ, sau khi kiểm tra, xác minh phải ban hành kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo và trả lời cho công dân bằng văn bản một cách rõ ràng. Kể cả nội dung tố cáo sai cũng phải công khai, minh bạch để trả lại sự trong sạch, uy tín cho cán bộ. Đối với những nội dung tố cáo đúng, phải chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm, thị xã không bao che cho cán bộ sai phạm nhưng tố cáo phải có căn cứ và đúng quy định của pháp luật”, người đứng đầu Thị ủy Hoàng Mai cho hay.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cung cách phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Bác dạy, người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân, vì dân mà làm việc. Việc triển khai thực hiện quy định 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị cũng là giải pháp để rèn luyện, đào tạo cung cách phục vụ nhân dân của cán bộ. Bởi khi người đứng đầu cấp ủy làm gương tiếp dân định kỳ một cách thực chất, nghiêm túc, thì người có trách nhiệm khác, nhất là người đứng đầu chính quyền các cấp sẽ không có lý do gì để “né” tiếp dân hoặc tiếp dân một cách chiếu lệ.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Bí thư Huyện ủy Yên Thành: Qua công tác tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy và các cán bộ chuyên môn liên quan không chỉ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, mà còn nắm sâu hơn vấn đề, thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh cũng như rèn luyện phương pháp, kỹ năng làm việc qua cách ứng xử, giải quyết, giao tiếp với công dân. Cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư phải luôn lấy chữ “nhẫn” làm đầu, bình tĩnh trong mọi tình huống và có kỹ năng giải thích, thuyết phục cao để giải tỏa bức xúc, giúp công dân đi thẳng vào trọng tâm, mấu chốt vấn đề cần trình bày. Mặt khác, việc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với dân cũng là cơ hội để người đứng đầu các cấp giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn trong dân. Đồng thời, tiếp nhận những ý kiến phản ánh để bổ sung, hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp.
Còn theo đồng chí Ngọc Kim Nam – Bí thư Huyện ủy Đô Lương: Thông qua công tác tiếp dân trực tiếp sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy, nhất là cấp xã nắm bắt bản chất vụ việc mà không cần phải dựa vào bộ phận tham mưu nhiều. Tùy theo tính chất vụ việc mà giao việc, giao tiến độ. Quan điểm của huyện là vụ việc thuộc thẩm quyền cấp xã thì cấp xã phải giải quyết trước, không làm thay, không đùn đẩy lên huyện. Người đứng đầu các địa phương phải thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết những bức xúc của dân. Cán bộ dù giỏi đến mấy mà né tránh tiếp dân cũng không thể coi là cán bộ tốt. Chỉ khi nào cấp xã không giải quyết được hoặc vượt quá thẩm quyền thì huyện mới vào cuộc giải quyết. Bởi thực tế cho thấy, địa phương nào cán bộ năng lực tốt, cần mẫn, chịu khó, gần dân thì nhiều vấn đề được giải quyết tận gốc ngay tại cơ sở, người dân không phải khiếu kiện lên trên.
Mặt khác, khi người đứng đầu cấp ủy đăng đàn “nghe dân nói, nói dân nghe”, với đầy đủ các thành phần trong hệ thống chính trị tham dự thì sẽ tạo sự tập trung cao, thông suốt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiết kiệm được thời gian, liên đới trách nhiệm buộc người đứng đầu của các sở, ngành và địa phương phải vào cuộc. Bên cạnh đó việc giao tiến độ, mốc thời gian giải quyết sẽ tạo áp lực để sự phối hợp giữa các ban, ngành, các bộ phận liên quan nhịp nhàng hơn, tinh thần làm việc, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức được nâng lên. Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh – cán bộ chuyên trách tiếp công dân huyện Hưng Nguyên thì khi người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân và chỉ đạo giao việc, sự phối hợp của các bộ phận liên quan thông suốt, rõ ràng hơn, không có tình trạng bao che, đùn đẩy lẫn nhau, tiến độ giải quyết nhanh hơn, người dân cũng đỡ mất công đi lại nhiều lần.
Trao đổi về việc thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng: Công tác tiếp dân, nếu làm thật nghiêm túc thì không chỉ “được việc, được dân” mà còn “được cán bộ”. Bởi đây là kênh thông tin tốt nhất, trực diện nhất để tiếp nhận các vấn đề bức xúc của xã hội. Người dân một khi đã đến gặp người đứng đầu cấp ủy thường mang theo những tâm tư, vấn đề cụ thể khó giải quyết và phức tạp nhất. Khi nghiên cứu vấn đề người dân phản ánh, tìm hiểu sâu các quy đinh của pháp luật sẽ giúp cho cán bộ những kinh nghiệm quý trong giải quyết các vụ việc và cả phông kiến thức phong phú trong lãnh đạo, điều hành. Bên cạnh đó, qua rà soát giải quyết các vụ việc, người đứng đầu cấp ủy sẽ nắm bắt được hiện trạng, năng lực, thái độ làm việc của các cơ quan chuyên môn, các địa phương để có sự điều chỉnh, uốn nắn, nhắc nhở kịp thời.