Xã biên giới Na Ngoi (Kỳ Sơn) có 19 thôn, bản nằm rải rác dưới chân núi Puxailaileng, điều dễ nhận thấy khi đến đây là khung cảnh khá vắng lặng, một số nhà cửa đóng then cài. “Số ít đi làm rẫy, còn phần lớn đi làm ăn xa, có gia đình đi cả nhà, ở bản chỉ toàn người già và trẻ con. Từ đầu năm đến nay, bản đã phải kiện toàn Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân và thay Phó trưởng bản do một số nhân sự đi làm ăn xa” – Bí thư Chi bộ bản Pù Khả 1 Vừ Bá Tổng cho hay.
Tìm hiểu được biết, không riêng gì ở bản Pù Khả 1 mà tại nhiều thôn bản ở xã Na Ngoi đều có hiện tượng đội ngũ cán bộ bản xin nghỉ để đi làm ăn xa. Như bản Kèo Bắc, năm 2022, Bí thư Chi bộ Lầu Giống Mạ xin nghỉ nên phải bố trí Trưởng bản lên làm Bí thư Chi bộ, rồi đưa Phó trưởng bản lên làm Trưởng bản. Sau đó Bí thư Chi bộ mới lên là Mùa Xìa Phó cũng đi làm ăn xa 2-3 tháng mới quay về. Còn tại bản Pù Quặc 1, năm 2023, Bí thư Chi bộ Mùa Bá Dênh cũng xin nghỉ đi làm ăn xa, nên xã phải thực hiện phương án tương tự ở bản Kèo Bắc là bố trí Trưởng bản làm Bí thư Chi bộ, đưa Phó trưởng bản lên làm Trưởng bản.
Theo lãnh đạo xã Na Ngoi, không chỉ cán bộ thôn bản mà có cả cán bộ cấp xã như Già Bá Chớ – Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cũng xin nghỉ vì áp lực mưu sinh. “Đi làm công ty còn được 10-15 triệu đồng/tháng, chứ ở nhà phụ cấp chỉ 1 triệu đồng/tháng, không nuôi nổi vợ con nên mình phải đi thôi”- Già Bá Chớ lý giải.
Tại xã Huồi Tụ – nơi có 4 dân tộc Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 97%, ở một số thôn bản cũng đang gặp khó khăn trong công tác cán bộ. Đơn cử năm 2022, hai bản Huồi Mũ và Huồi Ức đều có Bí thư Chi bộ đi làm ăn xa phải kiện toàn, còn tại bản Huồi Thăng, Phó trưởng bản và công an viên đều đi làm ăn xa đến nay chưa được kiện toàn. Theo lãnh đạo xã Huồi Tụ: đầu năm 2023, Phó Bí thư Đoàn xã là Vừ Bá Xở, SN 1987 cũng xin nghỉ đi làm công ty cao su, tiếp đó đến tháng 6/2023 Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Vừ Bá Chày cũng xin nghỉ. “Họ đều là người có năng lực, nhưng đành chấp thuận cho họ nghỉ để ổn định cuộc sống…”, ông Mùa Bá Giờ – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ nói.
Thực trạng tương tự còn xảy ra ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Kỳ Sơn như ở xã Mường Lống tính đến cuối tháng 4/2023 có 8 cán bộ UBND xã, bản xin nghỉ việc gồm: 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, 1 Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, 1 cán bộ thú y xã, 2 Trưởng ban công tác Mặt trận (bản Tham Pạng và bản Huồi Khun) và 3 trưởng bản (Huồi Khun, Thà Lạng, Tham Hang). Trong số 8 người xin nghỉ việc có 5 người đã vào miền Nam tìm việc làm.
Tại xã Bảo Thắng, năm 2023 có 4 cán bộ bản nộp đơn xin nghỉ việc. Trong đó có anh Xeo Văn Tân – Bí thư Chi bộ bản Cha Ca 1. Anh Tân cho biết, vợ anh sức khoẻ yếu, cộng với việc nuôi 3 đứa con nên gánh nặng kinh tế dồn lên vai anh. Công việc ở bản thường không cố định, họp hành nhiều nên không có thời gian lo cho con cái, gia đình. Vì vậy anh xin nghỉ để đi tìm việc làm kiếm thêm thu nhập mới có thể nuôi sống gia đình. Ngoài anh Tân còn có anh Moong Văn Mai – Trưởng bản Cha Ca 2 cũng nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 2/2023 với lý do tương tự.
