Bài 2: Được việc, được dân

Trong căn nhà xây dở dang tại thôn 2, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh, anh Nguyễn Văn Hào không giấu được niềm vui vì sau hàng chục năm, mảnh đất mà bố mẹ họ để lại đã được xét duyệt để cấp bìa đỏ. Chị Linh chia sẻ: Mảnh đất vợ chồng chị đang ở là của bố mẹ chồng để lại. Năm 2003 thực hiện chủ trương về việc di dân đến vùng kinh tế mới (vùng Căn Bòng), gia đình chồng chị đã lên khai hoang lập nghiệp và định cư từ đó đến nay. Sau khi có dự án làm đường lên Nhà máy Xi măng Tân Thắng, gia đình chị bị ảnh hưởng bởi dự án và được bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện nay, ngôi nhà cấp 4 đang ở đã xuống cấp, gia đình có dự định phá để làm nhà mới.

Tuy nhiên, vừa khởi công thì UBND xã đến lập biên bản yêu cầu dừng với lý do: Chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, chị Linh đã viết đơn và đến trình bày với đồng chí Bí thư Thị ủy Hoàng Mai tại phiên tiếp công dân tháng 7/2019. Sau khi nghe ý kiến của chị Linh, xem xét tài liệu liên quan, Bí thư Thị ủy Hoàng Mai Võ Văn Dũng đã giao các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Quỳnh Vinh xem xét, xác định lại nguồn gốc đất, nếu gia đình đủ điều kiện thì cấp Giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng  đất theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời hướng dẫn các thủ tục liên quan để cấp phép xây dựng nhà ở cho người dân.

Bí thư Thị ủy Hoàng Mai tiếp công dân.
Bí thư Thị ủy Hoàng Mai tiếp công dân.

Ngay sau đó, ngày 1/8/2019, chị Linh đã nhận được văn bản của Phòng Tài nguyên – Môi trường thị xã Hoàng Mai trong đó nêu rõ: Căn cứ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Văn Chương (bố chồng chị Linh đã mất) thì ông Chương đã sử dụng đất khai hoang làm trang trại từ năm 1997, xây dựng nhà ở ổn định liên tục cho đến nay và được sự đồng ý theo chủ trương dãn dân của UBND huyện Quỳnh Lưu (khi chưa chia tách). Vì vậy, thửa đất số 28, tờ bản đồ số 18 của gia đình ông Chương đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với việc xây dựng nhà ở, đề nghị UBND xã Quỳnh Vinh hướng dẫn gia đình liên hệ trực tiếp phòng Quản lý đô thị thị xã để lập hồ sơ cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Linh vui mừng cho biết: “Vợ chồng em cũng không nghĩ là được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo giải quyết nhanh thế, gia đình rất cảm kích. Thế là năm nay, chúng em vừa có niềm vui nhà mới, vừa  có bìa đỏ chính chủ rồi”.

Mảnh đất của gia đình chị Nguyễn Thị Linh (xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mảnh đất của gia đình chị Nguyễn Thị Linh (xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực tế qua công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy, nhiều việc tưởng “nhỏ mà không nhỏ” đã được phát hiện sớm, chỉ đạo, giải quyết kịp thời mang lại niềm tin cho người dân. Theo đồng chí Võ Văn Dũng – Bí thư Thị ủy Hoàng Mai: Tiến độ xử lý tùy vào tính chất vụ việc nhưng quan điểm là phải nắm bắt và xử lý sớm, nếu cần phải tổ chức đối thoại trực tiếp để tháo gỡ, không để tồn đọng, kéo dài làm phát sinh đơn thư khiếu kiện. Như việc giải phóng mặt bằng hạng mục rãnh thoát nước dọc đường Quốc lộ 1A đoạn từ km383-km387+600 qua phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai chưa triển khai thi công một cách đồng bộ, một số đoạn chưa bàn giao được mặt bằng để các hộ dân còn nhiều ý kiến phản ánh. Sau phiên tiếp công dân, theo kết luận của người đứng đầu cấp ủy, thị xã đã chỉ đạo đối thoại giữa các bên, xem mấu chốt vướng mắc ở đâu để tháo gỡ, hiện tại đã bàn giao 3/3,2 km mặt bằng và đang đôn đốc triển khai thi công.

