Bài 2: Thuận – khó các mô hình

Đã có rất nhiều mô hình thoát nghèo bền vững đã được Đảng, Nhà nước cùng các tổ chức chính trị, xã hội triển khai đồng bộ, giúp cho nhiều người thoát được nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, có nhiều mô hình sớm thất bại vì không phù hợp với đối tượng, điều kiện địa phương; nhiều dự án “đầu voi đuôi chuột” đã khiến người dân “vỡ mộng”.

Phát triển, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo, tỉnh Nghệ An đã triển khai xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất để người dân thực hiện. 5 năm qua, trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững. Điển hình như mô hình: Trồng cây chanh leo tại các xã Tri Lễ, Nậm Giải; trồng rau sạch tại xã Quế Sơn, cây dược liệu tại xã Nậm Nhoóng của huyện Quế Phong; chăn nuôi bò, lợn đen, gà ác; trồng gừng, khoai sọ … của huyện Kỳ Sơn; chăn nuôi lợn đen, lợn rừng, trồng cà chua quả to, trồng rau sạch ở huyện Tương Dương; cam không hạt ở huyện Quỳ Hợp; chăn nuôi vịt bầu ở huyện Quỳ Châu; rau an toàn ở huyện Quỳnh Lưu; các mô hình chăn nuôi trang trại lợn tại các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc…

Trong rất nhiều mô hình, thì mô hình “Sản xuất mây tre đan tại bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông” là một mô hình hay, mở lối thoát nghèo cho người dân miền núi. Bà Lang Thị Hoa – Chủ nhiệm HTX Mây tre đan bản Diềm kể: Bản Diềm là bản thuần nông của người Thái. Nghề đan lát tạo sản phẩm thủ công từ mây tre gắn liền với đời sống người dân từ xa xưa, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế từ việc sản xuất sản phẩm mây tre đan là không đáng kể. Năm 2014, với sự hỗ trợ của các Dự án VIE 028, Dự án Oxfam Hồng Kong, Dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Tổ sản xuất mây tre đan bản Diềm ra đời. Năm 2016, tổ sản xuất tham gia hội thi xóa đói, giảm nghèo Trung ương và đạt giải Ba. Từ đây, tổ sản xuất được Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn Việt Nam tập huấn thêm kỹ thuật. Huyện, tỉnh và xã hỗ trợ máy móc, nhà xưởng. Trong năm, tổ sản xuất lên hợp tác xã. Các thành viên đã sáng tạo ra những hoa văn độc đáo trên các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ, giống hoa văn trên những tấm thổ cẩm xưa.

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, năm 2018, bản Diềm đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm mây tre đan của HTX đã được giới thiệu, đưa ra bán tại các thị trường Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nhật, Đức… Sản phẩm của Hợp tác xã Mây tre đan bản Diềm chủ yếu được dùng làm đồ lưu niệm, trang trí độc đáo, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Đơn đặt hàng về liên tục, 75 thành viên HTX trong niềm vui bận rộn ngày đêm. Với nghề mây tre đan, mỗi thành viên trong HTX (chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ đơn thân, sức khỏe yếu, không thể tham gia việc đồng áng, nương rẫy) có thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng.

Bà Lang Thị Hoa chia sẻ: “Khi bắt đầu tham gia 8/54 hộ gia đình ở HTX là hộ nghèo. Sau một thời gian với nguồn thu nhập tăng thêm, có 6 gia đình đã thoát nghèo. Hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các đơn hàng nước ngoài không về, đơn hàng trong nước giảm, song HTX vẫn đang đảm bảo được thu nhập cho thành viên 2-2,5 triệu đồng/người/tháng”.

HTX Mây tre đan bản Diềm với nguồn lực đầu tư ít, song nhờ sự hướng dẫn chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, sự cố gắng của người dân nên có thành công lớn. HTX này đã và đang tạo nên cảm hứng cho nhiều làng có nghề khác ở các huyện miền núi Nghệ An. Chị Pịt Thị Hà – Chủ tịch UBND xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Học hỏi từ các mô hình kinh tế, địa phương đã và đang đẩy mạnh phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Toàn xã hiện có 79 hộ có nghề, với hơn 100 lao động tham gia. Trung bình mỗi năm, người dân ở xã bán được 7.200 sản phẩm với giá bình quân 500.000 đồng/sản phẩm thu về hơn 3,5 tỷ đồng. Sản phẩm thổ cẩm ở Na Loi được bán đi nhiều nơi, trong đó, có cả nước bạn Lào, trở thành nguồn thu chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Để chủ động nguồn nguyên liệu, năm 2020 xã đã triển khai cho nhiều hộ dân trồng dâu thí điểm tại địa phương. Dự kiến năm 2021, sẽ có những lứa tằm lấy tơ đầu tiên”.