Trước đây, xã Bảo Thắng đang nằm trong danh sách các xã trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, Trưởng bản như anh Moong Văn Mai được hưởng hệ số phụ cấp 1,75 so với mức lương cơ sở (khoảng 2,6 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, sau khi xã được công nhận là đã chuyển hoá thành công, không còn là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thì theo quy định tại Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND tỉnh, mức phụ cấp cho bí thư chi bộ, trưởng bản có hệ số 1,1 so với mức lương cơ sở; Trưởng ban công tác Mặt trận điều chỉnh giảm từ 1,5 xuống 0,8 so với mức lương cơ sở. Đồng nghĩa với việc số tiền phụ cấp anh Mai được hưởng mỗi tháng giảm còn khoảng 1,6 triệu đồng. Sau khi UBND xã thông báo về chế độ phụ cấp này được thực hiện từ tháng 1/2023, thì sang tháng 2/2023 anh Moong Văn Mai nộp đơn xin nghỉ làm trưởng bản để đi vào miền Nam tìm việc làm.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) Vừ Rả Tênh cho hay “Giờ tìm người có uy tín, năng lực để gắn bó lâu dài với việc dân, việc bản không phải dễ. Trước nhu cầu cấp bách về kinh tế gia đình, thì việc phải kiện toàn cán bộ hàng năm là không thể tránh khỏi. Năm 2022, xã Tây Sơn có Trưởng bản Lữ Thành – ông Mùa Bá Chơ và Trưởng bản Đồng Dưới – ông Hạ Bá Bỳ đi làm ăn xa nên phải kiện toàn. Ngay ở cấp xã có Phó Chủ tịch Mặt trận đi làm ăn xa từ năm 2021 đến năm 2023 mới kiện toàn, Phó Chỉ huy Quân sự xã đi từ tháng 3 đến nay chưa kiện toàn”…
Thực trạng cán bộ xin nghỉ không chỉ diễn ra ở các huyện miền núi mà còn xảy ra tại các huyện đồng bằng. Đơn cử như tại xã Nghi Quang (Nghi Lộc) – địa bàn đặc thù với dân số khoảng 6.900 người, phân bố trong 7 xóm trong đó có 3 xóm giáo. Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thân: Lao động trẻ ở xã Nghi Quang chủ yếu đi xuất khẩu lao động ở các nước châu Âu (khoảng 1.000 người), nên thiếu hụt nguồn cán bộ bán chuyên trách, đặc biệt là chi đoàn thanh niên ở các xóm phải bổ sung, kiện toàn thường xuyên, có những chi đoàn mỗi năm phải thay 3-4 bí thư, chủ yếu là cơ cấu lực lượng học sinh. Ngay cả Thường vụ Đoàn xã là anh Hoàng Bá Cảnh, SN 1990, một cán bộ trẻ có năng lực cũng xin nghỉ đột ngột để đi xuất khẩu lao động. Trong năm 2022-2023, ngoài một bí thư chi đoàn còn có một số chi hội trưởng hội phụ nữ, thôn đội trưởng xin nghỉ phải kiện toàn…
Bí thư Chi bộ xóm Bắc Sơn 2 kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Quang – Chu Văn Toán, SN 1979, cho hay: Xóm Bắc Sơn 2 có 142 hộ, 585 khẩu, hầu như nhà nào cũng có người đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh, nên việc bổ sung, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị của xóm và công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn. Chi bộ xóm hiện có 11 đảng viên, đã 6 -7 năm nay chưa kết nạp được thêm đảng viên mới. Năm 2022 đã bồi dưỡng được 1 quần chúng ưu tú là anh Nguyễn Đình Duẫn – Bí thư Chi đoàn, chuẩn bị làm hồ sơ kết nạp đảng thì anh đã đi xuất khẩu lao động. Đến Bí thư Chi đoàn kế nhiệm là chị Nguyễn Thị Kiều Oanh cũng đi du học Hàn Quốc, nên xóm đã đưa Phó Bí thư chi đoàn lên làm Bí thư, nhưng cũng không dám chắc sẽ đảm bảo ổn định.