Tại huyện Yên Thành, thông qua công tác tiếp công dân của người đứng đầu địa phương, nhiều vụ việc đã được chỉ đạo giải quyết ngay tại cơ sở. Như kiến nghị của công dân Bùi Thị Bình xóm 9, xã Viên Thành tại phiên tiếp công dân tháng 5 năm 2019, về việc gia đình bà không được bình xét hộ nghèo năm 2019 cũng như chưa có đường để đi. Sau khi có chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy, UBND xã Viên Thành đã giải quyết và có báo cáo cụ thể. Theo đó, sau khi được giải thích, bà Bình đã tự giác rút đơn kiến nghị hộ nghèo và xin nhận hộ cận nghèo. Về nguyện vọng xin mở đường vào nhà, UBND xã Viên Thành đã mời cấp ủy xóm 9 và hộ liền kề với nhà bà Bình lên làm việc, qua đó các bên đã thống nhất tạo điều kiện cho bà Bình đóng góp tiền để mở lối đi, tạo sự ổn định trong thôn xóm.

Bí thư Huyện ủy Yên Thành Nguyễn Văn Đệ (hàng đầu, bên phải) kiểm tra tình hình sản xuất của người dân.
Bí thư Huyện ủy Yên Thành Nguyễn Văn Đệ (hàng đầu, bên phải) kiểm tra tình hình sản xuất của người dân.

Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên Hoàng Văn Phi cho rằng, cái được lớn nhất thông qua việc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW là “được việc, được dân”. Việc lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt là những phản ánh, kiến nghị trực tiếp của công dân sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, nắm được mấu chốt vấn đề, qua đó có sự chỉ đạo, định hướng tháo gỡ các vụ việc một cách kịp thời, nhằm ổn định tình hình cơ sở, tạo niềm tin cho người dân. Như vụ việc một số hộ dân trú tại xóm Nam Phúc Long, xã Hưng Tây phản ánh hộ ông Ngô T. trú cùng xóm xây dựng tường rào lấn chiếm hành lang đường 27m tuyến Vinh – Hưng Tây. Sau khi có kết luận việc công dân phản ánh, ông Ngô T. xây dựng rào lấn chiếm là đúng, UBND huyện Hưng Nguyên đã giao cho UBND xã Hưng Tây yêu cầu gia đình ông Ngô T. tự tháo dỡ tường rào lấn chiếm hành lang đường 72m. Hiện, gia đình ông T. đã hoàn thành việc tháo dỡ trả lại mặt bằng như cũ.

Nói về việc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, nhiều công dân cho rằng, đây là việc làm cần thiết vì Đảng lãnh đạo toàn diện và hoạt động tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy sẽ là chiếc “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân. Qua đó, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị sẽ được phát huy. Mặt khác, trên thực tế mọi chủ trương, Nghị quyết của Đảng đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân, và cấp ủy Đảng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và bức xúc xã hội phát sinh. Khi người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lắng nghe dân sẽ hạn chế được tình trạng quan liêu giấy tờ, hứa rồi để đó, chậm giải quyết hoặc giải quyết không triệt để của một bộ phận cán bộ, công chức trong tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. “Một khi tâm tư, nguyện vọng của người dân được lắng nghe và chỉ đạo giải quyết một cách rốt ráo thì niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền sẽ được nâng lên”, ông Nguyễn Xuân Hồng, công dân xóm 2, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn chia sẻ.

Không chỉ trực tiếp “nghe dân nói, nói cho dân nghe” mà tại các phiên tiếp công dân, Bí thư cấp ủy còn có thể chất vấn trực tiếp cấp dưới và bộ phận tham mưu về những vấn đề dân phản ánh. Từ đó, giúp người đứng đầu nắm bắt được “mấu chốt” của sự việc để có định hướng chỉ đạo kịp thời. Mặt khác, khi cấp ủy cùng “vào cuộc” một cách quyết liệt trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, không “khoán trắng” cho chính quyền sẽ giúp rất nhiều cho các đơn vị, địa phương trong xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc điều chỉnh những bất cập trong thực thi chính sách, giải tỏa bức xúc cho người dân.