Trong các điển hình về giảm nghèo của Nghệ An, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) là một địa phương cần nhắc đến. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở là xã 6,4%, thu nhập 28 triệu đồng/người/năm; đến năm 2020, số hộ nghèo giảm xuống còn 1,1%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ lên 48 triệu đồng/người/năm. Quỳnh Vinh cũng đã về đích nông thôn mới. Cách làm của xã Quỳnh Vinh đó là kết hợp các nguồn lực, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về vay vốn, nhà ở, tư liệu sản xuất, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… theo địa chỉ đích.

Ông Vũ Lê Hùng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho hay: Xã đã đẩy mạnh hướng nghiệp, đào tạo nghề để các lao động trong độ tuổi của xã vào làm ở nhà máy, khu công nghiệp vùng Nghi Sơn – Hoàng Mai; tạo điều kiện để gần 300 con em trong xã đi xuất khẩu lao động. Với những người quá độ tuổi lao động, phát huy lợi thế của địa phương có 2.000 ha rừng sản xuất, xã đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Với các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, xã đã thúc đẩy người dân hình thành nên 2 HTX chuyên sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn cho thu nhập cao. Khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, xã tham mưu cho thị xã, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, bao tiêu sản phẩm nông sản. Năm 2020, xã đã kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng 20 héc-ta ớt. Hiện nay, ớt được doanh nghiệp thu mua trở lại với giá 6.000 đồng/kg. Dự kiến mỗi héc-ta cho thu nhập đạt 300 triệu đồng.

Bên cạnh thành quả, chương trình giảm nghèo ở Nghệ An vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao hơn mức bình quân cả nước, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, vẫn còn hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Đặc biệt, vẫn còn những mô hình sản xuất chưa đem lại hiệu quả.

Theo ông Lê Văn Lương – Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Nghệ An thì: Nguồn đầu tư của Nhà nước hàng năm còn thấp. Quy mô đầu tư cho các mô hình còn dàn trải (nguồn vốn trên 1 mô hình còn nhỏ, tối đa 500 triệu đồng/mô hình) vì vậy, việc liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa bền vững còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc nhân rộng phát triển các mô hình sau đầu tư vẫn còn hạn chế. Trình độ tiếp thu khoa học, kỹ thuật, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới nghèo chưa tốt. Một bộ phận hộ nghèo vẫn đang có xu hướng thỏa mãn với điều kiện hoàn cảnh của mình, ý thức vươn lên để thoát nghèo chưa cao.

Tại xã vùng cao Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, cây chè được đưa vào đây từ năm 2003. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây chè rơi vào tình cảnh “được mùa, mất giá”. Đơn vị thu mua chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg. Gia đình ông Dềnh Dua Chò – bà Vừ Y Sềnh hiện đang có 1 héc- ta chè đang cho thu hoạch. 1 héc-ta chè này là nguồn sống của gia đình 4 người, vậy nên ông bà và 2 con rất chăm chút cho nó. Bà Sềnh than thở: “Mỗi năm thu nhập từ chè cũng chỉ đạt 50-60 triệu đồng. Với giá này, người siêng và nhanh nhẹn nhất mỗi ngày hái được 30 kg, cũng chỉ được 180.000 đồng/ngày, không đủ tiền công (ít hơn tiền công làm thuê ngày). Chưa kể đến công chăm sóc, phân bón. Người dân bỏ hoang rất nhiều”…

Ông Dềnh Bá Lềnh – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ chia sẻ: “Cây chè hiện là cây chủ lực ở xã với diện tích 400 héc-ta, trong đó 280 héc-ta đang cho thu nhập. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ trồng chè… song cây chè vẫn chưa thể là cây thoát nghèo cho người dân. Mong sao có thêm nhiều nhà máy về thu mua cho bà con để giá được ổn định. Giá chè tăng lên 10.000 -12.000 đồng/kg thì người dân Huồi Tụ mới có thể thoát nghèo bằng cây chè”.