Chia sẻ về tình trạng cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ trẻ cũng như lực lượng lao động trẻ ngày càng có xu hướng thoát ly quê nhà đi tìm kiếm việc làm, nhiều cán bộ lãnh đạo xã cho rằng, ngoài khó khăn về kinh tế, áp lực công việc “trăm dâu đổ đầu cơ sở”, thì phụ cấp cho cán bộ thôn bản, các hội, đoàn thể hiện đang còn thấp, buộc họ phải xoay xở tìm việc khác để nuôi gia đình. Một số người trẻ có kinh tế khá hơn, thì năng lực lại hạn chế, hoặc họ không mặn mà với công tác xã hội, đoàn thể.
Lực lượng trẻ thoát ly khỏi địa phương, việc xóm, bản dồn lên vai những người lớn tuổi, trong khi sau sáp nhập, địa giới hành chính rộng, dân số đông, nhiều chương trình được triển khai xuống cơ sở như xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các dự án phát triển kinh tế – xã hội… khiến cán bộ thôn, xóm không khỏi áp lực. Họ vừa phải tuyên truyền, vừa phải trực tiếp vận động nhân dân đóng góp xây dựng phong trào, cũng như trực tiếp đi thu các khoản nghĩa vụ của người dân. Bên cạnh đó là hàng loạt việc không tên như chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm; hoà giải cơ sở, rà soát, bình xét hộ nghèo…
Bởi vậy như ở xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) năm 2023, trong cùng một xóm cả bí thư và xóm trưởng đều xin nghỉ vì áp lực, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động để họ tiếp tục công tác. Hay ở xóm Tân Lâm, xã Phú Sơn (Tân Kỳ), năm 2022, Bí thư Chi bộ Nguyễn Xuân Tuấn xin nghỉ đi xuất khẩu lao động vì hoàn cảnh khó khăn. Sau đó Đảng uỷ xã kiện toàn bổ sung ông Hà Đình Niệm, sinh năm 1962 lên làm Xóm trưởng kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận. Vốn có kinh nghiệm trước sáp nhập đã từng làm Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng, nhưng ông Niệm bày tỏ: “Làm người đứng đầu xóm nhỏ khác với xóm lớn. Xóm Tân Lâm sau sáp nhập có diện tích 1400ha đất tự nhiên, từ đầu xóm đến cuối xóm đi hơn 6km. Ở độ tuổi này tôi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng vì trong xóm người trẻ đi làm ăn xa nhiều, không có người gánh vác việc dân, việc xóm nên khi xã đến vận động tôi đã nhận lời”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Sơn – ông Nguyễn Bá Thanh, cho biết: “Việc tìm nguồn kế cận bổ sung cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ở một số nơi cứ xảy ra vòng luẩn quẩn là mỗi khi đến kỳ đại hội chi bộ hay đại hội của các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ cấp xã lại phải vận động, thuyết phục cán bộ thôn, xóm tiếp tục tham gia công tác và thường gắn với trách nhiệm đảng viên. Ngoài ra, việc các chi hội đoàn thể biến động nhất là Đoàn Thanh niên, còn gây khó khăn cho công tác tạo nguồn kết nạp đảng. Toàn Đảng bộ xã hiện có 213 đảng viên, thì có 28 đồng chí đang đi làm ăn xa, năm 2023 chỉ tiêu giao kết nạp 6 đảng viên nhưng mới kết nạp được 1 người”.
Hay như tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), nói về khó khăn trong công tác kiện toàn cán bộ thôn bản, đồng chí Vừ Bá Lỳ – Bí thư Đảng ủy xã nêu ví dụ tại bản Ka Dưới vì không tìm ra người đủ năng lực, uy tín ở trong nội bộ bản để đảm nhiệm vị trí Bí thư Chi bộ nên xã phải bố trí đồng chí Già Tồng Thù nguyên là Bí thư Chi bộ bản Buộc Mú 2, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã về làm Bí thư Chi bộ ở bản Ka Dưới để ổn định tình hình, yên dân, yên địa bàn.
Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, nếu mức phụ cấp cho cán bộ cấp thôn, bản không được cải thiện sẽ rất khó giữ chân được họ, nhất là những cán bộ trẻ, có trình độ.
Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An với hơn 1.000 cán bộ chủ chốt của 460 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, một số người đứng đầu các địa phương cơ sở cũng đã nêu vấn đề chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, khối, bản còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo cuộc sống tối thiểu; dẫn đến lực lượng trẻ, có trình độ, năng lực tham gia hoạt động ở khối, xóm không nhiều, chủ yếu là người lớn tuổi và cán bộ hưu trí, gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng đào tạo nguồn cán bộ và hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn xóm…