Như ở Hưng Nguyên, liên quan đến dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam giai đoạn 2017 -2020 đi qua địa bàn xã Hưng Đạo, mặc dù chưa có kết quả trích lục đo cụ thể nhưng qua khảo sát thực tế, các hộ dân tái định cư theo mốc giải phóng mặt bằng thì phạm vi thực hiện dự án có khoảng 21 hộ bị ảnh hưởng phải di dời tái định cư. Tuy nhiên, có 2 hộ là ông Phan Đình Lược và bà Hoàng Thị Thanh, trú tại xóm 6A, xã Hưng Đạo không nằm trong mốc giải phóng mặt bằng nhưng nếu thực hiện xong dự án thì 2 hộ này sẽ nằm biệt lập ra ngoài cộng đồng dân cư. Xét thấy kiến nghị của 2 hộ đề nghị được di dời tái định cư là chính đáng, huyện Hưng Nguyên đã ghi nhận và có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

Theo đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì mục đích của việc tiếp dân không chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin mà còn để giải quyết bức xúc. Bởi khi công dân đã tìm đến người đứng đầu cấp ủy thường là sự việc phức tạp đã qua nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không giải quyết được hoặc giải quyết chưa thỏa đáng do nhiều nguyên nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo ở huyện Nam Đàn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo ở huyện Nam Đàn.

Thực tế trên địa bàn Nghệ An thường tập trung vào nhiều nhóm vấn đề, trong đó nổi bật nhất là đất đai, giải phóng mặt bằng (tranh chấp, đền bù thu hồi đất)… Đây là vấn đề khó và không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng quan điểm chung là lợi ích, quyền lợi của người dân phải được đảm bảo, trừ những đòi hỏi không chính đáng, trái với quy định của pháp luật.

Tại các phiên tiếp công dân định kỳ theo Quy định 11- QĐi/TW, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát lại quá trình vụ việc công dân khiếu kiện, tố cáo liên quan lĩnh vực đất đai cũng như việc thực thi công vụ của cán bộ, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là sai phạm của cán bộ, đảng viên. Đối với nhóm vấn đề liên quan đến lợi ích tập thể, khiếu kiện tập thể dễ phát sinh điểm nóng phải ưu tiên giải quyết trước, đúng phạm vi thẩm quyền, đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch.

Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai thăm tàu cá ngư dân.
Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai thăm tàu cá ngư dân.

Từ thực tiễn triển khai, nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy các địa phương cho rằng trên thực tế tiếp nhận, giải quyết đơn thư là cả một quá trình với sự tham gia của nhiều cấp, ngành, địa phương. Tuy nhiên, khi người đứng đầu trực tiếp nghe và biết chắt lọc, sàng lọc những ý kiến của người dân sẽ nắm bắt được nhiều thông tin phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo chung. Mặt khác, có những vụ việc mặc dù các cấp ngành đã và đang quan tâm giải quyết nhưng tâm lý của người dân vẫn muốn gặp người đứng đầu, khi có tiếng nói của người đứng đầu, công dân cảm thấy yên tâm, tin tưởng hơn. Như vấn đề liên quan đến bồi thường thu hồi đất thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, trả lời công dân tại phiên tiếp công dân tháng 4, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh không né tránh mà thẳng thắn cho biết: Hiện nay, Chính phủ đã cho chủ trương xem xét đền bù đối với các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và tỉnh cũng đang tích cực kiến nghị Chính phủ sớm bố trí kinh phí (khoảng 220 tỷ đồng) để có nguồn chi trả kịp thời cho người dân. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện kiểm tra, rà soát hồ sơ của các hộ dân bị ảnh hưởng. Qua đó, chốt lại danh sách hồ sơ đủ và không đủ điều kiện đền bù, để khi có nguồn vốn từ Trung ương sẽ tiến hành chi trả cho dân.

Theo đồng chí Ngọc Kim Nam – Bí thư Huyện ủy Đô Lương thì thực tế cho thấy, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân không chỉ “được việc” mà còn “được dân”. Bởi khi ý kiến, nguyện vọng của dân được lắng nghe, tôn trọng thì niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò của người đứng đầu sẽ được nâng lên.

PV Báo Nghệ An trao đổi với công dân tham gia phiên tiếp dân của Bí thư Thị ủy Hoàng Mai.
PV Báo Nghệ An trao đổi với công dân tham gia phiên tiếp dân của Bí thư Thị ủy Hoàng Mai.