Ở huyện Kỳ Sơn hiện nay, ngoài cây chè thì việc phát triển những loại cây khác cũng gặp khó khăn. Đơn cử như cây gừng, chanh leo. Gừng được mùa, nhưng đơn vị thu mua trả giá thấp hoặc không mua do địa bàn giao thông khó khăn, cước vận chuyển cao, quãng đường vận chuyển về nơi chế biến xa, sản phẩm dễ hư hỏng. Cây chanh leo thì không tìm được đầu ra.

Ở huyện Quỳ Châu có mô hình trồng gấc ở xã Châu Hạnh. Năm 2018, cây gấc được đưa về trồng thí điểm, lúc đó đơn vị thu mua khẳng định “chỉ có 1 quả gấc, cũng đến mua”. Quỳ Châu đã hỗ trợ giống, phân bón và thêm 2 triệu đồng/hộ để trồng. Bà Đinh Thị Mai, 77 tuổi, ở xã Châu Hạnh cho hay: “Gia đình trồng 300 gốc gấc, phát triển rất tốt, sau 2 năm cho thu hoạch. Trung bình mỗi gốc cho 15 quả, quả rất to có trọng lượng khoảng 3 kg… Khi gấc chín, đơn vị thu mua không thấy đâu. Gia đình đem ra chợ bán thì không ai mua, đem đi cho cũng không xuể. Gấc được cho gà ăn, rụng thối đầy vườn. Hiện nay gia đình đã nhổ hết để trồng keo, chỉ giữ lại 2 gốc để lấy quả dùng”.

Không có đầu ra khiến nhiều mô hình lay lắt, chết yểu. Chưa hết, còn đó câu chuyện buồn khác: Mô hình áp dụng ở những nơi khác, hộ gia đình thì thành công mà áp dụng vào một số cụm dân cư, hộ gia đình lại chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Đơn cử với 2 hộ gia đình chưa thể thoát nghèo ở HTX Mây tre đan bản Diềm là hộ ông Vi Văn Duyên và hộ bà Vi Thị Thấm. Yếu tố ngăn cản gia đình ông Duyên thoát nghèo đó là 2 ông bà đều đã già yếu, sức khỏe kém, không thể làm được nhiều sản phẩm cho HTX. Còn bà Vi Thị Thấm năm nay 64 tuổi, bị đau khớp, không đan lát được nhiều. Bà ở với con trai, song gia đình con cũng rất khó khăn khi ruộng vườn ít, không có nghề, lại thêm 1 đứa cháu đang tuổi học, 1 đứa cháu khác bị bệnh nan y đã nhiều lần phải phẫu thuật song chưa hồi phục sức khỏe. Gia đình bà Thấm đã được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, cho 1 con bò song vẫn chưa thể thoát nghèo. Bà Thấm bày tỏ: “Mong được hỗ trợ thêm một ít gà, vịt giống để chăn nuôi. Mây tre đan muốn làm lắm nhưng giờ tay đau, mắt mờ nên cũng dần không làm được nữa”.

Là xóm từng được các cấp, ngành, các đơn vị hỗ trợ nhiều bò, lợn, gà để phát triển chăn nuôi, song đến nay bản Châu Sơn, xã Châu Khê vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Bản có 222 hộ thì có tới 154 hộ nghèo. Ông La Văn Biển, 67 tuổi, ở bản Châu Sơn kể: “Gia đình trước được hộ trợ 1 con bò nhưng rồi bò mắc dịch bệnh nên chết. Nhiều nhà khác trong bản cũng được hỗ trợ bò, lợn, gà song do không biết cách phòng bệnh nên chết dần, chết mòn cả. Nhìn chung, dân bản chưa thể thoát nghèo là do dân trí thấp, thiếu kiến thức, kỹ thuật sản xuất chăn nuôi. Mong rằng, sau này có hỗ trợ thêm thì các cấp, ngành tập huấn thêm cho bà con nhiều vào”. Gia đình người đàn ông dân tộc Đan Lai này vẫn đang là hộ nghèo. Càng buồn hơn khi biết rằng mới đây gia đình ông đã sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế 30 triệu đồng, cộng thêm 25 triệu đồng được huyện hỗ trợ sửa nhà để làm nhà cho to đẹp, thay vì đầu tư sản xuất, nuôi trồng.